Số 14.2009 (421) ngày 10/04/2009

 CHÍNH PHỦ


Tổ chức hoạt động của Thanh tra tài nguyên môi trường (SMS: 532585) -Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 35/2009/NĐ-CP ngày 7/4/2009 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Theo quy định tại Nghị định, tổ chức của Thanh tra TN&MT bao gồm: Thanh tra Bộ TN&MT; Thanh tra Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ TN&MT và Thanh tra Sở TN&MT. Trong đó, điểm mới so với quy định hiện hành là sẽ có thêm Thanh tra TN&MT ở cấp Tổng cục, Cục.
Về nội dung hoạt động, Thanh tra TN&MT bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra hành chính là thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Thủ trưởng cùng cấp và thanh tra nội dung, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra hành chính.
Thanh tra chuyên ngành là thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về TN&MT trong phạm vi quản lý Nhà nước của Thủ trưởng cùng cấp đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến TN&MT, bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng, thuỷ văn; đo đạc, bản đồ...
Ngoài ra, một số hoạt động mới cũng được quy định trong Nghị định này là thanh tra hoạt động liên quan đến quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày
23/05/2009.

Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH (SMS: 532510) - Ngày 06/04/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2009/NĐ-CP điều chỉnh tăng thêm 5% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
Theo đó, có 5 nhóm đối tượng được áp dụng quy định gồm: 1/ Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; 2/ Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng; 3/ Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/08/2000 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; 4/ Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/06/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT, ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng; 5/ Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Tăng lương tối thiểu chung (SMS: 532509) - Ngày 06/04/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2009/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung. Theo đó, từ ngày 01/05/2009, mức lương tối thiểu chung sẽ tăng từ 540.000 đồng lên 650.000 đồng.
Mức lương tối thiểu 650.000 đồng/tháng được áp dụng đối với 4 loại hình cơ quan, đơn vị, tổ chức, bao gồm: các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; các công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Mức lương tối thiểu được dùng làm cơ sở để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật ở 4 loại hình cơ quan, đơn vị tổ chức trên; cũng như được dùng để tính trợ cấp kể từ ngày 01/05/2009 đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước và tính các khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo lương tối thiểu chung.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số (SMS: 532525) - Ngày 03/04/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam.
Theo đó, từ nay đến năm 2012, 980 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp sẽ được phân bổ thực hiện 18 nhóm nội dung thuộc Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam.
Theo quy định tại Quy chế ban hành kèm theo, 304 tỷ đồng vốn sự nghiệp sẽ dành cho việc điều tra, khảo sát thu thập thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT); nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT của 63 tỉnh, thành phố; xây dựng thương hiệu quốc gia, xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường cho ngành công nghệ này... Trong số này, 88,6 tỷ đồng được phân bổ để thúc đẩy phát triển phần mềm mã nguồn mở và 30 tỷ đồng hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ phần mềm và nội dung số.
676 tỷ đồng được dành làm vốn đầu tư phát triển cho 11 dự án gồm cổng thông tin điện tử về công nghiệp phần mềm và nội dung số, xây dựng Quỹ phát triển phần mềm và nội dung số, hệ thống chuẩn thông tin số và chuẩn trao đổi thông tin, xây dựng Khu tổ hợp CNTT, hỗ trợ phát triển vườn ươm doanh nghiệp công nghiệp phần mềm và nội dung số... 90 tỷ đồng từ nguồn vốn này sẽ dành cho 2 dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là hỗ trợ xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI (mô hình đánh giá năng lực sản xuất phần mềm) và tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn.
Quy chế cũng nêu rõ việc phân cấp quản lý thực hiện các nội dung thuộc Chương trình, quản lý các dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo đó, mỗi dự án gồm 2 phần chính là phần tư vấn, đào tạo và phần đánh giá cấp chứng chỉ công nhận doanh nghiệp đạt quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI từ mức 3 trở lên. Mỗi doanh nghiệp tham gia dự án được hỗ trợ kinh phí tư vấn, đào tạo tối đa 15.000 USD từ ngân sách nhà nước. Trong thời gian thực hiện dự án, mỗi doanh nghiệp được đánh giá đã đạt chứng chỉ CMMI từ mức 3 trở lên sẽ được nhà nước hỗ trợ kinh phí đánh giá theo thực tế nhưng không quá 10.000 USD.
Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị thống nhất quản lý việc triển khai, thực hiện chương trình thông qua Ban điều hành Chương trình do lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
20/05/2009.

Quản lý và sử dụng con dấu (SMS: 532511) - Theo quy định tại Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày 01/04/2009 của Chính phủ, các tổ chức kinh tế được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ không cần giấy phép làm con dấu, nhưng phải đăng ký mẫu dấu tại cơ quan Công an trước khi sử dụng.
Cũng theo quy định tại Nghị định này, Phòng Công chứng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không được dùng con dấu có hình quốc huy.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước đề nghị làm lại con dấu hoặc đề nghị cấp lại giấy chứng nhận (GCN) đăng ký mẫu dấu do con dấu đó bị mất, biến dạng, hỏng hoặc GCN đăng ký mẫu dấu đó bị mất, rách nát thì chỉ cần có văn bản gửi cơ quan Công an có thẩm quyền và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc (quy định cũ là 7 ngày) từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của cơ quan, tổ chức, cơ quan Công an phải giới thiệu đến cơ sở làm con dấu.
Trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc, kể từ khi nhận được giấy giới thiệu của cơ quan Công an hoặc đề nghị của doanh nghiệp, cơ sở làm con dấu phải hoàn thành việc làm con dấu và chuyển cho cơ quan Công an kiểm tra, đăng ký.
Trường hợp con dấu của cơ quan, tổ chức bị thu hồi khi có quyết định chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, kết thúc nhiệm vụ, chuyển đổi hình thức sở hữu; doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc có các vi phạm theo quy định của pháp luật; con dấu bị mất được tìm thấy sau khi đã có thông báo mất.
Trường hợp tạm đình chỉ sử dụng con dấu, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thành lập cơ quan, tổ chức sử dụng con dấu đó và cho phép sử dụng con dấu phải thu hồi con dấu, giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu và thông báo cho cơ quan Công an nơi đăng ký và các cơ quan, tổ chức liên quan biết.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2009.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Hỗ trợ lãi suất tiền vay để sản xuất kinh doanh cho huyện nghèo (SMS: 532612) - Các hộ nghèo; các hộ sản xuất kinh doanh; các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại 61 huyện nghèo trên cả nước sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay (của các ngân hàng thương mại nhà nước) để trồng rừng sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến nông - lâm - thủy sản tại địa bàn.
Đây là tinh thần quy định tại Thông tư số 06/2009/TT-NHNN ngày
09/04/2009 của Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết về chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
Chính sách cho vay ưu đãi ở các Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện như sau: Vay ưu đãi một lần, tối đa 5 triệu đồng/hộ, lãi suất 0%, trong thời gian 2 năm để mua giống gia súc, gia cầm chăn nuôi tập trung hoặc giống thủy sản. Các hộ nghèo không có điều kiện chăn nuôi mà có nhu cầu phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tạo thu nhập cũng được hỗ trợ tương tự.
Điều kiện được áp dụng chính sách hỗ trợ gồm:  Hộ gia đình đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại địa bàn các xã, thị trấn thuộc 61 huyện nghèo và có trong danh sách hộ nghèo được Chủ tịch UBND cấp xã quyết định; được tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, chấp thuận phương án sử dụng vốn; Hộ sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp; hợp tác xã; chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn 61 huyện nghèo và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định của ngành ngân hàng.
Thông tư cũng quy định các ngân hàng cho vay hỗ trợ có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng vốn vay, việc thực hiện các quy định về quy trình, thủ tục và định kỳ báo cáo việc thực hiện cho vay hỗ trợ với NHNN. Đặc biệt, các ngân hàng không được từ chối áp dụng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định của Thông tư này.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bổ sung đơn vị tham gia hỗ trợ lãi suất (SMS: 532603) - Ngày 08/04/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Quyết định số 831/QĐ-NHNN về việc bổ sung công ty tài chính tham gia thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh.
Cụ thể, NHNN bổ sung 4 công ty tài chính được thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/1/2009 về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh, Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 10/3/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 131/QĐ-TTg, Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 04/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất - kinh doanh và hướng dẫn của NHNN Việt Nam. Các công ty tài chính được bổ sung bao gồm: Công ty Tài chính Dệt may, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực, Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà, Công ty Tài chính cổ phần Xi măng.
Cũng trong Quyết định này, NHNN thông báo áp dụng hiệu lực trở về trước: Các khoản cho vay của các công ty tài chính được bổ sung theo danh sách trên đã phát sinh từ ngày 01/02/2009 thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật hiện hành mà chưa áp dụng cơ chế hỗ trợ lãi suất, thì các công ty tài chính thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật kể từ ngày phát sinh khoản vay.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hỗ trợ lãi suất vay vốn trung, dài hạn (SMS: 532584) - Theo Thông tư 05/2009/TT-NHNN  được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 07/04/2008 hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng để đầu tư mới sản xuất kinh doanh, có 9 nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế được hưởng chính sách hỗ trợ này theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, 9 nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế được hỗ trợ lãi suất là các khoản vay, trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư mới để phát triển sản xuất - kinh doanh, kết cấu hạ tầng theo các hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày 01/04/2009 mà được giải ngân (một hoặc nhiều lần) trong khoảng thời gian từ ngày 01/04 đến 31/12/2009 gồm: Nông nghiệp và lâm nghiệp; Thủy sản; Công nghiệp khai thác mỏ; Công nghiệp chế biến; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước; Xây dựng (trừ công trình xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê, công trình xây dựng, sửa chữa mua nhà để bán); Thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình; Vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc; và Hoạt động khoa học và công nghệ.
Các khoản cho vay đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư ban hành theo Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng, kể từ ngày giải ngân đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày
01/04/2009 mà được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/04 đến 31/12/2009. Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện từ ngày 01/04/2009 đến 31/12/2011. Các khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất này bị quá hạn trả nợ, được gia hạn nợ vay, thời hạn vay thực tế vượt quá 24 tháng, thì không được tính hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian quá hạn trả nợ, gia hạn nợ và vượt quá 24 tháng.
Mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm, tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế, nằm trong khoảng thời gian từ ngày
01/04/2009 đến 31/12/2011.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Giảm thuế suất nhập khẩu một số mặt hàng (SMS: 532515) - Ngày 03/04/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2009/TT-BTC về việc sửa đổi mã số và mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhóm 03.06 và nhóm 03.07 trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, các mặt hàng tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh nhập khẩu có mức thuế suất 21%; bột mịn, bột thô và bột viên của động vật giáp xác là 23%; mực nang tươi hoặc ướp lạnh, bạch tuộc tươi hoặc ướp lạnh, bột mịn, bột thô và bột viên của động vật thủy sinh không xương sống, trừ động vật giáp xác là 22%...
Điểm nổi bật tại Thông tư này là quy định đồng loạt giảm thuế suất hiện hành từ 21% và 23% xuống còn 0% với các mặt hàng như: Tôm hùm; cua; tôm hùm đá và các loại tôm biển khác; hàu; điệp; vẹm; mực nang và mực ống sống; bạch tuộc sống; ốc (trừ ốc biển).

Thông tư này có hiệu lực và áp dụng cho các Tờ khai Hải quan hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày 08/04/2009.