Số 21.2010 (479) ngày 01/06/2010

CHÍNH PHỦ

Phê duyệt quy hoạch khu bảo tồn biển đến năm 2020 (SMS: 742/QD-TTg) - Ngày 26/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 742/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng hệ thống khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học, góp phần phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển. Cụ thể, mục tiêu của giai đoạn 2010 - 2015 là thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển (Đảo Trần, Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Hải Vân - Sơn Chà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Nam Yết, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Phú Quý, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc); đến năm 2015 có ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển và khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt; giai đoạn 2016 - 2020 mục tiêu là nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển; điều tra, khảo sát, thiết lập và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển mới. Một trong những quan điểm thực hiện Quy hoạch này là từng bước đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, đồng thời khuyến khích sự tham gia quản lý của cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo để quản lý có hiệu quả, bền vững các khu bảo tồn biển.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến là 460 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến là 300 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương 185 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương 90 tỷ đồng, vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ là 25 tỷ đồng. Vốn đầu tư cho giai đoạn 2016 - 2020 dự tính khoảng 160 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương 145 tỷ đồng, vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ là 15 tỷ đồng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Thủ tục bắt giữ tàu biển (SMS: 57/2010/ND-CP) - Ngày 25/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển. Nghị định này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc bắt giữ tàu biển theo quyết định của tòa án để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự, theo ủy thác tư pháp của tòa án nước ngoài và quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ; việc xử lý tàu biển trong trường hợp chủ tàu bỏ tàu và bán đấu giá tàu biển đang bị bắt giữ.
Theo Nghị định này, giám đốc cảng vụ là người thực hiện hoặc có thể ủy quyền cho cấp phó hoặc trưởng, phó đại diện cảng vụ thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển, quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ. Chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển được thanh toán theo nguyên tắc: chủ tàu có trách nhiệm thanh toán nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là đúng; người yêu cầu bắt giữ tàu biển có trách nhiệm thanh toán nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển là không đúng; thanh toán từ tiền bán đấu giá tàu trong trường hợp chủ tàu bỏ tàu; ngân sách nhà nước thanh toán trong trường hợp truy đuổi tàu biển mà không truy đuổi được và yêu cầu bắt giữ tàu biển là đúng. Trong thời gian tàu biển bị bắt giữ, chủ tàu, người khai thác tàu có trách nhiệm cung cấp kinh phí bảo đảm duy trì hoạt động của tàu biển bị bắt giữ. Trường hợp chủ tàu, người khai thác tàu không cung cấp hoặc không còn khả năng cung cấp kinh phí duy trì hoạt động của tàu thì thuyền trưởng, đại lý của chủ tàu có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết bảo đảm duy trì hoạt động của tàu biển bị bắt giữ. Trường hợp các cá nhân, tổ chức trên không còn khả năng cung cấp tài chính duy trì hoạt động của tàu thì cảng vụ thực hiện việc bắt giữ tàu biển có trách nhiệm cung cấp tài chính bảo đảm duy trì hoạt động cần thiết của tàu biển. Tiền thu được từ việc bán đấu giá tàu biển được chi trả cho các loại phí, lệ phí, chi phí thực hiện bắt giữ tàu biển và các khoản nợ và phải được thực hiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thu được tiền bán đấu giá tàu biển.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/07/2010.
Chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp (SMS: 56/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú. Theo đó bổ sung quy định mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống; chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật; đối với chỗ ở do thuê, mượn, cho ở nhờ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 05m2 sàn/01 người. Không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ mới thuộc một trong các trường hợp: chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật. Điều kiện để công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là: có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc Trung ương và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó một năm trở lên; nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2010.
