Số 17.2008 (373) ngày 02/05/2008

 CHÍNH PHỦ


Ổn định an ninh luơng thực
(SMS: 503937)
- Trước tình hình khan hiếm lương thực ở một số nước trên thế giới, một số kẻ xấu đã tung tin thất thiệt về khả năng mất cân đối lương thực trong nước ta để tiến hành thu gom lúa, gạo nhằm mục đích đầu cơ trục lợi; lợi dụng chênh lệch giá gạo trong và ngoài nước để buôn lậu qua biên giới.
Thực tế, sản lượng lúa vụ Đông-Xuân 2007-2008 tăng so với năm 2006-2007; lượng gạo tồn kho trong dân và ở doanh nghiệp từ sau vụ Đông-Xuân năm 2008 đạt trên 1,3 triệu tấn. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục mua tăng lượng gạo dự trữ quốc gia. Như vậy, sản lượng lương thực của nước ta năm 2008 hoàn toàn có khả năng bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong nước và dành một phần cho xuất khẩu. Từ tình hình trên, ngày  27/4/2008, Thủ tướng Chính đã ra Công điện số 612/CĐ-TTg về tình hình lúa gạo, yêu cầu:
Các công ty kinh doanh lương thực tiếp tục mua lúa, gạo theo kế hoạch, bảo đảm tiêu dùng và xuất khẩu, cung ứng gạo ổn định cho các khu vực trong nước, không để xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ.
Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh lương thực mua vét đầu cơ lúa, gạo; các trường hợp vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp đầu cơ tăng giá gạo gây bất ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu lậu lúa, gạo.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin chính xác, tránh việc bình luận và đưa ra các dự báo thiếu cơ sở đối với tình hình cân đối lương thực và giá lúa, gạo, gây tác động không tốt đến tâm lý người dân và mất ổn định thị trường…


Kiểm soát tình hình lương thực
(SMS: 503987)
- Ngày 29/4/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Công văn số 2725/VPCP- KTTH về việc triển khai Công điện số 612/CĐ-TTg.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát triển sản xuất, bảo đảm cân đối cung-cầu lương thực trong nước và xuất khẩu gạo theo đúng chỉ đạo…
Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông và các địa phương tổ chức đánh giá một cách nghiêm túc sự việc này, đặc biệt lưu ý việc nắm tình hình, bảo đảm nguồn hàng, tổ chức lưu thông, cân đối cung-cầu, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát buôn lậu qua biên giới, công tác đưa tin, tuyên truyền,... chưa tốt làm cho người dân hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về nguồn hàng và việc bảo đảm đủ gạo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, dẫn đến tình trạng đầu cơ tích trữ, làm giá gạo tăng cao như đã xảy ra trong tuần vừa qua, gây tâm lý hoang mang trong dân; đồng thời có biện pháp chỉ đạo sát sao hơn nữa để không xảy ra hiện tượng tương tự…


Quản lý tài nguyên
(SMS: 503936)
- Ngày 26/4/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 109/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về sản xuất, kinh doanh than và các giải pháp xử lý nạn khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát ranh giới mỏ, trên cơ sở đó cấp phép hoạt động khoáng sản than cho các tổ chức, cá nhân hiện đang trực tiếp quản lý, khai thác, trong năm 2008. Việc cấp phép phải tuân thủ theo pháp luật về khoáng sản…
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp quản lý chặt chẽ, không để bất cứ tổ chức, hộ dân nào khai thác than trên diện tích ở (kể cả ao vườn đã được giao quản lý sử dụng) và lập bến, bãi than không theo quy hoạch. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác than trái phép, lập bến, bãi than không đúng quy hoạch thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát cơ chế, chính sách để có bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, xuất khẩu than theo kế hoạch được duyệt. Trước mắt, chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu than tiểu ngạch từ ngày 01/6/2008; Kiểm tra việc sử dụng than của các hộ cuối nguồn, đặc biệt đối với các hộ có nhu cầu sử dụng than lớn nhằm tránh hiện tượng sử dụng than không đúng mục đích; Xây dựng và ban hành quy định quản lý về nguồn than trôi nổi được thu nhặt ở các sông suối, chân bãi thải…


