Số 15.2004 (168) ngày 16/04/2004

 CHÍNH PHỦ

 

Lưu trữ quốc gia - Ngày 08/4/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2004/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia.

Theo đó, việc giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử phải theo đúng thời hạn quy định (tài liệu hành chính, tài liệu nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học và công nghệ, tài liệu xây dựng cơ bản: sau 10 năm; tài liệu phim, ảnh, phim điện ảnh; mi-crô-phim; tài liệu ghi âm, ghi hình: sau 02 năm; tài liệu của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao: sau 30 năm...). Trường hợp cơ quan, tổ chức muốn giữ lại hồ sơ, tài liệu đã đến thời hạn giao nộp phải được sự đồng ý bằng văn bản của lưu trữ lịch sử có thẩm quyền thu thập...

"Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu" và "Biên bản giao nhận tài liệu" phải được lập thành hai bản theo mẫu thống nhất do Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước hướng dẫn. Lưu trữ của cơ quan, tổ chức và lưu trữ lịch sử giữ mỗi loại một bản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

Công tác văn thư - Theo Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ban hành hành ngày 08/4/2004, Chính phủ quy định: ở cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản của cơ quan, tổ chức, và có thể giao cho cấp phó của mình ký thay các văn bản  thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách...

Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể uỷ quyền cho một cán bộ phụ trách dưới mình một cấp ký thừa uỷ quyền một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa uỷ quyền phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác ký...

Viêc đóng dấu được quy định như sau: dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu quy định; khi đóng dấu lên chữ ký thì dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái; việc đóng dấu lên các phụ lục kèm theo văn bản chính do người ký văn bản quyết định và dấu được đóng lên trang đầu, trùm lên một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tên của phụ lục...

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

Phát triển nguồn nhân lực - Ngày 06/4/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 311/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin từ nay đến năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 06/4/2004.

Theo Chương trình này, mục tiêu đến năm 2010 sẽ phổ cập các kiến thức và kỹ năng sử dụng máy tính và Internet đến 100% cán bộ, công chức và viên chức, sinh viên đại học, cao đẳng, học sinh trung học chuyên nghiệp, trung học nghề và trung học phổ thông, 50% học sinh trung học cơ sở và một bộ phận dân cư có nhu cầu...

Thủ tướng yêu cầu: các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục và đào tạo triển khai lập kế hoạch dài hạn và hàng năm, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích dạy và học CNTT, khuyến khích các tổ chức các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các loại hình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về CNTT...

 

Khuyến khích đầu tư - Theo Quyết định số 53/2004/QĐ-TTg ban hành ngày 05/4/2004, về một số chính sách khuyến khích đầu tư tại Khu công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ quyết định: nhà đầu tư được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếo theo...

Nhà đầu tư còn được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thuê lại đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam...

Cá nhân là người Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được miễn, giảm thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao để bằng mức thuế phải nộp áp dụng với người nước ngoài có cùng mức thu nhập...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

 BỘ TÀI CHÍNH

 

Hướng dẫn phát hành trái phiếu - Ngày 12/4/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 32/2004/TT-BTC, hướng dẫn việc phát hành trái phiếu Chính phủ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Theo đó, trường hợp đến hạn thanh toán lãi hoặc gốc mà chủ sở hữu trái phiếu chưa đến thanh toán thì số tiền lãi hoặc gốc đó được bảo lưu và hoàn trả khi chủ sở hữu trái phiếu có nhu cầu thanh toán, không tính lãi nhập gốc và không tính lãi trong thời gian quá hạn thanh toán...

Trường hợp chủ sở hữu trái phiếu vì những lý do bất khả kháng không thể đến thanh toán trái phiếu khi đến hạn, có thể uỷ quyền cho người khác đến lĩnh thay...

Trái phiếu lưu ký tập trung tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán (Sở Giao dịch chứng khoán) được tự do chuyển nhượng theo quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán...

 

Xử phạt trong lĩnh vực bảo hiểm - Ngày 12/4/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2004/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 118/2003/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Bộ Tài chính hướng dẫn: trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì người đầu tiên thụ lý vụ việc sẽ ra quyết định xử phạt...

Hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có thể bị phạt: 70 trệu đồng (thẩm quyền phạt ở mức này là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh); 20 triệu đồng (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chánh thanh tra Sở Tài chính)...

Trong trường hợp, hành vi vi phạm của một tổ chức, cá nhân xảy ra trên nhiều địa phương khác nhau, thì cơ quan phát hiện hành vi vi phạm phải lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ vi phạm và thông báo cho cơ quan Thanh tra Bộ Tài chính để cùng phối hợp xử lý...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

 

Phí sử dụng tài liệu lưu trữ - Ngày 07/4/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2004/TT-BTC, hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Thông tư này mức phí làm thẻ đọc (có giá trị  01 năm) là: 15.000 đồng; cung cấp bản sao tài liệu: tài liệu nghiên cứu khoa học từ 1200 đến 2000 đồng/trang A4, bản vẽ kỹ thuật phần nổi:  10.000 - 15.000 đồng/trang A4, chứng thực tài liệu lưu trữ: 10.000 - 15.000 đồng/văn bản...

Đơn vị thu phí khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ được trích để lại 90% trên tổng số tiền phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước...

Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định không thu phí khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ đối với: các cá nhân, gia đình, giòng họ khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ do chính mình đã tặng, cho, ký gửi vào lưu trữ lịch sử; thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ cho việc giải quyết chế độ chính sách của chính mình..., và áp dụng mức thu 50% đối với: học sinh, sinh viên các trường trung học, cao đẳng, đại học...

 

Quy chế đấu thầu mua, bán hàng dự trữ quốc gia - Theo Quyết định số 31/2004/QĐ-BTC ban hành ngày 06/4/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định áp dụng phương thức đấu thầu một túi hồ sơ. Khi dự thầu, nhà thầu phải nộp hồ sơ dự thầu một lần. Trong túi hồ sơ này có cả phiếu ghi giá dự thầu theo đúng yêu cầu của thông báo mời thầu.

Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch đấu thầu và kết quả đấu thầu các gói thầu có giá trị từ 7 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng; Cục Dự trữ Quốc gia phê duyệt các gói thầu: dưới 7 tỷ đồng...

Trong trường hợp đặc biệt cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong hồ sơ mời thầu, bên mời thầu có thể gia hạn thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Các nội dung sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu phải gửi bằng văn bản cho các nhà thầu đã tham gia dự thầu trước thời điểm đóng thầu đã quy định ít nhất 10 ngày...

Mức tiền bảo lãnh dự thầu do bên mời thầu quy định cụ thể cho từng gói thầu nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng cho 1 gói thầu. Mức tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng do bên mời thầu quy định cụ thể cho từng gói thầu với mức không quá 10% giá trị hợp đồng, nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng cho 1 gói thầu...

Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 

Quy chế môi giới tiền tệ - Theo Quyết định số 351/2004/QĐ-NHNN ban hành ngày 07/4/2004, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: các bên tham gia môi giới tự thoả thuận mức phí môi giới, nhưng tối đa không vượt quá 0,02%/trị giá của từng món giao dịch...

Để tham gia hoạt động môi giới, cho các tổ chức tín dụng phải có Giấy phép môi giới tiền tệ, điều kiện cấp Giấy phép như sau: có bộ phận hoặc công ty trực thuộc thực hiện môi giới thuộc tổ chức tín dụng; có phương án thực hiện môi giới khả thi; có cơ sở vật chất, hệ thống kỹ thuật tin học và phương tiện thông tin liên lạc (điện thoại, thiết bị ghi âm, máy vi tính và các thiết bị khác) đáp ứng yêu cầu của hoạt động môi giới...

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gồm: đơn đề nghị cấp Giấy phép; phương án thực hiện môi giới 3 năm đầu, trong đó nêu rõ phương thức tổ chức thực hiện môi giới, cơ sở vật chất, trang bị hệ thống kỹ thuật tin học và phương tiện thông tin liên lạc đảm bảo hoạt động môi giới, hiệu quả và lợi ích kinh tế của tổ chức tín dụng...

Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.