Số 19.2005 (222) ngày 20/05/2005

 CHÍNH PHỦ


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp
(SMS: 200740 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị định 64/2005/NĐ-CP ban hành ngày 16/5/2005, Chính phủ quy định: nếu cá nhân, tổ chức nào XNK vật liệu nổ công nghiệp khi chưa được phép của cơ quan nhà nước và ký kết hợp đồng, bán vật liệu nổ trái phép sẽ bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng...
Có hai hình thức xử phạt là cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra còn có các hình thức xử phạt bổ sung, như tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép hoạt động và tịch thu tang vật, phương tiện đã vi phạm...
Không những thế, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ còn có thể bị buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi hoặc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất vật liệu nổ...
Mức phạt thấp nhất từ 50.000 đồng, cao nhất là 50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ, gồm vi phạm quy định về giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng; vi phạm về nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất; về bảo quản; vận chuyển; kinh doanh, cung ứng vật liệu nổ; quy định về điều kiện của người làm công việc có liên quan đến vật liệu nổ và quy định về công tác bảo vệ khu vực có hoạt động này...
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp theo Nghị định này phải chấp hành quyết định xử phạt trong 10 ngày; nếu không tự nguyện sẽ bị cưỡng chế. Khi người có thẩm quyền xử phạt có hành vi sách nhiễu hoặc bao che cho người có hành vi vi phạm; không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, xử lý vượt thẩm quyền quy định; chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, tang vật, phương tiện có liên quan đến vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Biên chế hải quan
(SMS: 200733 - Không gửi qua fax)
- Theo Quyết định số 109/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 16/5/2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định: thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính trong thời gian 3 năm, từ năm 2005 đến hết năm 2007...
Ngoài số biên chế được giao khoán, Tổng cục Hải quan được hợp đồng thuê khoán công việc và hợp đồng lao động đối với một số chức danh...
Mức kinh phí giao khoán từ nguồn ngân sách nhà nước cấp là 1,6 % trên tổng số thu thực nộp vào ngân sách nhà nước hàng năm do Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện...
Trên cơ sở biên chế và mức kinh phí giao khoán, mức chi tiền lương bình quân toàn ngành không được vượt quá 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kinh phí hoạt động cho Tổng cục Thuế
(SMS: 200732 - Không gửi qua fax)
- Ngày 16/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 107/2005/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động của Tổng cục Thuế giai đoạn 2005 - 2007.
Quyết định này tạo quyền chủ động đối với Tổng cục Thuế trong sử dụng nguồn kinh phí được giao khoán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung hiện đại hóa công nghệ thông tin và trang bị kỹ thuật hiện đại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hiện đại hoá công nghệ quản lý nhằm thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ nhà nước giao, đủ điều kiện hội nhập quốc tế; tăng cường đào tạo và bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức...
Số biên chế giao khoán cho Tổng cục Thuế được xác định trong phạm vi tổng số biên chế quản lý nhà nước được giao cho Bộ Tài chính và không bao gồm số biên chế của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Thuế...
Mức kinh phí giao khoán từ nguồn ngân sách nhà nước cấp là 2% trên tổng số thu thực nộp vào ngân sách nhà nước hàng năm do Tổng cục Thuế tổ chức thực hiện...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tổ chức triển khai thi hành Luật An ninh quốc gia
(SMS: 200739)
- Theo Chỉ thị số 16/2005/CT-TTg ra ngày 11/5/2005, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ triển khai thực hiện các công việc như: khẩn trương hoàn thành việc tập huấn chuyên sâu về Luật An ninh quốc gia, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia; biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật An ninh quốc gia cho cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, thuận tiện cho việc thực hiện luật được thống nhất...
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ban, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An ninh quốc gia; về thủ tục, thẩm quyền thực hiện quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; về giáo dục bảo vệ an ninh quốc gia trong hệ thống giáo dục quốc dân; về khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia; về khôi phục danh dự, đền bù, trợ cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do tham gia bảo vệ an ninh quốc gia...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Xử lý tài chính doanh nghiệp
(SMS: 200738)
- Ngày 16/5/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2005/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2004/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính thực hiện tổ chức lại sản xuất và chuyển đổi sở hữu đối với các Công ty, Nhà máy đường.
Theo đó, đối với khối lượng xây dựng cơ bản thuộc dự án đầu tư Nhà máy đường đã hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án đầu tư theo đúng qui định hiện hành của Nhà nước, nhưng chưa được vay vốn để thanh toán cho các nhà thầu, doanh nghiệp lập phương án vay và trả nợ đề nghị Quĩ hỗ trợ phát triển xem xét tiếp tục cho vay...
