Số 19.2007 (324) ngày 18/05/2007

 CHÍNH PHỦ


Phòng chống tội phạm ma tuý
(SMS: 202768)
- Ngày 14/5/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công văn số 573/TTg-VX về việc mở đợt cao điểm phòng, chống ma túy.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: triển khai "Đợt cao điểm phòng, chống ma túy" từ ngày 26/5/2007 - 26/9/2007, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các địa bàn, tuyến trọng điểm, khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển, đặc biệt là tội phạm trong các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy móc nối với các đối tượng người nước ngoài đưa ma túy vào nước ta và tội phạm lợi dụng các loại hình kinh doanh, dịch vụ để tổ chức mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy; phát hiện và triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy, không để hình thành và tái lập các tụ điểm phức tạp. Triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, triệt xóa diện tích trồng và tái trồng cây cần sa và cây có chất ma túy khác, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật hình sự về ma túy...
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện đồng bộ các hình thức cai nghiện, giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện phù hợp với các loại đối tượng và tình hình thực tế ở từng địa phương; tổ chức công tác giao dục, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện...


Xử lý vi phạm khai thác khoáng sản
(SMS: 21099)
- Ngày 10/5/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2007/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 150/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản.
Theo đó, hành vi không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo sai số liệu về hoạt động khai thác khoáng sản, mức phạt sau khi sửa đổi bổ sung giảm xuống còn 5 triệu đồng (quy định trước đây có thể lên tới 10 triệu đồng)...
Hành vi khai thác khoáng sản không giấy phép đang diễn ra tràn lan hiện nay được sửa đổi đã quy định mức phạt khá cao là từ 10 - 80 triệu đối với hành vi khai thác không giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn, giấy phép chuyển nhượng không đúng với quy định pháp luật. Mức phạt tiền cao nhất 100 triệu đồng áp dụng đối với hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phòng chống tiêu cực
(SMS: 202752)
- Ngày 10/5/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2007QĐ-TTg ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, công chức khi nhận quà tặng không đúng quy định phải báo cáo Thủ trưởng và nộp lại trong thời hạn 5 ngày. Trường hợp báo cáo và nộp lại chậm so với thời hạn nêu trên thì người nhận quà tặng phải giải trình rõ lý do. Báo cáo của người nhận quà phải được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung sau: loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; tên chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; mục đích của việc tặng quà (nếu biết)...
Các trường hợp đã tặng quà, nhận quà tặng sai quy định mà chủ động báo cáo, bồi hoàn, nộp lại trước khi bị phát hiện thì được xem xét miễn, giảm hình thức kỷ luật...
Nếu quà dưới 500.000 đồng (người biếu không liên quan đến công vụ do mình giải quyết), người được tặng không cần báo cáo. Cấm tặng, nhận quà khi có công vụ liên quan. Đối với quà tặng từ họ hàng, người thân hoặc cá nhân không có mối quan hệ về lợi ích liên quan đến hoạt động công vụ của người được tặng quà cũng không phải báo cáo với cơ quan.
Công chức khi ốm đau, tai nạn hoặc nhân dịp hiếu, hỷ, lễ, tết truyền thống được tặng quà có trị giá dưới 500.000 đồng (việc tặng không liên quan đến hoạt động công vụ do mình giải quyết), thì tự quyết định mà không phải báo cáo và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình...
Trước ngày 15/11 hằng năm, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành báo cáo kết quả thực hiện việc tặng, nhận và nộp lại quà tặng gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
(SMS: 202755)
- Ngày 10/5/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2007/QĐ-TTg về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thuộc Bộ Tài chính.
Theo đó, UBCKNN được phép thanh tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động chứng khoán.
UBCK có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (CK&TTCK).
UBCK được cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động CK&TTCK, chấp thuận những thay đổi liên quan đến hoạt động CK&TTCK. Bên cạnh đó, UBCK được quyền thanh tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong CK&TTCK và thực hiện chế độ báo cáo về CK&TTCK theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trung tâm lưu ký Chứng khoán và các Trung tâm Giao dịch chứng khoán trong khi chưa chuyển đổi mô hình tổ chức và phương thức hoạt động vẫn thực hiện theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBCK...
Quyết đinh này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá
(SMS: 202770)
- Theo Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg ra ngày 10/5/2007, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: thực thi nghiêm quy định cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc và nơi công cộng trong nhà: nghiêm cấm hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà; nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. tại những nơi cấm hút thuốc lá, phải treo biển có chữ hoặc biểu tượng "Cấm hút thuốc lá"; Tại các nơi công cộng trong nhà (thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng) và khu vui chơi, giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường cần bố trí khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá...
Nghiêm cấm bán các sản phẩm thuốc lá tại các cơ quan, nơi làm việc, tại trường học, bệnh viện, trên các phương tiện giao thông công cộng...
Kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh bán buôn, đại lý bán buôn sản phẩm thuốc lá thông qua việc thường xuyên kiểm tra, thanh tra các thương nhân, tiến tới kiểm soát việc bán lẻ các sản phẩm thuốc lá trên cơ sở quy định địa điểm kinh doanh, phạm vi, quy mô kinh doanh, thời gian kinh doanh, số lượng thương nhân tham gia kinh doanh các sản phẩm thuốc lá phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương...
Cấm bán thuốc lá bằng máy bán hàng tự động, bán qua mạng Internet và bán qua điện thoại...
Thực hiện tiêu hủy triệt để thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và thuốc lá kém chất lượng...
