Số 15.2007 (320) ngày 20/04/2007

 CHÍNH PHỦ


Báo cáo đầu tư
(SMS: 202657)
- Ngày 16/4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2007/QĐ-TTg về chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nhà nước.
Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nhà nước theo tháng, quý, 6 tháng và theo năm.
Đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, báo cáo chi tiết khối lượng thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư nhà nước của từng dự án, riêng báo cáo 6 tháng và quý III phải có ước thực hiện so với kế hoạch năm; tổng hợp khối lượng thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư nhà nước của các dự án nhóm B và C; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý...
Trước ngày 31/12 của năm trước năm kế hoạch, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức khác gửi báo cáo kế hoạch phân bổ vốn đầu tư nhà nước hàng năm đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; trước ngày 20 hàng tháng, gửi báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nhà nước; trước ngày 20 của tháng cuối quý, gửi báo cáo quý và 6 tháng; trước ngày 10/2 của năm sau năm thực hiện kế hoạch, gửi báo cáo năm đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
(SMS: 21028)
- Theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ban hành ngày 13/4/2007, Chính phủ quy định: trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng; có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo; Người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo; Người đơn thân thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi... được hưởng mức trợ cấp 120.000 đồng/tháng...
Gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, thuộc hộ gia đình nghèo; Người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo: 240.000 đồng...
Hộ gia đình có từ 04 người trở lên tàn tật nặng, không có khả năng tự phục vụ: 480.000 đồng...
Mức trợ cấp cứu trợ đột xuất đối với hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; Có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng... thấp nhất là 05 triệu đồng/1 hộ...
Người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú bị thương nặng, gia đình không biết để chăm sóc: 01 triệu đồng/người...
Người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú: 10.000 đồng/người/ngày, nhưng không quá 30 ngày...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách phát triển công nghệ thông tin
(SMS: 202647)
- Ngày 12/4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010.
Theo đó, Chương trình chú trọng đến dịch vụ công nghệ thông tin như gia công PM và dịch vụ cho nước ngoài, song song với việc tập trung phát triển một số PM trọng điểm thay thế các PM nhập khẩu. Đến năm 2010, ngành CNPM Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 35 - 40% năm. Tổng doanh thu từ PM và dịch vụ PM đạt trên 800 triệu USD/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 40%. Tổng số nhân lực phát triển PM và dịch vụ PM đạt từ 55.000 đến 60.000 người. Giảm tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực PM xuống bằng mức trung bình trong khu vực...
Mở rộng quy mô đào tạo và tăng nhanh chỉ tiêu tuyển sinh khối các ngành công nghệ thông tin cho các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học quốc tế mở cơ sở đào tạo công nghệ thông tin ở Việt Nam. Yêu cầu huy động tối đa các nguồn lực trong nước từ doanh nghiệp, xã hội và ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển CNPM...
Ưu tiên sử dụng các PM mã nguồn mở trong các dự án công nghệ thông tin dùng nguồn vốn ngân sách hoặc vốn có nguồn gốc ngân sách. Hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp kinh doanh PM mã nguồn mở và dịch vụ  liên quan. Ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sử dụng PM mã nguồn mở...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Cải cách hành chính
(SMS: 202644)
- Ngày 10/4/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan nhà nước ở các cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin...
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công bố danh mục, lộ trình cung cấp các dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng; hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với cơ quan nhà nước khi thực hiện các dịch vụ hành chính công; tuyên truyền, quảng bá để thu hút người dân tham gia giao dịch với cơ quan nhà nước trên môi trường mạng...
Đồng thời, cơ quan nhà nước có trách nhiệm ban hành quy chế chia sẻ thông tin số nhằm bảo đảm sử dụng chung thông tin về quản lý, điều hành, phối hợp công tác và những thông tin khác một cách đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước...
Cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước phải cập nhật đầy đủ hoặc có đường liên kết đến các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của cấp trên phục vụ cho việc tra cứu trên môi trường mạng của cán bộ, công chức, viên chức nhằm hạn chế việc sao chụp văn bản giấy...
