Số 16.2005 (219) ngày 29/04/2005

 BỘ XÂY DỰNG


Chứng chỉ hành nghề xây dựng
(SMS: 200688 - Không gửi qua fax)
- Ngày 25/4/2005, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 15/2005/QĐ-BXD về việc ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề Kiến trúc sư, Kỹ sư hoạt động xây dựng.
Theo Quy chế này, cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp khi đảm nhận các chức danh: Chủ nhiệm thiết kế đồ án quy hoạch xây dựng, chủ trì thiết kế chuyên ngành thuộc đồ án quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng công trình, chủ trì thiết kế các chuyên môn thuộc đồ án thiết kế xây dựng công trình; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; cá nhân hành nghề độc lập thiết kế quy hoạch xây dựng, tư vấn khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình. Những cá nhân này trước đây đã được cấp chứng chỉ hành nghề thì trong thời gian làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước không được sử dụng chứng chỉ đó để hành nghề...

Người được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hoạt động xây dựng phải có
kinh nghiệm trong công tác thiết kế ít nhất 5 năm và đã tham gia thiết kế kiến trúc ít nhất 5 công trình hoặc 5 đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt; Đối với kỹ sư phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm về nội dung xin đăng ký hành nghề và đã tham gia thực hiện thiết kế hoặc khảo sát ít nhất 5 công trình...
Các hành vi: Hành nghề không đúng với nội dung ghi trong chứng chỉ; Cho mượn, cho thuê hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ để hành  nghề; Vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng... sẽ bị thu hồi chứng chỉ...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Định mức chi phí thiết kế xây dựng
(SMS: 200687 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/4/2005, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 11/2005/QĐ-BXD về việc ban hành Định mức chi phí lập dự án và thiết kế xây dựng công trình, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, khi thương thảo để ký hợp đồng giao nhận thầu lập
báo cáo đầu tư, dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình, chi phí xây dựng và chi phí thiết bị được tạm xác định để tính giá trị hợp đồng. Giá trị thanh toán của hợp đồng giao nhận thầu lập báo cáo đầu tư  xây dựng công trình được tính theo chi phí xây dựng và chi phí thiết bị trong sơ bộ tổng mức đầu tư trong báo cáo đầu tư được cơ quan có thẩm quyền thông qua và cho phép đầu tư. Giá trị thanh toán của hợp đồng giao nhận thầu lập dự án đầu tư, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình  được tính theo chi phí xây dựng và chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư được duyệt. Khi thương thảo để xác định giá trị hợp đồng giao nhận thầu thiết kế, chi phí xây dựng (hoặc chi phí thiết bị) được tạm xác định theo chi phí xây dựng (hoặc chi phí thiết bị) trong tổng mức đầu tư được duyệt để tạm xác định giá trị hợp đồng. Giá trị thanh toán của hợp đồng giao nhận thầu thiết kế  được tính theo chi phí xây dựng (hoặc chi phí thiết bị) trong tổng dự toán hoặc dự toán được duyệt...
Trường hợp không sử dụng báo cáo đầu tư, dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật và thiết kế xây dựng công trình đã hoàn thành hoặc lập lại báo cáo đầu tư, dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật; thiết kế lại; hoặc sửa đổi báo cáo đầu tư, dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật; sửa đổi thiết kế; lập lại dự toán; tổng dự toán của công trình theo yêu cầu của Chủ đầu tư (không phải do lỗi của nhà thầu tư vấn) thì Chủ đầu tư phải thanh toán chi phí để thực hiện các công việc trên. Chi phí cho công việc thiết kế đã hoàn thành nhưng không sử dụng được tính theo chi phí xây dựng (hoặc chi phí thiết bị) trong tổng mức đầu tư được duyệt. Chi phí cho công việc lập báo cáo đầu tư, dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật đã hoàn thành nhưng không sử dụng và các công việc nêu trên do các bên thoả thuận trong hợp đồng giao nhận thầu...


