Số 14.2008 (370) ngày 11/04/2008

 CHÍNH PHỦ


Miễn, giảm tiền sử dụng đất
(SMS : 503665)
- Ngày 09/4/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất.
Theo đó, trong trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được hưởng cả miễn và giảm tiền sử dụng đất thì được hưởng miễn tiền sử dụng đất và nếu là trường hợp hưởng giảm tiền sử dụng đất mà có nhiều mức giảm khác nhau thì được hưởng mức cao nhất (quy định này trước đây chỉ áp dụng đối với hộ gia đình và cá nhân nay được mở rộng thêm đối với cả tổ chức).
Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung: đối với các dự án đang hoạt động và đang được hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất cao hơn quy định của Nghị định số 198 thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi đó cho thời gian còn lại. Ngược lại, nếu thấp hơn thì được hưởng ưu đãi mới cho thời hạn còn lại…
Chính phủ cũng cho phép miễn tiền sử đụng đất đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được giảm 50% tiền sử sử dụng đất ; Mức giảm 30% áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn…

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật
(SMS: 503644)
- Ngày 08/4/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 62 và Điều 72 của Luật Dạy nghề.
Theo đó, cơ sở dạy nghề, lớp dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật phải có từ 70% trở lên số học viên là người tàn tật, khuyết tật…
Giáo viên dạy nghề (kể cả tập sự, thử việc) được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm so với với mức lương tối thiểu chung hệ số 0,1 đối với dạy thực hành những nghề tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí bụi độc, thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm; Hệ số 0,2: dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép; Hệ số 0,3: những nghề phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao; Hệ số 0,4: ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường…
Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo số giờ dạy thực hành thực tế và được trả cùng kỳ lương hàng tháng, không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, giáo viên chuyên trách cho các lớp và trong cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, khuyết tật còn được hưởng mức phụ cấp đặc thù 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, hiện hưởng…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Sản xuất, kinh doanh rượu
(SMS: 503583)
- Theo Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ban hành ngày 07/4/2008, Chính phủ quy định: để được cấp Giấy phép sản xuất rượu phải đáp ứng các điều kiện sau: Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh sản xuất rượu; Có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm rượu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; Có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu sản phẩm rượu tại Việt Nam; Người tham gia trực tiếp sản xuất rượu phải đảm bảo sức khoẻ, không mắc bệnh truyền nhiễm…
Doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động sản xuất, kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy phép. Sau 06 tháng không triển khai hoạt động, kể từ ngày được cấp Giấy phép mà không có lý do chính đáng được cấp có thẩm quyền xác nhận, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy phép…
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu có trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm rượu của mình theo yêu cầu của cơ quan chức năng và trên phương tiện thông tin đại chúng về thành phần, hàm lượng, tác hại của việc lạm dụng rượu…
Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu theo quy định về đăng ký kinh doanh trước ngày 01/01/2010…
Sản phẩm rượu chỉ được tiêu thụ ở Việt Nam khi có nhãn hàng hóa đã được đăng ký. Đối với rượu sản xuất để xuất khẩu thì thực hiện ghi nhãn theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Rượu nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam phải được dán tem nhập khẩu trên bao bì theo quy định. Rượu giả, rượu lậu, rượu không đảm bảo chất lượng đều bị tịch thu để tiêu hủy.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Các biện pháp kiềm chế lạm phát
(SMS: 503584)
- Ngày 07/4/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 91/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc triển khai thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng biền vững.
Thủ tướng yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp để định hướng và ổn định lãi suất thị trường; trước mắt, không duy trì việc quy định lãi suất huy động trần; từng bước hướng tới thực hiện chính sách lãi suất thực dương theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, chủ trì với các cơ quan liên quan kiểm soát tốt luồng vốn ngắn hạn, kể cả đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, phấn đấu giảm thâm hụt cán cân vãng lai so với GDP và bảo đảm cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế (báo cáo trước ngày 15/4/2008)…
Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường phối hợp để chống thất thu thuế, buôn lậu và gian lận thương mại. Ngoài ra, cần điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu, xuất khẩu đối với một số mặt hàng để góp phần hạn chế nhập siêu…
Cắt giảm ngay những khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, triệt để tiết kiệm xăng dầu, năng lượng…


Thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát
(SMS: 503568)
- Ngày 03/4/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 88/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về các biện pháp kiềm chế lạm phát.
Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, lực lượng nòng cốt trong bảo đảm cân đối vĩ mô, bình ổn giá cả thị trường, phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chung và 8 giải pháp của Chính phủ (nêu trong Nghị quyết số 08/2008/NQ-CP) trong đơn vị mình; xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện quyết liệt, thiết thực hơn trong tập đoàn, tổng công ty. Các hiệp hội ngành nghề cần phát huy vai trò tổ chức, vận động các doanh nghiệp gắn kết với nhau để chung sức cùng Chính phủ vượt qua khó khăn của nền kinh tế.
Các tập đoàn, tổng công ty cần triển khai ngay những công việc sau: khắc phục mọi khó khăn, tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, thực hiện bằng được kế hoạch đề ra, phấn đấu không để giảm sút. Rà soát chặt chẽ các hạng mục đầu tư, kiên quyết cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả, dãn tiến độ những dự án chưa cấp bách, tập trung vốn và các nguồn lực cho những dự án sắp hoàn thàn; Cơ cấu lại đầu tư theo chiều sâu, có hiệu quả, đầu tư đổi mới công nghệ, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; Bảo đảm cân đối cung cầu đối với những loại vật tư quan trọng và mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, than, xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh, lương thực…

Kiên trì và nhất quán chủ trương thực hiện cơ chế giá thị trường, xóa bỏ bao cấp qua giá, nhưng trong thời điểm ưu tiên kiềm chế lạm phát hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty từ nay đến hết tháng 6 chưa tăng giá điện, than, xăng dầu, nước sạch, vé máy bay, vé tàu hỏa, vé xe buýt. Triệt để cắt giảm chi phí sản xuất và lưu thông để bù đắp khoản tăng giá đầu vào…
 

 BỘ XAY DỰNG


Quản lý quy hoạch xây dựng
(SMS: 503603)
- Ngày 07/4/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2008/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng.
Theo đó, đối với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực xây dựng công trình phúc lợi công cộng và đầu mối hạ tầng kỹ thuật, sau 3 năm kể từ ngày công bố quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt chưa triển khai thực hiện mà vẫn phù hợp với định hướng phát triển và lợi ích xã hội thì người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện quy hoạch trên cơ sở các giải pháp khắc phục và kế hoạch cụ thể, đồng thời có trách nhiệm thông báo và giải thích cho các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch biết và thực hiện...

Đối với đô thị trực thuộc Trung ương cần nghiên cứu những định hướng lớn về phân bố dân cư, phân khu chức năng, tổ chức hệ thống các trung tâm (hành chính, chính trị, thương mại - dịch vụ, văn hoá, y tế, giáo dục,...) cấp đô thị; các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối và tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chính, đặc biệt là hệ thống công trình ngầm có quy mô lớn (đường tàu điện ngầm, hầm đường bộ, bãi đỗ xe, ga tàu điện ngầm...) có mối quan hệ đến việc tổ chức không gian kiến trúc đô thị trên mặt đất và làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chung xây dựng các quận.

Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng mới hoặc cải tạo hai bên trục đường chính trong đô thị phải xác định phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50 m mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ. Đối với quốc lộ hoặc tỉnh lộ là các trục hành lang phát triển phải xác định phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 100m mỗi bên kể từ phía ngoài hành lang an toàn đường bộ.

Khi phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng thì chỉ tập trung vào những nội dung điều chỉnh, những nội dung không điều chỉnh của đồ án đã được phê duyệt vẫn được giữ nguyên giá trị pháp lý, được thể hiện trong nội dung hồ sơ đồ án  điều chỉnh quy hoạch xây dựng và phải được tiếp tục thực hiện để đảm bảo quy hoạch xây dựng có tính liên tục và thường xuyên. Ngoài ra, cần phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định rõ các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang để đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về sử dụng đất, giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đối với từng khu vực; giải pháp về cải tạo mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ về thuế
(SMS: 503664)
- Ngày 03/4/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 28/2008/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký hành nghề và quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, việc tổ chức thi, cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Theo đó, các đại lý thuế đã đăng ký hành nghề với Tổng cục Thuế và có tên trên danh sách công khai các đại lý thuế đã đăng ký hành nghề trên Website của Tổng cục Thuế mới được thực hiện ký hợp đồng dịch vụ làm thủ  tục về thuế.
Khi hành nghề dịch vụ, đại lý thuế phải lập hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân nộp thuế về phạm vi công việc thủ tục về thuế được ủy quyền, thời hạn được ủy quyền, trách nhiệm của các bên và các nội dung thỏa thuận khác.
Đại lý thuế làm thủ tục về thuế thay người nộp thuế nếu có hành vi vi phạm pháp luật về thuế thì bị xử phạt hành chính theo quy định. Đại lý thuế bị tạm đình chỉ hoạt động và xóa tên trên danh sách công khai đại lý thuế khi không còn đủ điều kiện hành nghề theo quy định; không  cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan thuế, không nộp báo cáo về tình hình  hoạt động theo quy định.
Nhân viên đại lý thuế bị thu hồi vĩnh viễn và công bố công khai Chứng chỉ hành nghề không còn giá trị khi có hành vi thông đồng, giúp người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế bị kết án bằng một bản án có hiệu lực về tội trốn thuế.
Nếu nhân viên đại lý thuế cho người khác mượn hoặc sử dụng Chứng  chỉ hành nghề hoặc hành nghề tại 2 đại lý trở lên trong cùng một thời gian sẽ bị tạm đình chỉ hành nghề và xóa tên trong danh sách đăng ký hành nghề 1 năm.
Người dự thi lấy Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế phải có bằng cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật và đã có thời gian làm việc từ 2 năm trở lên trong lĩnh vực này.
Đại lý thuế được cơ quan thuế các cấp hướng dẫn miễn phí thủ tục hành chính, phổ biến các quy định mới về thuế, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thuế định kỳ và hỗ trợ kỹ thuật khi thực hiện kê khai thuế điện tử.
Nhân viên đại lý thuế và đại lý thuế có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của công chức thuế, cơ quan thuế không thực hiện đúng các quy định của pháp luật gây khó khăn, cản trở khi hoạt động dịch vụ này.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN TỊCH: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NỘI VỤ - UỶ BAN DÂN TỘC


Tuyển sinh chế độ cử tuyển
(SMS: 503634)
- Ngày 07/4/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển của một tỉnh không vượt quá 15% chỉ tiêu cử tuyển được giao cho tỉnh đó.
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tuyển chọn người học theo chế độ cử tuyển đúng đối tượng, tiêu chuẩn, trình độ đào tạo theo quy định, tổ chức ký hợp đồng đào tạo với các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, bàn giao hồ sơ của người được cử tuyển cho các cơ sở giáo dục quản lý (hồ sơ của người được cử tuyển được lưu giữ tại địa phương 01 bộ và giao cho cơ sở giáo dục 01 bộ)…
Khi nộp hồ sơ, người đăng ký học theo chế độ cử tuyển phải xuất trình bản chính các văn bằng, học bạ để đối chiếu, kiểm tra. Cán bộ kiểm tra ghi vào bản sao các giấy tờ nói trên nội dung: “Đã đối chiếu với bản chính”, ghi rõ ngày, tháng, năm đối chiếu, ký và ghi rõ họ tên.
Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển của tỉnh phải thông báo công khai đến các xã, phường chỉ tiêu cử tuyển, các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, nghĩa vụ chấp hành quy định về phân công công tác sau tốt nghiệp và việc bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người được cử tuyển không chấp hành quy định về cử tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương.
Kinh phí thực hiện đào tạo cử tuyển: trợ cấp tiền ăn, ở, đi lại, mua sách vở, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế. Mức trợ cấp tối thiểu bằng 50% mức lương tối thiểu chung. Số tháng được trợ cấp trong năm là 10 tháng. Riêng năm cuối khóa, thời gian được hưởng trợ cấp tính đến khi được công nhận tốt nghiệp, nếu số ngày của tháng cuối khóa lớn hơn ½ tháng thì làm tròn 1 tháng, nếu nhỏ hơn hoặc bằng ½ tháng thì tính ½ tháng.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ
(SMS: 503619)
- Ngày 02/4/2008, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2008/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định số 28/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam và Nghị định số 165/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 28/2005/NĐ-CP.
Theo đó, Tổ chức tài chính quy mô nhỏ (TCQMN) được thành lập dưới hình thức công ty TNHH, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác của TCQMN trong phạm vi số vốn điều lệ...
Vốn điều lệ của TCQMN được góp bằng tiền hoặc hiện vật. Hiện vật phải là tài sản có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng (đối với đất đai) và là tài sản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của TCQMN. Số vốn điều lệ được góp dưới hình thức hiện vật không được vượt quá 5% tổng số vốn điều lệ của TCQMN...
Một trong những điều kiện để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động là TCQMN phải có phương án kinh doanh khả thi trong 3 năm đầu hoạt động...
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, TCQMN phải làm các thủ tục cần thiết để có đủ các điều kiện khai trương hoạt động...
Trước ngày dự kiến khai trương hoạt động tối thiểu 30 ngày, TCQMN phải thông báo bằng văn bản về ngày khai trương hoạt động chính thức cho Ngân hàng Nhà nước, cơ quan đăng ký kinh doanh và UBND tỉnh, thành phố nơi TCQMN đặt trụ sở chính...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.