Việc cung cấp, tiếp nhận thông tin trên môi trường mạng phải được thực hiện theo nguyên tắc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng, tránh phải cung cấp nhiều lần cùng một nội dung thông tin.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch 5 năm về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan mình...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin
(SMS: 202643)
- Theo Nghị định số 63/2007/NĐ-CP ban hành ngày 10/4/2007, Chính phủ quy định: mức phạt tiền cao nhất từ 70 đến 100 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi: phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; có hành vi làm hệ thống máy chủ tên miền quốc gia hỏng hóc, ngưng hoạt động hoặc hoạt động không bình thường; phá hoại hoặc thay đổi cơ sở dữ liệu tên miền quốc gia; gian lận, giả mạo để được hưởng các ưu đãi về đầu tư, tài chính và các ưu đãi khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn để hoạt động vào các lĩnh vực khác...
Phạt tiền từ 60 đến 70 triệu đồng đối với hành vi đánh cắp công nghệ, giải pháp, bản quyền của sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm do Nhà nước đầu tư...
Hành vi ngăn cản trái pháp luật sự hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin giữa cơ sở đào tạo với các tổ chức doanh nghiệp trong, ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng...
Phạt tiền từ 100 đến 200 nghìn đồng đối với hành vi vi phạm như trích dẫn nội dung thông tin số của tổ chức, cá nhân khác mà theo quy định của pháp luật là được phép trích dẫn nhưng không nêu rõ nguồn gốc của thông tin đó; không xây dựng hoặc không áp dụng nội quy đảm bảo an toàn thông tin...
Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin, người có thẩm quyền xử phạt phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
(SMS: 202664)
- Theo Thông tư số 38/2007/TT-BTC ban hành ngày 18/4/2007, Bộ Tài chính hướng dẫn: các đối tượng công bố thông tin phải lập trang thông tin điện tử của mình và phải thường xuyên cập nhật việc công bố thông tin trên trang thông tin điện tử đó. Các đối tượng công bố thông tin phải thông báo với UBCKNN, SGDCK, TTGDCK và công khai về địa chỉ trang thông tin điện tử và mọi thay đổi liên quan đến địa chỉ này...
Nội dung công bố thông tin về báo cáo tài chính năm bao gồm: Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Bản thuyết minh báo cáo tài chính theo qui định của pháp luật về kế toán...
Trường hợp có bất kỳ người nào công bố thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán thì người được uỷ quyền công bố thông tin phải xác nhận hoặc đính chính thông tin đó trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi thông tin trên được công bố...
Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: Tài khoản của công ty tại ngân hàng bị phong toả hoặc tài khoản được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong toả; Tạm ngừng kinh doanh; Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép hoạt động; Quyết định của HĐQT về việc mua lại cổ phiếu của công ty mình hoặc bán lại số cổ phiếu đã mua; về ngày thực hiện quyền mua cổ phiếu của người sở hữu trái phiếu kèm theo quyền mua cổ phiếu hoặc ngày thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu và các quyết định liên quan đến việc chào bán...
Tổ chức niêm yết phải công bố thông tin trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi bị tổn thất tài sản có giá trị từ 10% vốn chủ sở hữu trở lên...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khu vực ASEAN-Trung Quốc
(SMS: 202656)
- Ngày 16/4/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 26/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phân cấp quản lý tài sản nhà nước
(SMS: 202649)
- Ngày 10/4/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 35/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Theo đó, đơn vị sử dụng tài sản nhà nước phải thực hiện đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước với cơ quan tổ chức đăng ký tài sản những loại tài sản sau: Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; Xe ô tô các loại; Các tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên (tính cho một đơn vị tài sản).
Trường hợp một trụ sở được giao cho nhiều đơn vị sử dụng, có thể tách biệt được phần sử dụng của từng đơn vị, thì các đơn vị phải làm biên bản xác định rõ phần sử dụng thực tế của từng đơn vị để kê khai đăng ký phần sử dụng của đơn vị mình. Nếu không tách biệt được phần sử dụng của từng đơn vị thì các đơn vị phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để thống nhất cử một đơn vị đại diện đứng tên kê khai đăng ký...
Đơn vị sử dụng thực hiện đăng ký lần đầu chậm nhất là 31/12/2007. Quá thời hạn này, cơ quan tài chính được phép tạm dừng cấp kinh phí phục vụ hoạt động của những tài sản phải đăng ký nhưng không đăng ký và từ chối bố trí kinh phí mua sắm tài sản cố định vào dự toán ngân sách năm 2008 của đơn vị sử dụng cho đến khi đơn vị thực hiện đăng ký tài sản theo quy định; đồng thời đơn vị sử dụng tài sản còn bị xử phạt hành chính...
Tài sản nhà nước bị thu hồi khi đầu tư xây dựng mới, mua sắm... vượt tiêu chuẩn định mức, không đúng thẩm quyền do nhà nước quy định; không sử dụng mà đơn vị sử dụng không đề nghị phương án xử lý có hiệu quả; sử dụng sai mục đích hoặc bán, chuyển nhượng, sang tặng sai chế độ quy định, không đúng thẩm quyền...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Bảo hiểm xe cơ giới
(SMS: 21015)
- Ngày 09/4/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC ban hành Chế độ Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Theo đó, khi tai nạn giao thông xảy ra (trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn) chủ xe cơ giới phải gửi cho doanh nghiệp bảo hiểm thông báo tai nạn...
Trường hợp chủ xe cơ giới không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, hai bên sẽ thoả thuận chọn giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp thực hiện việc giám định. Kết luận của giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp là căn cứ để xác định thiệt hại. Trường hợp kết luận của giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp khác với kết luận của giám định viên bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu chi phí giám định. Trường hợp kết luận của giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp trùng với kết luận của giám định viên bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải chịu chi phí giám định...
Trường hợp có yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm trước 15 ngày. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo huỷ bỏ, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không có ý kiến thì hợp đồng bảo hiểm mặc nhiên được hủy bỏ, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho chủ xe 80% phí bảo hiểm của thời gian hủy bỏ, trừ trường hợp trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực đã xảy ra sự kiện bảo hiểm liên quan đến chiếc xe yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không phải hoàn phí bảo hiểm...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


H
ướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (SMS: 202648) - Ngày 09/4/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 32/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP, 148/2004/NĐ-CP và 156/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, cơ sở kinh doanh trong tháng có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa xuất khẩu phát sinh trong tháng chưa được khấu trừ từ 200 triệu đồng trở lên thì được xét hoàn thuế theo tháng. Cơ sở kinh doanh trong tháng vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ bán trong nước, nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu phát sinh trong tháng chưa được khấu trừ từ 200 triệu đồng trở lên, nhưng sau khi bù trừ với số thuế GTGT đầu ra của hàng hoá, dịch vụ bán trong nước, nếu số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ trên tờ khai thuế GTGT của tháng phát sinh nhỏ hơn 200 triệu đồng thì cơ sở kinh doanh không được xét hoàn thuế theo tháng, nếu số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ trên tờ khai thuế GTGT của tháng phát sinh từ 200 triệu đồng trở lên (thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết bao gồm cả thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bán trong nước) thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT theo tháng.
Đối với cơ sở kinh doanh đầu tư mới đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa phát sinh thuế đầu ra, và thời gian đầu tư từ một năm trở lên thì cơ sở kinh doanh vẫn phải lập tờ khai thuế hàng tháng và được xét hoàn thuế đầu vào theo từng năm dương lịch. Nếu số thuế GTGT đầu vào của tài sản đầu tư được hoàn có giá trị lớn từ 200 triệu đồng trở lên thì được xét hoàn thuế theo quý (3 tháng liên tục không phân biệt theo năm dương lịch).

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.