Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (SMS: 201616) - Theo Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ban hành ngày 19/5/2006, Chính phủ quy định: Trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá tối thiểu là 100.000 đồng, các mệnh giá khác là bội số của 100.000 đồng. Các loại mệnh giá của trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định cho từng đợt phát hành... Trái phiếu doanh nghiệp được tự do chuyển nhượng, cho, tặng, để lại thừa kế hoặc sử dụng để chiết khấu, thế chấp, cầm cố trong các quan hệ tín dụng theo quy định hiện hành của pháp luật. Doanh nghiệp không được sử dụng trái phiếu do chính doanh nghiệp phát hành đế chiết khấu, thế chấp, cầm cố trong các quan hệ tín dụng... Doanh nghiệp phát hành trái phiếu khi có đủ các điều kiện sau: Có thời gian hoạt động tối thiểu là 01 năm kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động; Có báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán; Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm liền kề năm phát hành phải có lãi; Có phương án phát hành trái phiếu được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông qua... Đối với trái phiếu bổ sung vốn tự có do các tổ chức tín dụng thuộc sở hữu nhà nước và trái phiếu của các doanh nghiệp nhà nước (kể cả công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty TNHH nhà nước có từ hai thành viên trở lên trong thời gian chuyển đổi theo quy định), phương án phát hành trái phiếu phải được Bộ Tài chính chấp thuận... Tại thời điểm thực hiện chuyển đổi trái phiếu, giá cổ phiếu biến động vượt quá biên độ biến động giá cổ phiếu được công bố khi phát hành trái phiếu, chủ sở hữu doanh nghiệp có quyền điều chỉnh tỷ lệ chuyển đổi trái phiếu cho phù hợp... Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2006.
Xử phạt vi phạm về an toàn bức xạ (SMS: 201615) - Ngày 19/5/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2006/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ. Theo đó, phạt tiền từ 1,5 đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức có một trong các hành vi vi phạm quy định về khai báo cơ sở bức xạ, nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ, tiến hành công việc bức xạ... Hành vi sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong khám, chữa bệnh; để phân tích cấu trúc, thành phần hoá học của các vật liệu, kiểm tra chất lượng công trình, kiểm tra an ninh, kiểm tra đo lường, chất lượng hàng hoá; để thử nghiệm hoặc nghiên cứu khoa học... không có giấy phép có thể bị phạt từ 5 đến 15 triệu đồng... Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm xuất tái nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khẩu các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ; Sửa chữa, lắp ráp, thay thế nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ; Sản xuất sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng chứa chất phóng xạ... không có giấy phép có thể bị phạt từ 15 đến 25 triệu đồng... Phạt tiền từ 3 đến 8 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép: Tự ý nâng cấp, mở rộng phạm vi hoạt động của cơ sở bức xạ; Đưa cơ sở bức xạ hoạt động trở lại sau khi nâng cấp, cải tạo... Mưc phạt cao nhất đối với vi phạm trong lĩnh vực này là từ 50 đến 70 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi làm mất, thất lạc, rơi vãi nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ do thiếu trách nhiệm trong khi quản lý, sử dụng nhưng cố tình không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; để rơi vãi nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ trong quá trình vận chuyển ảnh hưởng đền sức khoẻ môi trường... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Đăng ký và mua, bán tàu biển (SMS: 201614) - Theo Nghị định số 49/2006/NĐ-CP ban hành ngày 18/5/2006, Chính phủ quy định: trường hợp đăng ký lần đầu tại Việt Nam, tàu biển đã qua sử dụng phải có tuổi tàu tính từ năm đóng tàu theo quy định sau: tàu khách không quá 10 tuổi; Các loại tàu biển khác không quá 15 tuổi. Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định, nhưng không quá 5 tuổi đối với mỗi loại tàu biển... Tên tàu biển do chủ tàu đặt nhưng không được trùng với tên tàu biển đã đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam. Trường hợp lấy tên nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử Việt Nam để đặt tên tàu biển, phải được cơ quan đăng ký tàu biển khu vực chấp thuận... Tàu biển Việt Nam được đăng ký thế chấp tại cơ quan đăng ký tàu biển khu vực mà tàu biển đó đăng ký. Hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam do chủ tàu hoặc người nhận thế chấp nộp cho cơ quan đăng ký tàu biển khu vực bao gồm các giấy tờ sau đây: Tờ khai đăng ký thế chấp tàu biển; Hợp đồng thế chấp tàu biển... Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực phải ghi vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam việc đăng ký thế chấp hoặc xoá đăng ký thế chấp ngay khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và trong vòng 03 ngày làm việc phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam hoặc giấy chứng nhận xoá đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam... Việc mua, bán tàu biển được sử dụng từ vốn nhà nước thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Tín dụng đối với học sinh, sinh viên (SMS: 201617) - Theo Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ban hành ngày 18/5/2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định: cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề để trang trải một phần chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền nộp học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, nghiên cứu; chi phí khác... Điều kiện để được vay vốn là: học sinh, sinh viên đang sinh sống trong Hộ gia đình có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú dài hạn tại địa phương nơi cho vay được theo học và đang theo học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề có thời gian đào tạo từ 01 năm trở lên... Lãi suất cho vay được áp dụng theo lãi suất cho vay hộ nghèo. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay... Đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Xử lý hàng hoá lưu tại cảng biển (SMS: 19550) - Ngày 16/5/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2006/NĐ-CP về xử lý hàng hoá do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam. Theo đó, hàng hoá bị lưu giữ khi người thuê vận chuyển hoặc người nhận hàng chưa thanh toán hết hoặc không đưa ra một bảo đảm cần thiết về thanh toán các khoản nợ. Người vận chuyển chỉ được lưu giữ số lượng hàng hoá có giá trị bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và chi phí... Người lưu giữ có quyền bán đấu giá hàng hoá bị lưu giữ sau 60 ngày, kể từ ngày tầu biển đến cảng trả hàng nếu những người có lợi ích liên quan không thanh toán đủ các khoản nợ hoặc không có bảo đảm cần thiết khác... Trong trường hợp hàng hoá thuộc loại mau hỏng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường, có ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng... thì có thể xử lý hàng hoá bị lưu giữ sớm hơn thời hạn quy định... Ngay sau khi thực hiện việc lưu giữ hàng hoá, người lưu giữ phải thông báo bằng văn bản cho người thuê vận chuyển hoặc người nhận hàng... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Bổ sung chi phí xây dựng công trình (SMS: 201619) - Ngày 22/5/2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 03/2006/TT-BXD hướng dẫn bổ sung một số nội dung của các Thông tư số 02/2005/TT-BXD; Thông tư số 04/2005/TT-BXD và Thông tư số 06/2005/TT-BXD. Theo đó, các trường hợp được điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng: khi người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư điều chỉnh dự án do thấy xuất hiện những yếu tố mới đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn cho dự án; Khi quy hoạch xây dựng đã được duyệt thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp đến dự án... Bổ sung định mức chi phí chung đối với dự án đầu tư xây dựng công trình như sau: Đối với công trình dân dụng: công trình tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa: 10%; Đối với công trình giao thông: Công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ, đường sắt: 12%; Công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên đường sông, hệ thống báo hiệu hàng hải: 20%; Chi phí chung của công tác thí nghiệm hiệu chỉnh điện đường dây và trạm biến áp; thí nghiệm vật liệu, cấu kiện và kết cấu xây dựng các công trình xây dựng được tính bằng 65% trên chi phí nhân công trong dự toán... Khi xây dựng giá ca máy và thiết bị thi công để lập đơn giá Khảo sát xây dựng thì không tính thành phần chi phí tiền lương thợ điều khiển trong giá ca máy vì đã được tính trong định mức nhân công khảo sát xây dựng; Khi lập đơn giá Thí nghiệm vật liệu, cấu kiện và kết cấu xây dựng không tính thành phần chi phí tiền lương thợ điều khiển, chi phí nhiên liệu, năng lượng trong giá ca máy vì các hao phí đã tính trong định mức nhân công và định mức vật liệu. Riêng định mức tiêu hao nhiên liệu, năng lượng của tầu công tác sông và xuồng cao tốc qui định tại bảng thông số này là định mức khi hành trình; Khi thao tác được tính bằng 65% định mức của loại thiết bị tương ứng... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
