Số 17.2004 (170) ngày 07/05/2004

 CHÍNH PHỦ


Chính sách đối với người lao động tàn tật
(SMS: 200000) - Ngày 23/4/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2004/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/CP ngày 23/11/1995 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người tàn tật, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Nghị định này bổ sung: người tàn tật và cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ nguồn cho vay xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo việc làm...

Doanh nghiệp tiếp nhận số lao động là người tàn tật thấp hơn tỷ lệ quy định thì hàng tháng phải nộp vào Quỹ việc làm cho người tàn tật một khoản tiền bằng mức tiền lương tối thiểu hiện hành nhân với số lao động là người tàn tật mà doanh nghiệp cần phải nhận thêm để đủ tỷ lệ quy định (quy định trước đây: khoản tiền này do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính quy định)...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Lãi suất cho vay tín dụng
(SMS: 200001) - Theo Quyết định số 44/2004/QĐ-BTC ban hành ngày 29/4/2004, về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: áp dụng mức lãi suất là 6,6%/năm cho các dự án ký hợp đồng tín dụng lần đầu...
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Cấp Chứng chỉ Kế toán trưởng (SMS: 200002) - Ngày 26/4/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 43/2004/QĐ-BTC, về việc ban hành "Quy chế về tổ chức bồi dưỡng và cấp Chứng chỉ Kế toán trưởng", có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo Quyết định này, tiêu chuẩn học viên dự khóa học bồi dưỡng kế toán trưởng được quy định như sau: có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính, kế toán, kiểm toán từ bậc trung cấp trở lên; đã qua công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán ít nhất là 2 năm đối với người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán, kiểm toán từ trình độ đại học trở lên hoặc có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán ít nhất là 3 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính, kế toán, kiểm toán bậc trung cấp hoặc cao đẳng...
Kết thúc mỗi phần chuyên đề trong chương trình học phải tổ chức thi kiểm tra. Việc thi kiểm tra có thể bằng hình thức thi viết trong thời gian tối thiểu là 120 phút hoặc thi vấn đáp trong thời gian tối thiểu là 30 phút/1 người và phải đảm bảo đủ 2 phần kiến thức chung và kiến thức nghiệp vụ. Điểm thi kiểm tra được chấm theo thang điểm 10 bậc. Bài thi kiểm tra dưới 5 điểm là không đạt yêu cầu... Chỉ những học viên bảo đảm tối thiểu 80% thời gian học tại lớp quy định cho mỗi chuyên đề mới được dự thi kiểm tra phần chuyên đề đó...

Chế độ tài chính (SMS: 200003)- Ngày 26/4/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2004/TT-BTC, sửa đổi Thông tư số 111/1999/TT/BTC ngày 17/9/1999 hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thông tư này sửa đổi như sau: tổng mức chi mua sắm công cụ lao động hàng năm của Ngân hàng Nhà nước tính trên số cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước bình quân năm tối đa không quá 4,4 triệu đồng /người/năm (quy định trước đây là: 2,2 triệu)...

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. 

Chế độ thu, nộp lệ phí lãnh sự (SMS: 200004) - Ngày 26/4/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 36/2004/TT-BTC, quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí hợp pháp hoá, chứng nhận lãnh sự, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, mức thu lệ phí như sau: hợp pháp hoá, chứng nhận lãnh sự giấy tờ tài liệu của nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam, thu 160.000 đồng/lần; cấp bản sao giấy tờ tài liệu, thu 5.000 đồng/lần...
Cơ quan thu lệ phí hợp pháp hoá, chứng nhận lãnh sự được trích để lại 30% tiền thu
lệ phí để chi phí cho việc thu lệ phí theo nội dung chi cụ thể sau đây: chi cho người lao động thu lệ phí về các khoản tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp; chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn và mua sắm tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc thu lệ phí...

Chi ngân sách bằng lệnh chi tiền (SMS: 200005) - Ngày 22/4/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 42/2004/QĐ-BTC, về việc ban hành quy định về cấp các khoản chi ngân sách trung ương bằng hình thức lệnh chi tiền, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, các khoản chi
sau sẽ được thực hiện bằng lệnh chi tiền: chi kinh phí uỷ quyền ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương; chi bổ sung ngân sách từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương; chi chuyển kinh phí để chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; chi trợ cấp thực hiện chế độ đối với người có công với cách mạng; chi bổ sung dự trữ quốc gia...
Các khoản chi này được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau: có trong dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Đối với các nhiệm vụ chi: hỗ trợ doanh nghiệp; thưởng xuất khẩu; hỗ trợ xuất khẩu;... hoặc các khoản chi từ nguồn tăng thu, dự phòng ngân sách, chi ứng trước dự toán ngân sách năm sau, căn cứ Quyết định, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền...

Bảo quản hàng Dự trữ Quốc gia (SMS: 200006) - Ngày 14/4/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 34/2004/QĐ-BTC, về việc ban hành các quy phạm về bảo quản hàng hoá Dự trữ Quốc gia, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, việc bảo quản được thực hiện đối với những hàng hoá sau: thóc, gạo, ôtô, xe máy và kim loại.
Đối với hàng hoá là thóc, gạo: kho bảo quản phải đảm bảo kín, đồng thời có khả năng
thông gió tự nhiên và chống được ảnh hưởng xấu của môi trường: không bị nắng chiếu trực tiếp vào kho, không bị dột hắt, không bị thấm nước và gây ngưng tụ hơi nước. Cửa chính và cửa thông gió phải đảm bảo cả về yêu cầu thông thoáng, phòng gian và phòng chống sinh vật gây hại; nền kho phải được kê lót, cao ráo, không bị nước tràn vào kho, được thiết kế có lớp cách ẩm...
Đối với ôtô, xe máy đưa vào dự trữ quốc gia phải là ôtô, xe máy mới, chưa qua sử dụng, đồng bộ, có tình trạng kỹ thuật tốt. Có hành trình chạy, không quá 500 km (di động bằng bánh lốp) hoặc thời gian làm việc của động cơ không quá 10 giờ (di động bằng bánh xích) và thời gian từ khi sản xuất đến khi nhập kho dự trữ quốc gia dưới 12 tháng...
Thời gian lưu kho đối với ôtô, xe máy di động bằng bánh lốp là 5 năm; di động bằng xích, bánh kim loại là 7 năm.
Kho để bảo quản ôtô, xe máy dự trữ quốc gia là kho kín có mái che, tường bao che bảo vệ, chống mưa, nắng, có nền cứng, tải trọng tối thiểu đạt 10 tấn/m2. Kho phải cao, rộng để có thể dễ dàng di chuyển, quy hoạch ôtô, xe máy trong kho...

Kho để bảo quản phụ tùng, đồ nghề và bảo quản ắc quy yêu cầu phải là kho kín (có tường bao xung quanh), tải trọng nên đạt 5 tấn/m2...
 

 TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO


Bồi thường thiệt hại
(SMS: 200007) - Ngày 28/4/2004, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo đó, đối với trường hợp bồi thường thiệt hại về sức khoẻ được xác định như sau: nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế...
Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì các khoản bồi thường bao gồm: chi phí hợp lý cho việc chăm sóc và khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng...
Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ các điều kiện sau: do lỗi vô ý; thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt lâu dài của người gây thiệt hại...

Nghị quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.