Số 17.2010 (475) ngày 04/05/2010

CHÍNH PHỦ

Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo đến 2020 (SMS: 568/QD-TTg) - Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 với một trong những mục tiêu là tập trung xây dựng một số đảo có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nhiều tiềm năng, tạo sự bứt phá cho kinh tế biển, đảo, góp phần phát triển kinh tế cả nước, đồng thời làm đầu mối quan trọng để gắn kinh tế đảo với kinh tế biển, ven biển và vùng nội địa và giao lưu kinh tế quốc tế; đồng thời tạo sự chuyển biến căn bản và vững chắc trong cơ cấu kinh tế đảo, hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản…để kinh tế đảo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14-15%/năm thời kỳ 2010-2020, trong đó du lịch - dịch vụ tăng trên 20%/năm, nâng mức đóng góp của kinh tế đảo trong kinh tế cả nước từ 0,2% hiện nay lên khoảng 0,5% vào năm 2020.
Cũng theo Quyết định này, định hướng phát triển kinh tế đảo đến 2020 là xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư và khuyến khích dân ra định cư lâu dài trên các đảo, phát triển một số ngành chủ lực, có lợi thế như hải sản, du lịch, dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các thành phần kinh tế, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của kinh tế đảo trong thời gian tới. Tập trung xây dựng một số đảo trọng điểm về kinh tế như đảo Phú Quốc (Kiên Giang), cụm đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), trước mắt là phát triển du lịch tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế biển, đảo trong thời gian tới thành các đảo có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các đảo phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng an ninh là cụm đảo Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), cụm đảo Cát Bà - Cát Hải (Hải Phòng), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Phú Quý (Bình Thuận). Nâng cấp và xây dựng mới các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá tại một số đảo gần các ngư trường lớn như Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Thổ Chu, Trường Sa…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Khuyến khích kinh doanh vật liệu xây không nung (SMS: 567/QD-TTg) - Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Theo Quyết định này, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây dựng; khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung khác có độ rỗng lớn hơn 30% và vật liệu xây không nung loại nhẹ. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất và kinh doanh vật liệu xây không nung. Ngoài các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi và hỗ trợ khác theo các quy định hiện hành, các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm.
Để thực hiện Chương trình này, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ để phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, lập danh mục các loại thiết bị, vật tư sản xuất vật liệu xây không nung được miễn thuế nhập khẩu; Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất nông nghiệp làm gạch đất sét nung.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Thủ tục nghỉ hưu và thôi việc đối với công chức (SMS: 46/2010/ND-CP) - Quy định mới nhất về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức vừa được Chính phủ ban hành bằng Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010. Theo Nghị định này, thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 của tháng liền kề sau tháng công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định; trường hợp trong hồ sơ của công chức không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm công chức đủ tuổi nghỉ hưu. Thời điểm nghỉ hưu của công chức được lùi theo một trong các trường hợp sau: không quá 01 tháng nếu thời điểm nghỉ hưu trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán hoặc công chức có vợ hoặc chồng, bố, mẹ (vợ hoặc chồng), con bị từ trần, bị tòa án tuyên bố mất tích hoặc bản thân và gia đình công chức bị thiệt hại do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn; không quá 03 tháng đối với trường hợp công chức bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện; không quá 06 tháng đối với trường hợp công chức đang điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, có giấy xác nhận của bệnh viện. Trước 06 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, đơn vị quản lý công chức phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu để công chức biết và chuẩn bị người thay thế. Công chức được nghỉ hưu có trách nhiệm bàn giao hồ sơ tài liệu và những công việc đang làm cho người được phân công tiếp nhận trước thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu.
Cũng theo Nghị định này, công chức được hưởng chế độ thôi việc theo nguyện vọng và được cơ quan có thẩm quyền đồng ý hoặc do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức. Nếu thôi việc theo nguyện vọng, công chức phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản, nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì trả lời công chức bằng văn bản và nêu rõ lý do. Công chức không được giải quyết thôi việc khi: đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan khi được xét tuyển; chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan. Công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc được tính bằng một nửa tháng lương hiện hưởng; mức trợ cấp thấp nhất bằng một tháng lương hiện hưởng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Trợ cấp thôi việc quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 01/01/2010. Nghị định này thay thế các quy định về thôi việc đối với công chức tại Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005, quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với công chức tại Nghị định số 143/2007/NĐ-CP ngày 10/9/2007 của Chính phủ.
Tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em (SMS: 37/2010/QD-TTg) - Ngày 22/4/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ban hành Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Quy định này được sử dụng để kiểm tra, đánh giá và xét công nhận xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Xã, phường được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em là xã, phường có môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em, là xã, phường mà ở đó trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách. Có 25 chỉ tiêu đánh giá xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em với số điểm cao nhất là 75 điểm và thấp nhất là 0 điểm. Xã, phường được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em nếu đạt được số điểm theo quy định sau đây (tối đa là 1.000 điểm): các phường thuộc các quận của thành phố trực thuộc Trung ương đạt từ 850 điểm trở lên; các xã, thị trấn thuộc huyện của thành phố trực thuộc TW, xã, phường của thành phố thuộc tỉnh, xã, phường của thị xã thuộc tỉnh, thị trấn của huyện thuộc tỉnh khu vực đồng bằng, trung du, xã, phường của thị xã, thành phố thuộc tỉnh miền núi đạt từ 750 điểm trở lên; các xã, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đạt từ 650 điểm trở lên.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2010.
Nghị định mới về tổ chức và quản lý hội (SMS: 45/2010/ND-CP) - Đó là Nghị định số 45/2010/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 21/4/2010. Nghị định này không áp dụng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức giáo hội. Theo đó, muốn thành lập hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh phải có ít nhất một trăm công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh đăng ký tham gia; hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh phải có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức trong tỉnh đăng ký tham gia; hội có phạm vi hoạt động trong huyện phải có ít nhất hai mươi công dân, tổ chức trong huyện đăng ký tham gia; hội có phạm vi hoạt động trong xã phải có ít nhất mười công dân, tổ chức trong huyện đăng ký tham gia; hiệp hội của các tổ chức kinh tế có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có phạm vi hoạt động cả nước phải có ít nhất mười một đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh đăng ký tham gia; hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động đăng ký tham gia.
Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận. Người đứng đầu ban vận động thành lập hội là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khỏe và có uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010 và thay thế Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn (SMS: 504/QD-TTg) - Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội. Cụ thể, giai đoạn 2010-2015 hoàn thành việc điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc; xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn; hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân vùng ô nhiễm bom mìn tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng và xảy ra nhiều tai nạn bom mìn. Giai đoạn 2016-2025 tiếp tục thực hiện công tác rà phá bom mìn đạt khối lượng diện tích khoảng 800 ngàn ha; tiếp tục tuyên truyền về thực trạng và hậu quả do bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm vận động chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các cá nhân nước ngoài và các tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ, hỗ trợ thực hiện; tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân vùng ô nhiễm bom mìn tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 
BỘ TÀI CHÍNH

