Số 17.2006 (271) ngày 05/05/2006

 QUỐC HỘI


Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính
(SMS: 19487)
- Theo Pháp lệnh số 29/2006/PL-UBTVQH11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 05/4/2006, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để Toà án giải quyết vụ án hành chính về các khiếu kiện: quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố khác, quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính với một trong các hình thức: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính... nếu đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết và không tiếp tục khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai...
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu người khởi kiện và người bị kiện đều đồng ý. Trong trường hợp Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn...

Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2006.
 

 CHÍNH PHỦ - UỶ BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM


Giám sát cán bộ, công chức, đảng viên
(SMS: 201575)
- Ngày 21/4/2006, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP-UBTWMTTQVN về việc ban hành Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư".
Theo Quy chế, mục đích của việc giám sát là: thông qua hoạt động giám sát của MTTQVN giúp cho cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức, trách nhiệm gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định ở khu dân cư; phát hiện những nhân tố mới, khuyến khích mặt tích cực, kiến nghị biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt. Giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với dân trên cơ sở đó có hướng bồi dưỡng, sử dụng cán bộ tốt hơn; phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu xa dân, thiếu trách nhiệm với dân; kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên...
Hoạt động giám sát phải tuân theo nguyên tắc: quá trình hoạt động giám sát không làm cản trở công việc, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân và gia đình cán bộ, công chức, đảng viên...
Đối tượng giám sát có quyền: Yêu cầu tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân đưa ra, kiến nghị sai sự thật và thông báo công khai để cá nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị biết về kết luận vụ việc bị kiến nghị giám sát...

Nghị quyết liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 CHÍNH PHỦ


Quy chế Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
(SMS: 201577)
- Theo Quyết định số 95/2006/QĐ-TTg ban hành ngày 3/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ: Trợ lý Bộ trưởng có những nhiệm vụ, quyền hạn sau: trong công tác, được uỷ quyền thay mặt Lãnh đạo Bộ trình bày ý kiến của Bộ thuộc phạm vi công tác được giao với chức danh Trợ lý Bộ trưởng; Được Bộ trưởng cử đi công tác trong và ngoài nước với danh nghĩa Phái viên của Bộ trưởng, làm Trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) tại các hội nghị quốc tế hoặc tham gia các hoạt động đối ngoại quan trọng...
Trợ lý Bộ trưởng được hưởng phụ cấp trách nhiệm tương đương cấp Tổng cục trưởng thuộc Bộ (hệ số 1,25)...
Người được bổ nhiệm Trợ lý Bộ trưởng phải đang giữ chức vụ Trưởng đơn vị trực thuộc Bộ và trong diện quy hoạch Thứ trưởng, đồng thời còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây: Có tín nhiệm cao và đã liên tục công tác trong ngành ngoại giao ít nhất 10 năm; Không quá 50 tuổi và có đủ sức khoẻ để đảm nhiệm công tác; Trình độ lý luận chính trị cao cấp...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
(SMS: 201574)
- Ngày 28/4/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Chính phủ quy định: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được xây dựng bằng sự đóng góp tự nguyện theo trách nhiệm và tình cảm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước để cùng nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng...
Quỹ được thành lập ở các cấp sau: Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn.
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa không thuộc ngân sách nhà nước, Quỹ được hạch toán độc lập, thực hiện chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp hiện hành và báo cáo theo quy định của pháp luật về kế toán...
Quỹ được sử đụng như sau: Tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ; Hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ; Thăm hỏi, hỗ trợ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn; Giúp đỡ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi gặp khó khăn trong đời sống; Hỗ trợ địa phương có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng mà nguồn vận động ủng hộ thấp...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Cải cách hành chính nhà nước
(SMS: 201576)
- Ngày 27/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006 - 2010.
Thủ tướng yêu cầu: thực hiện cơ chế "một cửa" ở 4 Sở bắt buộc: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội. Mở rộng thực hiện cơ chế "một cửa" ở các Sở, ngành khác. Thực hiện cơ chế "một cửa" ở các xã, phường, thị trấn chưa triển khai. Thí điểm cơ chế "một cửa" liên thông ở một số địa phương...
Tiến hành tổng rà soát, đánh giá Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các Bộ, ngành Trung ương. Giải quyết xong một số chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành trung ương...
Thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Đề án thí điểm dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND cấp xã. Tổng rà soát, đánh giá đội ngũ công chức hành chính gắn với việc tinh giản biên chế, bố trí lại đội ngũ công chức hành chính...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Chế độ tài chính
(SMS: 19486)
- Ngày 20/4/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 35/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 07/2006/NĐ-CP về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước được sử dụng vốn pháp định để đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định. Việc đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định của Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng...
Hàng năm Ngân hàng Nhà nước được trích 10% từ chênh lệch thu, chi để bổ sung Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia...
Mọi trường hợp tổn thất, thừa thiếu tài sản phải làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm, xử lý bù đắp tổn thất và phải được hạch toán và báo cáo đầy đủ trong báo cáo tài chính năm...
Các khoản thu, chi bằng ngoại tệ, bằng vàng phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ để hạch toán vào các tài khoản thu nhập - chi phí...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hoàn thuế nhập khẩu
(SMS: 201578)
- Theo Công văn số 5230/BTC-TCHQ ra ngày 20/4/2006, Bộ Tài chính hướng dẫn: các trường hợp đăng ký tờ khai hải quan từ ngày 01/01/2006 trở đi nếu hàng hoá nhập khẩu theo loại hình kinh doanh sau đó bán vào khu phi thuế quan (kể cả khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất) không được hoàn thuế nhập khẩu...
Đối với các trường hợp đăng ký tờ khai Hải quan trước ngày 01/01/2006, thì hàng hoá nhập khẩu theo loại hình kinh doanh sau đó bán cho doanh nghiệp chế xuất được hoàn thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hoá xuất khẩu vào khu chế xuất, nhưng làm thủ tục xuất khẩu không cùng cửa khẩu nhập khẩu hàng hoá, kết quả kiểm hoá trên tờ khai hàng xuất khẩu không ghi rõ hàng xuất khẩu thuộc tờ khai hàng nhập khẩu nào, nếu hàng đã thực xuất, doanh nghiệp đã nhận được tiền thanh toán và xuất trình chứng từ thanh toán cho hàng hoá xuất khẩu thì cho hoàn thuế nếu đã nộp hoặc không thu thuế nếu chưa nộp...


