Số 21.2009 (428) ngày 02/06/2009

 CHÍNH PHỦ


Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW (SMS: 533864) - Ngày 28/5/2009, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 22/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 02/02/2009) về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 10 của Đảng.
Chương trình hành động này đưa ra một loạt các giải pháp nhằm thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu trong 05 lĩnh vực: kinh tế; giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và văn hóa, y tế, xã hội; bảo vệ tài nguyên môi trường; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng bộ máy quản lý nhà nước, phát huy dân chủ xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về lĩnh vực kinh tế, Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ: Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp chính sách nhằm cải thiện môi trường, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh phát triển, tiếp tục thực hiện cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan, đơn giản hơn nữa các thủ tục hành chính, công khai mọi quy trình, thủ tục hành chính.
Cũng theo Chương trình hành động này, việc kích cầu đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư và kích cầu tiêu dùng được thực hiện trên cơ sở bố trí và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư kích cầu trong nước vào những lĩnh vực có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, đối tượng. Ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án phát triển các ngành, các vùng trọng điểm, các vùng đặc biệt khó khăn. Cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh. Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các luật có liên quan. Ban hành chính sách phù hợp để giải quyết vướng mắc kéo dài trong thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Một số nội dung nhằm thực hiện những nhiệm vụ của các lĩnh vực còn lại cũng đã được nêu rõ trong Chương trình hành động này của Chính phủ như việc tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo toàn diện; phát triển và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp luật về đất đai, cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường…
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (SMS: 533837) - Theo Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là cơ quan trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát chuyên ngành về ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; thực hiện phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định này, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có nhiệm vụ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định hoặc ban hành: kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ; các dự thảo thông tư về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ; hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động ngân hàng; hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ và các loại giấy phép hoạt động ngân hàng khác; việc cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ, tổ chức tín dụng (trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định); việc cấp, thu hồi giấy phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam và các loại giấy phép hoạt động ngân hàng khác theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước…
Ngoài ra, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng còn thực hiện chức năng thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, việc thực hiện các quy định trong giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ và giấy phép hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2009.

Chính phủ mở đợt cao điểm phòng, chống ma túy (SMS: 533874) - Ngày 28/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 816/TTg-KGVX gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu các cơ quan này chỉ đạo mở đợt cao điểm phòng, chống ma túy từ ngày 01/06/2009 đến ngày 31/08/2009. Cụ thể: Tổ chức đợt cao điểm tấn công trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm ma túy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy. Tập trung rà soát nắm chắc thực trạng người nghiện ma túy trên địa bàn, từ đó phân loại để tổ chức cai nghiện bằng các hình thức phù hợp. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi lợi dụng các loại hình dịch vụ trong các khách sạn, nhà hàng, vũ trường, quán bar-karaoke để tổ chức sử dụng các chất ma túy, nhất là lôi kéo thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu và sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp và nghiên cứu khoa học; tập trung kiểm tra, phát hiện chấn chỉnh xuất nhập khẩu và sử dụng tiền chất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở. Giao Bộ Công an theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai thực hiện, đề xuất khen thưởng những đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/09/2009.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Quỹ bảo hiểm xe cơ giới (SMS: 533871) - Đây là quỹ được quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán theo hướng dẫn tại Thông tư số 103/2009/TT-BTC ngày 25/5/2009 của Bộ Tài chính. Quỹ này được quản lý tập trung tại Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, có tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại và được sử dụng con dấu của Hiệp hội bảo hiểm Việt nam, chịu sự giám sát của Bộ Tài chính.
Theo hướng dẫn tại Thông tư nói trên, quỹ bảo hiểm xe cơ giới được hình thành từ các nguồn: đóng góp của doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; thu từ lãi tiền gửi; số dư quỹ năm trước được chuyển sang năm sau sử dụng và các khoản thu hợp pháp khác. Quỹ này được sử dụng để: chi đề phòng hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ; chi tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ; chi hỗ trợ nhân đạo; chi hỗ trợ khen thưởng thành tích cho lực lượng công an; chi xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới…
Thông tư quy định doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trích tối thiểu 2% doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hàng năm để đóng vào quỹ (mức đóng góp cụ thể hàng năm do Bộ Tài chính thông báo), bắt đầu từ năm tài chính 2009; đồng thời có trách nhiệm báo cáo đầy đủ doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho Bộ Tài chính, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới quy định tại Thông tư này thay thế Quỹ tuyên truyền và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Điều 2 Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC ngày 09/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu (SMS: 533916) - Ngày 29/5/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 108/2009/TT-BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu thuộc nhóm 2710 quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này.
Cụ thể, mặt hàng Nhiên liệu đốt khác (mã 2710.19.79.00) được giảm thuế suất từ 35% theo quy định trước xuống còn 30% theo quy định tại Thông tư mới.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng đối với các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 05/6/2009. Bãi bỏ Thông tư số 73/2009/TT-BTC ngày 13/4/2009 của Bộ Tài chính.

