Số 14.2007 (319) ngày 13/04/2007

 QUỐC HỘI


Nghỉ làm việc ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
(SMS: 202607)
- Ngày 02/4/2007, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động số 84/2007/QH11.
Theo đó, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch). Nếu những ngày này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.
Luật được áp dụng kể từ ngày 11/4/2007.


Luật Tổ chức Quốc hội
(SMS: 202606)
- Ngày 02/4/2007, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 83/2007/QH11.
Luật quy định: Quốc hội thành lập Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban sau: Pháp luật; Tư pháp; Kinh tế; Tài chính, ngân sách; Quốc phòng và an ninh; Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Các vấn đề xã hội; Khoa học, công nghệ và môi trường; Đối ngoại.
UB Pháp luật sẽ thẩm tra dự kiến của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị của cơ quan khác, tổ chức, đại biểu Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về luật, pháp lệnh; Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước, trừ tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; thẩm tra các dự án khác do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao...
UB Tư pháp: thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa và chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng...
UB Kinh tế: giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân hàng, hoạt động kinh doanh; chủ trì giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện chính sách kinh tế, tiền tệ, ngân hàng...

Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2007.
 

 CHÍNH PHỦ


Quản lý chất thải rắn
(SMS: 202605)
- Theo Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ban hành ngày 09/4/2007, Chính phủ quy định: chất thải rắn (CTR) thông thường phải được kiểm soát, phân loại ngay tại nguồn và phải được lưu giữ trong các túi hoặc thùng được phân biệt bằng màu sắc. CTR nguy hại phải được phân loại tại nguồn và lưu giữ riêng. Không được để lẫn CTR thông thường. Nếu để lẫn CTR nguy hại vào CTR thông thường thì hỗn hợp CTR đó phải được xử lý như CTR nguy hại...
Trên các trục phố chính, các khu thương mại, các công viên, quảng trường, các điểm tập trung dân cư, các đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác phải bố trí các phương tiện lưu giữ CTR...
Nhà nước khuyến khích mọi hình thức đầu tư cho lĩnh vực CTR: BCC, BOT, BTO, BT, mua lại doanh nghiệp, mua trái phiếu, đầu tư chứng khoán và các hình thức đầu tư khác...
Tổ chức, cá nhân có thể đầu tư để thành lập hợp tác xã, hộ kinh doanh hoặc các hình thức khác để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR tại khu vực điểm dân cư nông thôn, làng nghề chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR...
Việc thu gom, lưu giữ vận chuyển CTR thông thường do các công ty dịch vụ, hợp tác xã dịch vụ hoặc hộ gia đình thu gom thông qua hợp đồng vận chuyển dịch vụ. CTR nguy hại được thực hiện bởi các tổ chức có năng lực phù hợp và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại. Các phương tiện vận chuyển phải là phương tiện chuyên dụng, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và an toàn. Sau khi thu gom, thời gian lưu giữ các CTR không quá 2 ngày.
Tại cơ sở xử lý CTR và các công trình phụ trợ với quy mô khác nhau đều phải tổ chức quan trắc môi trường trong suốt thời gian hoạt động và 5 năm kể từ khi đóng bãi, kết thúc hoạt động. Định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần, chủ xử lý CTR phải tiến hành quan trắc môi trường.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Kinh doanh xăng dầu
(SMS: 202604)
- Theo Nghị đinh số 55/2007/NĐ-CP ban hành ngày 06/4/2007, Chính phủ quy định: các doanh nghiệp xăng dầu được tự quyết định giá bán xăng theo cơ chế thị trường, trên cơ sở giá thế giới, thuế nhập khẩu, các chi phí đầu vào... và phải đảm bảo đúng quy định của Nhà nước, lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư, phát triển sản xuất và các hoạt động kinh doanh của DN. Nhà nước chỉ quản lý gián tiếp bằng các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; điều hòa cung cầu; mua, bán hàng dự trữ quốc gia và thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá khi có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá hay đầu cơ nâng giá...
Bên cạnh đó, khi thấy có dấu hiệu lợi dụng tăng giá và có khiếu nại của người tiêu dùng và các cơ quan liên quan thì cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý nhà nước thấy giá thế giới lên và sự điều chỉnh của doanh nghiệp là hợp lý thì phải chấp nhận...
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp chế biến xăng dấu phải bảo đảm mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng...
Trong quá trình kinh doanh xăng dầu, thương nhân phải niêm yết công khai tại cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện, thiết bị đo lường. Nghiêm cấm sử dụng phương tiện đo lường chưa qua kiểm định hoặc hết thời hạn sử dụng. Khi phát hiện phương tiện đo lường bị hư hỏng phải ngừng ngay việc sử dụng và báo cơ quan quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng sửa chữa và kiểm tra lại...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý quy hoạch đất đai
(SMS: 202603)
- Ngày 06/4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 09/2007/CT-TTg về tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu: những quy hoạch có thể thực hiện sớm thì tập trung nguồn lực để thực hiện ngay, không để kéo dài; Những quy hoạch xét cần nhưng trước mắt chưa có khả năng thực hiện được thì điều chỉnh mốc thời gian thực hiện quy hoạch; Những quy hoạch không hợp lý, không có tính khả thi thì phải quyết định hủy bỏ ngay; Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch...
Khi công bố kế hoạch thu hồi đất có công trình, nhà ở để thực hiện quy hoạch phải đồng thời công bố kế hoạch tái định cư gắn với giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người có đất bị thu hồi...
Kiên quyết thu hồi đất các dự án mà chủ đầu tư không có khả năng thực hiện để giao hoặc cho thuê đối với tổ chức, cá nhân có năng lực và có nhu cầu về đất đai để thực hiện dự án đầu tư...
Chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, đặc biệt phải xem xét kỹ nhu cầu sử dụng đất, hiệu quả và tính khả thi của dự án, khả năng thực sự của nhà đầu tư trước khi quyết định giao đất, cho thuê đất...


