Số 19.2008 (375) ngày 16/05/2008

 CHÍNH PHỦ


Chỉ đạo về công tác huy động vốn đầu tư ở địa phương
(SMS: 504193)
- Ngày 15/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công văn số 725/TTg-KTTH về việc ngân sách địa phương huy động vốn đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng chỉ đạo: từ nay đến hết năm 2008, các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008; không huy động thêm vốn đầu tư từ các nguồn vốn vay ngân hàng thương mại hoặc phát hành trái phiếu; không huy động thêm vốn đầu tư cho các dự án mới, không cấp bách.
Các địa phương huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương để bố trí vốn hoàn trả đúng thời hạn; quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động đúng mục đích, đúng quy định và hiệu quả; đồng thời, thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản của địa phương theo đúng quy định.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát và hướng dẫn các địa phương thực hiện việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh theo đúng quy định.


Hỗ trợ, đóng góp, cứu trợ tự nguyện
(SMS: 504202)
- Ngày 14/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo đó, việc tổ chức vận động đóng góp khắc phục khó khăn chỉ được thực hiện khi thiên tai, sự cố nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm; các cơ quan, tổ chức không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để ép buộc người dân thực hiện. Nghiêm cấm sử dụng tiền, hàng ủng hộ sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào.
Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, cấp huyện không quá 30 ngày kể từ ngày bắt đầu cuộc vận động đóng góp. Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp. Riêng cứu trợ và phục hồi tái thiết được hỗ trợ từ nguồn vận động đóng góp của Hội Chữ thập đỏ thì thời gian thực hiện có thể kéo dài đến 1 năm.
Các tổ chức, đơn vị trực tiếp vận động, tiếp nhận hàng, tiền cứu trợ phải công khai số tiền, hàng nhận được; số tiền, hàng đã phân phối, chuyển cho các địa phương. Kết thúc đợt vận động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải có báo cáo tổng hợp số tiền, hàng đã đóng góp, phân phối gửi các cơ quan liên quan và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn... nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất.

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
(SMS: 504157)
- Theo Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ban hành ngày 13/5/2008, Chính phủ quy định: mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác dầu thô là 100.000 đồng/tấn, khí thiên nhiên là 200 đồng/m3
Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, là khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Còn phí bảo vệ môi trường đối với khai thác dầu thô và khí thiên nhiên là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường…
Căn cứ vào mức thu phí quy định, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản khai thác cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường
địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu về đối tượng được phép khai thác khoáng sản tại địa phương cho cơ quan thuế và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc quản lý đối tượng nộp phí theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội
(SMS: 504177)
- Ngày 13/5/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 120/TB-VPCP về ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 06/5/2008.
Theo đó, Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành và UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội về công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng, các chương trình, dự án đầu tư cấp vùng, trước mắt cần tập trung thực hiện các công việc như sau: Đẩy mạnh công tác điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành và UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội; cập nhật, thông tin thường xuyên về tình hình kinh tế-xã hội của các tỉnh trong vùng, các đề xuất về cơ chế, giải pháp đặc thù tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của vùng Thủ đô Hà Nội; Ban Chỉ đạo duy trì họp định kỳ 6 tháng/lần, trường hợp cần thiết có thể họp đột xuất tùy theo yêu cầu của công việc…
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội xây dựng Website (nội bộ) về Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội bằng kinh phí của Ban Chỉ đạo; lập kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và kinh phí lập đồ án quy hoạch xây dựng Hà Nội mở rộng; lập kế hoạch, dự kiến chương trình khảo sát nghiên cứu mô hình vùng tại một số nước trong năm 2008.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn về đánh giá môi trường cho Đồ án quy hoạch vùng theo hướng lồng ghép vào nội dung của quy hoạch xây dựng.
Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo kiện toàn về tổ chức Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo; các Bộ, ngành, UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội cử người tham gia Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo.
UBND thành phố Hà Nội sớm bố trí văn phòng làm việc cho Văn phòng Ban Chỉ đạo.


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn
(SMS: 504132)
- Theo Nghị định số 61/2008/NĐ-CP ban hành ngày 09/5/2008, Chính phủ quy định: hành vi vi phạm các quy định về Giấy phép hoạt động khí tượng thủy văn, khai thác và bảo vệ công trình, phương tiện đo chuyên ngành khí tượng thủy văn và về cung cấp, sử dụng tư liệu lưu trữ khí tượng thủy văn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặt phạt tiền với mức tối đa 30 triệu đồng…
Khi đưa tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không nêu nguồn gốc cấp tin thì bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng,  không phải là nguồn thông tin chính thức bị phạt 2 - 5 triệu đồng. Làm mất tư liệu lưu trữ khí tượng thủy văn bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng…
Mức phạt 5 - 10 triệu đồng được áp dụng với hành vi làm sai lệch nội dung bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão lũ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
Việc tiến hành các hoạt động khí tượng thủy văn mà không có giấy phép theo quy định bị phạt từ 5 - 7 triệu đồng.
Hành vi dịch chuyển trái phép các mốc độ cao công trình khí tượng thủy văn bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng, gây cản trở việc khai thác, sử dụng các công trình khí tượng thủy văn bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng.
Cá nhân, tổ chức có hành vi giả mạo dấu kiểm định, tem kiểm định hoặc phiếu kiểm định của cơ quan có thẩm quyền bị phạt 2 - 5 triệu đồng.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn mà sách nhiễu, dung túng, bao che cho người vi phạm, không xử phạt hoặc xử phạt không đúng mức, không kịp thời, xử phạt vượt thẩm quyền, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Kiểm soát huy động vốn trên thị trường
(SMS: 504203)
- Ngày 14/5/2008, Bộ Tài chính đã ra Công văn số 5561/BTC-TCDN về việc kiểm soát việc huy động vốn của các doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia.
Bộ Tài chính đề nghị: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn thông qua việc phát hành chứng khoán của các công ty nhà nước hoặc công ty cổ phần có vốn nhà nước đảm bảo theo đúng các quy định. Có văn bản chỉ đạo người đại diện trực tiếp phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quyền của cổ đông nhà nước khi biểu quyết việc phát hành chứng khoán để huy động vốn của các công ty cổ phần có vốn nhà nước tham gia, đảm bảo việc phát hành có hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật…

Các trường hợp công ty nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia khi phát hành chứng khoán để huy động vốn trên thị trường chứng khoán phải báo cáo bằng văn bản gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp, UBCKNN) để xem xét, bố trí lịch đấu giá cho phù hợp với tình hình chung của thị trường…


Sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi
(SMS: 504176)
- Ngày 13/5/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 25/2008/QĐ-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ôtô nhập khẩu tăng thêm 5-10% so với hiện hành. Các mức thuế này áp dụng cho các tờ khai hải quan bắt đầu từ 20/5…
Ngoài ra, các loại phụ tùng như gương thủy tinh, gương chiếu hậu có thuế suất từ 33-38% tùy loại. Các thiết bị truyền dẫn dùng cho phát thanh vô tuyến hoặc truyền hình, có hoặc không gắn máy thu, camera số và camera ghi hình ảnh nền... có thuế suất phổ biến từ 15-37%...
Các loại thiết bị điện để ngắt mạch hay bảo vệ mạch điện hoặc dùng để đấu nối hay lắp trong mạch điện như cầu dao, rơ le, công tắc, chi tiết đóng ngắt mạch, cầu chì, bộ triệt xung điện, phích cắm, đui đèn, hộp tiếp nối... có thuế suất phổ biến từ 10-29%...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ trả lương làm việc vào ngày thứ bảy
(SMS: 504185)
- Theo Công văn số 5341/BTC-HCSN ra ngày 12/5/2008, Bộ Tài chính hướng dẫn: cán bộ, công chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được hưởng chế độ tiền lương như sau:
Trường hợp làm việc đủ 40 giờ và làm thêm ngày thứ 7 mà không được nghỉ bù (hoặc có được bố trí nghỉ bù nhưng có số giờ được nghỉ bù không đủ số giờ đã làm thêm vào ngày thứ 7) thì tiền lương làm thêm được tính như sau: Tiền lương làm thêm giờ bằng (=) Tiền lương giờ nhân với (x) 200% hoặc 300% nhân với (x) Số giờ thực tế làm thêm (mức 200% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thứ 7 thông thường; 300% nếu trùng vào ngày lễ).
Trường hợp làm thêm ngày thứ 7 và được bố trí nghỉ bù vào ngày khác trong tuần thì áp dụng mức tính 100% hoặc 200%...