|
Nhập khẩu thuốc thành phẩm (SMS: 201618) - Ngày 19/5/2006, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 17/2006/QĐ-BYT về việc ban hành Quy định tạm thời việc nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký. Theo đó, Bộ Y tế xem xét cấp giấy phép nhập khẩu đối với các thuốc chưa có số đăng ký đáp ứng một trong các điều kiện sau: Thuốc chứa dược chất chưa có số đăng ký tại Việt Nam; Thuốc hiếm, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc có dạng bào chế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu điều trị; Thuốc có hợp đồng chuyển giao công nghệ, sản xuất nhượng quyền đã nộp hồ sơ đăng ký và đang trong thời gian chờ cấp số đăng ký; Thuốc nhập khẩu theo nhu cầu điều trị đặc thù của bệnh viện (phải có dự trù của bệnh viện theo mẫu quy định và cam kết của Giám đốc bệnh viện) chỉ được cung cấp cho bệnh viện theo đúng dự trù... Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về các hoạt động nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký trên địa bàn tỉnh, thành phố... Các thương nhân và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nhập khẩu thuốc vi phạm các quy định về nhập khẩu thuốc tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc Bộ Y tế xem xét ngừng cấp giấy phép nhập khẩu trong thời gian từ 06 tháng đến 01 năm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật có liên quan... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và có giá trị đến hết ngày 30/9/2006.
|
Xác định chi phí chịu thuế TNDN (SMS: 201613) - Ngày 19/5/2006, Tổng cục Thuế đã ra Công văn số 1766/TCT-ĐTNN về việc xác định một số khoản chi phí tính thuế thu nhập chịu thuế TNDN. Theo đó, những chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tính toàn bộ vào chi phí để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đủ hoá đơn chứng từ hợp pháp theo qui định: Chi phí nghiên cứu thị trường.Trường hợp doanh nghiệp thuê tư vấn thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường thì chi phí này được tính vào chi phí dịch vụ mua ngoài, thuê ngoài khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; Chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại (kể cả chi thông qua hoặc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, đại lý bán hàng): chi phí mở phòng hoặc gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí thuê không gian để trưng bày, giới thiệu sản phẩm... Chi phí mua hoặc sản xuất hàng hoá, dịch vụ cho, tặng kèm theo sản phẩm bán ra (theo qui chế bán hàng của doanh nghiệp) dưới các hình thức: sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, thẻ khách hàng; phiếu dự thi, xổ số. Giá trị hàng hoá, dịch vụ cho tặng nêu trên không được lớn hơn giá trị sản phẩm bán ra tính theo từng lần bán hàng...
Miễn, giảm thuế TNDN (SMS: 201612) - Theo Công văn số 1706/TCT-PCCS ra ngày 15/5/2006, Tổng cục Thuế hướng dẫn: cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu thuộc ngành nghề, lĩnh vực A, ngoài việc được miễn thuế, giảm thuế TNDN còn được ưu đãi thêm về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: được giảm 20% số thuế phải nộp cho phần thu nhập có được do xuất khẩu trong năm tài chính đối với các trường hợp: Có doanh thu xuất khẩu đạt tỷ trọng trên 50% tổng doanh thu. Việc xét giảm thuế được thực hiện theo từng năm... Căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên, trường hợp các đơn vị mới thành lập có mức xuất khẩu đạt giá trị trên 50% tổng giá trị hàng hóa sản xuất, kinh doanh thì ngoài việc được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế TNDN theo điều kiện ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư, còn được giảm thêm 20% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ doanh thu xuất khẩu mang lại. Số thuế TNDN được giảm do xuất khẩu được trừ vào số thuế TNDN còn phải nộp sau khi loại trừ số thuế đã được miễn, giảm theo ngành nghề ưu đãi đầu tư nhưng tổng số thuế TNDN được miễn, giảm tối đa không lớn hơn số thuế TNDN phải nộp phát sinh trong kỳ...
|