Số 14.2010 (472) ngày 13/04/2010

 

CHÍNH PHỦ


Bồi thường, hỗ trợ các dự án thủy lợi, thủy điện (SMS: 34/2010/QD-TTg) - Ngày 08/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện (trừ các dự án có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA). Quy định này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư bị thu hồi đất (tại vùng lòng hồ, vị trí xây dựng đập, các công trình đầu mối, công trình phụ trợ và nơi xây dựng khu, điểm tái định cư), bị thiệt hại tài sản gắn liền với đất bị thu hồi để thực hiện các dự án thủy lợi, thủy điện. Theo đó, trường hợp người sử dụng đất bị thu hồi được giao đất mới, nếu giá trị đất ở, đất sản xuất được giao thấp hơn giá trị đất ở, đất sản xuất bị thu hồi thì hộ tái định cư được nhận phần giá trị chênh lệch; nếu giá trị đất ở, đất sản xuất được giao cao hơn giá trị đất ở, đất sản xuất bị thu hồi thì hộ tái định cư không phải nộp thêm phần giá trị chênh lệch. Trường hợp người có đất bị thu hồi có giấy tờ hợp pháp xác định được diện tích sử dụng, đủ điều kiện để được bồi thường thiệt hại về đất thì được tính bồi thường theo diện tích đất bị thu hồi; trường hợp người có đất bị thu hồi có đủ điều kiện để được bồi thường thiệt hại về đất nhưng trong giấy tờ đó không xác định rõ diện tích đất sử dụng thì diện tích đất để tính bồi thường được căn cứ vào biên bản xác nhận có chữ ký của chính quyền xã, chủ tịch hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng và chủ sử dụng đất.
Cũng theo Quy định này, các chính sách hỗ trợ gồm có: hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ sản xuất…Cụ thể, hộ tái định cư tập trung, hộ tái định cư xen ghép, hộ sở tại bị thu hồi đất ở để xây dựng khu tái định cư, ngoài số tiền nhận bồi thường theo quy định còn được hỗ trợ tiền để làm nhà ở, mức hỗ trợ cho một nhân khẩu hợp pháp tương đương chi phí xây dựng 5m2 sàn; mỗi nhân khẩu hợp pháp thuộc hộ bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất sản xuất phải di chuyển chỗ ở được hỗ trợ lương thực trong thời gian 48 tháng; mỗi nhân khẩu hợp pháp của hộ tái định cư được hỗ trợ y tế 1 lần với mức 30.000 đồng/khẩu để phòng chống dịch bệnh tại nơi ở mới.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2010.

Khuyến khích đầu tư công trình ngầm đô thị (SMS: 39/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị. Theo Nghị định này, Chính phủ thống nhất quản lý trên cơ sở giao UBND cấp tỉnh quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị trên địa bàn mình quản lý. Nhà nước khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia quy hoạch không gian xây dựng công trình ngầm, đầu tư xây dựng các công trình ngầm theo các hình thức đầu tư thích hợp. các loại công trình ngầm đô thị được khuyến khích đầu tư xây dựng bao gồm: công trình giao thông ngầm và bãi đỗ xe ngầm; công trình đầu mối kỹ thuật ngầm; cống, bể kỹ thuật, hào, tuy nen kỹ thuật. Các tổ chức và cá  nhân tham gia đầu tư xây dựng các công trình ngầm nói trên được hỗ trợ và ưu đãi đầu tư theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc cho tổ chức trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm đô thị. Việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm đô thị (không bao gồm phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất) thực hiện như sau: tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được nhà nước cho thuê đất phải trả tiền thuê đất đối với trường hợp xây dựng công trình ngầm đô thị nhằm mục đích kinh doanh hoặc được xem xét miễn hoặc giảm tiền thuê đất đối với trường hợp xây dựng công trình ngầm đô thị không nhằm mục đích kinh doanh. Việc xây dựng công trình ngầm đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy chuẩn về xây dựng ngầm, giấy phép xây dựng; không được xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất được xác định theo quyết định giao đất, thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo đảm an toàn cho cộng đồng, cho bản thân công trình và các công trình lân cận.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2010 và thay thế Nghị định số 41/2007/NĐ-CP ngày 22/3/2007 của Chính phủ về xây dựng ngầm đô thị.