Định mức chi phí xây dựng
(SMS: 200686 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/4/2005, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD về việc ban hành Định mức chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, đối với dự án áp dụng hình thức tổng thầu thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng công trình (EPC), tuỳ thuộc nhiệm vụ do chủ đầu tư giao tổng thầu thực hiện, tổng thầu được được hưởng một phần chi phí quản lý dự án phù hợp với khối lượng công việc được giao, thông qua nội dung, khối lượng công việc trong hợp đồng ký kết với chủ đầu tư...
Chi phí giám sát thi công xây dựng tính bằng tỷ lệ % của chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị gia tăng) và chi phí giám sát  lắp đặt thiết bị tính bằng tỉ lệ % của chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong tổng dự toán công trình của dự án được duyệt...
Chi phí cho các công việc sau được xác định bằng dự toán, gồm: tổ chức thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư; tuyển chọn phương án kiến trúc (nếu có); lựa chọn nhà thầu tư vấn; lựa chọn tổng thầu trong hoạt động xây dựng; lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng, giám sát khảo sát xây dựng; kiểm định và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình; quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình...

Trường hợp tổng dự toán công trình chưa được thẩm tra sau khi các dự toán công trình đã được thẩm tra thì chi phí thẩm tra các dự toán chỉ được tính bằng 85% định mức chi phí quy định. Khi thẩm tra tổng dự toán, dự toán điều chỉnh thì chi phí thẩm tra được xác định bằng dự toán phù với nội dung điều chỉnh tổng dự toán, dự toán công trình nhưng không vượt quá 50% định mức chi phí...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Tiêu chuẩn thẩm định giá
(SMS: 200689 - Không gửi qua fax)
- Ngày 18/4/2005, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 24/2005/QĐ-BTC ban hành 03 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam: Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá tài sản; Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá tài sản và Báo cáo kết quả, hồ sơ và chứng thư thẩm định giá tài sản.
Giá trị thị trường của một tài sản là mức giá ước tính sẽ được mua bán trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch mua bán khách quan và độc lập, trong điều kiện thương mại bình thường...
Giá trị thị trường thể hiện mức giá ước tính mà trên cơ sở đó, bên bán và bên mua thoả thuận tại một thời điểm sau khi cả hai bên đã khảo sát, cân nhắc đầy đủ các cơ hội và lựa chọn tốt nhất cho mình từ các thông tin trên thị trường trước khi đưa ra quyết định mua hoặc quyết định bán một cách hoàn toàn tự nguyện, không nhiệt tình mua hoặc nhiệt tình bán quá mức...
Trường hợp có sự hạn chế thông tin, dữ liệu trên thị trường (ví dụ thẩm định giá một số loại máy móc, thiết bị, vật tư chuyên dùng nào đó), thẩm định viên phải nêu rõ thực trạng này và phải báo cáo mức độ ảnh hưởng hay không ảnh hưởng đến kết quả thẩm định giá trị do sự hạn chế các số liệu đó...
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn Quy chế công khai tài chính của doanh nghiệp nhà nước
(SMS: 200692 - Không gửi qua fax)
- Theo Thông tư số 29/2005/TT-BTC ban hành ngày 14/4/2005, Bộ Tài chính hướng dẫn: các doanh nghiệp thực hiện công khai các nội dung thông tin tài chính tại  hệ thống báo cáo tài chính hàng năm, bao gồm các thông tin về tài sản, tiền vốn, kết quả sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, lưu chuyển tiền tệ và thông tin thuyết minh về báo cáo tài chính...
Các cổ đông, người góp vốn ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: việc công khai và tiếp nhận thông tin tài chính được thực hiện theo hình thức cổ đông hoặc người góp vốn thông qua báo cáo tài chính tại đại hội Đại hội đồng cổ đông hoặc tại hội nghị thành viên...
Các chất vấn phải được trả lời cho người chất vấn chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận nội dung chất vấn. Trường hợp nội dung chất vấn phức tạp, cần nhiều thời gian để chuẩn bị trả lời thì phải hẹn lại ngày trả lời cụ thể cho từng người chất vấn, nhưng tối đa không quá 45 ngày kể từ ngày tiếp nhận nội dung chất vấn...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Phân loại nợ và sử dụng dự phòng
(SMS: 200691 - Không gửi qua fax)
- Ngày 22/4/2005, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ban hành Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.
Theo đó, trường hợp các khoản nợ (kể cả các khoản nợ trong hạn và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong hạn theo thời hạn nợ đã cơ cấu lại) mà tổ chức tín dụng có đủ cơ sở để đánh giá là khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm thì tổ chức tín dụng chủ động tự quyết định phân loại các khoản nợ đó vào các nhóm nợ rủi ro cao hơn tương ứng với mức độ rủi ro...
Việc tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng không phải là xoá nợ cho khách hàng. Tổ chức tín dụng và cá nhân có liên quan không được phép thông báo dưới mọi hình thức cho khách hàng biết về việc xử lý rủi ro tín dụng...
Trường hợp số tiền dự phòng không đủ để xử lý toàn bộ rủi ro tín dụng của các khoản nợ phải xử lý, tổ chức tín dụng hạch toán trực tiếp phần chênh lệch thiếu của số tiền dự phòng vào chi phí hoạt động. Trường hợp số tiền dự phòng đã trích còn lại lớn hơn số tiền dự phòng phải trích, tổ chức tín dụng phải hoàn nhập phần chênh lệch thừa theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kiểm soát rủi ro trong hoạt động của ngân hàng
(SMS: 200684)
- Theo Chỉ thị số 02/2005/CT-NHNN ra ngày 20/4/2005 về việc nâng cao chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: chủ động nghiên cứu quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành kinh tế, địa phương; đánh giá và dự báo về nhu cầu vốn, khả năng huy động vốn, mức độ rủi ro tín dụng để xác định mức độ tăng trưởng tín dụng và cơ cấu vốn tín dụng cho từng ngành, địa phương, địa bàn nông thôn và thành thị...
Kiểm soát chặt chẽ các đối tượng cho vay và mức tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ để tránh rủi ro về tỷ giá, lãi suất và không làm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng tín dụng chung...
Tăng cường kiểm soát trong cho vay các dự án kinh doanh nhà ở, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị và khu công nghiệp, đảm bảo tỷ lệ thích hợp dư nợ cho vay các dự án này, cũng như các khoản cho vay có nhận thế chấp bất động sản...
Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


