Số 19.2010 (477) ngày 18/05/2010

CHÍNH PHỦ

Khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử (SMS: 51/2010/ND-CP) - Từ ngày 01/01/2011, việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau, nhà nước khuyến khích hình thức hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; doanh nghiệp có mức vốn điều lệ theo quy định của Bộ Tài chính; các đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật được tự in hóa đơn kể từ khi có mã số thuế. Tổ chức, cá nhân kinh doanh khác được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng hóa, dịch vụ nếu có đủ các điều kiện sau: đã được cấp mã số thuế; có doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ; không bị xử phạt về các hành vi vi phạm pháp luật về thuế theo mức do Bộ Tài chính quy định trong 365 ngày liên tục tính đến ngày thông báo phát hành hóa đơn tự in; có hệ thống thiết bị bảo đảm cho việc in và lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ; là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán và có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo việc in và lập hóa đơn chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có mã số thuế nhưng không đủ điều kiện nêu trên phải đặt in hóa đơn để phục vụ cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ của bản thân tổ chức, cá nhân đó.
Nghị định cũng quy định các mức xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn. Mức phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán trên 200 ngàn đồng cho người mua; cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua. Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với các hành vi: lập hóa đơn có sai lệch nội dung giữa các liên; không báo cáo việc mất hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã lập nhưng chưa giao cho khách hàng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011 và thay thế Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn.
Hướng dẫn chi tiết Luật Thuế tài nguyên (SMS: 50/2010/ND-CP) - Ngày 14/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên. Theo Nghị định này, đối tượng chịu thuế tài nguyên thực hiện theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tài nguyên bao gồm: khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Dầu khí năm 1993; khí thiên nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Dầu khí năm 1993; khí than theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008; sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ; hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển; nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất; yến sào thiên nhiên.
Sản lượng tài nguyên tính thuế thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Luật Thuế tài nguyên. Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối hoặc lít. Trường hợp không trực tiếp xác định được sản lượng tính thuế thông qua hệ thống đo đếm thì thực hiện khoán sản lượng tài nguyên khai thác theo kỳ tính thuế. Cơ quan thuế phối hợp với cơ quan có liên quan ở địa phương xác định sản lượng tài nguyên khai thác được khoán để tính thuế căn cứ vào tình hình khai thác thực tế, định mức tiêu chuẩn kỹ thuật ngành hoặc sản lượng khai thác sử dụng của tổ chức, cá nhân khác tương đương.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Bãi bỏ Nghị định số 05/2009/NĐ-CP ngày 19/01/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế tài nguyên.
Miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên (SMS: 49/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015. Theo Nghị định này, đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: học sinh tiểu học; học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp. Đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại. Đối tượng được giảm 50% học phí là: trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.
Việc miễn, giảm học phí sẽ được thực hiện trong suốt thời gian học tập tại nhà trường, trừ trường hợp có những thay đổi về lý do miễn hoặc giảm học phí. Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập có đối tượng được miễn, giảm học phí theo số lượng người học thực tế và mức thu học phí; cấp bù học phí cho học sinh là con của người có công với nước, các đối tượng chính sách học mẫu giáo và phổ thông ngoài công lập; cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Các quy định trước đây về miễn, giảm học phí và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trái với quy định tại Nghị định này đều bãi bỏ.
Xuất cấp thuốc phòng chống dịch lợn tai xanh (SMS: 665/QD-TTg) - Ngày 13/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 665/QĐ-TTg giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 55.000 lít thuốc sát trùng Benkocid, 23.000 liều vắc xin dịch tả lợn thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh tai xanh, cụ thể: tỉnh Hải Dương 23.000 liều vắc xin dịch tả lợn và 10.000 lít thuốc sát trùng Benkocid; tỉnh Hưng Yên 20.000 lít thuốc sát trùng Benkocid; tỉnh Nam Định 15.000 lít thuốc sát trùng Benkocid; tỉnh Hà Nam 10.000 lít thuốc sát trùng Benkocid. Việc xuất cấp, quản lý, sử dụng số vắc xin, thuốc sát trùng nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Quy chế quản lý Quỹ phát triển đất (SMS: 40/2010/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/5/2010 ban hành Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất. Quy chế này quy định về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất (Quỹ) ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh). Theo đó, Quỹ phát triển đất tỉnh là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh, do UBND tỉnh quyết định thành lập. quỹ có chức năng nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn khác theo quy định để ứng vốn và chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn, bù đắp chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và không vì mục đích lợi nhuận.
Nguồn vốn hoạt động của Quỹ bao gồm vốn nhà nước cấp và các nguồn vốn khác. Mức vốn nhà nước cấp cho Quỹ do UBND tỉnh quyết định khi quyết định thành lập Quỹ. Việc thay đổi vốn nhà nước cấp trong quá trình hoạt động do UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Qũy. Hàng năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trích từ 30% đến 50% từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, thành phố (sau khi trừ các khoản chi để bồi thường, hỗ trợ tái định cư và các chi phí có liên quan khác) để đảm bảo hình thành đủ mức vốn nhà nước cấp cho Quỹ; mức trích cụ thể do UBND tỉnh quyết định căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Các nguồn vốn khác của Quỹ gồm: vốn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ hoặc ủy thác quản lý của các tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo chương trình hoặc dự án viện trợ, tài trợ, ủy thác theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010.
Mực nước báo động lũ trên các sông (SMS: 632/QD-TTg) - Theo quy định về mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước ban hành kèm theo Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày 10/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đối với sông Đà, tại Trạm thủy văn Mường Tè, mực nước báo động cấp I là 285m, cấp II là 287,5m và cấp III là 290m; tại Trạm thủy văn Lai Châu (Mường Lay), mực nước báo động cấp I là 177m, cấp II là 180,5m và cấp III là 184m; tại Trạm thủy văn Hòa Bình, mực nước báo động cấp I là 21m, cấp II là 22m và cấp III là 23m. Đối với sông Hồng, tại Trạm thủy văn Hà Nội, mực nước báo động cấp I là 9,5m, cấp II là 10,5m và cấp III là 11,5m; tại Trạm thủy văn Hưng Yên, mực nước báo động cấp I là 5,5m, cấp II là 6,3m và cấp III là 7,0m; tại Trạm thủy văn Sơn Tây, mực nước báo động cấp I là 12,4m, cấp II là 13,4m và cấp III là 14,4m. Đối với sông Đáy, tại Trạm thủy văn Ninh Bình, mực nước báo động cấp I là 2,5m, cấp II là 3,0m và cấp III là 3,5m; tại Trạm thủy văn Phủ Lý, mực nước báo động cấp I là 2,9m, cấp II là 3,5m và cấp III là 4,1m.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
BỘ CÔNG THƯƠNG