Quy định mới về quản lý kiến trúc đô thị (SMS: 38/2010/ND-CP) - Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27/02/2007 về Quản lý kiến trúc đô thị vừa được Chính phủ thay thế bằng Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Theo Nghị định mới này, mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động thường xuyên và không thường xuyên trong đô thị có quyền hưởng thụ không gian, cảnh quan, kiến trúc đô thị; đồng thời phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và chấp hành pháp luật liên quan về khai thác, sử dụng không gian, cảnh quan, kiến trúc đô thị. Các công trình công cộng có quy mô lớn, công trình có yêu cầu kiến trúc đặc thù, có ý nghĩa và vị trí quan trọng trong đô thị thì phải thực hiện việc thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc theo quy định hiện hành trước khi lập dự án đầu tư xây dựng.
Cũng theo Nghị định này, nhà ở tại khu phố cũ, biệt thự, nhà vườn có khuôn viên riêng trong đô thị có trong danh mục bảo tồn phải giữ gìn hình ảnh nguyên trạng, đảm bảo mật độ xây dựng, số tầng, độ cao và kiểu dáng kiến trúc. Nhà ở mặt phố xây dựng mới không đồng thời thì các nhà xây sau ngoài việc phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt còn phải căn cứ vào cao độ nền, chiều cao tầng 1, chiều cao ban công, chiều cao và độ vươn của ô văng, màu sắc của nhà trước đó đã được cấp phép xây dựng để tạo sự hài hòa, thống nhất cho toàn tuyến. Đối với nhà chung cư, nhà ở tập thể đã quá niên hạn sử dụng, đã xuống cấp thuộc danh mục nhà nguy hiểm, chính quyền đô thị phải có phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, cải tạo, xây dựng mới theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo khả năng kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng đô thị.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2010 và thay thế Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về Quản lý kiến trúc đô thị. Đối với những đô thị đã ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị trước khi Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng, sau 12 tháng thì chính quyền đô thị xem xét, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với các quy định tại Nghị định này.

Quản lý quy hoạch đô thị (SMS: 37/2010/ND-CP) - Ngày 07/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2010/NĐ-CP. Nghị định này quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; quản lý xây dựng theo quy hoạch; điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch đô thị. Theo đó, thành phố trực thuộc TW, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn, đô thị mới phải được lập quy hoạch chung, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia; các khu vực trong thành phố, thị xã phải được lập quy hoạch phân khu để cụ thể hóa quy hoạch chung, làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết; các khu vực trong thành phố, thị xã, thị trấn, khi thực hiện đầu tư xây dựng thì phải lập quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.
Tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia lập quy hoạch đô thị phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Nghị định này hoặc quy định pháp luật hiện hành về điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn, cá nhân thiết kế quy hoạch xây dựng; cá nhân thiết kế quy hoạch đô thị phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận. Việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị thông qua hình thức chỉ định thầu. Khuyến khích việc lựa chọn tư vấn thông qua hình thức thi tuyển đối với quy hoạch chung các đô thị có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc thù, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực có ý nghĩa quan trọng trong đô thị.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2010 và thay thế các quy định về quy hoạch xây dựng các đô thị và các khu vực trong đô thị của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng.