Chậm phát thư, bưu phẩm bị phạt tiền đến 3 triệu đồng (SMS: 55/2010/ND-CP) - Ngày 24/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện. Theo Nghị định này thì phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với hành vi chậm phát thư, bưu phẩm, bưu kiện, kiện, gói hàng hóa đến người sử dụng dịch vụ. Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi kiểm tra, khám xét, thu giữ trái pháp luật túi, gói thư, bưu phẩm, bưu kiện, kiện, gói hàng hóa. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng đối với hành vi kê khai phiếu gửi không đúng với nội dung bưu phẩm, bưu kiện, kiện, gói hàng hóa; làm hư hỏng thư, bưu phẩm, bưu kiện, kiện, gói hàng hóa của người sử dụng dịch vụ. Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 01 triệu đồng đối với hành vi gửi tiền Việt Nam, giấy tờ có giá với giá trị bằng tiền Việt Nam hoặc ngoại hối, giấy tờ có giá với giá trị bằng tiền nước ngoài trong thư, bưu phẩm, bưu kiện, kiện, gói hàng hóa trong nước hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cũng theo Nghị định này, các hành vi: không niêm yết giờ mở cửa phục vụ tại các bưu cục giao dịch, điểm phục vụ; không treo biển hiệu tại bưu cục giao dịch, điểm phục vụ, trụ sở chính của doanh nghiệp, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện; không mở cửa hoặc mở cửa bưu cục giao dịch, điểm phục vụ không đúng thời gian niêm yết; không mở thùng thư công cộng theo số lần và thời gian đã niêm yết sẽ bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng. Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với một trong các hành vi: sử dụng phương tiện vận tải chuyên ngành bưu chính để vận chuyển hàng hóa, chở người trái quy định hoặc sử dụng thiết bị bưu chính, các bưu cục, điểm phục vụ không đúng mục đích; sử dụng màu sắc và biểu trưng trên phương tiện vận tải chuyên ngành bưu chính, thùng thư công cộng không đúng với mẫu đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không thực hiện đúng quy định về mã bưu chính của Bộ Thông tin và Truyền thông. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi mở, đóng các bưu cục giao dịch, bưu cục cửa khẩu biên giới không có quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2010.
Cơ sở điện ảnh được miễn lệ phí trước bạ (SMS: 54/2010/ND-CP) - Quy định này được nêu tại Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh tại Việt Nam.
Theo Nghị định này, vốn pháp định để kinh doanh sản xuất phim là 1 tỷ đồng. Cơ sở điện ảnh khi sản xuất phim được ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp xây dựng rạp chiếu phim để kinh doanh phổ biến phim hoặc xây dựng công trình điện ảnh khác được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Cơ sở điện ảnh được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị, khu dân cư phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim ở vị trí trung tâm và tỷ lệ xây dựng rạp phù hợp với quy mô phát triển dân số.
Nghị định quy định, tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam tại các rạp phải bảo đảm đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu, trong tỷ lệ đó phim truyện Việt Nam phải được chiếu vào khoảng thời gian từ 18h đến 22h hàng ngày. Giờ chiếu phim cho trẻ em dước 16 tuổi tại rạp kết thúc trước 22h. Tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim, trong tỷ lệ đó phim truyện Việt Nam phải được phát sóng vào khoảng thời gian từ 20h đến 22h hàng ngày. Thời lượng phát sóng phim dành cho trẻ em dưới 16 tuổi đạt ít nhất 5% so với tổng số thời lượng phát sóng phim; giờ phát sóng dành cho trẻ em dưới 16 tuổi kết thúc trước 22h hàng ngày.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/7/2010 và thay thế Nghị định số 96/2007/NĐ-CP ngày 06/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh.
Nâng cao chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam (SMS: 712/QD-TTg) - Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010. Theo Chương trình này thì giai đoạn 2010 - 2015 mục tiêu là xây dựng mới 4000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), đảm bảo đồng bộ các TCVN cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế; 45% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 100% các nhóm sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng mới 2000 TCVN, 60% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế; 60% doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.
Chương trình quốc gia này gồm 9 dự án: xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành công nghiệp; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành nông nghiệp; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành thông tin và truyền thông; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành xây dựng; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành y tế; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành giao thông vận tải; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương. Kinh phí thực hiện Chương trình được huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp là chủ yếu còn nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2010 - 2011 (SMS: 2091/QD-BGDDT) - Ngày 25/5/2010,  Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 2091/QĐ-BGDĐT ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2010 - 2011 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo Quyết định này thì kế hoạch thời gian năm học phải đảm bảo: có ít nhất 35 tuần thực học đối với cấp tiểu học, 37 tuần đối với cấp THCS và 32 tuần đối với giáo dục thường xuyên. Nghỉ Tết âm lịch đối với giáo viên là 7 ngày, thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép năm của giáo viên là 2 tháng, có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.
Cũng theo Quyết định này thì khung kế hoạch thời gian năm học 2010 - 2011 áp dụng chung cho toàn quốc như sau: tựu trường sớm nhất vào ngày 01/8/2010, muộn nhất vào ngày 28/8/2010; tổ chức khai giảng sau khi tựu trường; kết thúc học kỳ II muộn nhất vào ngày 25/5/2011; kết thúc năm học muộn nhất vào ngày 31/5/2011; thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT vào ngày 11/01/2011; thi tốt nghiệp THPT vào các ngày 02, 03, 04/6/2011; thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 được tổ chức theo 3 đợt: đợt 1 vào các ngày 03, 04, 05/7/2011, đợt 2 vào các ngày 08, 09, 10/7/2011, đợt 3 vào các ngày 14, 15, 16/7/2011; tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2011 - 2012 hoàn thành trước ngày 31/7/2011.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
 