Tăng cường quản lý thanh toán vốn đầu tư năm 2009 (SMS: 533873) - Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý và đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư năm 2009, ngày 27/05/2009, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7507/BTC-ĐT gửi các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 hướng dẫn một số điểm về việc quản lý, thanh toán các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009.
Theo đó, đối với các dự án của các bộ, ngành trung ương có nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án đến hết tháng 6/2009 chủ đầu tư chưa đến giao dịch với kho bạc nhà nước và các dự án đến hết tháng 9/2009 chưa thanh toán vốn thuộc kế hoạch năm 2009 để bổ sung vốn cho các dự án cần thiết khác; đối với các dự án của địa phương, các sở tài chính báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện việc cắt giảm, tăng vốn theo thời hạn này cho phù hợp.
Cũng tại công văn này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo giải quyết các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm giải ngân hết số vốn được giao, đồng thời tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khâu thẩm tra phân bổ, kiểm soát thanh toán tạo điều kiện cho các dự án giải ngân nhanh hơn.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Quy trình cho vay có bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (SMS: 533841) - Ngày 28/05/2009, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 12/2009/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung trong cho vay có bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại (NHTM) ban hành theo Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo hướng dẫn tại Thông tư này, các ngân hàng thương mại căn cứ vào cơ chế điều hành lãi suất hiện hành, tình hình nguồn vốn, khả năng tài chính, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường trong từng thời kỳ, điều kiện thực tế của doanh nghiệp và chính sách khách hàng của mình để xem xét, quyết định mức lãi suất cho vay phù hợp, bảo đảm tính ưu đãi về lãi suất cho vay thực tế đối với doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp hạ thấp chi phí sản xuất, kinh doanh. Các khoản cho vay của NHTM được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh, nếu thuộc diện được hỗ trợ lãi suất thì thực hiện đúng theo quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư cũng hướng dẫn về quy trình và trách nhiệm của NHTM trong việc cho vay vốn. Cụ thể: chậm nhất sau 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp và văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, NHTM xem xét và ký hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn. Trường hợp từ chối ký hợp đồng tín dụng, NHTM phải có văn bản trả lời doanh nghiệp đồng gửi Ngân hàng Phát triển Việt Nam nêu rõ lý do từ chối. Sau khi ký hợp đồng tín dụng, NHTM thực hiện giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp khi đã nhận được hợp đồng bảo lãnh vay vốn (bản chính) ký kết giữa doanh nghiệp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và chứng thư bảo lãnh do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành có nội dung phù hợp với các nội dung trong hợp đồng tín dụng đã được ký với doanh nghiệp; trường hợp các văn bản này có những nội dung không phù hợp, NHTM có quyền đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, đối chiếu và chỉnh sửa cho phù hợp trước khi thực hiện giải ngân vay vốn. NHTM có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình vay vốn, sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay và hoàn trả nợ vốn vay của doanh nghiệp nhằm đảm bảo doanh nghiệp sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn và hiệu quả.
Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời trong sản xuất kinh doanh và có văn bản đề nghị NHTM điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ thì các NHTM căn cứ điều kiện thực tế và quy định của pháp luật hiện hành thực hiện việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo an toàn hiệu quả vốn vay và phù hợp với thời hạn bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với khoản vay.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/07/2009.

Sửa quy định về tiêu chuẩn giấy tờ cầm cố (SMS: 533848) - Ngày 27/05/2009, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2009/TT-NHNN, sửa đổi Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 03/2009/TT-NHNN ngày 02/03/2009 quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Theo đó, quy định về tiêu chuẩn giấy tờ có giá được cầm cố chỉ được phát hành bằng đồng Việt Nam (VND) tại Thông tư số 03/2009/TT-NHNN trước đây đã được bãi bỏ. Ngoài ra, các quy định khác về tiêu chuẩn giấy tờ có giá được cầm cố được nêu trong Thông tư số 03/2009/TT-NHNN vẫn được giữ nguyên, bao gồm: Được phép chuyển nhượng; Giấy tờ có giá thuộc sở hữu hợp pháp của ngân hàng xin vay; Có thời hạn còn lại tối thiểu bằng thời gian vay.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
 

 BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (SMS: 533920) - Ngày 01/06/2009, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 799/QLLĐNN-QLLĐ thông báo tới các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về việc triển khai thí điểm tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài trong khuôn khổ Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ trương thí điểm trong thời gian trước mắt là thực hiện chắc chắn, bảo đảm người lao động được tuyển chọn và được đi làm việc ở nước ngoài sớm nhất, có mức thu nhập và các điều kiện đảm bảo nhất để rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
Theo hướng dẫn tại công văn này, các hợp đồng được tổ chức triển khai thí điểm phải có các điều kiện sau: tuyển người lao động đi làm việc tại các thị trường phù hợp với khả năng và trình độ của người lao động thuộc huyện nghèo; có mức thu nhập và các điều kiện khác đối với người lao động ở mức trung bình khá trở lên; đã được thẩm định kỹ và được đánh giá là ổn định, ít có khả năng xảy ra rủi ro đối với người lao động.
Doanh nghiệp được tham gia triển khai thí điểm phải có hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài với ngành nghề yêu cầu phù hợp với trình độ văn hóa, tay nghề của người lao động, có mức chi phí hợp lý đối với người lao động; có kinh nghiệm trong việc tổ chức tuyển chọn, đào tạo, quản lý và giải quyết vụ việc phát sinh; có năng lực tài chính và có cam kết hỗ trợ về tài chính cho người lao động; có cơ sở đào tạo quy mô phù hợp với số lao động dự kiến tuyển để tập trung đào tạo người lao động; trong vòng 01 năm trở lại đây chưa bị xử lý hành chính về các vi phạm.
Các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện nêu trên có nhu cầu tham gia tuyển chọn lao động tại các huyện nghèo trong thời gian thí điểm cần gửi về Cục Quản lý lao động ngoài nước công văn đề nghị tham gia tuyển chọn, nêu cụ thể số lượng lao động cần tuyển theo từng hợp đồng, địa phương dự kiến tuyển chọn và gửi kèm theo các tài liệu: hợp đồng cung ứng lao động, phương án tổ chức đào tạo tay nghề, thông báo tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ cùng doanh nghiệp thẩm định kỹ các hợp đồng đăng ký tham gia và thông báo cho các địa phương có các huyện nghèo về từng hợp đồng của từng doanh nghiệp; cùng doanh nghiệp phối hợp với địa phương tiến hành triển khai thực hiện.