An toàn tín dụng
(SMS: 200690 - Không gửi qua fax)
- Ngày 19/4/2005, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN về việc ban hành "Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng".
Theo đó, trong trường hợp thanh lý tổ chức tín dụng, người sở hữu trái phiếu chuyển đổi chỉ được thanh toán sau khi tổ chức tín dụng đã thanh toán cho tất cả các chủ nợ có bảo đảm và không có bảo đảm khác...
Việc điều chỉnh tăng lãi suất chỉ được thực hiện sau 5 năm kể từ ngày phát hành và được điều chỉnh một lần trong suốt thời hạn trước khi chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông...
Trong thời gian 5 năm cuối cùng trước khi đến hạn thanh toán, chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông giá trị các công cụ nợ khác và trái phiếu chuyển đổi được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ mỗi năm 20% giá trị ban đầu...
Tổ chức tín dụng, trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải duy trì tỷ lệ tối thiểu 8% giữa vốn tự có so với tổng tài sản "Có" rủi ro...
Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng đối với một nhóm khách hàng có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Tổng mức cho vay và bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hợp đồng và hồ sơ lao động
(SMS: 200685)
- Theo Công văn số 1113/LĐTBXH-LĐVL ra ngày 19/4/2005 về việc thực hiện pháp luật lao động, Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội hướng dẫn như sau: khi ký kết hợp đồng lao động, trong trường hợp có giao tài sản cho người lao động quản lý, thì ngoài hợp đồng lao động hai bên có thể ký hợp đồng trách nhiệm về tài sản được giao. Hợp đồng trách nhiệm về tài sản được giao là phụ lục của hợp đồng lao động. Do đó, khi có tranh chấp về tài sản đã có hợp đồng trách nhiệm được xem là tranh chấp lao động (tranh chấp về thực hiện hơp đồng lao động)...
Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động chỉ có giá trị khi tuyển dụng lao động, không phải là văn bản ghi lại quá trình làm việc của người lao động. Vì vậy, chỉ khi không trúng tuyển hoặc không đến dự tuyển, người lao động được trả lại hồ sơ Trường hợp trúng tuyển nhưng không đến làm việc, thì người sử dụng lao động không bắt buộc phải trả lại hồ sơ. Khi người trúng tuyển đã vào làm việc một thời gian, sau đó thôi việc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lại sổ lao động và sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động...