Do nhà máy, công ty đường phải dừng sản xuất, chuyển địa điểm sản xuất, nếu người lao động không có việc làm hoặc không di chuyển cùng công ty, nhà máy, có nguyện vọng thôi việc thì khi thôi việc được hưởng chính sách hỗ trợ...
Đối với tài sản doanh nghiệp sử dụng để đảm bảo tiền vay (tài sản cầm cố, thế chấp), doanh nghiệp phải thoả thuận chuyển giao cho chủ nợ hoặc nhượng bán, thanh lý theo qui chế quản lý tài chính hiện hành đối với công ty nhà nước. Số tiền thu hồi do nhượng bán, thanh lý (sau khi trừ chi phí) dùng để trả cho các chủ nợ có tài sản đảm bảo...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phí đăng ký tên miền, địa chỉ Internet
(SMS: 200736)
- Theo Quyết định số 28/2005/QĐ-BTC ban hành ngày 13/5/2005 về việc ban hành Biểu mức thu phí, lệ phí cấp phép và quản lý tên miền, địa chỉ Internet ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: mức phí, lệ phí cấp phép và quản lý tên miền như sau: lệ phí cấp tên miền: 450.000 đồng/lần; Lệ phí thay đổi tên miền: 250.000 đồng; Phí duy trì tên miền: tên miền cấp 3 dưới tên miền cấp 2 chung: 480.000 đồng/năm, tên miền cấp 2: 24 triệu/năm...
Cơ quan thu được trích 90% số tiền phí, lệ phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để chi phí cho công việc cấp và quản lý tên miền, địa chỉ Intemet ở Việt Nam và việc thu phí, lệ phí...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản
(SMS: 200735)
- Theo Quyết định số 27/2005/QĐ-BTC ban hành ngày 13/5/2005 quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: mức thu phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản được quy định như sau: tổng chi phí thăm dò địa chất đến 200 triệu đồng áp dụng mức thu là: 4 triệu đồng; Trên 200 đến 500 triệu đồng, mức thu là: 2%; Trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng: 1%; Trên 1 tỷ đến 10 tỷ đồng: 10 triệu đồng + (0,5% x phần vượt trên 1 tỷ đồng); Trên 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng: 55 triệu đồng + (0,3% x phần vượt trên 10 tỷ đồng)...
Cơ quan nhà nước có chức năng thẩm định, xét duyệt trữ lượng báo cáo thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản được trích 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hỗ trợ xuất khẩu lao động
(SMS: 200734 - Không gửi qua fax)
- Ngày 13/5/2005, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 26/2005/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế tài chính về quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động.
Theo đó, Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động được sử dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khoảng 10 - 35% chi phí thực tế cho khai thác, phát triển thị trường, cụ thể: mở thị trường lao động mới: hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 35% chi phí thực tế để chi phí cho hoạt động thăm dò, vận động đối tác, khảo sát và tìm hiểu các điều kiện, quy định của thị trường lao động mới, tránh những rủi ro sau này; Khai thác, tăng thêm thị phần ở các thị trường đã có: hỗ trợ doanh nghiệp tối đa không quá 10% chi phí thực tế để góp phần quản lý tốt số lao động hiện có, góp phần ổn định và mở rộng thị phần...
Hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp để giải quyết rủi ro trong hoạt động xuất khẩu lao động như thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp sử dụng lao động bị phá sản và những trường hợp khác không do lỗi của doanh nghiệp, người lao động. Mức hỗ trợ cụ thể qui định như sau: đối với doanh nghiệp: tối đa không quá 50% tổng chi phí thực tế, hợp lý phát sinh để khắc phục rủi ro; Đối với người lao động: mức hỗ trợ tuỳ theo thiệt hại thực tế và trên nguyên tắc thời gian làm việc càng ít thì mức hỗ trợ càng nhiều đảm bảo cho người lao động cùng với thu nhập của họ và phần hỗ trợ của doanh nghiệp, bù đắp một phần chi phí trước khi đi nhưng tối đa không quá 70% tổng chi phí trước khi đi...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đấu giá tài sản nhà nước
(SMS: 200737 - Không gửi qua fax)
- Ngày 12/5/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34/2005/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá.
Thông tư này quy định: giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là tài sản nhà nước phải phù hợp với giá bán thực tế của tài sản cùng loại hoặc tương tự ở thị trường địa phương tại thời điểm xác định giá...
Đối với những tài sản do nhà nước quy định giá, giá khởi điểm không được thấp hơn giá do Nhà nước quy định tại thời điểm xác định giá khởi điểm; Đối với tài sản chuyên dùng đơn chiếc, giá khởi điểm được xác định căn cứ vào chi phí tái tạo lại tài sản hoặc chi phí nhập khẩu và mức độ hao mòn (cả hữu hình và vô hình) của tài sản...
Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, việc xác định giá khởi điểm áp dụng theo phương pháp so sánh trực tiếp và phương pháp thu nhập.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.