Pháp nhân cũng là chủ thể của hành vi tham nhũng (SMS: 445/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước). Nội dung thực hiện gồm các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng và nội dung Công ước, nội luật hóa các quy định để đáp ứng yêu cầu của Công ước. Nghiên cứu, đề xuất xử lý bằng biện pháp hình sự đối với hành vi đưa và nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác có liên quan đến công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế vì mục đích vụ lợi và một số hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu, đề xuất điều kiện áp dụng đối với: bổ sung hành vi tham nhũng trong khu vực tư về tội danh đưa, nhận hối lộ và tham ô tài sản trong khu vực tư; bổ sung quy định pháp nhân là chủ thể của hành vi tham nhũng; hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức nếu có tài sản tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp; nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn và quy định về kiểm tra, giám sát tài khoản người trong gia đình hoặc cộng sự có liên quan tới cá nhân đang hoặc đã giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.
Lộ trình thực hiện Công ước được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn I từ nay đến năm 2011 mục tiêu là tổ chức triển khai, phân công thực hiện cơ bản toàn diện nội dung Công ước trên diện rộng; bổ sung chi tiết, hướng dẫn hoàn thiện quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với Công ước. Giai đoạn II từ năm 2011 đến năm 2016 là đánh giá kết quả bước đầu về từng giải pháp thực hiện Công ước và bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng để bổ sung các giải pháp mới, biện pháp, hình thức tổ chức hoạt động của cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với tình hình yêu cầu thực tế phát triển. Giai đoạn III từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ đánh giá toàn diện việc thực hiện nội dung Công ước, bổ sung cơ chế, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Mức trợ cấp ưu đãi mới đối với người có công (SMS: 35/2010/ND-CP) - Ngày 06/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2010/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 770 ngàn đồng kể từ ngày 01/5/2010. 3 bảng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với từng đối tượng có công với cách mạng cũng được ban hành kèm theo Nghị định này là: mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng (bảng 1); mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (bảng 2); mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B (bảng 3). Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp quy định tại Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2010. Nghị định này thay thế Nghị định số 38/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Bị tước giấy phép lái xe, phải học lại Luật Giao thông (SMS: 34/2010/ND-CP) - Theo quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn hoặc không thời hạn được áp dụng đối với người điều khiển phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, người vi phạm không được điều khiển các loại phương tiện ghi trong giấy phép lái xe, xe máy chuyên dùng. Người điều khiển phương tiện bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn 60 ngày phải học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ trước khi nhận lại giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ. Trường hợp người điều khiển phương tiện bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật không thời hạn thì giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ không còn giá trị sử dụng; sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tước quyền sử dụng các loại giấy tờ nói trên không thời hạn thì người lái xe mới được làm các thủ tục theo quy định để được đào tạo, sát hạch cấp mới giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là 01 năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ liên quan đến xây dựng, môi trường, nhà ở, đất đai thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2010 và thay thế Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Các trường hợp vi phạm bị phát hiện, xử lý theo quy định của Nghị định số 146/2007/NĐ-CP nhưng chưa thực hiện hoặc phải thi hành sau ngày Nghị định này có hiệu lực thì vẫn thực hiện theo quy định của Nghị định số 146/2007/NĐ-CP.

6 giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô (SMS: 18/NQ-CP) - 6 giải pháp này đã được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Đó là các giải pháp: tập trung kiềm chế lạm phát; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm ổn định, an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng; tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Để thực hiện các giải pháp nêu trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 20%; điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện thực tế của thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế, sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất để giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường; chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ để nhập khẩu theo hướng tập trung ngoại tệ cho vay đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được, hạn chế việc cho vay ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu. Bộ Công thương có trách nhiệm rà soát, đánh giá tình hình cung - cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, sữa, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, xăng dầu, xi măng, thép; theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để kịp thời áp dụng các giải pháp điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất, bến bãi, kho chứa hàng, nguồn nhân lực,…để tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
 

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hướng dẫn về lương tối thiểu chung trong công ty nhà nước (SMS: 06/2010/TT-BLDTBXH) - Theo Thông tư số 06/2010/TT-BLĐTBXH ngày 07/4/2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hư­ớng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với công ty nhà nước và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (công ty), công ty áp dụng mức lương tối thiểu chung 730.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/5/2010 để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ mức lương tối thiểu chung và hệ số lương trong các thang lương, bảng lương, phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, công ty tính lại mức l­ương, phụ cấp lương làm cơ sở đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tiền lương ngừng việc; nghỉ ngày lễ; nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với người lao động dôi dư thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, nhận trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 4, Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước, thì trợ cấp mất việc làm cho thời gian làm việc trong khu vực nhà nước từ ngày 01/5/2010 trở đi và trợ cấp đi tìm việc làm được tính theo mức lương tối thiểu chung 730.000 đồng/tháng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ Thông tư số 10/2009/TT-BLĐTBXH ngày 24/4/2009 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hư­ớng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với công ty nhà nước và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và điểm a, khoản 3, Điều 3 Thông tư số 35/2009/TT-BLĐTBXH ngày 13/11/2009 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hư­ớng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với công ty nhà nước và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Chính sách tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng năm 2010 (SMS: 02/CT-NHNN) - Ngày 07/4/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2010. Tại Chỉ thị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng bám sát mục tiêu, nhiệm vụ năm 2010 và thực hiện các biện pháp nhằm mở rộng tín dụng và các hoạt động kinh doanh, trên cơ sở khả năng huy động vốn và nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng, đi đôi với chuyển dịch mạnh cơ cấu tín dụng theo ngành, lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất, địa bàn thành thị và nông thôn, kỳ hạn và danh mục khách hàng vay; đơn giản hóa thủ tục cho vay; tập trung vốn cho vay chi phí sản xuất kinh doanh của khu vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là việc cho vay ngoại tệ để nhập khẩu theo hướng tập trung ngoại tệ cho vay đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được; hạn chế cho vay ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu; kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân; thực hiện các biện pháp để giám sát việc sử dụng và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.