Số 15.2010 (473) ngày 20/04/2010

CHÍNH PHỦ

Nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp (SMS: 43/2010/ND-CP) - Kể từ ngày 01/6/2010, việc đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ. Theo Nghị định này, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trước khi Nghị định này có hiệu lực không bắt buộc phải thực hiện thủ tục đổi sang giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp, mã số này đồng thời là mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế của doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác; khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực và không được sử dụng lại.
Ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được ghi và mã hóa theo ngành cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trừ những ngành, nghề cấm kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ được sử dụng ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề đó hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó. Kể từ ngày 01/01/2011, không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã giải thể. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2010, việc chống trùng, nhầm lẫn tên doanh nghiệp được thực hiện trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các doanh nghiệp đã đăng ký tên doanh nghiệp phù hợp với quy định hiện hành nhưng không phù hợp với quy định về chống trùng, nhầm lẫn tên doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc không bắt buộc phải đăng ký đổi tên; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt tên doanh nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2010 và thay thế Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
Hướng dẫn chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng (SMS: 42/2010/ND-CP) - Ngày 15/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Nghị định này quy định chi tiết về: nội dung thi đua, tổ chức phong trào thi đua, tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; các hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được khen thưởng; hành vi vi phạm, xử lý hành vi vi phạm; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng. Theo Nghị định này, các danh hiệu thi đua đối với cá nhân gồm có: chiến sỹ thi đua toàn quốc, chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, chiến sỹ thi đua cơ sở, lao động tiên tiến, chiến sỹ tiên tiến; các danh hiệu thi đua đối với tập thể gồm có: cờ thi đua của Chính phủ, cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng, tập thể lao động tiên tiến, đơn vị tiên tiến, thôn văn hóa, bản văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa, tổ dân phố văn hóa; danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình là gia đình văn hóa.
Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào thi đua; mọi cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua đều phải có đăng ký thi đua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua, không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua. Khen thưởng phải đảm bảo thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, không nhất thiết phải khen theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn; khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là chính. Quỹ thi đua, khen thưởng được hình thành từ ngân sách nhà nước, từ quỹ khen thưởng của các doanh nghiệp, đóng góp của cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2010 và thay thế Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ.
Phối hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa (SMS: 36/2010/QD-TTg) - Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010. Quy chế này quy định về hình thức, nội dung phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (cơ quan kiểm tra) với nhau và với các cơ quan thanh tra chuyên ngành, công an, hải quan, quản lý thị trường trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, việc phối hợp kiểm tra được thực hiện dưới các hình thức: trao đổi thông tin bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản cho cơ quan liên quan; tổ chức hội nghị, hội thảo; cử cán bộ tham gia hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thông báo, chuyển hồ sơ cho cơ quan khác có thẩm quyền để xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tổ chức kiểm tra liên ngành.
Quy chế này cũng quy định rõ sự phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hàng hóa lưu thông trên thị trường. Cụ thể, khi phát hiện hàng hóa lưu thông trên thị trường không đảm bảo các quy định về chất lượng, cơ quan kiểm tra xử lý theo thẩm quyền, đồng thời thông báo cho cơ quan kiểm tra liên quan để xem xét việc kiểm tra trong sản xuất; trường hợp hàng hóa đó được sản xuất tại địa phương khác hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực khác thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra tương ứng tại địa phương nơi sản xuất hàng hóa đó. Khi phát hiện hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không đảm bảo chất lượng, cơ quan kiểm tra xử lý theo thẩm quyền và có trách nhiệm thông báo cho cơ quan kiểm tra tương ứng tại địa phương nơi nhập khẩu tăng cường kiểm tra tại cửa khẩu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định tạm dừng hoặc dừng việc nhập khẩu loại hàng hóa đó.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/6/2010.
Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn (SMS: 41/2010/ND-CP) - Theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh ở nông thôn, các hợp tác xã, chủ trang trại được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo các mức sau: tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại. Các lĩnh vực cho vay gồm có: cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn; cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; cho vay chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; cho vay để kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn và cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.
Cũng theo Nghị định này, tổ chức tín dụng xem xét cho vay tín chấp đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình trên cơ sở có bảo đảm của các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn theo quy định hiện hành. Các cá nhân, hộ gia đình khi đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn tại tổ chức tín dụng để sản xuất kinh doanh thì không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm. Thời hạn cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận căn cứ vào thời gian luân chuyển vốn, khả năng hoàn vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2010.
Kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật (SMS: 40/2010/ND-CP) - Việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, UBND các cấp ban hành đã được Chính phủ quy định bằng Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010. Văn bản được kiểm tra, xử lý theo quy định tại Nghị định này gồm: thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nghị quyết của hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của UBND.
Việc kiểm tra văn bản được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Việc kiểm tra văn bản được tiến hành bằng các phương thức: kiểm tra văn bản do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản gửi đến; kiểm tra văn bản khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn (tại cơ quan ban hành văn bản) hoặc theo ngành, lĩnh vực. Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng việc kiểm tra văn bản vì mục đích vụ lợi, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan, người đã ban hành văn bản và can thiệp vào quá trình xử lý văn bản trái pháp luật. Sau khi kiểm tra, cơ quan kiểm tra văn bản phải có kết luận về việc kiểm tra và thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản được kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2010. Bãi bỏ Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và các quy định trước đây trái với Nghị định này.
 