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2011 ngành công thương (SMS: 2347/QD-BCT) - Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký Quyết định số 2347/QĐ-BCT ngày 07/5/2010 phê duyệt danh mục các nhiệm vụ năm 2011 thực hiện “Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghiệp môi trường” thuộc Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, có 13 đề tài nghiên cứu và một dự án sản xuất thử nghiệm. Đó là các đề tài, dự án: nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống xử lý nước thải quy mô nhỏ bằng công nghệ MBR (Membrane Bioreactor); nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống xử lý nước thải giàu dinh dưỡng (N, P) ngành công nghiệp chế biến thực phẩm; nghiên cứu chế tạo thiết bị xử lý H2S trong khí thải có sử dụng vi khuẩn Sulfide Oxidizing Bacteria (SOB); nghiên cứu ứng dụng công nghệ hấp phụ - xúc tác không bã thải để xử lý nước thải chứa các hợp chất hữu cơ dạng vòng thơm; nghiên cứu chế phẩm dùng để khử mùi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt; xây dựng phương pháp phân tích nhanh đồng thời dư lượng của trên 100 hóa chất bảo vệ thực vật thuộc các nhóm cơ clo, cơ phốt pho, carbamat trong mẫu đất; nghiên cứu ứng dụng các phương pháp ôxy hóa tiên tiến (AOP) trong xử lý nước thải chứa các hợp chất hữu cơ khó phân hủy sinh học; nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải chứa chất nguy hại đặc biệt trong các cơ sở sản xuất thuốc nổ, thuốc phóng; nghiên cứu thiết kế chế tạo tổ hợp thiết bị tái chế chất thải nguồn gốc sở hữu cơ thành nhiên liệu; nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý kỵ khí tốc độ cao với lớp bùn hạt mở rộng EGSB (Expanded Granular Sludge Bed) trong xử lý nước thải công nghiệp giầu chất hữu cơ; nghiên cứu ứng dụng xử lý nước thải sản xuất bột giấy kết hợp thu hồi hóa chất và tạo sản phẩm mới; nghiên cứu ứng dụng xúc tác trong xử lý Dioxin - Furan trong khí thải lò đốt chất thải nguy hại; nghiên cứu chế tạo vật liệu siêu hấp phụ kiểu nano cacbon ứng dụng trong xử lý nước; hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm gạch làm vật liệu xây dựng từ đá xít thải các nhà máy tuyển than.
 