Quản lý thu, chi tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước
(SMS: 19485)
- Theo Thông tư số 33/2006/TT-BTC ban hành ngày 17/4/2006, Bộ Tài chính hướng dẫn: các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước có nhu cầu rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước trong một ngày (một hoặc nhiều giao dịch) vượt mức quy định phải đăng ký bằng văn bản với Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản trước 1 ngày về số lượng và thời điểm rút tiền để Kho bạc Nhà nước có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng tiền mặt đầy đủ, kịp thời cho đơn vị.
Mức rút tiền mặt phải đăng ký trước với Kho bạc Nhà nước được quy định cụ thể như sau: 200 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 100 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh...
Trường hợp đột xuất mà đơn vị giao dịch có nhu cầu rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước ngay trong ngày vượt mức quy định, đơn vị giao dịch được đăng ký qua điện thoại với cán bộ có thẩm quyền của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch (Giám đốc hoặc trưởng phòng Kho quỹ đối với Kho bạc Nhà nước tỉnh hoặc thủ quỹ trưởng đối với Kho bạc Nhà nước huyện) để được xem xét giải quyết; sau đó, đơn vị phải đăng ký chính thức bằng văn bản...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Bảo hiểm tiền gửi
(SMS: 19484)
- Ngày 25/4/2006, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2006/TT-NHNN về việc hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi và 109/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP.
Theo đó, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị thu hồi chứng nhận bảo hiểm tiền gửi có thể được phục hồi việc tham gia bảo hiểm tiền gửi và được cấp lại chứng nhận bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp nộp đủ phí bảo hiểm theo quy định hoặc đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép phục hồi việc nhận tiền gửi. Trường hợp này tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có văn bản đề nghị được phục hồi việc tham gia bảo hiểm tiền gửi cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và có trách nhiệm thông báo việc cấp lại chứng nhận bảo hiểm tiền gửi trên phương tiện thông tin đại chúng...
Hàng năm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam một khoản phí bằng 0,15%/năm tính trên toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi...

Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm theo quy định thì ngoài việc nộp đủ số phí còn thiếu, phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm  bằng 0,1% số tiền chậm nộp...
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chỉ hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định rằng việc giải thể, phá sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng và sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.