Số 14.2014 (675) - ngày 22/04/2014

SỐ 14 (675) - THÁNG 04/2014

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn
 

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong số này:

THƯƠNG MẠI

 

THƯƠNG MẠI

1

30/2014/NĐ-CP

Nghị định 30/2014/NĐ-CP của Chỉnh phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển

 

* DN kinh doanh vận tải biển phải có vốn tối thiểu 5 tỷ đồng

Trang 2

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

2

549/QĐ-TTg

Quyết định 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp trang thiết bị dự trữ quốc gia và bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh

 

* Bổ sung hơn 80 tỷ mua thiết bị phòng, chống dịch bệnh

Trang 2

KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ

 

KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ

 

3

538/QĐ-TTg

Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020

 

* Xây dựng tiêu chí đánh giá tổ chức nghiên cứu về khoa học

Trang 2

4

05/2014/TT-BKHCN

Thông tư 05/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành "Mẫu hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ"

 

* Ban hành mẫu hợp đồng nghiên cứu KHCN

Trang 3

5

04/2014/TT-BKHCN

Thông tư 04/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất

 

* Hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất

Trang 3

DÂN SỰ

 

DÂN SỰ

 

6

29/2014/NĐ-CP

Nghị định 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước

 

* Quy định mức thưởng cho người giao nộp tài sản bị đánh rơi

Trang 3

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

7

540/QĐ-TTg

Quyết định 540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra

 

* Cơ cấu lại nợ đến 36 tháng cho chủ trang trại cá tra gặp khó khăn

Trang 4

8

3218/QĐ-BCT

Quyết định 3218/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

 

* Khuyến khích DN dệt may tham gia thị trường chứng khoán

Trang 4

HÀNH CHÍNH

 

HÀNH CHÍNH

 

9

13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT

Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

 

* Nguyên tắc phân công quản lý Nhà nước về ATTP

Trang 4

TƯ PHÁP-HỘ TỊCH

 

TƯ PHÁP-HỘ TỊCH

 

10

31/2014/NĐ-CP

Nghị định 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú

 

* Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố thuộc TW

Trang 5

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Quyết định số 11/2014/QĐ-TTg, soạn tin: VB 11/2014/QD-TTg gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 03/2014, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS03/2014 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

 

Ü Thương mại:

DN KINH DOANH VẬN TẢI BIỂN PHẢI CÓ VỐN TỐI THIỂU 5 TỶ ĐỒNG

Ngày 14/04/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, quy định từ ngày 01/07/2014, người kinh doanh vận tải biển tại Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải biển theo quy định của pháp luật và chỉ được kinh doanh vận tải biển sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải biển.

Để được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải biển, DN phải đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải biển; có bộ phận chuyên trách quản lý an toàn và an ninh hàng hải theo quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn - ISM Code và Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng - ISPS Code (trường hợp kinh doanh vận tải biển tuyến quốc tế); có bộ phận hoạt động khai thác tàu biển và thực hiện công tác pháp chế DN theo quy định của pháp luật; có vốn hoặc tài sản khác tối thiểu tương đương 20 tỷ đồng đối với kinh doanh vận tải biển quốc tế và 05 tỷ đồng trường hợp kinh doanh vận tải nội địa. Bên cạnh đó, người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách lĩnh vực khai thác tàu biển phải có bằng đại học về một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế và phải có kinh

 

nghiệm làm việc trong lĩnh vực khai thác tàu biển tối thiểu 03 năm; người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách hệ thống quản lý an toàn, an ninh phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quản lý khai thác tàu biển tối thiểu 02 năm, được đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ phù hợp theo quy định...

