Đầu tư khoa học và công nghệ (SMS: 200777 - Không gửi qua fax) - Ngày 27/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 117/2005/QĐ-TTg về việc ban hành Điều lệ mẫu Tổ chức và Hoạt động của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Quyết định này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nhu cầu và điều kiện cụ thể của Bộ, ngành, địa phương mình để thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, căn cứ Điều lệ mẫu để phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ. Quỹ có tư cách pháp nhân, con dấu, trụ sở, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại... Điều lệ mẫu quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy tổ chức và hoạt động của Quỹ. Theo đó, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là tổ chức do Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập, hoạt động vì mục đích bảo toàn vốn, bù đắp chi phí và không vì mục đích lợi nhuận nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Giám đốc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ, theo nhiệm kỳ 5 năm... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân (SMS: 200779 - Không gửi qua fax) - Ngày 26/5/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2001/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. Nghị định bổ sung nghĩa vụ của Quỹ tín dụng nhân dân như sau: đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cán bộ, nhân viên (hoặc người lao động) làm việc thường xuyên, có hưởng lương tại Quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm. Mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải được báo cáo thông qua Đại hội thành viên và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở của Quỹ tín dụng nhân dân (trước đây không có quy định này)... Mở rộng quy đinh về sáng lập viên trong việc thành lập và đăng ký kinh doanh: các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân và các đối tượng khác khởi xướng việc thành lập Quỹ tín dụng nhân dân và gia nhập Quỹ tín dụng nhân dân (quy định trước đây chỉ bao gồm những người khởi xướng việc thành lập)... Bổ sung vào Điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân một số nội dung sau: Nguyên tắc trả lương, phụ cấp và thù lao công vụ, xử lý các khoản lỗ, chia lãi theo vốn góp, theo công sức đóng góp của thành viên và theo mức độ sử dụng dịch vụ của Quỹ tín dụng nhân dân; trích lập, quản lý và sử dụng các quỹ của Quỹ tín dụng nhân dân; Thể thức quản lý, sử dụng, bảo toàn và xử lý phần tài sản chung, vốn tích luỹ của Quỹ tín dụng nhân dân khi Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động và khi Quỹ tín dụng nhân dân giải thể... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Hội nhập thương mại (SMS: 200776 - Không gửi qua fax) - Ngày 26/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Quy chế này quy định tổ chức, hoạt động và cơ chế phối hợp của mạng lưới cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là mạng lưới TBT Việt Nam) nhằm thực hiện đầy đủ và kịp thời các nghĩa vụ của Việt Nam về thông báo và hỏi đáp các vấn đề liên quan đến việc thực thi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức này. Trong đó theo yêu cầu của Hiệp định TBT, nghĩa vụ minh bạch hóa mà Việt Nam cam kết thực hiện bao gồm: Thông báo cho các nước thành viên thông qua Ban thư ký của WTO về những văn bản pháp quy kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp ở dạng dự thảo hoặc đã có hiệu lực do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam ban hành, có khả năng tạo ra những hàng rào kỹ thuật trong thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên của WTO; đồng thời, xử lý và có ý kiến về các thông báo nhận được của các nước thành viên nhằm đảm bảo các biện pháp kỹ thuật mà các nước đang áp dụng hoặc sẽ áp dụng không hạn chế thương mại của Việt Nam với các nước đó... Tiếp nhận và chuyển tải các câu hỏi hoặc câu trả lời của các nước cũng như các câu trả lời hoặc câu hỏi của Việt Nam đến các địa chỉ cần thiết, đáp ứng nhu cầu thông tin và minh bạch hóa của các nước thành viên WTO và Việt Nam về hàng rào kỹ thuật... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Phòng chống tệ nạn xã hội (SMS: 200778) - Theo Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ra ngày 25/5/2005 về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm ngừng cấp mới Giấy phép kinh doanh quán bar, karaoke, vũ trường trên phạm vi cả nước để các cấp, các ngành tiến hành rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở hiện có, nhằm tăng cường quản lý các loại hình dịch vụ này. Đối với Giấy phép kinh doanh đã hết hạn nhưng trước đó chủ kinh doanh đã có vi phạm, gây hậu quả xấu mà chưa bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh, Thủ tướng chỉ thị: Không được gia hạn hoặc đổi Giấy phép kinh doanh khác. Để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực dịch vụ văn hoá, bài trừ tệ nạn xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá Thông tin chủ trì và phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan hướng dẫn UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương hoàn thành quy hoạch các loại hình dịch vụ này trong năm 2005; tổ chức lực lượng điều tra, thanh tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các chủ kinh doanh vi phạm... Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan kiên quyết truy quét, ngăn chặn và triệt phá các tệ nạn xã hội trong hoạt động của quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường và các nghề kinh doanh nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội; tổng hợp kết quả báo cáo Chính phủ vào cuối quý IV năm 2005...
