Số 19.2004 (172) ngày 21/05/2004

 CHÍNH PHỦ


Thí điểm cổ phần hóa
(SMS: 16977)
- Theo Quyết định số 84/2004/QĐ-TTg ban hành ngày 13/5/2004, về việc thí điểm cổ phần hóa một số Tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm việc cổ phần hóa tại một số Tổng công ty sau: Tổng công ty Điện tử - Tin học Việt Nam (thuộc Bộ Công nghiệp); Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (thuộc Bộ Xây dựng); Tổng công ty Th­­ương mại và Xây dựng (thuộc Bộ Giao thông vận tải)...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường (SMS: 16975 - Không gửi qua fax) - Theo Nghị định số 121/2004/NĐ-CP ban hành ngày 12/5/2004 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt tiền tối đa có thể lên tới 70 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải, thải khí thải, bụi thải, chất thải rắn, vận chuyển và xử lý chất thải... có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt mức cho phép...
Hành vi không thực hiện đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đối với các cơ sở thuộc đối tượng quy định phải đăng ký có thể bị phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền từ 500 ngàn - 1 triệu đồng; hành vi này trong khu công nghiệp có thể bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng...

Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn, độ rung vư­ợt tiêu chuẩn môi trường cho phép trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau...
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu công nghệ, hoá chất độc hại, sinh vật biến đổi gen
và các sản phẩm không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng đối với hành vi khai thác khu bảo tồn thiên nhiên không đúng quy định về bảo vệ môi trường, gây suy thoái môi trường...
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định: không xử phạt trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính của cá nhân trong khi mắc bệnh tâm thần  hoặc các bệnh khác mà mất khả năng nhận thức hoặc khả năng tự điều khiển hành vi...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quản lý giá thuốc (SMS: 16974) - Ngày 12/5/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2004/NĐ-CP, về quản lý giá thuốc phòng, chữa bệnh cho người.
Nghị định này quy định
hành vi liên kết độc quyền về giá thuốc được coi là hành vi vi phạm nặng nhất và mức phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng...
Phạt từ 500 ngàn - 2 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về kê khai giá thuốc với số lượng dưới 10% chủng loại thuốc của cơ sở; từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định kê khai giá thuốc với số lượng từ 10% trở lên chủng loại thuốc của cơ sở. Đối với hành vi quy định sai khung giá, thặng số do cơ quan có thẩm quyền quy định sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Ngoài ra, các vi phạm quy định sai khung giá và liên kết độc quyền về giá có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn tùy theo mức độ vi phạm...

Bên cạnh đó,
Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc theo đúng pháp luật; Nhà nước cũng sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá, định giá một số thuốc thiết yếu, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Số lượng lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước (SMS: 16978) - Theo Quyết định số 80/2004/QĐ-TTg ban hành ngày 12/5/2004, về việc quy định số lượng Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định: Tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt được bố trí tối đa 5 Phó Tổng giám đốc; Tổng công ty nhà nước không thuộc hạng đặc biệt; doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty mẹ được bố trí tối đa 4 Phó Tổng giám đốc...
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Công tác quốc phòng (SMS: 16976) - Ngày 11/5/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2004/NĐ-CP, về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương. Nghị định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương cần tổ chức tuyên truyền giáo dục quốc phòng toàn dân và thực hiện công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ các cấp và giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên; thực hiện các biện pháp về xây dựng, bảo vệ tiềm lực quốc phòng của địa phương, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ; động viên nền kinh tế quốc dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng của địa phương và cả nước trong mọi tình huống...
Các Bộ, ngành và các địa phương có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của nhà nước đối với công tác quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch họa... 

Điều chỉnh một số đề án (SMS: 16979) - Ngày 11/5/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/2004/QĐ-TTg, về việc điều chỉnh một số nội dung của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ban hành kèm theo Quyết định số 51/2004/QĐ-TTg.
Thủ tướng quyết định một số điều chỉnh cụ thể sau: "Đề án về cơ chế tài chính khi chuyển các doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn sang hoạt động theo chế độ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; đồng thời, ngay trong quý III năm 2004, thí điểm việc cổ phần hóa từ một đến hai tổng công ty lớn".
Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thành đề án thành lập công ty đầu tư tài chính của Nhà nước và phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu đề án về cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện thống nhất và có hiệu quả chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thuộc mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân. Trước hết, thí điểm thành lập công ty tài chính ở một số địa phương có nhiều doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (quý II năm 2004)...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/6/2004.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Chính sách về giáo dục tiểu học
(SMS: 16960) - Ngày 26/4/2004, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 35/2004/TTLT/BTC-BGDĐT, hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và mức chi của Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, mức chi của dự án được thực hiện như sau: Dịch tài liệu tiếng nước ngoài: không quá 35.000 đồng/trang 300 từ; dịch tài liệu tiếng Việt: không quá 40.000 đồng/trang 300 từ; dịch nói thông thường: không quá 70.000 đồng/giờ/người, tương đương với không quá 560.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng; dịch đuổi: không quá 150.000 đồng/giờ/người, tương đương với không quá 1.200.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng...
Đối với việc sử dụng điện thoại di động, mức chi như sau: Trưởng ban Điều phối dự án không quá 300.000 đồng/tháng; Trợ lý dự án không quá 200.000 đồng/tháng...
Mức khoán công tác phí tháng cho những cán bộ, nhân viên dự án thường xuyên phải sử dụng phương tiện cá nhân đi giao dịch công tác không quá 100.000 đồng/tháng/người...

Thông tư liên tịch này có hiệu kể từ ngày 31/5/2004.