Phát triển khu kinh tế cửa khẩu
(SMS: 503972)
- Ngày 25/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020”.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là đến năm 2020 các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) khu vực biên giới trở thành các vùng kinh tế động lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia; phấn đấu tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ qua biên giới Việt Nam với các nước láng giềng đạt 42-43 tỷ USD vào năm 2020.
Đến 2020, cả nước sẽ có 30 KKTCK, trong đó hình thành thêm 7 KKTCK mới trên khu vực biên giới. Xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình tổ chức quản lý, cơ chế, chính sách cho 9 KKTCK: Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn, Cầu Treo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang, Đồng Tháp và KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo, trong đó, tập trung ưu tiên đối với các KKTCK là đầu mối hành lang kinh tế liên vùng, quốc tế như KKTCK Móng Cái, Lào Cai và Lạng Sơn.
Việc phát triển các KKTCK phải gắn với việc hình thành hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn biên giới và gắn với bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các xã biên giới Việt-Trung.
Ngoài việc phát triển các ngành, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ qua cửa khẩu; xây dựng chợ biên giới, du lịch quá cảnh; hình thành cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các tỉnh này cần thực hiện tốt việc bảo vệ, tu bổ, khoanh nuôi rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng phòng hộ biên giới. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng đường quốc lộ N1 nối liền các tỉnh biên giới với Campuchia theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
(SMS: 503927)
- Theo Nghị định số 55/2008/NĐ-CP ban hành ngày 24/4/2008 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng, Chính phủ quy định: mọi hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường…
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khi nhận được khiếu nại của người tiêu dùng phải cấp phiếu tiếp nhận khiếu nại và tiến hành giải quyết trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trong trường hợp cấp thiết, thời gian giải quyết khiếu nại là 3 ngày làm việc. Phiếu tiếp nhận khiếu nại có thể được thực hiện dưới hình thức văn bản hoặc thư điện tử…
Cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng trong các quy ước bán hàng, quy ước phục vụ. Cấm mọi hành vi quảng cáo, khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các hành vi khác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ. Các tổ chức, cá nhân này cần cung cấp thông tin kịp thời, trung thực và chính xác cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp. Công khai niêm yết giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh…
Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một tổ chức xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Tổ chức này đại diện cho người tiêu dùng tiến hành khiếu nại tới tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; tố cáo tới cơ quan nhà nước; khởi kiện ra tòa khi được người tiêu dùng ủy quyền…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách đối với thân nhân sĩ quan, chiến sĩ
(SMS: 503926)
- Ngày 24/4/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2008/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân.
Theo đó, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ nếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm y tế bắt buộc hàng tháng cho một người bằng 3% tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm mua bảo hiểm y tế…
Gia đình của hạ sĩ quan, chiến sĩ được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp: bị hỏa hoạn, thiên tai, thân nhân bị  tai nạn ốm đau từ 1 tháng trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện từ 15 ngày trở lên được trợ cấp 300.000 đồng/suất/lần nhưng không quá 2 lần trong năm; Khi có thân nhân bị chết, mất tích được trợ cấp 600.000 đồng/suất; Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông của Nhà nước…
Thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ sẽ thôi hưởng các chế độ, chính sách khi hạ sĩ quan, chiến sĩ thôi phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành cho người tàn tật
(SMS: 503928)
- Ngày 24/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật.
Theo đó, cơ sở kinh doanh nêu trên được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Riêng đối với hoạt động kinh doanh hàng xuất khẩu (trừ xuất khẩu mặt hàng dệt, may) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2011…
Ngoài ra, cơ sở kinh doanh còn được miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước. Trong thời gian được miễn tiền thu sử dụng đất, không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh liên kết bằng quyền sử dụng đất…
Cơ sở kinh doanh được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phần vốn còn thiếu của dự án đầu tư, sản xuất sau khi đã sử dụng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác nếu đủ 2 điều kiện: Có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm ổn định việc làm cho người tàn tật và thu hút thêm người tàn tật vào làm việc; Thực hiện đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm…
Mức vốn vay tối đa cho một dự án căn cứ vào số lao động là người tàn tật được thu hút vào dự án và không quá 30 triệu đồng/1 lao động. Lãi suất cho vay bằng 50% mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng khác vay vốn giải quyết việc làm. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay trong hạn.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý hoạt động kinh doanh chứng khoán
(SMS: 503929)
- Ngày 24/4/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 105/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cán cân thanh toán quốc tế và phát triển thị trường chứng khoán.
Thủ tướng yêu cầu: Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng quy định rõ việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá và việc nắm giữ cổ phần của các công ty niêm yết, công ty đại chúng…
Xem xét trình Thủ tướng quyết định cho phép các chi nhánh, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để quản lý các quỹ đầu tư chứng khoán 100% vốn huy động ở nước ngoài.
Khẩn trương ban hành quy định quản lý các văn phòng đại diện các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam không được phép kinh doanh và không được phép được thực hiện việc uỷ quyền hoạt động đầu tư chứng khoán qua cá nhân…

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp quản lý các khoản vay nợ của doanh nghiệp, đặc biệt là các công cụ huy động vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ, các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn không có bảo đảm, các giao dịch hoán đổi và kỳ hạn bằng ngoại tệ…
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Hướng dẫn thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên
(SMS: 503935)
- Ngày 23/4/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34/2008/TT-BTC hướng dẫn triển khai thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 nhằm kiềm chế lạm phát.
Bộ Tài chính yêu cầu: các Bộ, ban, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp tạm dừng mua ôtô, phương tiện, tài sản khác có giá trị lớn; sửa chữa lớn trụ sở làm việc.
Ngoài ra, các đơn vị trên cũng cần hạn chế tối đa các khoản chi cho những hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổng kết, sơ kết, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập… và các đoàn công tác (trong và ngoài nước) sử dụng kinh phí NSNN.
Để đảm bảo vẫn hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn đã được giao đầu năm trong điều kiện thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, các cơ quan, đơn vị cần rà soát, điều chỉnh nhiệm vụ chi thường xuyên đã được giao đầu năm; Tiết kiệm tối đa sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực.
Kinh phí tiết kiệm thuộc ngân sách cấp nào được để lại ngân sách cấp đó để tăng dự phòng ngân sách, tập trung xử lý các nhiệm vụ chi bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh ngoài dự toán ngân sách đã được giao và giảm bội chi ngân sách.
Tuy nhiên, chính sách tiết kiệm này được loại trừ với dự toán chi kinh phí sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135 và chi nhiệm vụ trợ giá, trợ cước, một số khoản bắt buộc chi theo chế độ, chính sách hiện hành…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.