Số 16.2009 (423) ngày 24/04/2009

 CHÍNH PHỦ


Miễn tiền thuê đất cho vận tải hành khách công cộng (SMS: 532929) - Ngày 20/04/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 62/2009/QĐ-TTg, theo đó cho phép miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), kể từ 15/06/2009.
Cụ thể, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước và Luật Hợp tác xã được Nhà nước cho thuê đất để kinh doanh VTHKCC tại các quận, thành phố, thị xã thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe (bao gồm cả khu bán vé, khu quản lý điều hành, khu phục vụ công cộng). Đối với diện tích đất không sử dụng vào mục đích phục vụ cho hoạt động VTHKCC thì phải nộp tiền thuê đất theo quy định.
Doanh nghiệp không được phép chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp, bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được miễn tiền thuê đất. DN chỉ được phép áp dụng các hình thức này đối với tài sản thuộc sở hữu của mình đã đầu tư trên đất.
Trường hợp doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất và xử lý tài sản đã đầu tư trên đất theo đúng quy định hiện hành về đất đai.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày
15/06/2009.

Quy chế mới về Đại học tư thục (SMS: 532783) - Ngày 17/04/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Đại học tư thục theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg, thay thế cho quy chế cũ ban hành năm 2005.
Theo quy chế mới, việc thành lập trường đại học tư thục phải có ít nhất từ 3 thành viên (tổ chức hoặc cá nhân) tham gia góp vốn điều lệ, trong đó mỗi thành viên chỉ được góp vốn điều lệ ở không quá 2 trường đại học, cao đẳng tư thục với mức góp tối đa tại mỗi trường là 51%.
Quy chế cũng nêu rõ, trường đại học tư thục có địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, nghĩa vụ và quyền lợi như các trường đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, vì thế cũng  phải có đầy đủ hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng khoa học và đào tạo, tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể, các phòng, ban, khoa, bộ môn…
Hiệu trưởng đại học tư thục phải có chức danh từ phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ trở lên, với ít nhất 5 năm kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học từ cấp trưởng bộ môn, phòng, hoặc ban, và không phải là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước.
Trường đại học tư thục tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy và học tập, thực hiện việc tuyển sinh, cấp văn bằng, chứng chỉ, kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo quy định của điều lệ trường đại học.
Ngoài nguồn thu từ vốn góp cổ đông, trường đại học tư thục có các nguồn thu từ học phí, lệ phí thu từ người học và từ các dịch vụ mà nhà trường cung cấp như dịch vụ tư vấn khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ngành nghề đào tạo của trường.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn (SMS: 532785) - Ngày 17/04/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo đó, đối tượng được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh vay vốn là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (kể cả Hợp tác xã) có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng hoặc sử dụng dưới 1.000 lao động.
Bên cạnh việc sửa đổi đối tượng được bảo lãnh vay vốn, Thủ tướng Chính phủ còn quyết định sửa đổi phạm vi bảo lãnh. Cụ thể, không bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán; dịch vụ; vay vốn để thanh toán nợ vay của các hợp đồng tín dụng khác, chỉ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn thực hiện các dự án xây dựng nhà ở bán cho người có thu nhập thấp; nhà cho công nhân và sinh viên thuê; xây dựng nghĩa trang.
3 trong 6 điều kiện để doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn theo quy định cũ là doanh nghiệp không nợ đọng thuế, doanh nghiệp không có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế và sử dụng 100% giá trị tài sản hình thành từ vốn vay (tối đa 90%) và  vốn chủ sở hữu (tối thiểu 10%) để thế chấp bảo đảm bảo lãnh tại Bên bảo lãnh. Nay theo quy định mới, xóa bỏ hoàn toàn điều kiện nợ đọng thuế, còn trường hợp doanh nghiệp có nợ quá hạn tại các Tổ chức tín dụng nhưng có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và cam kết trả được nợ quá hạn thì được Bên bảo lãnh thẩm định, quyết định bảo lãnh vay vốn. Đồng thời, doanh nghiệp sử dụng tài sản hình thành  từ vốn vay thực hiện dự án đầu tư để thế chấp bảo đảm bảo lãnh tại Bên bảo lãnh.
Theo quy định mới thì thời hạn bảo lãnh vay vốn phù hợp với thời gian cho vay của Bên nhận bảo lãnh (kể cả thời gian gia hạn nếu có).
Khi có văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh của Bên bảo lãnh. Bên nhận bảo lãnh xem xét và ký hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp thì không phải thẩm định lại các điều kiện quy định doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn nữa. Bên bảo lãnh cũng có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay không đúng mục đích.
Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn và có cơ chế để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất cho vay có bảo lãnh thấp hơn lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng thương mại, nhằm đảm bảo tính ưu đãi về lãi suất cho vay thực tế đối với doanh nghiệp.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hỗ trợ lãi suất vay vốn mua thiết bị nông nghiệp, xây dựng nhà ở nông thôn (SMS: 532788) - Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất 100% và 4% đối với các khoản vay ngắn, trung hạn ngân hàng bằng đồng Việt Nam của các tổ chức, cá nhân vay để mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Đây là tinh thần tại Quyết định số 497/QĐ-TTg, được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/04/2009.
Theo đó, hàng hóa sản xuất trong nước được hỗ trợ lãi suất bao gồm: Sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp gồm: các loại động cơ đốt trong (động cơ nhỏ dưới 30 CV, động cơ thủy dưới 80 CV); máy gặt đập liên hợp; máy kéo, máy cày, máy xới, máy làm đất; máy gặt, tuốt lúa, sấy nông sản, xát lúa gạo, bơm nước, phát điện, máy vò chè, tẽ ngô, gieo hạt; máy sục khí ôxy nuôi thủy sản, các loại ghe xuồng có gắn động cơ; máy cắt cỏ, băm cỏ, máy nghiền, trộn, đóng viên, đóng bánh thức ăn cho gia súc, gia cầm, máy vắt sữa, máy ấp, nở gia cầm; xe tải nhẹ, máy vi tính để bàn; Vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp gồm: phân bón hóa học các loại, thuốc bảo vệ thực vật; Các loại vật liệu xây dựng chủ yếu để làm nhà ở khu vực nông thôn.
Đối với nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp, mức tiền vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa (riêng đối với máy vi tính, mức tiền vay tối đa không quá 5 triệu đồng/chiếc) và được hỗ trợ 100% lãi suất vay.
Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất 4% với mức vay tối đa 100% giá trị hàng hóa nhưng không quá 7 triệu đồng/ha đối với vật tư sản xuất nông nghiệp, không quá 50 triệu đồng đối với vật liệu làm nhà ở nông thôn.
Những hàng hóa trên phải là sản phẩm được sản xuất trong nước và phải được đăng ký, niêm yết giá bán và có nhãn hàng hóa theo quy định.
Để được vay vốn và hỗ trợ lãi suất, các tổ chức, cá nhân vay phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là người trực tiếp sản xuất (không phải mua về để bán lại); có hợp đồng vay vốn với ngân hàng thương mại theo quy định.
Các ngân hàng thương mại cho vay theo cơ chế tín dụng thông thường, thực hiện giảm trừ số tiền lãi được hỗ trợ vào số tiền lãi phải trả cho các tổ chức, cá nhân vay khi đến hạn thu lãi vay. Không được từ chối hỗ trợ lãi suất, nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết, giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2009 đến ngày 31/12/2009 của các tổ chức, cá nhân đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và máy vi tính thì thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng. Thời hạn vay đối với các sản phẩm vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng các loại để làm nhà ở là 12 tháng.
Các khoản vay đã được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131/QĐ-TTg ngày
23/1/2009 và Quyết định 443/QĐ-TTg ngày 4/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ không thuộc phạm vi áp dụng của Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. 

Thêm một số mặt hàng được giảm 50% thuế GTGT (SMS: 532789) - Ngày 16/04/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 58/2009/QĐ-TTg, về việc bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp.
Theo đó, từ ngày 01/05 đến hết 31/12/2009, 5 mặt hàng, dịch vụ được giảm 50% thuế suất giá trị gia tăng gồm: Sợi, vải và sản phẩm may mặc, da giày các loại; Giấy và các sản phẩm bằng giấy các loại, trừ sách quy định tại điểm o khoản 2 Điều 8 của Luật Thuế giá trị gia tăng và giấy in báo; Xi măng; Gạch, ngói các loại; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3.
Các lô hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ thuộc loại trong nước chưa sản xuất cần được nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp được kéo dài thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đến 180 ngày.
Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV năm 2008 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may và sản xuất các mặt hàng da giày.
Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) từ ngày 01/05 đến hết ngày
31/12/2009.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Giảm thuế suất xuất khẩu mặt hàng gỗ ghép thanh (SMS: 532950) - Ngày 22/04/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 81/2009/TT-BTC về điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 trong Biểu thuế xuất khẩu.
Theo đó, điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng gỗ ghép thanh, loại có chiều dày từ 30mm trở xuống, chiều rộng từ 100mm trở xuống thuộc nhóm 44.07 quy định tại Danh mục sửa đổi Biếu thuế xuất khẩu và Danh mục sửa đổi Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 123/2008/QĐ-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính giảm từ mức thuế suất cũ 10% xuống 0%.
Thông tư này có hiệu lực thi hành và áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan từ ngày
29/04/2009. 

Thí điểm huy động kinh phí phòng chống buôn lậu, buôn bán thuốc lá giả (SMS: 532920) - Ngày 20/04/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2009/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 75/2007/TT-BTC ngày 05/07/2007 hướng dẫn về cơ chế thí điểm huy động kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và sản xuất, buôn bán thuốc lá giả.
Cụ thể, bổ sung quy định nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá thuộc Hiệp hội thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá khác hoạt động hợp pháp tại Việt Nam tự nguyện đóng góp không thay thế các nguồn kinh phí áp dụng theo quy định hiện hành đối với công tác chống hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Việc xử lý tang vật là thuốc lá lậu, thuốc lá giả do vi phạm hành chính vẫn được thực hiện theo quy định đang áp dụng về quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung công quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.
Một điểm mới tại Thông tư 78/2009/TT-BTC là quy định thống nhất mức kinh phí hỗ trợ 1.000 đồng/bao, không phân biệt theo giá trị thuốc lá (cao cấp hay thấp cấp), cho các lực lượng trực tiếp thực hiện công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, thuốc lá giả, căn cứ theo số lượng bao thuốc lá bị bắt giữ. Quy định trước đây là 1.000 đồng/bao đối với loại thuốc có giá bán từ 6.000 đồng/bao trở lên, 500 đồng/bao đối với loại thuốc lá có giá bán thấp hơn 6.000 đồng/bao. Đồng thời, bổ sung quy định hỗ trợ thêm 100 đồng/bao cho chi phí tiêu hủy thuốc lá lậu, thuốc lá giả, khuyến khích sử dụng các biện pháp tiêu hủy không ảnh hưởng đến môi trường và phù hợp với điều kiện của từng địa phương tiêu hủy.
Thông tư cũng thay thế mới mẫu thống kê Dự toán mức đóng góp Quỹ hỗ trợ công tác phòng chống buôn lậu thuốc là điếu, sản xuất, buôn bán thuốc lá giả và báo cáo Kết quả sử dụng Quỹ đã ban hành trước đây.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và được áp dụng từ 01/01/2009 đến hết năm 2011.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Tỷ lệ đảm bảo an toàn với tổ chức tài chính quy mô nhỏ (SMS: 532848) - Tổ chức tài chính quy mô nhỏ chỉ được cho vay không quá 10% vốn tự có. Đây là quy định mới của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 07/2009/TT-NHNN ban hành ngày 17/04/2009, quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính (TCTC) quy mô nhỏ.
Theo quy định tại Thông tư này, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu mà TCTC quy mô nhỏ phải duy trì bằng 10% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro, bao gồm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, giới hạn cho vay đối với khách hàng, và tỷ lệ về khả năng chi trả. Cách xác định tỷ lệ an toàn tối thiểu được hướng dẫn tại Phụ lục A ban hành kèm theo Thông tư.
Ngoài ra, tổng dư nợ cho vay của TCTC quy mô nhỏ đối với một khách hàng không phải khách hàng tài chính quy mô nhỏ không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tài chính quy mô nhỏ; đối với một khách hàng tài chính quy mô nhỏ không vượt quá 30 triệu đồng (mức cho vay này có thể được Thống đốc NHNN điều chỉnh theo từng thời kỳ). Tổng dư nợ đối với một nhóm khách hàng liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tài chính quy mô nhỏ, trong đó mức cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá quy định đã nêu.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu TCTC quy mô nhỏ phải duy trì thường xuyên tỷ lệ về khả năng chi trả tối thiểu bằng 20% (Công thức tính tỷ lệ này được qui định cụ thể trong Phụ lục B kèm theo Thông tư).
Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng về tình hình hoạt động thực tế của TCTC quy mô nhỏ, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu các TCTC này duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn cao hơn mức quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

 

 BỘ XÂY DỰNG


Hướng dẫn Quy chế quản lý trụ sở làm việc (SMS: 532809) - Ngày 17/4, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 06/2009/TT-BXD về việc hướng dẫn một số nội dung của Quy chế quản lý trụ sở, nhà làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập ban hành kèm theo Quyết định số 141/2008/QĐ-TTg ngày 22/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư này có các quy định hướng dẫn về đối tượng quản lý sử dụng trụ sở, nhà làm việc; nội dung hồ sơ trích ngang trụ sở, nhà làm việc và báo cáo tình hình sử dụng trụ sở, nhà làm việc của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, nhà làm việc thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực quản lý bao gồm:
Lĩnh vực y tế: Trạm y tế, bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa từ Trung ương đến địa phương; các phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa khu vực, nhà hộ sinh, nhà điều dưỡng, nhà nghỉ, nhà dưỡng lão; các cơ quan y tế phòng chống dịch bệnh và các loại công trình công lập khác;
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Nhà trẻ, trường mầm non, trường phổ thông các cấp; học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp, trường công nhân kỹ thuật, trường nghiệp vụ và các loại công trình công lập khác;
Lĩnh vực văn hoá - thể thao - du lịch: Thư viện, bảo tàng, nhà triển lãm, nhà văn hoá, trung tâm hội nghị, câu lạc bộ, nhà biểu diễn, nhà hát, rạp chiếu bóng, rạp xiếc; sân vận động các sân thi đấu có mái che và không có mái che và các loại công trình công lập khác;
Lĩnh vực thông tin- truyền thông: Nhà phục vụ thông tin liên lạc, nhà bưu điện, bưu cục, nhà lắp đặt thiết bị thông tin, đài không lưu, trạm và tháp thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình và các loại công trình công lập khác.
Các đơn vị sự nghiệp công lập được giao trực tiếp quản lý sử dụng trụ sở hoặc nhà làm việc có trách nhiệm lập bản trích ngang trụ sở hoặc nhà làm việc theo Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
Chậm nhất là ngày 25/11 hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng trụ sở, nhà làm việc trên địa bàn cấp tỉnh, thuộc Bộ, ngành do mình phụ trách gửi Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính (theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư); báo cáo tình hình quản lý sử dụng trụ sở, nhà làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Sở Xây dựng tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký hoặc ký uỷ quyền gửi theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư.
Nội dung báo cáo những biến động gồm các chỉ tiêu cụ thể như sau: 1/Diện tích đất; 2/Diện tích nhà làm việc; 3/Bình quân diện tích nhà làm việc được tính cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức (kể cả cán bộ hợp đồng) tại thời điểm báo cáo; 4/Ghi giá trị tài sản nhà đất theo sổ sách kế toán tại thời điểm báo cáo; 5/Kế hoạch cải tạo, đầu tư xây dựng trụ sở hoặc nhà làm việc mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có); 6/Dự toán kinh phí cải tạo, xây dựng mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
Các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng mới trụ sở hoặc nhà làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư đều phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về trụ sở, nhà làm việc trước khi triển khai thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.