Số 16.2004 (169) ngày 23/04/2004

 CHÍNH PHỦ


Hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm
- Theo Quyết định số 396/QĐ-TTg ban hành ngày 20/4/2004, về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm và khôi phục phát triển sản xuất sau dịch, Thủ tướng Chính phủ quyết định: trích hơn 240 tỷ đồng để thực hiện việc hỗ trợ phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển dần gia cầm.
Mức hỗ trợ như sau: đối với gia cầm tiêu huỷ với mức bình quân là 5.000 đồng/con; mua con giống lần đầu với mức bình quân 2.000 đồng/con...
Hỗ trợ 100% tiền thức ăn nuôi dưỡng đàn gia cầm giống gốc, giống giữ quỹ gen gia cầm quý hiếm do không tiêu thụ được sản phẩm trong thời gian 3 tháng (từ ngày 01/01/2004 đến hết ngày 31/3/2004)...
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
20/4/2004.

Xử phạt vi phạm hành chính về lao động - Ngày 16/4/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2004/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Theo quy định tại Nghị định này, tổ chức, cá nhân có thể bị phạt từ 1.000.000đồng đến 2.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 01 người đến 10 người lao động; từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 11 người đến 50 người lao động; từ 5.000.000đồng đến 10.000.000đồng, khi vi phạm với từ 51 người đến 100 người lao động; từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 101 người đến 500 người lao động; từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 500 người lao động trở lên... khi có các hành vi vi phạm như: Vi phạm quy định về mức trợ cấp mất việc làm đối với người lao động; Thu phí giới thiệu việc làm đối với người lao động cao hơn mức quy định; thu phí giới thiệu việc làm không có biên lai; Ap dụng thời gian thử việc với người lao động dài hơn so với thời gian quy định...
Phạt tiền 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong những hành vi sau: Dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động quy định tại Điều 19 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; Lợi dụng dịch vụ việc làm để thực hiện những hành vi trái pháp luật quy định tại Điều 19 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung; Ngược đãi, cưỡng bức lao động theo quy định của pháp luật lao động; Bắt người lao động đặt cọc tiền không tuân theo những quy định của pháp luật...
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về pháp luật lao động là 01 năm, kể từ ngày có hành vi vi phạm hành chính.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. 

Điều chỉnh quy hoạch - Ngày 16/4/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 370/QĐ-TTg về việc điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 543/QĐ-TTg ngày 08/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, về Cơ cấu sử dụng đất, đất xây dựng công trình: 58,89 ha, chiếm 56,09%; cây xanh, mặt nước: 15,97ha, chiếm 15,21%; Giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật: 30,14 ha, chiếm 28,70%. Về Phân khu chức năng, điều chỉnh một số chỉ tiêu quản lý xây dựng các lô đất: Lô K1: Công viên Bách Thảo có diện tích 9,46 ha, mật độ xây dựng tối đa 1%; tầng cao trung bình 1,2 tầng, tầng cao tối đa 2 tầng; hệ số sử dụng đất 0,01; Lô K2: Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đổi thành công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá có diện tích 1,29 ha, mật độ tối đa 20%, tầng cao tối đa 4 tầng, hệ số sử dụng đất 0,5 lần, tầng cao trung bình 2,5 tầng; Lô K3: Vườn hoa Chi Lăng (nay là vườn hoa Lê Nin) có diện tích 1,4 ha, giữ nguyên về kiến trúc và cảnh quan như hiện nay...
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bù chênh lệch giá thép xây dựng - Ngày 14/4/2004, Văn phòng Chính phủ đã ra Công văn số 1814/VPCP-KTTH, về việc xử lý ảnh hưởng do giá thép tăng trong xây dựng cơ bản.
Chính phủ đồng
ý thực hiện bù chênh lệch giá thép xây dựng cho các công trình, dự án theo nguyên tắc sau: cho phép bù chênh lệch giá thép sử dụng trong các công trình, dự án được ghi trong kế hoạch đầu tư phát triển năm 2004 thuộc nguồn vốn Nhà nước; giá thép được tính để bù chênh lệch là giá thép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý về giá công bố khi giá thép tăng so với giá thép tại thời điểm xét thầu; thời gian tính bù chênh lệch giá được áp dụng đối với khối lượng thép thực tế đã sử dụng để xây dựng ở các công trình, dự án trong thời gian có biến động về giá thép, kể từ ngày 01/01/2004... 

