Số 22.2007 (327) ngày 08/06/2007

 CHÍNH PHỦ


Sửa đổi, bổ sung
quy định về xử phạt vi phạm lĩnh vực đo lường và chất lượng
(SMS: 500094)
- Ngày 04/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2005/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Theo đó, hành vi gian lận cân, đong hàng hóa trong thương mại bán lẻ gây thiệt hại cho khách hàng đến 100.000 đồng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Nếu gây thiệt hại lớn hơn 100.000 đồng, mức phạt sẽ từ 01 đến 05 triệu đồng…
Việc sử dụng phương tiện đo không có dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định có thể bị phạt từ 03 đến 06 triệu đồng…
Hành vi làm đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo (điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt các chi tiết, thiết bị của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo); Có sự gian lận trong việc sử dụng dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định (tháo, dỡ, gắn lại niêm chì, sửa chữa, tẩy xoá nội dung trong chứng chỉ kiểm định)…: phạt từ 13 đến 20 triệu đồng (quy định trước đây đối với loại hành vi này mức phạt là 05 đến 07 triệu đồng)…
Vi phạm quy định về đo lường đối với việc buôn bán hàng đóng gói sẵn theo định lượng khối lượng hoặc thể tích có các mức phạt sau: 100 đến 200.000 đồng; 200 đến 500.000 đồng; 01 đến 02 triệu đồng…
Phạt tiền từ 02 đến 04 triệu đồng đối với hành vi buôn bán sản phẩm, hàng hóa có mức chất lượng thực tế không đạt mức chất lượng mà nhà sản xuất đã công bố tiêu chuẩn chất lượng…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý hoạt động bay
(SMS: 500070)
- Theo Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ban hành ngày 04/6/2007, Chính phủ quy định: đường hàng không được sử dụng theo nguyên tắc: Đường hàng không quốc tế được sử dụng cho cả chuyến bay quốc tế và nội địa; còn đường hàng không nội địa chỉ được sử dụng cho chuyến bay nội địa. Khi có nhu cầu sử dụng thường xuyên đường hàng không nội địa cho các chuyến bay quốc tế  thì phải được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng thống nhất trình Thủ tướng quyết định...
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay cho các chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó. Cục Hàng không Việt Nam cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay cho các chuyến bay dân dụng tại Việt Nam. Tùy từng trường hợp cụ thể, người đề nghị cấp, sửa đổi phép bay phải nộp đơn trước từ 1 đến 30 ngày so với ngày dự kiến thực hiện chuyến bay.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu phải lập kế hoạch hoạt động bay dân dụng theo mùa, theo ngày và gửi cho Trung tâm quản lý điều hành bay Quốc gia. Trung tâm này sẽ tổng hợp kế hoạch hoạt động bay chung trong cả nước và triển khai đến các đơn vị quản lý vùng trời, quản lý bay; thực hiện quản lý, điều hành kế hoạch hoạt động bay chung trong cả nước…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng
(SMS: 500091)
- Theo Nghị định số 91/2007/NĐ-CP ban hành ngày 01/6/2007, Chính phủ quy định: áp dụng mức phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi: thực hiện chuyến bay mà không có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp; Bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay hoặc khu vực nguy hiểm khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc vi phạm quy định về quản lý khu vực cấp bay, khu vực hạn chế bay, khu vực nguy hiểm; Hạ cánh ở những nơi không được phép.
Hành vi cố ý làm hư hỏng trang thiết bị hàng không; gây hư hại, làm biến dạng, di chuyển vật đánh dấu, vật ngăn cách, vật ghi tín hiệu, vật bảo vệ tại cảng hàng không, sân bay… có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng (quy định cũ là từ 1 - 5 triệu đồng)…
Xây dựng cảng hàng không, sân bay không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, mức phạt từ 50 - 100 triệu đồng (trước đây từ 20 - 50 triệu đồng)…

Trường hợp hành khách bị chậm chuyến, hủy chuyến do lỗi của các hãng hàng không (vi phạm nguyên tắc kinh doanh hệ thống đặt giữ chỗ bằng máy tính) thì các hãng sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Đồng thời, nếu hãng hàng không không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho hành khách, hành lý, hàng hóa hoặc mua không đến giới hạn trách nhiệm quy định thì cũng bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng…

Hành vi xâm nhập trái phép vào tàu bay bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng; Đưa vũ khí, đạn dược, chất cháy, nổ, chất phóng xạ lên tàu bay và các khu vực hạn chế trái quy định bị phạt từ 20 - 50 triệu đồng…

Phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai có thể gây uy hiếp an toàn bay khi tàu bay đang bay. Trong trường hợp hành vi cung cấp thông tin sai có thể gây uy hiếp đến an toàn của tàu bay trên mặt đất, mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng…

Áp dụng mức phạt từ 200.000 đến 1.000.000 đồng đối với các hành vi: Thả diều, các vật thể bay ngoài cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến an toàn hoạt động bay; Vô ý làm hư hỏng các trang bị, thiết bị bảo đảm hoạt động bay; Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay, không tuân theo sự hướng dẫn của thành viên tổ bay khi tàu bay đang bay; Hành hung hoặc đe doạ cán bộ, công chức, nhân viên hàng không đang thực hiện nhiệm vụ tại cảng hàng không, sân bay và các khu vực hạn chế khác; Hành hung hoặc đe doạ hành khách; Sử dụng ma tuý, hút thuốc trong buồng vệ sinh hoặc những nơi có khả năng gây uy hiếp an toàn tàu bay…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đăng ký quyền xuất nhập khẩu
(SMS: 500069)
- Ngày 31/5/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2007/NĐ-CP quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.
Theo đó, điều kiện đăng ký quyền xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
thương nhân nước ngoài (TNNN) không bị tước quyền hoạt động thương mại hoặc đang chịu các hình phạt liên quan đến hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật nước ngoài và pháp luật của Việt Nam; không có tiền án, không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự đối với TNNN là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật đối với TNNN là tổ chức kinh tế…
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thương mại hoặc cơ quan được ủy quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, nhập khẩu cho TNNN. Nếu từ chối không cấp thì cũng trong thời gian 30 ngày phải thông báo cho TNNN bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, phải thông báo cho TNNN để bổ sung hoặc làm lại hồ sơ…
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, nhập khẩu, TNNN phải công bố công khai các nội dung được ghi trong Giấy chứng nhận của mình trong ba số liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên một trong các loại tờ báo viết phổ biến toàn quốc tại Việt Nam.
Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu tối đa là 5 năm. Trước ngày hết hạn Giấy chứng nhận 60 ngày làm việc, TNNN không có hiện diện tại Việt Nam có thể đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận nếu có đủ điều kiện…
Nghi định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
(SMS: 500033)
- Ngày 31/5/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công văn số 663/TTg-KTTH về việc kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản của các Ban Quản lý dự án sử dụng vốn Nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu: trước 30/9/2007, kiểm tra toàn bộ công tác quản lý, sử dụng tài sản của các Ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước thuộc phạm vi quản lý để xử lý theo các nguyên tắc sau: các Ban quản lý dự án thu hồi các tài sản hiện đang quản lý, sử dụng không đúng quy định (cho thuê, mượn,...); Tổ chức bán, thanh lý thu tiền nộp ngân sách nhà nước hoặc điều chuyển theo quy định của pháp luật, bao gồm cả tài sản của các dự án đã kết thúc hoặc tài sản của các dự án đang hoạt động nhưng không còn nhu cầu sử dụng…
Trường hợp có xảy ra sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản thì phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, trên cơ sở đó có hình thức kỷ luật hoặc đề xuất trình cấp có thẩm quyền (trường hợp vượt quá thẩm quyền) có hình thức kỷ luật nghiêm theo đúng quy định.
Đối với các dự án đã kết thúc nhưng không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý tài sản của dự án, Trưởng ban Quản lý dự án, Thủ trưởng cơ quan chủ quản của dự án phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại đối với các tài sản do chậm được xử lý.


Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần
(SMS: 500038)
- Theo Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 29/5/2007, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: những vùng có nguy cơ ảnh hưởng sóng thần phải có quy hoạch, kế hoạch trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển vững chắc đảm bảo phòng, chống bão và giảm tác động của sóng thần…
Phát tin động đất, cảnh báo sóng thần được thực hiện thông qua các kênh của Đài Tiếng nói Truyền hình Việt Nam, hệ thống thông tin nội bộ của các Bộ, ngành, các phương tiện thông tin đại chúng khác, kể cả việc sử dụng mạng viễn thông để nhắn tin cảnh báo.
Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý Địa cầu thì Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam có trách nhiệm dừng ngay chương trình đang phát để thực hiện việc phát tin động đất, cảnh báo sóng thần…
Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, chính quyền địa phương các cấp, các trạm báo động trực canh sóng thần, Đài phát thanh và truyền hình địa phương, Đài thông tin duyên hải và mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sử dụng mọi phương tiện, thiết bị thông tin hiện có để thông báo kịp thời tin trên đến cộng đồng trong khu vực bị ảnh hưởng để chủ động phòng, tránh…
UBND các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực…

