Số 20.2004 (173) ngày 28/05/2004

 CHÍNH PHỦ


Bổ sung, sửa đổi một số quy định về doanh nghiệp
(SMS: 16996 - Không gửi qua fax)
- Ngày 19/5/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2004/NĐ-CP, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 03/2000/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Nghị định này bổ sung thêm: hình thức kinh
doanh dịch vụ môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài vào Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh và hình thức sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, mua bán thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh dịch vụ thiết kế phương tiện vận tải, mua bán di vật, cổ vật, bảo mật quốc gia bắt buộc phải có Chứng chỉ hành nghề...
Một cá nhân chỉ được làm chủ sở hữu một doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của một công ty hợp danh...
Nếu doanh nghiệp tiến hành kinh doanh mà không có đủ điều kiện theo quy định, thì thành viên công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn - TNHH - hai thành viên trở lên), chủ tịch công ty hoặc thành viên Hội đồng quản trị (công ty TNHH một thành viên), thành viên Hội đồng quản trị (công ty cổ phần), thành viên hợp danh (công ty hợp danh), chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải cùng liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kinh doanh đó (quy định trước đây chỉ có người thành lập và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm)...
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển thị trường bất động sản
(SMS: 17007 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị quyết số 06/2004/NQ-CP ra ngày 19/5/2004, về một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, Chính phủ đề ra một số giải pháp sau: nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số loại thuế và lệ phí về nhà đất theo hướng khuyên khích sử dụng có hiệu quả bất động sản, đồng thời phát triển mạnh các giao dịch chính thức trên thị trường, khuyến khích sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, hạn chế đầu cơ, đồng thời giảm thuế và phí trong giao dịch trên thị trường bất động sản ở mức hợp lý nhằm khuyến khích giao dịch chính thức, khắc phục tình trạng giao dịch "ngầm", các hành vi trốn tránh nghĩa vụ tài chính gây thất thu cho ngân sách nhà nước...
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bất động sản nhà ở, cũng như các loại bất động sản thương mại khác, đặc biệt là nhà ở cho thuê, nhà ở bán trả dần thông qua chính sách tạo điều kiện để người thu nhập thấp, hộ gia đình chính sách xã hội gặp khó khăn có điều kiện cải thiện chỗ ở, thực thi chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, khả năng của ngân sách nhà nước và của từng địa phương. Kiên quyết thu hồi và tổ chức bán đấu giá các lô đất trong các dự án mà chủ đầu tư không đầu tư sau 12 tháng...


Quản lý hoạt động thầu xây dựng
(SMS: 17006 - Không gửi qua fax)
- Ngày 19/5/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg, về việc ban hành Quy chế Quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
Theo Quy chế này, nhà thầu đã trúng thầu hoặc được chọn thầu, đã có hợp đồng giao nhận thầu mới được cấp giấy phép thầu...
Trong mọi trường hợp được giao thầu (do thắng thầu thông qua đấu thầu hoặc được chọn thầu) nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt
Nam hoặc phải sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam...
Nhà thầu phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với nhà thầu tư vấn đầu tư và xây dựng; bảo hiểm tài sản hàng hoá đối với nhà thầu mua sắm; các loại bảo hiểm đối với nhà thầu thi công xây dựng và các chế độ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt
Nam...
Khi sử dụng nhà thầu nước ngoài để thực hiện tư vấn quản lý xây dựng, giám sát chất lượng xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ dự án phải thông báo bằng văn bản cho các nhà thầu khác và các cơ quan quản lý chất lượng xây dựng biết về chức năng, nhiệm vụ của nhà thầu được thực hiện thay mặt cho chủ đầu tư hoặc chủ dự án...
Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày theo Công báo.


Cơ chế tài chính đối với thành phố Hồ Chí Minh
(SMS: 16994)
- Ngày 18/5/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2004/NĐ-CP, quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2004.
Chính phủ cho phép:
Uỷ ban nhân dân thành phố đ­ược tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn huy động theo chế độ quy định cho các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, sau khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn huy động...
Hàng năm, trong trường hợp có số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố, ngân sách thành phố được thưởng 30% của số tăng thu này, nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước...
Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho thành phố Hồ Chí Minh để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng...


Cơ chế tài chính đối với Hà Nội
(SMS: 16993)
- Ngày 18/5/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2004/NĐ-CP, quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội, có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2004.
Theo Nghị định này, ngân sách trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu cho Thành phố tương ứng toàn bộ số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán đã được Thủ tướng giao đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố còn lại và mức tương ứng toàn bộ số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng giao của các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%...
Thành phố Hà Nội được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; ngân sách Thành phố có trách nhiệm thanh toán gốc, lãi và các chi phí liên quan...

Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho Thành phố không phụ thuộc vào quy mô khoản viện trợ...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Sửa đổi thuế suất hàng hoá nhóm 2710
(SMS: 200023) - Theo Quyết định số 48/2004/QĐ-BTC ban hành ngày 24/5/2004, về việc sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu của một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (áp dụng cho các Tờ khai nhập khẩu nộp cho Hải quan từ ngày 25/5/2004), Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: các mặt hàng sau: xăng động cơ không pha chì, có pha chì, loại cao cấp, loại thông dụng... áp dụng mức thuế suất mới là 0% (quy định trước đây: 5%); xăng máy bay: 10% (trước đây: 15%); dung môi trắng (white spirit), dung môi có hàm lượng chất thơm dưới 1%: 5% (trước đây: 10%)...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thanh toán vốn đầu tư
(SMS: 16999) - Ngày 21/5/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số  45/2004/TT-BTC, bổ sung, sửa đổi một số điểm của Thông tư số 44/2003/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thông tư này bổ sung một số điểm sau: các dự án quy hoạch, các dự án chuẩn bị đầu tư, các dự án thuộc chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (trừ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng gồm trạm bảo vệ rừng, phòng chống cháy, sâu bệnh, vườn ươm... có mức vốn trên 100 triệu đồng)... không thực hiện việc tạm giữ chờ quyết toán 5% kế hoạch thanh toán vốn đầu tư hàng năm...
Số vốn thanh toán cho từng công việc, hạng mục công trình không được vượt dự toán hoặc giá trúng thầu; tổng số vốn thanh toán cho dự án không được vượt tổng dự toán và tổng mức đầu tư đã được phê duyệt...


Xác định giá trị doanh nghiệp
(SMS: 200021) - Ngày 20/5/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 43/2004/TT-BTC, hướng dẫn xử lý lỗ phát sinh từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp nhà nước chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Theo Thông tư này, trường hợp doanh nghiệp có số lỗ nhỏ hơn giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và không thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì thực hiện điều chỉnh phương án cổ phần hoá trên cơ sở điều chỉnh giảm giá trị phần vốn của Nhà nước dự kiến góp tại doanh nghiệp tương ứng với số lỗ còn lại, nếu không đủ thì  tiếp tục điều chỉnh giảm giá trị phần vốn Nhà nước dùng để thực hiện chính sách ưu đãi về giá bán cổ phần và phương án bán cổ phần ưu đãi...
Trường hợp doanh nghiệp có số lỗ bằng hoặc lớn hơn giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì chuyển sang hình thức sắp xếp khác như giao, bán hoặc phá sản doanh nghiệp...
Đối với doanh nghiệp cổ phần hoá có khoản lỗ phát sinh từ 500 triệu đồng trở lên thì phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước khi xử lý...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm thuế
(SMS: 200020 - Không gửi qua fax) - Theo Thông tư số 41/2004/TT-BTC ban hành ngày 18/5/2004 của Bộ Tài chính, hướng dẫn về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, các hành vi sử dụng hoá đơn khống hoặc các chứng từ kế toán khống, lập hai hệ thống sổ kế toán có nội dung ghi khác nhau... nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm có thể bị phạt gấp 5 lần số tiền trốn thuế...
Các hành vi: đăng ký thuế với cơ quan thuế, nộp tờ khai thuế quá thời hạn quy định từ 1 đến 5 ngày làm việc... có thể bị phạt đến 100.000 đồng...; quá từ trên 5 đến 10 ngày có thể bị phạt đến 1.000.000 đồng...
Đối với hành vi không cung cấp được chứng từ kèm theo hàng hoá; nguyên, vật liệu đang vận chuyển trên đường để chứng minh lô hàng đã nộp thuế hoặc đã được quản lý để thu thuế theo quy định của pháp luật trong thời hạn tối đa 24 giờ tính từ thời điểm kiểm tra, phát hiện có thể bị phạt đến 2.000.000 đồng...
Hành vi không thực hiện lệnh niêm phong của cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoặc niêm phong không đúng quy định hồ sơ, tài liệu, chứng từ, sổ kế toán, két quỹ, kho hàng, kho nguyên liệu, máy móc, nhà xưởng có thể bị phạt 3.000.000 đồng...; nếu tự ý tháo bỏ, di chuyển hoặc làm thay đổi tình trạng niêm phong này có thể bị phạt 10.000.000 đồng...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ BỘ TÀI CHÍNH


Giám sát dịch vụ bưu chính
(SMS: 200018 - Không gửi qua fax)
- Ngày 25/5/2004, Bộ Bưu chính - Viễn thông và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-BBCVT-BTC, hướng dẫn về trách nhiệm, quan hệ phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với thư, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát thư.
Theo đó, thư xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư được giám sát hải quan theo hình thức niêm phong hải quan đối với bao bì chứa đựng thư.
Trong quá trình vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện chuyển cửa khẩu phải đảm bảo nguyên trạng bưu phẩm, bưu kiện và niêm phong hải quan. Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố bất khả kháng phải báo ngay cho cơ quan hải quan hoặc Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận...
Bưu phẩm (trừ thư), bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu được hoàn lại các khoản thuế đã nộp bao gồm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) trong các trường hợp sau đây: không phát được cho người nhận phải chuyển hoàn toàn về nước gốc; có hàng hoá thuộc hàng miễn thuế...
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.