Thuế nhập khẩu ôtô cũ
(SMS: 504133)
- Ngày 08/5/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 23/2008/QĐ-BTC về việc quy định mức thuế tuyệt đối thuế nhập khẩu xe ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu.
Theo đó, xe ôtô từ 5 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe), có dung tích xi lanh dưới 1.000cc chịu thuế: 3.500 USD/chiếc; từ 1.000 đến dưới 1.500cc là: 8.000 USD; từ 1.500 đến 2.000cc là: 12.000 USD; trên 2.000 đến dưới 2.500cc: 17.000 USD; từ 2.500 đến 3.000cc là: 18.000 USD; trên 3.000 đến 4.000cc: 20.000 USD; trên 4.000 đến 5.000cc: 26.400 USD; trên 5.000cc: 30.000 USD.
Ôtô từ 6 đến 9 chỗ ngồi (kể cả lái xe), có dung tích xi lanh: từ 2.000cc trở xuống chịu thuế: 10.800 USD; trên 2.000 đến 3.000cc là: 16.000 USD; trên 3.000 đến 4.000cc: 19.000 USD; trên 4.000cc: 24.000 USD.
Ôtô từ 10 đến 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe), có dung tích xi lanh: từ 2.000cc trở xuống chịu thuế: 9.500 USD; trên 2.000 đến 3.000cc: 13.000 USD; trên 3.000cc: 17.000 USD.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TƯ PHÁP


Cộng
tác viên trợ giúp pháp lý
(SMS: 504162)
- Ngày 13/5/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 05/2008/QĐ-BTP ban hành Quy chế cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Theo đó
, việc tham gia trợ giúp pháp lý của cộng tác viên không chỉ khắc phục tình trạng thiếu biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng phức tạp và đa dạng về nhu cầu, mà còn giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Quy chế cũng quy định: Nhà nước khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, luật sư, luật gia và các cá nhân có đủ tiêu chuẩn tham gia làm cộng tác viên, bảo đảm huy động được nguồn lực từ xã hội thực hiện xã hội hoá trợ giúp pháp lý…
Cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý trên cơ sở tự nguyện, trong phạm vi năng lực. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng tác viên phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 4 Luật Trợ giúp pháp lý. Nghiêm cấm mọi hình thức lợi dụng thẻ cộng tác viên hoặc tư cách cộng tác viên vì mục đích tư lợi hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm…
n cạnh đó, Quy chế quy định cụ thể các trường hợp không được làm cộng tác viên như: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích hoặc đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục hoặc quản chế hành chính; mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực; đang bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư; bị thu hồi Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật.

Quyết
định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể trừ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động
(SMS: 504153)
- Ngày 07/5/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 06/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 04/2005/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về khiếu nại, tố cáo về lao động.
Theo đó, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại; đối với khiếu nại của tập thể lao động thì phải có sự tham gia của đại diện công đoàn cơ sở…
Người khiếu nại có thể tự mình thực hiện quyền khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp như: cha, mẹ đối với người lao động chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người được tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Người khiếu nại phải có đơn ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại, họ, tên, địa chỉ, lý do, nội dung khiếu nại; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sử dụng lao động bị khiếu nại; yêu cầu của người khiếu nại. Đơn phải do người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ và phải được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm giải quyết nội dung khiếu nại, đồng thời chuyển nội dung tố cáo cho người có thẩm quyền giải quyết.
Người tố cáo phải gửi đơn đến Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Thanh tra viên lao động khi đang tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo hoặc người đại diện tập thể lao động có đơn tố cáo; nội dung tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến trình bày trực tiếp thì Thanh tra viên lao động hoặc cán bộ thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm ghi lại nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
Không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết, nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.