Quyết định này có hiệu liực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG


Chính sách về đất đai đối với cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng
(SMS: 500097)
- Ngày 30/5/2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 05/2007/TT-BTNMT hướng dẫn các trường hợp được ưu đãi về sử dụng đất và việc quản lý đất đai đối với các cơ sở  giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục - thể thao, khoa học - công nghệ, môi trường, xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Theo đó, Nhà nước sẽ giao đất không thu tiền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để xây dựng cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng không nhằm mục đích kinh doanh Nhà nước cho tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thuê đất và được ưu đãi về sử dụng đất để xây dựng cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng không nhằm mục đích kinh doanh…
Thời hạn giao đất để xây dựng cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng không nhằm mục đích kinh doanh là ổn định lâu dài và được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư…
Người đang sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang xây dựng cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng được ưu đãi về sử dụng đất đối với phần nghĩa vụ tài chính phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng đất...
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, thuê hoặc thuê lại quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng...
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thuê hoặc thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng...

Thông tư này có hiệu lực 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Tiêu chuẩn xây dựng công sở
(SMS: 500096)
- Ngày 28/5/2007, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 21/2007/QĐ-BXD về việc ban hành Quy định các yêu cầu về tiêu chuẩn xây dựng công sở các cơ quan hành chính nhà nước.
Theo đó, việc thiết kế công sở phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Đảm bảo tính hợp lý về dây chuyền hoạt động của cơ quan, thuận lợi cho các hoạt động đối nội và đối ngoại; Hệ thống kỹ thuật hiện đại, đạt tiêu chuẩn tiên tiến, đáp ứng yêu cầu khai thác công nghệ thông tin; Đảm bảo các yêu cầu sử dụng, mỹ quan, bền vững, an toàn, tiện nghi, tiết kiệm phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hoá của khu vực, phù hợp với tính trang nghiêm, hiện đại của công sở…
Về quy hoạch tổng mặt bằng: quy hoạch tổng mặt bằng tạo được không gian kiến trúc hiện đại cho công sở; đảm bảo mật độ xây dựng hợp lý cho từng cấp công sở; đảm bảo mật độ cây xanh tối thiểu 30%. Khuyến khích xây dựng công sở nhiều tầng đặc biệt là công sở tại đô thị loại 3 trở lên để tiết kiệm đất, giảm mật độ xây dựng và tạo sự bề thế, trang nghiêm, hiện đại cho công sở; Có khoảng lùi hợp lý với các công trình kề bên; đảm bảo không gian và các hoạt động của cơ quan, đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng, khoảng cách ly vệ sinh, thông gió tự nhiên, chống ồn, giao thông…
Công sở các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, cấp huyện được xây dựng liên cơ theo khối quản lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quy định về ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh
(SMS: 500124)
- Ngày 05/6/2007, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2007/TT-NHNN hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 22/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, điều kiện để thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài phải có tổng tài sản có ít nhất là tương đương 10 tỷ USD vào cuối năm tài chính trước năm xin cấp giấy phép…

Các ngân hàng Việt Nam tham gia góp vốn thành lập ngân hàng liên doanh hoặc các tổ chức nước ngoài không phải là ngân hàng nước ngoài tham gia góp vốn thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài phải là các ngân hàng, tổ chức có uy tín, có năng lực tài chính, hoạt động lành mạnh, kinh doanh hiệu quả, có lãi theo các nguyên tắc: Có thời gian hoạt động tối thiểu là 5 năm; Có tổng tài sản tối thiểu 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 2% tổng dư nợ, không vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng vào năm trước năm xin cấp giấy phép cho đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước xem xét hồ sơ xin cấp giấy phép; Kinh doanh có lãi trong ba 03 năm liên tiếp trước năm xin cấp giấy phép…
Ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc Ngân hàng mẹ (đối với trường hợp Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài) phải đảm bảo góp đủ số vốn điều lệ, vốn được cấp thiếu hụt so với vốn pháp định trong vòng 06 tháng kể từ ngày giá trị thực có của vốn điều lệ, vốn được cấp bị giảm thấp hơn mức vốn pháp định.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện phong toản vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong các trường hợp sau: Giá trị thực có của vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị giảm thấp hơn vốn pháp định quá thời gian 6 tháng; Ngân hàng mẹ có dấu hiệu mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán; hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, hoặc có yêu cầu phải giải thể, thanh lý, phá sản, hoặc bị rút giấy phép thành lập và hoạt động; Ngân hàng mẹ không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh hoạt động tại Việt Nam và đối với Ngân hàng Nhà nước…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.