 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Xây dựng trường học an toàn trong giáo dục mầm non (SMS: 13/2010/TT-BGDDT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT ngày 15/4/2010 ban hành Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non, áp dụng đối với nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, trường mẫu giáo, trường mầm non. Theo Thông tư này, cơ sở giáo dục mầm non đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích khi hội đủ các điều kiện sau: nhà trường có Ban chỉ đạo công tác y tế trường học, hàng năm xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích của nhà trường, có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công tác y tế trường học, được tập huấn để thực hiện tốt các hoạt động sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích, giáo viên, cán bộ công nhân viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy cơ và cách phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ; môi trường xung quanh trường an toàn và có hiệu quả; giảm được các yếu tố nguy cơ gây thương tích cho trẻ trong nhà trường; trong năm không có trẻ bị tử vong hay bị thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường.
Hồ sơ đề nghị công nhận trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích gồm có: bảng tự đánh giá của cơ sở giáo dục mầm non về kết quả phòng, chống tai nạn thương tích theo bảng kiểm trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích của cơ sở giáo dục mầm non và uỷ ban nhân dân xã/ phường/ thị trấn; biên bản nhận xét của phòng giáo dục và đào tạo về kết quả tự đánh giá của cơ sở giáo dục mầm non. Phòng giáo dục và đào tạo nhận hồ sơ và có ý kiến bằng văn bản, trình chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, ra quyết định công nhận.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2010.
 
 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Hướng dẫn cho vay theo lãi suất thỏa thuận (SMS: 12/2010/TT-NHNN) - Ngày 14/4/2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư số 12/2010/TT-NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư phát triển và đời sống có hiệu quả. Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất cho vay ở mức hợp lý, trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, tiết kiệm chi phí hoạt động, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là khu vực nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với mức biến động của lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam và mục tiêu, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng hết hiệu lực thi hành gồm có: Thông tư 07/2010/TT-NHNN ngày 26/02/2010 quy định về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng và các văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư này; quy định về lãi suất cho vay theo Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008 về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam; Quyết định số 33/2008/QĐ-NHNN ngày 03/12/2008 về mức lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đối với khách hàng. Đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng vay tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký kết hoặc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định của Thông tư này.
 
 

BỘ TÀI CHÍNH

Sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế (SMS: 56/2010/TT-BTC) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 56/2010/TT-BTC ngày 16/4/2010 hướng dẫn việc quản lý và giám sát, sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ phát hành năm 2010. Theo đó, tiền bán trái phiếu của Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế sau khi khấu trừ các khoản phí và chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu quốc tế được sử dụng để hoàn trả ngân sách nhà nước, phần còn lại theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính ủy quyền cho ngân hàng phục vụ mở tài khoản cho Bộ Tài chính tiếp nhận nguồn vốn trái phiếu quốc tế và làm cơ quan cho vay lại đối với các khoản cho vay lại từ nguồn trái phiếu quốc tế phát hành năm 2010. Đơn vị vay lại phải mở một tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng phục vụ để thực hiện việc giải ngân theo đúng kế hoạch do đơn vị vay lại đăng ký. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đơn vị vay lại được phép sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi chưa giải ngân theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng nguồn vốn trái phiếu theo mục đích sử dụng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch tổng thể đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Định kỳ hàng tháng, quý, năm đơn vị vay lại có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện rút vốn và bố trí, sử dụng vốn trái phiếu tạm thời nhàn rỗi gửi cho cơ quan cho vay lại và Bộ Tài chính. Trong trường hợp đơn vị vay lại không thực hiện được các nghĩa vụ của mình, Bộ Tài chính thông qua cơ quan cho vay lại yêu cầu đơn vị vay lại bồi thường theo đúng thỏa thuận đã cam kết; trong trường hợp đơn vị vay lại không bồi thường theo đúng thỏa thuận cam kết, Bộ Tài chính có thể yêu cầu tất cả các ngân hàng phục vụ phong tỏa các tài khoản của đơn vị vay lại để trả nợ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của sở tài chính (SMS: 54/2010/TT-BTC) - Ngày 15/4/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 54/2010/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 90/2009/TTLT-BTC-BNV ngày 06/5/2009 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 2, Thông tư liên tịch số 90/2009/TTLT-BTC-BNV nói trên, theo đó, sở tài chính cấp tỉnh có quyền “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng, thanh tra, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các đơn vị sự nghiệp thuộc sở; quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của sở theo phân cấp của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục trực thuộc sở tài chính được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2010.
Hỗ trợ 04 triệu đồng/ha lúa bị tiêu hủy do dịch bệnh (SMS: 53/2010/TT-BTC) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 53/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 của Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen hại lúa cho các đối tượng là các hộ nông dân có diện tích lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa phải phun thuốc bảo vệ thực vật, phải tiêu hủy theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các lực lượng tham gia phòng, trừ dập dịch và giám sát việc tiêu hủy diện tích lúa bị nhiễm bệnh. Thời gian ngân sách nhà nước hỗ trợ được thực hiện kể từ ngày có quyết định công bố dịch đến khi có quyết định công bố hết dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mức chi cụ thể được quy định như sau: chi hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nông dân có diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa phải tiêu hủy theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mức 4 triệu đồng/ha lúa bị tiêu hủy (diện tích lúa bị tiêu hủy phải có xác nhận của chính quyền cấp xã, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật tại địa phương và các đơn vị liên quan làm căn cứ thanh toán hỗ trợ); hỗ trợ 12 kg gạo/người/tháng để cứu đói cho các hộ nông dân bị thiệt hại do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa gây ra, thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định đối tượng và thời gian hỗ trợ cụ thể cho các hộ nông dân. Người trực tiếp tham gia phòng trừ dịch bệnh và giám sát việc tiêu hủy diện tích lúa bị nhiễm bệnh được chi với mức tối đa 50.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các chế độ hỗ trợ phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa được thực hiện từ ngày 01/01/2010. Bãi bỏ Thông tư số 108/2006/TT-BTC ngày 21/11/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính để phòng, trừ dập dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa đối với các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).