Quản lý biên chế - Ngày 08/4/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2004/NĐ-CP, quy định cơ chế quản lý biên chế đối với đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Theo Nghị định này, đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên được Nhà nước giao kinh phí để thực hiện cơ chế khoán một số loại dịch vụ công hoặc giao kinh phí bằng hình thức định mức chi theo khối lượng công việc, được quyết định biên chế của đơn vị mình, phù hợp với nhiệm vụ và kinh phí tăng thêm hàng năm theo tỷ lệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Đơn vị sự nghiệp được quyết định hợp đồng thuê, khoán công việc đối với những việc không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên và quyết định giảm biên chế hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức của đơn vị mình...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

 BỘ TÀI CHÍNH


Huỷ bỏ một số quy định của Bộ Tài chính
- Ngày 21/4/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 41/2004/QĐ-BTC, về việc bãi bỏ một số điểm tại các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành.
Bộ trưởng có một số quyết định như sau: công ty xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hoạt động tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn sẽ không còn được thuê đất trong khu vực cửa
khẩu Lạng Sơn để xây dựng cơ sở hạ tầng và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuê lại theo giá thoả thuận...
Số tiền thu được từ việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê; hoán đổi nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không được sử dụng cho các mục đích: đầu tư xây dựng cơ sở sản xấut kinh doanh ở nơi mới; làm vốn đầu tư cải tạo mở rộng hoặc đầu tư chiều sâu để tăng thêm năng lực sản xuất, kinh doanh...
Các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Khu Thương mại Lao Bảo không còn được Quỹ hỗ trợ phát triển xem xét cho vay vốn tín dụng của Nhà nước...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. 

Truy thu thuế ôtô nhập khẩu - Ngày 19/4/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34/2004/TT-BTC, hướng dẫn truy thu thuế, xử phạt và thu phụ thu đối với xe ô tô nhập khẩu trái quy định, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, các loại "xe ô tô tải mui kín có kiểu dáng xe ô tô du lịch", nhập khẩu trái quy định trong thời gian từ ngày 01/05/2001 đến ngày 26/4/2002 sẽ bị xử lý theo các hình thức sau: tịch thu, tính truy thu thuế, xử phạt và thu phụ thu...
Phương pháp xác định các khoản truy thu, phạt vi phạm và phụ thu như sau: Số thuế nhập khẩu (NK), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải truy thu bằng số thuế NK, thuế TTĐB xác định theo loại xe chở người trừ đi số thuế NK, thuế TTĐB phải nộp theo Thông báo của cơ quan Hải quan.

Các loại xe ôtô nhập khẩu đã được cấp đăng ký lưu hành là xe tải được các cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi thành xe chở người trong thời gian 60 tháng kể từ tháng cấp đăng ký lưu hành lần đầu tiên, phải nộp một khoản phụ thu cố định là 20 triệu đồng/xe... 

Xử lý hàng tồn đọng không người nhận - Theo Thông tư số 33/2004/TT-BTC ban hành ngày 15/4/2004, xử lý hàng hoá, hành lý, tài sản tồn đọng không có người nhận tại các cảng hàng không Việt Nam, Bộ Tài chính hướng dẫn: phải thành lập Hội đồng xử lý hàng tồn đọng bao gồm: lãnh đạo Sở Tài chính địa phương; lãnh đạo đơn vị phụ trách kho hàng của Hãng vận chuyển hàng không; đại diện Cảng hàng không, Cục Hải quan địa phương...
Trong quá trình xử lý hàng tồn đọng, các thành viên của Hội đồng được chi bồi dưỡng mức tối đa không quá 50.000 đồng/ngày/người...
Số hàng tồn đọng được tổ chức bán đấu giá. Đối với hàng dễ hư hỏng như hàng tươi sống, động vật sống, hoa quả..., doanh nghiệp vận tải hàng không chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và chịu trách nhiệm xử lý, tiêu huỷ trong vòng 3 ngày kể từ khi phát sinh hàng hoá tồn đọng...
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày, đăng Công báo.

 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


Hạn ngạch thuế quan
- Theo Công văn số 1705/TCHQ-GSQL ra ngày 16/4/2004, về thủ tục hải quan đối với mặt hàng áp dụng hạn ngạch, Tổng cục Hải quan hướng dẫn: doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu mặt hàng chịu sự quản lý của hạn ngạch thuế quan: nếu chưa có hạn ngạch thuế quan của Bộ Thương mại hoặc đã nhập hết số lượng trong hạn ngạch thuế quan thì vẫn được nhập khẩu không phải xin phép Bộ Thương mại nhưng phải chịu mức thuế ngoài hạn ngạch thuế quan...