Cũng theo Nghị định này, từ ngày 01/07/2014, ngoài việc phải thành lập DN theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển tại Việt Nam còn phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Cụ thể như: Phải đăng ký kinh doanh ngành nghề dịch vụ đại lý tàu biển; có cán bộ chuyên trách thực hiện khai thác dịch vụ đại lý tàu biển và pháp chế DN; nhân viên đại lý phải là công dân Việt Nam, có bằng đại học một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế và người giữ vị trí phụ trách lĩnh vực đại lý tàu biển phải có kinh nghiệm tối thiểu 02 năm...

Nghị định này thay thế Nghị định số 115/2007/NĐ-CP ngày 05/07/2007 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014. 
 

Ü Y tế-Sức khỏe:

BỔ SUNG HƠN 80 TỶ MUA THIẾT BỊ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

Ngày 17/04/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 549/QĐ-TTg về việc xuất cấp trang thiết bị dự trữ quốc gia và bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, Thủ tướng quyết định bổ sung 80.875 triệu đồng cho Bộ Y  tế từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2014 để mua sắm một số trang thiết bị cho Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và mua thuốc Gamaglobulin phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

 

Đồng thời, Bộ Y tế cũng xuất cấp (không thu tiền) 12 máy thở chức năng cao thuộc hàng dự trữ quốc gia để trang bị cho các bệnh viện phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người mắc dịch bệnh và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Trong đó, cấp Bệnh viện Nhi Trung ương 4 máy; Bệnh viện Thanh Nhàn 04 máy và Bệnh viện Đống Đa 04 máy.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 

Ü Khoa học-Công nghệ:

XÂY DỰNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU VỀ KHOA HỌC

Nhằm tăng nhanh số lượng các Viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp (sau đây gọi là tổ chức nghiên cứu) của Việt Nam trực tiếp tham gia hoặc chủ trì các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài, hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới..., Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 16/04/2014 phê duyệt Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020.

Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện với các giải pháp chính như: Xây dựng tiêu chí đánh giá, tuyển chọn nhằm xác định các tổ chức nghiên cứu và tập thể nghiên cứu để giao thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính chiến lược, lâu dài; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các tổ

 

chức nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực, các hoạt động học thuật tại nước ngoài; tăng cường hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam khai thác các nguồn lực từ các đối tác quốc tế thông qua hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ, quản lý khoa học và công nghệ, quản trị công nghệ, khai thác sáng chế và chuyển giao công nghệ...

Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm các nguồn ngân sách Nhà nước dành cho phát triển khoa học và công nghệ, các quỹ khoa học và công nghệ; nguồn vốn tài trợ, hợp tác nghiên cứu, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và đào tạo từ nước ngoài; nguồn vốn của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

BAN HÀNH MẪU HỢP ĐỒNG NGHIÊN CỨU KHCN

Ngày 10/04/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã ra Thông tư số 05/2014/TT-BKHCN ban hành “Mẫu hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, áp dụng đối với các nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách Nhà nước cấp quốc gia, cấp Bộ và cấp tỉnh.

Hợp đồng bao gồm 09 điều, với các điều khoản chính về đặt hàng và nhận đặt hàng thực hiện đề tài (dự án); thời gian thực hiện hợp đồng; kinh phí thực hiện đề tài (dự án); quyền và nghĩa vụ của các bên; chấm dứt hợp đồng; xử lý tài chính và tài sản khi chấm dứt hợp đồng; điều khoản chung và hiệu lực của hợp đồng. Ngoài

 

các nội dung nêu trên, các bên tham gia ký kết hợp đồng có thể thỏa thuận bổ sung các điều khoản khác không trái với quy định của pháp luật.

Đối với các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước cấp cơ sở và nhiệm vụ KHCN không sử dụng ngân sách Nhà nước, các bên tham gia ký kết hợp đồng có thể tham khảo, vận dụng các nội dung quy định tại mẫu hợp đồng này để soạn thảo hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KHCN thuộc phạm vi quản lý của mình.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/05/2014.