|
Phí thẩm định an ninh hàng hải (SMS: 200775) - Ngày 01/6/2005, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 33/2005/QĐ-BTC quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển, kế hoạch an ninh cảng biển, cấp sổ lý lịch tàu biển theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển. Quyết định này quy định các mức thu phí như sau: Thẩm định, phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển; Thẩm định, phê duyệt kế hoạch an ninh cảng biển và cấp giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển: 5.500.000 đồng/lần; Thẩm định cấp sổ lý lịch tàu biển: 500.000 đồng; Trường hợp thẩm định, phê duyệt lần 2, đánh giá lại, cấp lại sổ lý lịch tàu biển: 20% mức thu lần đầu... Cơ quan thu phí được trích 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định, phê duyệt và thu phí... Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bổ sung Quy chế thi tuyển cấp chứng chỉ kiểm toán (SMS: 200772) - Theo Quyết định số 32/2005/QĐ-BTC ban hành ngày 31/5/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế cấp, sử dụng và quản lý Thẻ thẩm định viên về giá ban hành kèm theo Quyết định số 21/2004/QĐ-BTC và Quy chế thi tuyển và cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kế toán ban hành kèm theo Quyết định số 59/2004/QĐ-BTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: miễn thi môn Tin học và môn Ngoại ngữ cho các đối tượng có Chứng chỉ kiểm toán viên và Thẻ thẩm định viên về giá hợp lệ... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Giảm thuế suất thuế nhập khẩu (SMS: 200774) - Ngày 31/5/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2005/NĐ-CP về việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng để thực hiện thoả thuận giữa Việt Nam và Thái Lan liên quan đến việc Việt Nam hoãn thực hiện Hiệp định CEPT của các nước ASEAN đối với một số mặt hàng phụ tùng, linh kiện xe máy và xe ô tô tải nhẹ nguyên chiếc. Theo đó, hàng hoá nhập khẩu để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT phải đáp ứng các điều kiện sau: được nhập khẩu và vận chuyển thẳng từ Vương quốc Thái Lan vào Việt Nam theo nguyên tắc vận tải trực tiếp; Thuộc các tờ khai hải quan hàng nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan từ ngày 01/4/2005 đến ngày 31/12/2007... Mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu thuộc diện hưởng thuế suất CEPT là thuế suất CEPT cho từng năm, tương ứng với cột thuế suất CEPT của năm đó, được quy định tại Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Ban hành Chế độ mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước (SMS: 200771 - Không gửi qua fax) - Theo Quyết định số 30/2005/QĐ-BTC ban hành ngày 26/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đối với tài khoản của các đơn vị, tổ chức thụ hưởng kinh phí Ngân sách Nhà nước, hồ sơ mở tài khoản gồm: Giấy đề nghị mở tài khoản; Bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký; Quyết định bổ nhiệm chức vụ của chủ tài khoản (thủ trưởng đơn vị), kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán); Tài khoản dự toán: giấy chứng nhận mã số đơn vị sử dụng ngân sách; Tài khoản cấp phát vốn chương trình mục tiêu: quyết định thành lập Ban quản lý dự án hoặc giao nhiệm vụ chủ đầu tư... Đối với tài khoản cá nhân, hồ sơ mở tài khoản gồm: Chứng minh thư (hoặc giấy giới thiệu của cơ quan nơi công tác); Giấy đề nghị mở tài khoản; Bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký. Đơn vị mở tài khoản phải đăng ký với cơ quan Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản chữ ký của chủ tài khoản (chữ ký thứ nhất) và người được uỷ quyền ký thay chủ tài khoản, chữ ký của kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tài vụ (chữ ký thứ hai) và người được uỷ quyền ký thay. Đối với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang không có kế toán trưởng thì không phải đăng ký chữ ký thứ hai. Thủ trưởng đơn vị không được uỷ quyền cho kế toán trưởng thay mình làm chủ tài khoản... Khi thay đổi người ký chữ ký thứ nhất hoặc người ký chữ ký thứ hai, thay đổi mẫu dấu, thay đổi tên đơn vị, thay đổi quyền sở hữu tài khoản đơn vị có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước phải lập lại bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký để thay thế bản đăng ký mẫu dẫu, chữ ký đã đăng ký với Kho bạc Nhà nước... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ (SMS: 200773) - Ngày 25/5/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2005/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng đối với các dự án cấp nước sạch sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Theo hướng dẫn, đối với các dự án cấp nước sạch cho các đô thị loại 5 thực hiện chế độ Ngân sách nhà nước cho vay lại bằng đồng Việt Nam toàn bộ vốn ODA không lãi suất (Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất và phí vay nước ngoài)... Đối với các dự án cấp nước sạch cho các đô thị từ loại 4 trở lên; các dự án cấp nước cho các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng nguồn vốn ODA (kể cả nguồn vay và viện trợ không hoàn lại) thực hiện chế độ Ngân sách cho vay lại đối với nguồn vốn ODA theo điều kiện cho vay lại như sau: thời gian cho vay lại: theo đề nghị của Chủ dự án nhưng không quá 25 năm, trong đó có 8 năm ân hạn, tính từ ngày ký Hiệp định vay; Các điều kiện về thời gian cho vay lại, thời gian ân hạn trên không phụ thuộc vào điều kiện cho vay gốc của nhà tài trợ nước ngoài; Lãi suất cho vay lại được áp dụng thống nhất cho mọi dự án theo mức 5%/năm... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|