Quản lý khai thác tài nguyên (SMS: 19609) - Ngày 30/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 124/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Theo đó, nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư thăm dò, khai thác và chế biến quặng sắt, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên... Mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu quặng sắt cho các cơ sở luyện gang, công nghiệp xi măng, xuất khẩu một phần ở các mỏ không nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu cho các cơ sở luyện kim và để đổi đối lưu nhập khẩu than cốc và than mỡ (dự kiến năm 2006 là 1,5 triệu tấn; năm 2010: 9 triệu tấn; năm 2015: 15 triệu tấn và năm 2020: 16 triệu tấn)... Vốn đầu tư cho công tác thăm dò (khoảng 60 tỷ đồng), chủ yếu từ nguồn vốn của chủ đầu tư. Vốn đầu tư cho khai thác và tuyển quặng sắt (khoảng 6.900 tỷ đồng) do chủ đầu tư thu xếp từ các nguồn vốn tự có, vốn vay và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác... Xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, đất đai đối với dự án đầu tư khai thác quặng sắt làm nguyên liệu cho sản xuất phôi thép trong nước. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến quặng sắt theo quy hoạch phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Tạo nguồn vốn ngân sách và tín dụng nhà nước để hỗ trợ cho công tác thăm dò và đầu tư khai thác một số mỏ quặng sắt... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Phụ cấp ưu đãi (SMS: 19605) - Ngày 29/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 120/2006/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức quản lý thị trường. Theo đó, mức phụ cấp ưu đãi 25% áp dụng đối với Nhân viên kiểm soát thị trường (mã số ngạch: 21.217); Kiểm soát viên trung cấp thị trường (mã số ngạch: 21.190) và Kiểm soát viên thị trường (mã số ngạch: 21.189). Mức phụ cấp ưu đãi 20% áp dụng đối với Kiểm soát viên chính thị trường (mã số ngạch: 21.188). Mức phụ cấp ưu đãi 15% áp dụng đối với Kiểm soát viên cao cấp thị trường (mã số ngạch: 21.187). Mức phụ cấp ưu đãi được tính trên mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chính sách đối với người có công với cách mạng (SMS: 19594) - Ngày 26/5/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, những điều kiện, tiêu chuẩn và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ, gồm: người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước ngày tổng khởi nghĩa 19/8/1945; liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến; thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ và con của liệt sỹ đang hưởng trợ cấp hàng tháng; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học, hoặc bị bệnh, tật nặng từ nhỏ, khi hết thời hạn hưởng bảo hiểm y tế vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người phục vụ thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên an dưỡng tại gia đình nếu không phải là người thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì được cấp bảo hiểm y tế... Thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ chi phí... Học sinh là con của người có công với cách mạng khi học ở các trường thuộc cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông được miễn học phí; trợ cấp mỗi năm học một lần để hỗ trợ mua sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập. Học sinh, sinh viên là người có công với cách mạng và con của họ khi học từ một năm trở lên tại các cơ sở đào tạo, dạy nghề, các trường đại học, cao đẳng, dự bị đại học và trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú được miễn học phí, học sinh không thuộc diện hưởng lương được trợ cấp mỗi năm học một lần để hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập, trợ cấp hàng tháng... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập (SMS: 19593) - Theo Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ban hành ngày 25/5/2006, Chính phủ quy định: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dựng quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có, hoặc xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng để cho các cơ sở ngoài công lập thuê dài hạn với giá ưu đãi. Mức giá ưu đãi tối đa không bao gồm tiền thuê đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng và tiền lãi vay vốn xây dựng. Các cơ sở ngoài công lập được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng các công trình hoạt động theo các hình thức: Giao đất không thu tiền sử dụng đất; Giao đất miễn thu tiền sử dụng đất; Cho thuê đất và miễn tiền thuê đất. Các cơ sở ngoài công lập được ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao cho các cơ sở ngoài công lập nhằm khuyến khích cơ sở sử dụng chênh lệch thu chi (lãi thu được trong quá trình hoạt động) để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất hoặc hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ do cơ sở cung cấp. Cơ sở ngoài công lập trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em có các hoạt động: dạy học; dạy nghề; y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và kế hoạch hoá gia đình; biểu diễn ca, múa, nhạc dân tộc, nghệ thuật dân tộc, chiếu phim; sưu tầm, bảo tồn, phát triển, phổ biến văn hoá dân tộc; triển lãm và hoạt động thể dục thể thao, nghiên cứu triển khai, vệ sinh môi trường; chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, người tàn tật; cai nghiện ma tuý, được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động... Cơ sở ngoài công lập được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, vốn góp từ người lao động trong đơn vị, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chế độ họp trong cơ quan nhà nước (SMS: 19596) - Ngày 25/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ban hành Quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Theo đó, tổ chức cuộc họp chỉ tiến hành khi thực sự cần thiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác quan trọng. Không dùng cuộc họp để thay cho việc ra các quyết định quản lý, điều hành... Giấy mời họp phải được ghi rõ những nội dung sau: Người triệu tập và chủ trì; Thành phần tham dự; Người được triệu tập; người được mời tham dự; Nội dung cuộc họp; thời gian, địa điểm họp; Những yêu cầu đối với người được triệu tập hoặc được mời tham dự. Giấy mời họp phải được gửi trước ngày họp ít nhất là 3 ngày làm việc, kèm theo là tài liệu, văn bản, nội dung, yêu cầu và những gợi ý liên quan đến nội dung cuộc họp, trừ trường hợp các cuộc họp đột xuất... Thời gian tiến hành một cuộc họp thuộc các loại cuộc họp được quy định như sau: Họp tham mưu, tư vấn không quá một buổi làm việc; Họp chuyên môn từ một buổi làm việc đến 1 ngày, trường hợp đối với những đề án, dự án lớn, phức tạp thì có thể kéo dài thời gian hơn, nhưng cũng không quá 2 ngày; Họp tổng kết công tác năm không quá 1 ngày; Họp sơ kết, tổng kết chuyên đề từ 1 đến 2 ngày tùy theo tính chất và nội dung của chuyên đề; Họp tập huấn, triển khai nhiệm vụ công tác từ 1 đến 3 ngày tuỳ theo tính chất và nội dung vấn đề... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Quản lý nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu (SMS: 201632) - Ngày 25/5/2006, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TCHQ về việc ban hành Quy trình nghiệp vụ quản lý đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu. Theo đó, khi kiểm tra thực hàng hoá, Kiểm hoá viên phải đối chiếu mẫu nguyên vật liệu (lấy khi nhập khẩu do doanh nghiệp bảo quản và xuất trình) với nguyên vật liệu cấu thành trên sản phẩm thực tế xuất khẩu; đối chiếu thực tế sản phẩm xuất khẩu với bản định mức nguyên vật liệu đã đăng ký do doanh nghiệp xuất trình... Khi có nghi vấn nguyên vật liệu cấu thành trên sản phẩm xuất khẩu không đúng với nguyên vật liệu nhập khẩu hoặc sản phẩm xuất khẩu không đúng với bảng định mức do doanh nghiệp xuất trình thì lấy mẫu sản phẩm, lập biên bản, niêm phong mẫu sản phẩm theo đúng quy định để trình lãnh đạo Chi cục chỉ đạo xử lý... Trường hợp một sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên vật liệu nhập khẩu theo loại hình nhập kinh doanh và nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu (NSXXK) thì phần nguyên vật liệu nhập khẩu theo loại hình NSXXK thanh khoản theo loại hình này; phần nguyên vật liệu nhập khẩu theo loại hình nhập kinh doanh làm thủ tục hoàn thuế theo quy định đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước sau đó tìm được thị trường xuất khẩu và đưa nguyên vật liệu vào sản xuất hàng hoá xuất khẩu, đã thực xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài... Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2006.
Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tại chỗ (SMS: 201631) - Ngày 25/5/2006, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 928/QĐ-TCHQ về việc ban hành Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Theo đó, hàng hoá được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy trình này gồm: Hàng hoá do doanh nghiệp xuất khẩu sản xuất bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam (theo chỉ định của thương nhân nước ngoài) để làm nguyên liệu sản xuất hàng hoá xuất khẩu (kể cả làm nguyên liệu để gia công cho thương nhân nước ngoài); Hàng hoá được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng dẫn củạ Bộ Thương mại; Sản phẩm gia công được nhập khẩu tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất... Doanh nghiệp nộp hồ sơ hải quan và mẫu hàng hoá nhập khẩu tại chỗ (đối với hàng nhập khẩu tại chỗ làm nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu) cho Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu để đăng ký làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ theo quy định, phù hợp với từng loại hình (ví dụ: nếu hàng nhập khẩu tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu thì làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu; nếu hàng nhập khẩu tại chỗ để làm nguyên liệu gia công thì làm thủ tục theo loại hình gia công)... Quyết đinh này có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2006.
Thủ tục hải quan đối với hàng hoá chuyển cửa khẩu (SMS: 201630) - Ngày 25/5/2006, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 927/QĐ-TCHQ về việc ban hành Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu. Theo đó, khi kiểm tra tình trạng niêm phong hàng hoá (niêm phong hải quan, niêm phong hãng tàu) nếu phát hiện niêm phong hàng hoá không còn nguyên vẹn thì lập biên bản và thông báo cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu để phối hợp và có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu phát hiện lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan, Chi cục trưởng xem xét, quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hoá. Kết quả kiểm tra được thông báo bằng văn bản cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu biết... Trường hợp xin điều chỉnh lượng hàng hoá xuất khẩu đối với lô hàng được miễn kiểm tra thực tế: Người khai hải quan phải có văn bản gửi Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu và Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất trước khi đưa hàng vào cảng, nêu rõ lý do xin điều chỉnh và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xin điều chỉnh lượng hàng hóa. Nếu hàng đã vào cảng mà lãnh đạo Chi cục có thông tin và qua phân tích thông tin phát hiện lô hàng xuất khẩu được miễn kiểm tra thực tế có khả năng vi phạm pháp luật về hải quan, thì căn cứ thông tin có được, lãnh đạo Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa. Sau đó, thông báo bằng văn bản cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu biết việc xin điều chỉnh và kết quả kiểm tra lô hàng đó... Quyết đinh này có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2006.
|