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu (SMS: 10/2010/TT-BKH) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 10/2010/TT-BKH ngày 13/5/2010 quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu theo Điều 5 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, bao gồm quy định về điều kiện, tổ chức hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu; giảng viên đấu thầu; đăng ký, đăng tải thông tin cơ sở đào tạo vào hệ thống dữ liệu; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu, chương trình khung, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu và quản lý hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu.
Theo Thông tư này, cơ sở muốn tổ chức hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu phải có đăng ký kinh doanh hoạt động tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu, có đội ngũ giảng viên đấu thầu và tài liệu giảng dạy đáp ứng quy định tại Thông tư này, có tên trong hệ thống dữ liệu cơ sở đào tạo đấu thầu. Giảng viên đấu thầu phải tốt nghiệp đại học trở lên và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong các hoạt động đấu thầu (giảng dạy về đấu thầu, quản lý nhà nước về đấu thầu, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về đấu thầu) và có tên trong hệ thống dữ liệu giảng viên đấu thầu. Cá nhân có nhu cầu gửi đơn đề nghị đăng ký giảng viên đấu thầu kèm theo lý lịch khoa học (bằng văn bản) theo mẫu ban hành kèm Thông tư này đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời gửi dưới dạng tập tin đến địa chỉ [email protected] để được đăng tải vào hệ thống dữ liệu giảng viên đấu thầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xem xét, đăng tải thông tin giảng viên đấu thầu vào hệ thống dữ liệu trên trang thông tin điện tử về đấu thầu của Bộ trong thời hạn tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không đăng tải vào hệ thống dữ liệu giảng viên đấu thầu thì phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2010 và thay thế Quyết định số 678/2008/QĐ-BKH ngày 02/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quy định về chứng chỉ tham gia khóa học về đấu thầu. Các cơ sở đào tạo đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng tải thông tin cơ sở đào tạo vào hệ thống dữ liệu cơ sở đào tạo đấu thầu trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, được tiếp tục tổ chức hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu; đồng thời phải cập nhật thông tin của cơ sở đào tạo theo mẫu gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/12/2010; đến thời hạn trên mà cơ sở đào tạo không cập nhật thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đưa thông tin về cơ sở đào tạo ra khỏi hệ thống dữ liệu.
 
BỘ TÀI CHÍNH

Chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Hải quan (SMS: 1014/QD-BTC) - Ngày 11/5/2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1014/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Tổng cục Hải quan. Theo Quyết định này, Thanh tra Tổng cục Hải quan là tổ chức thuộc Tổng cục Hải quan, thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục Hải quan theo quy định của pháp luật; chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và chỉ đạo về nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính. Cơ quan này có nhiệm vụ trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về công tác thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Hải quan; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan; chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Thanh tra Hải quan theo phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Về cơ cấu tổ chức, Thanh tra Hải quan có các bộ phận: Phòng Tổng hợp và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phòng Thanh tra nghiệp vụ, Phòng Thanh tra thuế, Phòng Thanh tra công vụ và phòng chống tham nhũng. Thanh tra viên thuộc Thanh tra Hải quan là công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Hải quan.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 95/2005/QĐ-BTC ngày 12/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
 
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Quỹ từ thiện cộng đồng sử dụng internet (SMS: 502/QD-BNV) - Quỹ từ thiện cộng đồng người sử dụng internet Việt Nam vừa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp phép thành lập và công nhận Điều lệ tại Quyết định số 502/QĐ-BNV ngày 12/5/2010. Quỹ này là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự trang trải kinh phí hoạt động nhằm phục vụ các mục đích hỗ trợ nhân đạo, từ thiện, giáo dục…Đây là một cổng thông tin quan trọng giúp cho các tổ chức từ thiện, bảo trợ, trung tâm xã hội và các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng làm từ thiện gặp gỡ và hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng của Quỹ một cách dễ dàng và thuận lợi nhất.
Chức năng của Quỹ từ thiện cộng đồng người sử dụng internet Việt Nam là xây dựng và tài trợ các chương trình, dự án trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện, giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước tại các vùng sâu, vùng xa, vùng gặp khó khăn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, thiên tai và các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn nhằm mục tiêu phát triển cộng đồng. Đối tượng thụ hưởng của Quỹ chủ yếu là: trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa, trẻ em lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa; những người gặp hoàn cảnh rủi ro bất hạnh, người bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người già neo đơn, người khuyết tật; các bà mẹ Việt Nam anh hùng; nạn nhân chất độc màu da cam, nạn nhân vùng bị thiên tai.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.