Sửa quy định về cấp vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ (SMS: 67/2010/TT-BTC) - Ngày 22/4/2010, Bộ Tài chính ra Thông tư số 67/2010/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 28/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 và Thông tư số 133/2007/TT-BTC ngày 14/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Theo nội dung sửa đổi, bổ sung, các dự án giao thông, thủy lợi thuộc danh mục của Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ngày 24/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ được phép bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cao hơn tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ ghi trong Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg, nhưng tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác (nếu có) được bố trí không được vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu tiến độ thực hiện và nhu cầu vốn thanh toán thực tế trong năm của các dự án có thay đổi so với kế hoạch vốn đăng ký đầu năm, các bộ, UBND các tỉnh thực hiện điều chỉnh giảm mức vốn của các dự án không có khả năng thực hiện, tăng mức vốn cho các dự án có khả năng thực hiện vượt tiến độ; thời gian điều chỉnh mức vốn đầu tư hàng năm kết thúc vào ngày 31/10.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng ô tô (SMS: 65/2010/TT-BTC) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 65/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xe ô tô thuộc nhóm 8704 quy định tại Danh mục mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Theo đó, xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa loại có tổng trọng lượng có tải tối đa trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn (mã 8704.10.12.30) thuế suất giảm từ 30% xuống còn 25%, loại có tổng trọng lượng có tải tối đa không quá 45 tấn (mã 8704.10.22.10) thuế suất giảm từ 12% xuống còn 8%. Cũng theo Thông tư này, xe tự đổ có tổng trọng lượng có tải tối đa không quá 10 tấn được phân loại vào các mã số 8704.21.29.90, 8704.22.49.30, 8704.31.29.90, 8704.32.49.30, 8704.90.90.10, 8704.90.90.20.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/4/2010.

Lãi chứng chỉ tiền gửi của người nước ngoài phải chịu thuế thu nhập (SMS: 64/2010/TT-BTC) - Ngày 22/4/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 64/2010/TT-BTC sửa đổi, bố sung Thông tư số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Theo đó, sửa đổi, bổ sung gạch đầu dòng thứ 4, khoản 2.3, mục I, phần B Thông tư số 134/2008/TT-BTC quy định về thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể: “- Thu nhập từ lãi tiền vay: là thu nhập của bên cho vay từ các khoản cho vay dưới bất kỳ dạng nào mà khoản vay đó có hay không được đảm bảo bằng thế chấp, người cho vay có hay không được quyền hưởng lợi tức của người đi vay; thu nhập từ lãi tiền gửi (trừ lãi tiền gửi của các cá nhân người nước ngoài và lãi tiền gửi phát sinh từ tài khoản tiền gửi để duy trì hoạt động tại Việt Nam của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam), kể cả các khoản thưởng đi kèm lãi tiền gửi (nếu có); thu nhập từ lãi trả chậm theo quy định của các hợp đồng; lãi trái phiếu (trừ trái phiếu thuộc diện miễn thuế), lãi chứng chỉ tiền gửi”. Như vậy, so với quy định cũ thì Thông tư 64/2010/TT-BTC bổ sung 02 khoản thu nhập của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam vào diện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là lãi trái phiếu và lãi chứng chỉ tiền gửi.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng hạt nhựa (SMS: 63/2010/TT-BTC) - Cùng ngày 22/4/2010, Bộ Tài chính có Thông tư số 63/2010/TT-BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng gồm hạt nhựa ABS mã số 3903.30.90.10; hạt nhựa GPPS mã số 3903.11.00.10; hạt nhựa HIPS mã số 3903.19.00.10 quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/QĐ-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể, các mặt hàng nói trên thuế suất giảm từ 3% xuống còn 2%.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.