 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Mẫu hồ sơ yêu cầu chào hành cạnh tranh (SMS: 11/2010/TT-BKH) - Ngày 27/5/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 11/2010/TT-BKH quy định chi tiết về chào hàng cạnh tranh. Thông tư này áp dụng đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa có giá gói thầu dưới 02 tỷ đồng, là loại hàng hóa thông dụng (có nhiều người sử dụng và có nguồn cung cấp bảo đảm, ổn định), sẵn có trên thị trường, có đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng. Có 02 mẫu hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh được ban hành kèm theo Thông tư này là mẫu hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh áp dụng đối với gói thầu có giá gói thầu từ 500 triệu đồng đến dưới 02 tỷ đồng và mẫu hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh rút gọn áp dụng đối với gói thầu có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng. Trong các mẫu này, những chữ in nghiêng là nội dung mang tính hướng dẫn, minh họa và sẽ được người sử dụng cụ thể hóa căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu. Trường hợp sửa đổi, bổ sung vào phần in đứng trong các mẫu này thì tổ chức, cá nhân lập hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh phải giải trình bằng văn bản và đảm bảo không trái với các quy định của pháp luật về đấu thầu; chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung sửa đổi, bổ sung.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2010.

 
 

LIEN BO

Hướng dẫn thực hiện Quy chế chuyên gia nước ngoài (SMS: 12/2010/TTLT-BKHDT-BTC) - Ngày 28/5/2010, liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính có Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BKHĐT-BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Quy chế Chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA ban hành kèm theo Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày 01/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư này áp dụng đối với các chuyên gia nước ngoài được quy định tại khoản 5 Điều 3 của Quy chế nói trên và chỉ áp dụng đối với các chuyên gia mà hợp đồng của họ có hiệu lực từ ngày 20/11/2009. Thông tư bao gồm các quy định về xác nhận và quản lý chuyên gia; thủ tục, hồ sơ miễn thuế thu nhập cá nhân và thời hạn giải quyết của cơ quan thuế; thủ tục hải quan...Cụ thể, trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi hợp đồng chuyên gia có hiệu lực, chủ dự án gửi cơ quan chủ quản công văn đề nghị xác nhận chuyên gia kèm theo hồ sơ; trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của chủ dự án, cơ quan chủ quản xác nhận chuyên gia theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.
Tùy từng trường hợp chuyên gia ký hợp đồng với chủ dự án hay với nhà thầu mà chủ dự án hoặc nhà thầu gửi hồ sơ đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia đến cơ quan thuế địa phương nơi đặt trụ sở của mình. Hồ sơ bao gồm: công văn đề nghị của chủ dự án hoặc của nhà thầu đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia; xác nhận của cơ quan chủ quản về việc chuyên gia đáp ứng đủ điều kiện về ưu đãi và miễn trừ; các tài liệu liên quan đến thu nhập được miễn thuế của chuyên gia (hợp đồng, chứng từ chi trả thu nhập,…). Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thuế xác nhận miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Thông tư: số 02/2000/TT-BKH ngày 12/01/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 52/2000/TT-BTC ngày 05/6/2000 của Bộ Tài chính và Thông tư số 01/2001/TT-TCHQ ngày 09/02/2001 của Tổng cục Hải quan.