Số 18.2010 (476) ngày 11/05/2010

CHÍNH PHỦ

Quy định mới về hợp đồng xây dựng (SMS: 48/2010/ND-CP) - Ngày 07/5/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2010/NĐ-CP. Nghị định này quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên. Đối với hợp đồng xây dựng thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định khác với các quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo các quy định của điều ước quốc tế đó.
Theo Nghị định này, hợp đồng xây dựng được ký kết sau khi bên giao thầu hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu theo quy định và các bên tham gia đã kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Giá ký kết hợp đồng không vượt giá trúng thầu (đối với trường hợp đấu thầu), không vượt dự toán gói thầu được duyệt (đối với trường hợp chỉ định thầu). Trường hợp bổ sung khối lượng công việc hoặc số lượng thiết bị nằm ngoài khối lượng hồ sơ mời thầu dẫn đến giá ký kết hợp đồng vượt giá trúng thầu nhưng không làm thay đổi mục tiêu đầu tư hoặc không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt thì chủ đầu tư được quyền quyết định; nếu làm thay đổi mục tiêu đầu tư hoặc vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì phải báo cáo người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định. Nếu trong một dự án, chủ đầu tư ký hợp đồng với nhiều nhà thầu để thực hiện các gói thầu khác nhau thì nội dung của các hợp đồng này phải thống nhất, đồng bộ về tiến độ, chất lượng trong quá trình thực hiện nội dung của từng hợp đồng, bảo đảm hiệu quả đầu tư chung của dự án. Trường hợp bên nhận thầu là liên danh các nhà thầu thì các thành viên trong liên danh phải có thỏa thuận liên danh, trong hợp đồng phải có chữ ký của tất cả các thành viên tham gia liên danh. Trường hợp hợp đồng xây dựng có sự tham gia của phía nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và tiếng Anh; khi hợp đồng xây dựng được ký kết bằng hai ngôn ngữ thì các bên phải thỏa thuận về ngôn ngữ sử dụng trong quá trình giao dịch hợp đồng và thứ tự ưu tiên sử dụng ngôn ngữ để giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng (nếu có).
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2010. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì các quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng hết hiệu lực thi hành.
Kiên quyết hạn chế nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu (SMS: 23/NQ-CP) - Tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 07/5/2010 về phiên họp thường kỳ tháng 4/2010, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung điều hành vĩ mô, tăng cường kiểm soát giá cả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu, lương thực; triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, bình ổn giá cả; xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm; phấn đấu kiềm chế chỉ số lạm phát khoảng 8%. Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp phù hợp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay khoảng 12% và điều hành tỷ giá ở mức hợp lý. Quyết liệt điều hành bằng các biện pháp tổng hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm dần nhập siêu xuống mức không cao hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, kiên quyết không nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết, sử dụng các biện pháp thuế, phi thuế và hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước, góp phần giảm thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế.
Cũng theo Nghị quyết này, Nhà nước chỉ ứng vốn năm 2011 cho các công trình thiết yếu, hoàn thành trong năm 2010; chú trọng thu hút và giải ngân vốn FDI, ODA, đẩy mạnh đầu tư gián tiếp. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; chú trọng giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài. Tập trung thực hiện đúng tiến độ cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong giai đoạn 3 của Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực thuế, đất đai, hải quan, xây dựng cơ bản, cấp phép đầu tư…, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Không dùng phương tiện bảo hộ lao động bị phạt đến 01 triệu đồng (SMS: 47/2010/ND-CP) - Mức phạt này được quy định tại Nghị định số 47/2010/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 06/5/2010 về xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật lao động. Nghị định này không áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động thuộc các lĩnh vực dạy nghề, học nghề, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo hiểm xã hội. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động quy định tại Nghị định này là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; nếu quá thời hạn nêu trên thì không bị xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, nếu qua một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.
Theo Nghị định này, người sử dụng lao động không công bố danh sách người lao động bị thôi việc theo quy định của pháp luật hoặc không trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở khi cho người lao động thôi việc thì bị phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 03 triệu đồng; doanh nghiệp không lập quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 03 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không giao bản hợp đồng lao động cho người lao động sau khi ký. Người lao động có một trong những hành vi không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích các phương tiện bảo hộ lao động mà người lao động đã trang bị thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 01 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/6/2010 và thay thế Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/4/2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.
Bổ sung chế độ trợ cấp đối với quân nhân (SMS: 38/2010/QD-TTg) - Ngày 06/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương. Theo đó, bổ sung Điều 2a sau Điều 2 với quy định thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ từ ngày 30/4/1975 trở về trước, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, sau đó công tác ở xã, phường, thị trấn. Cụ thể, những người có dưới 20 năm công tác trong quân đội, sau đó công tác ở xã, phường, thị trấn, đã nghỉ việc đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng hoặc chế độ hưu trí, được hưởng chế độ trợ cấp một lần. Những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong quân đội, hiện đang công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ, được thực hiện chế độ trợ cấp một lần; nếu không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí quy định tại Nghị định 152/2006/NĐ-CP, được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Những người có dưới 15 năm công tác trong quân đội, hiện đang công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, được hưởng chế độ trợ cấp một lần.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010.
Trợ cấp hàng tháng cho người hết hưởng trợ cấp mất sức (SMS: 613/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 về việc trợ cấp hàng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động. Quyết định này quy định trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng đã hết hạn hưởng trợ cấp, không thuộc diện được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 60/HĐBT ngày 01/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Quyết định số 812/TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ mà có thời gian công tác thực tế từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.
Những đối tượng nói trên khi hết tuổi lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) thì được hưởng trợ cấp hàng tháng; nếu hết tuổi lao động trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì được hưởng trợ cấp kể từ ngày 01/5/2010. Mức trợ cấp hàng tháng bằng mức trợ cấp đang hưởng của đối tượng quy định tại Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ và được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ. Người hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định này được hưởng bảo hiểm y tế; khi chết, người lo mai táng được hưởng tiền mai táng phí theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội hiện hành. Nguồn kinh phí thực hiện các khoản trợ cấp nêu trên do ngân sách Trung ương bảo đảm; riêng năm 2010 được bố trí trong nguồn kinh phí thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Các quy định tại Quyết định này được thực hiện từ ngày 01/5/2010.
Triển khai trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMS: 22/NQ-CP) - Để triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy mọi khả năng và nguồn lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, ngày 05/5/2010 Chính phủ đã ra Nghị quyết số 22/NQ-CP, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định nói trên; nghiên cứu đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 5 năm tiếp theo (2011-2015) trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2011. Giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ để kiểm soát hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung phục vụ các nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời chủ động đề xuất, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đàm phán, tiếp nhận, hoặc bố trí nguồn vốn ODA để thực hiện hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tư vấn tài chính, quản lý đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tổ chức thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê hoặc dành quỹ đất để xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và vườn ươm doanh nghiệp. Trong năm 2010, Bộ Tài chính có trách nhiệm nghiên cứu trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2006/NĐ-CP và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, trong đó ưu tiên đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, lĩnh vực gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (SMS: 585/QD-TTg) - Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số  ngày 05/5/2010. Mục tiêu cụ thể của Chương trình này nhằm khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật; được triển khai trong phạm vi toàn quốc, có tập trung triển khai điểm tại 07 địa phương là Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Trong giai đoạn thực hiện Chương trình, phấn đấu tổ chức bồi dưỡng cho 65.000 người quản lý doanh nghiệp và 9.700 cán bộ pháp chế doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp. Bên cạnh đó hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật gồm luật gia, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; bảo đảm 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương thuộc địa bàn này được hỗ trợ tư vấn về các nội dung cơ bản của pháp luật kinh doanh.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 190 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp là 170 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chung về tổ chức thực hiện Chương trình, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
 