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT

Theo Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 08/04/2014 hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất, các ngành sản xuất được áp dụng nội dung và quy trình đánh giá này là: Chế biến; chế tạo; lắp ráp và các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Công nghệ sản xuất của các ngành nêu trên được chia thành 04 nhóm thành phần cơ bản: Nhóm thiết bị công nghệ thể hiện trong máy móc, công cụ, phương tiện (gọi là T); nhóm nhân lực thể hiện trong năng lực tiếp thu kỹ thuật công nghệ phục vụ sản xuất (gọi là H); nhóm thông tin thể hiện trong các tài liệu, dữ liệu thông tin (gọi là I); nhóm tổ chức quản lý thể hiện trong công tác tổ chức, quản lý (gọi là O).

 

Việc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất được thực hiện trên cơ sở mức đạt được của các tiêu chí thuộc 04 nhóm thành phần cơ bản T, H, I, O. Các tiêu chí này bao gồm: Mức độ hao mòn thiết bị, công nghệ; Cường độ vốn thiết bị, công nghệ; Mức độ đổi mới thiết bị, công nghệ; Xuất xứ của thiết bị, công nghệ; Mức độ tự động hóa; Mức độ đồng bộ của thiết bị, công nghệ; Tỷ lệ chi phí năng lượng sản xuất… Căn cứ vào tổng số điểm đạt được (sử dụng thang điểm 100 điểm) của các tiêu chí này, trình độ công nghệ sản xuất được phân loại theo các mức: Tiên tiến, trung bình tiên tiến, trung bình và lạc hậu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2014.

Ü Dân sự:

QUY ĐỊNH MỨC THƯỞNG CHO NGƯỜI GIAO NỘP TÀI SẢN BỊ ĐÁNH RƠI

Ngày 10/04/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2014/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, quy định từ ngày 01/06/2014, tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia sẽ được trích thưởng theo phương pháp lũy thoái từng phần.

Cụ thể, tỷ lệ trích thưởng đối với phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng là 30%; đối với phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng; trên 01 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng và trên 10 tỷ đồng lần lượt là 15%; 7%; 1% và 0,5%. Trong đó, giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản, quản lý và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước như: Chi phí vận chuyển, bảo quản; chi phí kiểm nghiệm, giám định, định giá tài sản; chi bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan (nếu có)...

 

Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia... và có giá trị tài sản lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng tại thời điểm giao nộp tài sản, tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp sẽ được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (sau khi trừ phí bảo quản).

Cũng theo Nghị định này, vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu được bán theo phương thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật. Riêng đối với tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng/đơn vị tài sản; tài sản hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng; hoặc đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có 01 tổ chức (cá nhân) đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm..., hình thức bán được áp dụng là bán chỉ định tài sản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2014

Ü Chính sách kinh tế-xã hội:

CƠ CẤU LẠI NỢ ĐẾN 36 THÁNG CHO CHỦ TRANG TRẠI CÁ TRA GẶP KHÓ KHĂN

Quy định việc xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ đã được cơ cấu của khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và trả nợ tổ chức tín dụng (TCTD) đến ngày 31/12/2013 là một nội dung đáng chú ý tại Quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra, do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/04/2014.

Theo đó, khách hàng gặp khó khăn tạm thời trong việc trả nợ được cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng (bao gồm cả thời gian đã được cơ cấu lại nợ); không thu lãi quá hạn, lãi phạt đối với các khoản nợ được cơ cấu; miễn, giảm lãi vay theo quy định của TCTD và được ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau. Trường hợp khách hàng đã trả xong nợ gốc, chưa trả hết nợ lãi thì TCTD thỏa thuận với khách hàng để có kế hoạch thu dần hàng năm tiếp theo.

Đối với các khoản nợ quá hạn của khách hàng không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, TCTD trên cơ sở xác nhận của UBND

 

cấp xã về việc khách hàng gặp khó khăn để quyết định khoanh nợ trong thời hạn  03 năm đối với khách hàng, đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế, yêu cầu khách hàng đủ điều kiện khoanh nợ, hoàn tất các thủ tục khoanh nợ để tổng hợp,báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 31/07/2014. Trong thời gian khoanh nợ, TCTD tính lãi, nhưng không thu của khách hàng; sau 03 năm, khách hàng trả được đầy đủ gốc thì xóa lãi; trường hợp khách hàng không trả được nợ gốc thì TCTD xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho vay tái cấp vốn tương ứng với số tiền TCTD thực hiện khoanh nợ cho khách hàng với lãi suất bằng 0 (0%/năm). Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày và được gia hạn tự động hàng năm với thời gian 03 năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 

KHUYẾN KHÍCH DN DỆT MAY THAM GIA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Ngày 11/04/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3218/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Quy hoạch do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện với các giải pháp về đầu tư, quản lý ngành, phát triển nguồn nhân lực, cung ứng nguyên phụ liệu... sao cho đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành dệt may đạt 9% - 10%/năm, trong đó, ngành dệt tăng 10% - 11%/năm, ngành may tăng 9% - 10%/năm; chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt từ 64% - 67% và số lao động được sử dụng trong ngành công nghiệp dệt may chiếm khoảng 4,4 triệu người...

 

Cụ thể như: Khuyến khích đầu tư xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung đảm bảo các điều kiện hạ tầng về điện, cấp nước, xử lý nước thải, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và nguồn lao động có khả năng được đào tạo; khuyến khích đầu tư sản xuất vải, sản phẩm dệt kỹ thuật, y tế và phụ liệu phục vụ ngành may; ưu tiên đầu tư cho dự án sản xuất bông có tưới; nghiên cứu khả năng sản xuất các sản phẩm hóa dầu phục vụ cho dệt may; xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn để cung ứng kịp thời cho các doanh nghiệp trong ngành; khuyến khích các doanh nghiệp (DN) tham gia thị trường chứng khoán để tạo kênh huy động vốn...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Ü Hành chính:

NGUYÊN TẮC PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ATTP

Ngày 09/04/2014, Liên bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), quy định 01 sản phẩm, 01 cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của 01 cơ quan Nhà nước. Trường hợp cơ sở sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 Bộ trở lên, trong đó có sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý.

Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý; cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 Bộ trở lên (bao gồm cả chợ và siêu thị) thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý, trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Cũng theo Thông tư này, Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, kinh

 

doanh dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trừ những loại dụng cụ, vật liệu bao gói chuyên dụng gắn liền và chỉ được sử dụng cho các sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương.

Đồng thời, Bộ Y tế phải chủ động chủ trì tổ chức, thực hiện việc thanh tra, kiểm tra ATTP theo phạm vi quản lý được phân công quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012. Các Bộ liên quan có trách nhiệm tham gia phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra ATTP theo đề nghị của cơ quan chủ trì thực hiện hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm không chồng chéo giữa các ngành, các cấp, bảo đảm hoạt động thanh tra, kiểm tra thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/05/2014.
 

Ü Tư pháp-Hộ tịch:

ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ TẠI THÀNH PHỐ THUỘC TW

Tại Nghị định số 31/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú ban hành ngày 18/04/2014, Chính phủ đã nhấn mạnh tới các điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (TW).

Cụ thể, công dân đang tạm trú, có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc TW, có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 01 năm trở lên (trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã) hoặc từ 02 năm trở lên (trường hợp đăng ký thường trú vào quận) được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc TW. Trong đó, nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Giấy tờ chứng minh thời hạn tạm trú là Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Công an; giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hoặc

 

giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;  giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó); hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn...

Cũng theo Nghị định này, trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú, người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình phải làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới. Trường hợp nhập hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú cho trẻ em, thời hạn đăng ký không thay đổi, vẫn là 60 ngày kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu hoặc ngày trẻ em được đăng ký khai sinh.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/06/2014.

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.