Xử lý vi phạm lĩnh vực đầu tư
(SMS: 202623)
- Ngày 04/4/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Theo đó, áp dụng mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng tới 70 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; đồng thời, Chính phủ yêu cầu mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư phải được phát hiện kịp thời và bị đình chỉ ngay...
Cụ thế: áp dụng mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 200 ngàn đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn...
Phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi không thông báo mời thầu công khai theo quy định của pháp luật về đấu thầu; không có biên bản mở thầu; mời không đủ số lượng nhà thầu hoặc mời nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định đối với đấu thầu hạn chế; thành lập tổ chuyên gia đấu thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định, trừ trường hợp nguồn vốn cho gói thầu được nêu trong hồ sơ mời thầu là do nhà thầu thu xếp; triển khai việc lựa chọn nhà thầu chưa có kế hoạch đấu thầu được người quyết định đầu tư phê duyệt bằng văn bản...
Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý báo cáo sai hoặc không trung thực về các thông tin làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng.
Về bảo đảm thông tin trong đấu thầu, sẽ phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau: tiết lộ những tài liệu, thông tin về nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành; tiết lộ những tài liệu, thông tin đấu thầu liên quan khác được đóng dấu bảo mật; tiết lộ những tài liệu, thông tin về báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn liên quan trong quá trình đấu thầu, xét thầu và thẩm định trước khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu...
Mức phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng được áp dụng đối với nhà thầu thực hiện hợp đồng xây lắp, cung cấp hàng hóa có hành vi thông đồng với nhà thầu tư vấn giám sát, cơ quan, tổ chức nghiệm thu để xác nhận sai về chất lượng, khối lượng của công trình, hàng hóa; hoặc đối với tổ chức, cá nhân cấp tạm ứng vốn nhà nước không đúng quy định...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


Ghi nhãn hàng hoá
(SMS: 202591)
- Ngày 06/4/2007, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hoá.
Theo đó, hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm của hàng hoá và không được che khuất nội dung của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ không được làm hiểu sai lệch nội dung của nhãn gốc...
Hàng hoá sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức cá nhân hoàn thiện hàng hoá hoặc thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hoá trước khi đưa vào lưu thông phải thực hiện ghi nhãn hàng hoá...
Trường hợp một hàng hoá có nhiều công dụng thì căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa để xếp vào loại tương ứng. Trường hợp hàng hoá xếp được ở nhiều loại thì xếp vào loại có tính chất, công dụng hợp lý hơn...
Trường hợp tên chất chiết xuất, tinh chất từ các nguyên liệu tự nhiên ghi kèm tên hàng hoá thì phải ghi thành phần định lượng chất chiết xuất, tinh chất hoặc khối lượng nguyên liệu tương đương dùng để tạo ra lượng chất chiết xuất, tinh chất đó...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG


Giải quyết khiếu nại và tranh chấp dịch vụ bưu chính, viễn thông
(SMS: 202590)
- Ngày 05/4/2007, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông đã ban hành Quyết định số 05/2007/QĐ-BBCVT ban hành Quy định về giải quyết khiếu nại và hướng dẫn giải quyết tranh chấp giữa người sử dụng dịch vụ với bên cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát, viễn thông và Internet.
Theo đó, việc giải quyết khiếu nại và hướng dẫn giải quyết tranh chấp phải tuân theo nguyên tắc: Khiếu nại trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trường hợp qua thương lượng không đạt được thỏa thuận, bên cung cấp dịch vụ phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để xác định rõ nguyên nhân, giải quyết khiếu nại và trả lời cho người khiếu nại; Việc hướng dẫn giải quyết tranh chấp được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, khách quan, đảm bảo công bằng quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp...
Thời hiệu khiếu nại đối với thư, bưu phẩm, bưu kiện trong nước và quốc tế là 06 tháng kể từ ngày sau ngày gửi; Dịch vụ viễn thông và Internet: về giá cước là 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo hoặc hóa đơn thanh toán cước đầu tiên hoặc kể từ ngày thanh toán cước dịch vụ; về chỉ tiêu chất lượng dịch vụ và các vi phạm khác là ba 03 tháng kể từ ngày sử dụng dịch vụ hoặc xảy ra vi phạm.
Thời hiệu hướng dẫn giải quyết tranh chấp là 30 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được kết quả giải quyết khiếu nại của bên cung cấp dịch vụ hoặc kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà bên cung cấp dịch vụ không giải quyết đơn khiếu nại...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Phí đào tạo lái xe đường bộ
(SMS: 202593)
- Ngày 03/4/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26/2007/TT-BTC hướng dẫn mức thu học phí, quản lý và sử dụng học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.
Theo đó, học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ được quy định theo từng học phần; học sinh học phần nào nộp học phí học phần đó.
Mức thu học phí cụ thể của từng loại giấy chứng nhận, hạng giấy phép lái xe cơ giới đường bộ như sau: A1 và A2 là 70.000 đồng (bao gồm Học Luật giao thông đường bộ là 50.000 đồng; Học thực hành lái xe: 20.000 đồng); B1:  2.275.000 đồng (Học Luật: 130.000 đồng; các môn cơ sở: 110.000 đồng; kỹ thuật lái xe và thực hành lái xe: 2.035.000 đồng); B2: 2.710.000 đồng (luật: 130.000; các môn cơ sở: 160.000; kỹ thuật lái xe và thực hành lái xe: 2.420.000); C: 3.875.000 đồng (luật: 130.000; các môn cơ sở: 200.000; kỹ thuật lái xe và thực hành lái xe: 3.545.000); Chuyển cấp từ B1 lên B2: 360.000 đồng (luật: 100.000; các môn cơ sở: 60.000; kỹ thuật lái xe và thực hành lái xe: 200.000)...
Đối với các hình thức đào tạo để cấp Giấy phép lái xe hạng B1, B2, C người đi học nộp 50% học phí ngay khi vào học, 50% còn lại nộp tiếp trong thời gian học theo quy định của cơ sở đào tạo...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn xử lý tài chính khi chuyển đổi công ty nhà nước
(SMS: 202592)
- Ngày 02/4/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2007/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính khi chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là công ty TNHH, công ty phải lập báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển đổi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong báo cáo tài chính Công ty cần nêu rõ các vấn đề đã xử lý về tài sản, tài chính, công nợ và thuyết minh rõ việc xử lý tài sản tổn thất, nợ phải thu không thu hồi được hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh; tài sản dôi thừa, nợ không phải trả được ghi tăng vốn chủ sở hữu...
Sau khi nhận được văn bản thông báo của cấp có thẩm quyền về kế hoạch chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH, công ty nhà nước có trách nhiệm: Kiểm kê, xác định số lượng tài sản hiện có tại doanh nghiệp (bao gồm tài sản cố định và đầu tư dài hạn, tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn, tài sản đi thuê, cho thuê, mượn, nhận giữ hộ, nhận ký gửi), đối chiếu với số liệu ghi sổ kế toán để xác định số thừa, thiếu, tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng; tài sản không thuộc quyền quản lý, sử dụng; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những người có liên quan và đề xuất hướng xử lý đối với tài sản thừa, thiếu; tài sản không thuộc quyền quản lý, sử dụng. Đánh giá thực trạng và phân loại tài sản có nhu cầu sử dụng, tài sản không có nhu cầu sử dụng, tài sản ứ đọng chờ thanh lý để kiến nghị biện pháp xử lý đối với từng loại tài sản; Kiểm kê và đối chiếu các khoản công nợ phải thu, phải trả, các nguồn vốn, quỹ, số dư các tài khoản tại ngân hàng,...đánh giá, phân loại nợ...
Thời điểm chính thức chuyển đổi của công ty nhà nước thành công ty TNHH là thời điểm công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là công ty TNHH...

Thông tư có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.