 

BỘ TÀI CHÍNH

Sửa đổi quy định về xóa nợ thuế cho DNNN (SMS: 934/QD-BTC) - Bộ Tài chính có Quyết định số 934/QĐ-BTC ngày 29/4/2010 đính chính Thông tư số 34/2010/TT-BTC ngày 12/3/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện sắp xếp chuyển đổi trước ngày 01/7/2007. Cụ thể, tại Điều 4 quy định về “Xóa nợ thuế đối với DNNN thực hiện cổ phần hóa” đã in: “Doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa và đăng ký kinh doanh trước ngày 01/7/2007 còn tồn tại các khoản nợ thuế nếu các khoản nợ thuế này đã được tính giảm trừ trong tổng số nợ. Số thuế được xóa tối đa không vượt quá số lỗ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc thời điểm chính thức chuyển đổi…”, nay sửa lại thành “Doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa và đăng ký kinh doanh trước ngày 01/7/2007 còn tồn tại các khoản nợ thuế nếu các khoản nợ thuế này đã được tính giảm trừ trong tổng số nợ và chưa tính giảm trừ vào vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Số thuế được xóa tối đa không vượt quá số lỗ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc thời điểm chính thức chuyển đổi…”.
Tại Điều 7 về “Xóa nợ thuế đối với DNNN sáp nhập vào DNNN khác” đã in: “Doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh bị lỗ, có nợ đọng thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước có quyết định sáp nhập vào DNNN khác trước 01/7/2007, đến 31/12/2008 số nợ thuế này chưa được xử lý thì được xem xét xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tối đa bằng số lỗ của doanh nghiệp sáp nhập tại thời điểm có quyết định sáp nhập.”, nay sửa lại thành: “Doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh bị lỗ, có nợ đọng thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước có quyết định sáp nhập vào DNNN khác trước 01/7/2007, đến 31/12/2008 số nợ thuế này chưa được xử lý thì được xem xét xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp nhận sáp nhập phải là doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 3, Điều 11 Nghị định 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ được xóa nợ tối đa bằng số lỗ của doanh nghiệp sáp nhập tại thời điểm có quyết định sáp nhập.”
Quyết định này có hiệu lực thi hành cùng thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 34/2010/TT-BTC ngày 12/3/2010 của Bộ Tài chính.

 
 

LIÊN BỘ

Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp
(SMS: 09/2010/TTLT-BTP-BTC-BNV) - Liên Bộ Tư pháp, Tài chính, Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 09/2010/TTLT-BTP-BTC-BNV ngày 04/5/2010 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Theo Thông tư này, kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ án hình sự do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính được tính trong chi phí giám định do đương sự chịu theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật tố tụng hành chính. Cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm tạm ứng tiền bồi dưỡng giám định cho tổ chức, cá nhân tiếp nhận trưng cầu giám định khi trưng cầu giám định và phải thanh toán tiền bồi dưỡng giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định. Trong trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi thì sau khi thanh toán việc chi trả chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp, cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm chi trả bồi dưỡng giám định cho người tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg nêu trên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Đối với các việc giám định tư pháp được trưng cầu và tiếp nhận thực hiện kể từ ngày 01/7/2009 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì chế độ bồi dưỡng giám định được tính theo mức bồi dưỡng quy định tại Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg. Trong trường hợp việc giám định đã được cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán tiền bồi dưỡng giám định tư pháp theo mức bồi dưỡng quy định tại Quyết định số 160/TTg ngày 15/3/1996 và Quyết định số 57/1998/QĐ-TTg ngày 05/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan trưng cầu giám định đó có trách nhiệm chi trả tiếp phần tiền bồi dưỡng giám định chênh lệch so với mức bồi dưỡng quy định tại Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg.