Số 17.2007 (322) ngày 04/05/2007

 QUỐC HỘI


Thực thi dân chủ ở cơ sở
(SMS: 202705)
- Ngày 20/4/2007, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn số 34/2007/PL-UBTVQH11.
Pháp lệnh quy định: hằng năm, Ban thường trực UBMTTQVN cấp xã sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND cấp xã. Nếu số phiếu tín nhiệm dưới 50% số người thuộc thành phần lấy phiếu thì đề nghị HĐND cùng cấp xem xét miễn nhiệm...

Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã công khai cho dân biết phương án điều chỉnh quy hoạch đất đai, quy hoạch khu dân cư, công tác tái định cư; Chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ công chức; Kết quả lấy phiếu tín nhiệm chủ tịch HĐND và UBND cấp xã; Quy định dân bàn và quyết định trong việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư; Quy định nhân dân giám sát đại biểu HĐND, cán bộ công chức cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố và cán bộ công chức, viên chức làm việc, sinh sống trên địa bàn; giám sát quá trình thực hiện các công trình, dự án của cấp trên đầu tư trên địa bàn xã, thôn, tổ dân phố...
Pháp
lệnh có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2007.

Quy định về việc ký kết các điều ước quốc tế
(SMS: 202704)
- Ngày 20/4/2007, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ký kết và Thực hiện thoả thuận quốc tế số 33/2007/PL-UBTVQH11, quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Pháp lệnh quy định việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế phải tuân thủ những nguyên tắc sau: Phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phù hợp với nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế; phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định về cùng một lĩnh vực; Bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế được ký kết; Chỉ có giá trị ràng buộc đối với cơ quan đã ký kết thỏa thuận quốc tế; không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam...

Pháp lệnh có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2007.
 

 CHÍNH PHỦ


Quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc
(SMS: 202694)
- Ngày 19/4/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân.
Theo đó, người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện thì được cộng cả hai để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia. Mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương của người lao động...
Người lao động là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp... nghỉ việc khi bị ốm đau, tai nạn rủi ro được hưởng mức trợ cấp  bằng 100%, khi nghỉ chăm con ốm được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Thời gian tối đa được nghỉ việc hưởng chế độ chăm sóc con ốm là 20 ngày đối với con dưới 3 tuổi và 15 ngày đối với con trên 3 tuổi...
Lao động nữ là quân nhân, công an nhân dân hoặc làm công tác cơ yếu khi mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Nếu ở xa cơ sở y tế, hoặc người mang thai có bệnh lý, thai không bình thường thì được nghỉ việc 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Khi sinh con, lao động nữ được nghỉ chế độ thai sản 5 tháng, nếu sản phụ là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tàn tật... thì được nghỉ 6 tháng. Mức hưởng chế độ thai sản bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc...
Người lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị suy giảm khả năng lao động 5% thì hưởng 5 tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung. Nếu bị suy giảm từ 31% thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức tối thiểu chung...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu
(SMS: 202695)
- Ngày 27/4/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 29/2007/QĐ-BTC về việc ban hành mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Bộ trưởng quyết định: giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu xuống còn 5% đối với các sản phẩm dầu nhẹ và các chế phẩm, xăng động cơ có pha chì, xăng động cơ không pha chì kể cả loại cao cấp và dân dụng, các loại xăng động cơ, dung môi trắng, dầu nhẹ và các dung môi chế phẩm khác để pha chế xăng (quy định trước đây mức thuế suất đối với các mặt hàng này là 10%)...
Xăng máy bay cũng áp dụng mức thuế suất mới là 5%.
Dầu hoả và dầu hoả thắp vẫn giữ nguyên mức 0%.
Mức thuế mới sẽ áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 28/4/2007.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn về thuế khai thác tài nguyên
(SMS: 21067)
- Ngày 27/4/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 68/1998/NĐ-CP và 147/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 68/1998/NĐ-CPquy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế tài nguyên (sửa đổi).
Theo đó, đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hay khối lượng thì sản lượng tài nguyên thương phẩm để tính thuế là số lượng, trọng lượng hay khối lượng của tài nguyên khai thác thực tế trong kỳ nộp thuế, không phụ thuộc vào hiện trạng và mục đích khai thác tài nguyên (để bán ngay, đem trao đổi, tiêu dùng nội bộ, dự trữ đưa vào sản xuất tiếp theo...).
Đối với loại tài nguyên không thể xác định được số lượng, trọng lượng hay khối lượng thực tế khai thác do chứa nhiều chất khác nhau, hàm lượng tạp chất lớn, thì sản lượng tài nguyên để tính thuế được xác định trên số lượng, trọng lượng hay khối lượng từng chất thu được do sàng tuyển, phân loại.
Đối với loại tài nguyên khai thác, chưa bán ra ngay mà đưa vào để tiếp tục  sản xuất sản phẩm, kinh doanh dịch vụ khác nếu không trực tiếp xác định được sản lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế được căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ và định mức tiêu hao tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm.
Trường hợp khai thác thủ công, phân tán hoặc khai thác lưu động, không thường xuyên, sản lượng tài nguyên khai thác dự kiến trong một năm có giá trị dưới 200 triệu đồng và khó khăn trong việc quản lý thì có thể thực hiện khoán số lượng tài nguyên khai thác theo mùa vụ hoặc định kỳ.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.


Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
(SMS: 21063)
- Ngày 24/4/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 28/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy tắc và Biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Theo đó, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền sẽ tiến hành giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định độc lập. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi bên mua bảo hiểm cư trú chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên...
Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Thời hạn yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm là 01 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TƯ PHÁP


Hướng dẫn một số quy định về luật sư
(SMS: 202691)
- Ngày 25/4/2007. Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2007/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư.
Bộ Tư pháp quy định: Cơ sở đào tạo nghề luật sư phải bảo đảm quy mô đào tạo tối thiểu 200 học viên/khoá; có số lượng giáo viên tối thiểu là 01 giáo viên/20 học viên. Giáo viên đào tạo nghề luật sư là luật sư có ít nhất 5 năm hành nghề luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành; có uy tín nghề nghiệp, khả năng sư phạm, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; phải có văn bản xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc văn bản thoả thuận của cơ quan có thẩm quyền về quyền sử dụng đất lâu dài để xây dựng trường hoặc hợp đồng thuê nhà, đất (tối thiểu là 5 năm)...
Luật sư tập sự không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Trong trường hợp luật sư tập sự theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 đang thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng thì phải giao lại vụ, việc đó cho luật sư hướng dẫn; trong trường hợp khách hàng không đồng ý thì tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư hướng dẫn hành nghề và khách hàng thoả thuận giải quyết...
Định kỳ mỗi năm một lần, Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra về tổ chức, hoạt động luật sư tại địa phương. Thời gian và nội dung kiểm tra định kỳ phải được thông báo cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 7 ngày trước khi tiến hành kiểm tra...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Hướng dẫn việc giao rừng
(SMS: 202692)
- Ngày 25/4/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 38/2007/TT-BNN hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn.
Theo đó, khi nhận được quyết định giao rừng của UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm: tổ chức việc bàn giao rừng tại thực địa cho hộ gia đình, cá nhân có sự tham gia của các chủ rừng liền kề; việc bàn giao rừng phải lập thành biên bản bàn giao rừng có sự tham gia và ký tên của đại diện UBND cấp xã, đại diện hộ gia đình, cá nhân. Sau khi nhận bàn giao rừng tại thực địa hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm xác định rõ ranh giới đóng mốc khu rừng được giao, được thuê với sự chứng kiến của đại diện UBND cấp xã và các chủ rừng liền kề...
Trường hợp diện tích rừng thu hồi có rừng của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn đang sử dụng thì sau khi nhận được quyết định thu hồi rừng của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm ký quyết định thu hồi rừng cụ thể đối với mỗi chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn...
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được giao rừng chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền nhưng đã được UBND cấp huyện, UBND cấp xã ký khế ước hoặc cấp sổ lâm bạ thì hộ gia đình, cá nhân đó được tiếp tục quản lý rừng, sử dụng khu rừng đã giao theo khế ước đã ký hoặc sổ lâm bạ đã được cấp.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN TỊCH:


Quy định đối với Ban chấp hành Công đoàn lâm thời
(SMS: 21068)
- Ngày 20/4/2007, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-TLĐLĐVN-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 96/2006/NĐ-CP về Ban chấp hành Công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp.
Theo đó, việc chỉ định BCHCĐ lâm thời thực hiện khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động 6 tháng nhưng chưa thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở và có đủ 5 đoàn viên trở lên...
Trình tự chỉ định BCHCĐ lâm thời thực hiện như sau: Công đoàn cấp trên thông báo cho người sử dụng lao động về kế hoạch tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập công đoàn; ra quyết định kết nạp đoàn viên theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tập hợp danh sách Công nhân lao động là đoàn viên công đoàn (kể cả người có thẻ đoàn viên công đoàn) đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 6 tháng trở lên tại doanh nghiệp; ra quyết định chỉ định BCHCĐ lâm thời và Chủ tịch BCHCĐ lâm thời tại doanh nghiệp...
Số lượng Phó Chủ tịch và ủy viên BCHCĐ lâm thời do công đoàn cấp chỉ định quyết định.
Trường hợp thoả thuận được với người sử dụng lao động thì công đoàn cấp trên ra quyết định thành lập công đoàn cơ sở và chỉ định BCHCĐ lâm thời theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi có quyết định chỉ định, BHHCĐ lâm thời phải thực hiện tuyên truyền phát triển đoàn viên và đề nghị công đoàn cấp trên ra quyết định thành lập công đoàn cơ sở khi đủ điều kiện. Trường hợp đặc biệt, nếu được công đoàn cấp trên đồng ý, việc thành lập công đoàn cơ sở có thể chậm hơn, nhưng cũng không được quá 6 tháng kể từ ngày có văn bản đồng ý của công đoàn cấp trên.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.