Cấm mọi hình thức tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá có gắn với mục đích quảng cáo các sản phẩm thuốc lá...
Cấm tổ chức, đơn vị và cá nhân nhận tài trợ để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hội thảo khoa học và các hoạt động xã hội khác có gắn với việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá...
Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kinh doanh vận chuyển hàng không
(SMS: 202757)
- Ngày 09/5/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2007/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Theo đó, hãng hàng không khai thác vận chuyển quốc tế sở hữu từ 01 đến 10 tàu bay cần vốn pháp định là 500 tỷ đồng; khai thác vận chuyển nội địa cần vốn ít nhất 200 tỷ đồng. Trường hợp hãng hàng không khai thác thị trường quốc tế có 11 đến 30 tàu bay, vốn pháp định là 800 tỷ đồng; khai thác nội địa vốn pháp định 400 tỷ đồng. Các lĩnh vực kinh doanh hàng không khác cần vốn tối thiểu 50 tỷ đồng...
Nghị định cũng quy định rõ tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể, tàu bay chở khách không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê...
Về việc thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Cục Hàng không Việt Nam thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, báo cáo kết quả thẩm định lên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình của Bộ trưởng Giao thông vận tải, Thủ tướng sẽ xem xét việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Điều tra sự cố, tai nạn tàu bay
(SMS: 202769)
- Theo Nghị định số 75/2007/NĐ-CP ban hành ngày 09/5/2007, Chính phủ quy định: người điều tra sự cố, tai nạn tàu bay phải nhanh chóng, trung thực, khách quan khi điều tra sự cố, tai nạn tàu bay; tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay về nội dung, phương pháp điều tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động điều tra.
Khi xảy ra sự cố, tai nạn tàu bay, cơ quan điều tra có quyền công bố các thông tin về số hiệu chuyến bay, quốc tịch và số hiệu đăng ký của tàu bay; tên của các thành viên tổ bay, trình độ và bằng cấp chính thức; lịch trình chuyến bay; tình trạng đủ điều kiện bay của tàu bay; điều kiện thời tiết; tổ chức và nhiệm vụ của cơ quan điều tra sự cố, tai nạn; tiến trình điều tra; các thông tin thực tế về sự cố, tai nạn. Các thông tin bao gồm: Lời khai của những người liên quan trong quá trình điều tra; thông tin trao đổi giữa những người liên quan đến khai thác tàu bay; thông tin y tế và các thông tin cá nhân của những người liên quan đến sự cố hoặc tai nạn tàu bay; ghi âm buồng lái và bản sao ghi âm đó; các ý kiến phân tích thông tin, bao gồm các thông tin của máy ghi dữ liệu chuyến bay; thông tin liên quan đến an ninh, quốc phòng không được phép công bố và chỉ được sử dụng cho việc điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay... Căn cứ vào tính chất sự cố hoặc tai nạn tàu bay, cơ quan điều tra sự cố tai nạn tàu bay công bố một phần hoặc toàn bộ báo cáo chính thức về điều tra sự cố tai nạn tàu bay, trừ trường hợp điều tra sự cố hoặc tai nạn tàu bay theo ủy thác của quốc gia khác...
Trong thời hạn 72 giờ, kể từ thời điểm xảy ra sự cố tàu bay, người khai thác tàu bay, hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng, tổ chức thiết kế, chế tạo tàu bay, người chỉ huy tàu bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu và Cảng vụ hàng không phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam theo mẫu quy định và phải lập sổ theo dõi, cập nhật thường xuyên các sự cố xảy ra đối với tàu bay liên quan trong phạm vi quản lý của mình.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về bảo vệ thông tin bí mật nhà nước
(SMS: 202756)
- Ngày 09/5/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2007/NĐ-CP về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Theo đó, danh mục sản phẩm mật mã dân sự (MMDS) phải áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong từng thời kỳ do Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Danh mục này được rà soát hằng năm để bổ sung các sản phẩm mật mã dân sự bắt buộc phải áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định hiện hành.
Các sản phẩm MMDS là kết quả nghiên cứu thì khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Khoa học Công nghệ và được phép chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm MMDS hoặc tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp. Nếu sản phẩm MMDS thuộc danh mục phải chứng nhận hợp quy phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì phải được Ban Cơ yếu Chính phủ thẩm định và đánh giá chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm đó trước khi chuyển giao hoặc sử dụng.
Tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất MMDS có quyền từ chối cung cấp sản phẩm, dịch vụ MMDS khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sử dụng MMDS do doanh nghiệp sản xuất. Để có được Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm MMDS thì người đứng đầu doanh nghiệp phải có lý lịch rõ ràng, có hiểu biết pháp luật và trình độ chuyên môn về lĩnh vực bảo mật an toàn thông tin. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh MMDS trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp đề nghị cấp phép. Trường hợp doanh nghiệp bị giải thể hoặc không hoạt động sau 6 tháng kể từ ngày cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh... thì sẽ bị thu hồi Giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm MMDS.

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TƯ PHÁP


Công chứng hợp đồng thế chấp tài sản
(SMS: 202742)
- Ngày 09/5/2007, Bộ Tư pháp đã ra Công văn số 2057/BTP-HCTP về việc công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Theo đó, tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản hình thành trong tương lai. Trong trường hợp hợp đồng liên quan đến tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người yêu cầu công chứng, chứng thực phải có đầy đủ giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng đó...
Trong trường hợp tài sản hình thành trong tương lai là đất, tài sản gắn liền với đất thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng có thể là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nhưng cũng có thể là hợp đồng góp vốn, quyết định giao thuê đất...

Các Phòng công chứng sẽ căn cứ từng trường hợp cụ thể để chứng nhận các hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp...