Số 16.2006 (270) ngày 28/04/2006

 CHÍNH PHỦ


Xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường sắt
(SMS: 201573)
- Ngày 25/4/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2006/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.
Theo đó, trong hành lang an toàn giao thông đường sắt, trồng cây cao trên 1,5 mét, trồng cây trong khoảng 2 mét tính từ chân nền đường đắp, 5 mét tính từ mép đỉnh mái đường đào hoặc 3 mét tính từ mép ngoài rãnh thoát nước dọc, rãnh thoát nước đỉnh của đường; Mua bán hàng hóa, họp chợ, thả trâu, bò, gia súc trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt... có thể bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng...
Phạt tiền từ 01 đến 03 triệu đồng đối với hành vi: đặt, treo biển quảng cáo, các vật che chắn khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt; Di chuyển chậm trễ các công trình, nhà ở, lều quán hoặc cố tình trì hoãn việc di chuyển gây trở ngại cho việc xây dựng, cải tạo, mở rộng và bảo đảm an toàn công trình đường sắt khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Thi công công trình có giấy phép nhưng không thông báo bằng văn bản cho đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường sắt biết trước khi thi công...
Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng đối với hành vi xây dựng nhà, công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Tự ý mở đường ngang, xây dựng cầu vượt, hầm chui, cống hoặc các công trình khác qua đường sắt; Tự ý khoan, đào, xẻ đường sắt... có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp
(SMS: 201572)
- Ngày 25/4/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập nhằm phát huy mọi khả năng của đơn vị trong việc thực hiện các hoạt động của đơn vị...
Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí, một phần chi phí hoạt động tuỳ theo từng lĩnh vực và khả năng của đơn vị được sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ...
Đơn vị sự nghiệp có hoạt động dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, được huy động vốn của cán bộ, viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay...
Việc chi trả thu nhập cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc: người nào có hiệu suất công tác cao, đóng góp nhiều cho việc tăng thu, tiết kiệm chi được trả nhiều hơn...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý tài sản Nhà nước
(SMS: 19459)
- Ngày 20/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 15/2006/CT-TTg về việc tăng cường quản lý vốn, tài sản và cán bộ tại các cơ quan, đơn vị của nhà nước.
Theo đó, Thủ trưởng (người đứng đầu) cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả tự kiểm tra và chịu hình thức kỷ luật nếu sau này cơ quan chức năng phát hiện những vấn đề không đúng với nội dung đã kết luận biện pháp đã xử lý...
Các Bộ, các cơ quan trung ương khác, Ủy ban nhân dân các cấp, các đơn vị kinh tế và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm quản lý sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay trong và ngoài nước, quản lý cán bộ phải thường xuyên tiến hành rà soát các quy định chính sách cơ chế quản lý vốn tài sản và cán bộ phát thiện các sơ hở, thiếu sót để bổ sung, sửa đổi kịp thời...
Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để xem xét ngay tại những nơi đã phát hiện có tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng nhằm: đánh giá đúng thiệt hại và tác hại; xác định chính xác những nguyên nhân chủ quan, khách quan và làm rõ những thủ đoạn đục khoét vốn, tài sản nhà nước; phân tích kỹ vì sao cuộc đấu tranh chống thanh nhũng ở các cơ quan, đơn vị đó không có kết quả...


Bảo vệ dân phố
(19458)
- Theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ban hành ngày 17/4/2006, Chính phủ quy định: khi có vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trong địa bàn, phải kịp thời có mặt và tìm mọi cách báo ngay cho Công an phường; bảo vệ hiện trường, tham gia sơ cứu người bị nạn, giải cứu con tin, bắt, giữ người phạm tội quả tang, tham gia chữa cháy, cứu tài sản và thực hiện các công việc khác theo sự phân công, hướng dẫn của UBND và Công an phường...
Bảo vệ dân phố có quyền: yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, Công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội...
Điều kiện của Bảo vệ dân phố: Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, cư trú ổn định tại địa bàn; Không có tiền án, tiền sự, không phải là người đang chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, quản chế hình sự hoặc đang chấp hành một trong các biện pháp xử lý hành chính khác...
Bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng do UBND phường chi trả. Khi làm nhiệm vụ mà bị hy sinh, bị thương thì được xem xét công nhận là liệt sỹ hoặc người được hưởng chính sách như thương binh...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phụ cấp ưu đãi
(SMS: 19469)
- Ngày 17/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 83/2006/QĐ-TTg Về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề khí tượng thủy văn thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, mức phụ cấp ưu đãi 20% áp dụng đối với: Viên chức các ngạch quan trắc khí tượng thủy văn đang trực tiếp làm việc tại các trạm khí tượng, khí hậu, khí tượng cao không, khí tượng nông nghiệp, thực nghiệm khí tượng nông nghiệp, rada thời tiết, thủy văn, hải văn, môi trường ở những địa bàn có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,1 trở lên; Viên chức đang trực tiếp làm nhiệm vụ khảo sát khí tượng hải văn trên tàu nghiên cứu và khảo sát biển...
Mức 15%: Viên chức trực tiếp làm nghề khảo sát tại các liên đoàn khảo sát; đoàn khảo sát; đội khảo sát khí tượng, thủy văn, hải văn; Viên chức các ngạch dự báo khí tượng thủy văn đang trực tiếp làm nghề dự báo tại các Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các phòng dự báo khí tượng thủy văn thuộc các đài khí tượng thủy văn khu vực ở những địa bàn có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,1 trở lên...
Mức 10%: Viên chức kỹ thuật đang trực tiếp làm nghề kiểm soát khí tượng, thủy văn, hải văn, khí tượng cao không, khí tượng nông nghiệp...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phê duyệt Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 - 2010
(SMS: 19466)
- Theo Quyết định số 80/2006/QĐ-TTg ban hành ngày 14/4/2006, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: tiết kiệm điện tại công sở, trụ sở các cơ quan với mục tiêu: đưa việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại cơ quan, đơn vị vào nề nếp, thực hiện tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng sử dụng hàng năm của cơ quan, đơn vị. Chỉ sử dụng điều hoà nhiệt độ khi thật cần thiết và chỉ để chế độ làm mát từ 25oC trở lên. Dùng quạt thay thế điều hoà nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng. Từ năm 2006, chỉ sử dụng bóng đèn huỳnh quang hiệu suất cao T8 (36W/32W, 18W), T5 để thay thế cho bóng huỳnh quang thông thường hiệu suất thấp T10 (40W, 20W) đã cháy... Khi thay thế các thiết bị sử dụng điện, khuyến khích trang bị những thiết bị sử dụng điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng...
Tiết kiệm điện trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ: các hộ gia đình hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn (máy điều hoà, bình nước nóng, bàn là điện...) trong các giờ cao điểm, khuyến khích sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện như bóng compact hoặc bóng đèn huỳnh quang T8, T5, chấn lưu hiệu suất cao, ngắt các thiết bị điện không sử dụng ra khỏi nguồn điện. Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại... tuân thủ nghiêm các quy định tại địa phương về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của Điện lực tại địa phương trong trường hợp xẩy ra thiếu điện... Từ năm 2006 nghiên cứu, xây dựng và từng bước đưa vào áp dụng giá điện cao, thấp điểm áp dụng cho các hộ gia đình...
Tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp: xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện; Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn như các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm, không để các thiết bị điện hoạt động không tải; Chuẩn bị các nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xẩy ra thiếu điện, xây dựng phương án cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ THƯƠNG MẠI


Quản lý nhập khẩu đường năm 2006
(SMS: 19454)
- Theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTM ban hành ngày 20/4/2006, Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định: dành 30% lượng đường cần nhập khẩu cấp cho các nhà máy đường nhập khẩu đường mía thô phục vụ trực tiếp sản xuất đường; 30% lượng đường cần nhập khẩu cấp cho các doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất; 30% lượng đường cần nhập khẩu cấp cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại; 10% lượng đường cần nhập khẩu còn lại để dự phòng, nhằm can thiệp thị trường khi cần...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá
(SMS: 19451)
- Ngày 20/4/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 17/2006/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung Điều 10 và Điều 12 Quy chế chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1325/2004/QĐ-NHNN.
Theo đó, Tổ chức tín dụng xem xét quy định mức chiết khấu, tái chiết khấu đối với các trường hợp sau đây phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng: Mức chiết khấu, tái chiết khấu tối đa đối với một khách hàng là tổ chức tín dụng; Mức chiết khấu tối đa đối với một khách hàng không phải là tổ chức tín dụng có nhu cầu chiết khấu giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng nhận chiết khấu phát hành; Mức chiết khấu tối đa đối với một khách hàng không phải là tổ chức tín dụng có nhu cầu chiết khấu giấy tờ có giá do Chính phủ phát hành. Mức chiết khấu tối đa đối với một khách hàng khác bằng 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng nhận chiết khấu. Trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì mức chiết khấu này tối đa bằng 15% vốn tự có của ngân hàng mẹ...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC THUẾ


Uỷ quyền ký, giao dịch liên quan đến quyền, nghĩa vụ thuế
(SMS: 201571)
- Theo Công văn số 1498/TCT-PCCS ra ngày 24/4/2006, Tổng cục Thuế hướng dẫn: người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh trực tiếp ký hoặc giao cho cấp phó của mình ký thay trên các văn bản giao dịch, tờ khai thuế, bảng biểu, mẫu biểu kèm theo tờ khai thuế gửi cho cơ quan thuế thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách. Trường hợp đặc biệt, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh có thể uỷ quyền bằng văn bản cho cán bộ phụ trách dưới mình một cấp ký thừa uỷ quyền các văn bản. Khi thực hiện quan hệ giao dịch với cơ quan thuế, người được uỷ quyền phải thông báo cho cơ quan thuế biết về thời hạn, phạm vi uỷ quyền hoặc khi có thay đổi về thời hạn, phạm vi được uỷ quyền...
Riêng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập thì các văn bản trong trong hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, văn bản trong hồ sơ mua hoá đơn lần đầu phải do người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh ký tên, đóng dấu mới được coi là hợp lệ...