Số 14.2004 (167) ngày 09/04/2004

 UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

 

Pháp lệnh giống vật nuôi - Ngày 24/3/2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 16/2004/PL-UBTVQH11, quy định về giống vật nuôi, có hiệu lực từ 01/7/2004.

Pháp lệnh này quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống vật nuôi; có địa điểm sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi phù hợp với quy hoạch của ngành nông nghiệp, ngành thủy sản, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường... Việc nhập khẩu các loại giống vật nuôi chưa có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh để nghiên cứu, sản xuất thử... phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Thủy sản cho phép...

Bên cạnh đó, Pháp lệnh cũng quy định 7 hành vi bị nghiêm cấm: sản xuất kinh doanh giống giả, giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giống không có trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh; phá hoại chiếm đoạt nguồn gene vật nuôi; thử nghiệm mầm bệnh, thuốc thú y, chất kích thích sinh trưởng và thức ăn chăn nuôi mới trong khu vực sản xuất giống vật nuôi; cản trở các hoạt động hợp pháp về nghiên cứu, chọn, tạo, khảo nghiệm, kiểm định, sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi; sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi gây hại cho sức khoẻ con người, nguồn gene vật nuôi, môi trường, hệ sinh thái; quảng cáo, thông tin sai sự thật về giống vật nuôi...

 

Pháp lệnh giống cây trồng - Ngày 24/3/2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 15/2004/PL-UBTVQH11, quy định về giống cây trồng, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2004.

Pháp lệnh gồm 8 chương 51 điều, trong đó nội dung quy định cụ thể về quản lý bảo tồn nguồn gen cây trồng; nghiên cứu, chọn, tạo, khảo nghiệm, kiểm định, kiểm nghiệm, công nhận, bảo hộ giống cây trồng mới; bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống, rừng giống; sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; quản lý chất lượng cây trồng...

Nhà nước sẽ đầu tư và hỗ trợ việc thu thập, bảo tồn nguồn gien trồng quý hiếm. Các loại giống cây trồng mới chọn, tạo hoặc nhập khẩu chỉ được đưa vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh sau khi đã qua khảo nghiệm và được công nhận. Giống cây trồng mới sẽ được Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu, quyền tác giả...

 

Pháp lệnh sửa đổi thuế thu nhập - Ngày 24/3/2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 14/2004/PL-UBTVQH11, sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2004.

Pháp lệnh này bổ sung thêm các khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế bao gồm: các khoản thu nhập từ dịch vụ khoa học, kỹ thuật, tiền bản quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu, dịch vụ tin học, tư vấn, đào tạo, đại lý; tiền nhuận bút, hoa hồng môi giới...

Thu nhập thường xuyên trên 5 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế (quy định trước đây là 3 triệu đồng)... Đặc biệt, đối với ca sỹ, nghệ sỹ xiếc, múa, cầu thủ bóng đã, vận động viên chuyên nghiệp sau khi trừ 25% tổng thu nhập thu nhập, số còn lại mới phải đóng thuế 10%...

Thu nhập về chuyển giao công nghệ trên 15 triệu đồng/lần (quy định trước đây là 2 triệu đồng) được tính theo thuế suất 5% tổng số thu nhập...

 

 CHÍNH PHỦ

 

Đăng ký kinh doanh - Theo Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ban hành ngày 02/4/2004 của Chính phủ, sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh (ĐKKD), mà không nhận được Giấy chứng nhận ĐKKD, người thành lập doanh nghiệp (DN) có quyền khiếu nại đến phòng ĐKKD cấp tỉnh, nơi tiếp nhận hồ sơ. Sau 7 ngày, kể từ ngày nộp đơn khiếu nại, mà không nhận được trả lời thì người thành lập DN có quyền khiếu nại lên UBND cấp tỉnh hoặc kiện ra Tòa hành chính cấp tỉnh nơi nộp hồ sơ ĐKKD.

Kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận ĐKKD, DN có quyền hoạt động kinh doanh mà không cần xin phép bất cứ cơ quan nhà nước nào, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề phải có điều kiện. Giấy chứng nhận ĐKKD do phòng ĐKKD cấp tỉnh cấp, có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc...

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

Cơ cấu thành viên Uỷ ban nhân dân - Theo Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ban hành ngày 02/4/2004 về số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Uỷ ban nhân dân (UBND) các cấp, Chính phủ quy định: UBND thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh có 13 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch và 7 ủy viên...

UBND các tỉnh có dân số từ 2 triệu người trở lên hoặc có diện tích từ 10.000 km2 trở lên và thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại I (trừ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có 11 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 6 ủy viên...

UBND huyện có dân số từ 150.000 người hoặc có diện tích từ 1.000 km2 trở lên và huyện có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, có 9 thành viên gồm có 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 5 ủy viên...

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

Vốn tín dụng đầu tư phát triển - Ngày 01/4/2004, Chính phủ phủ đã ban hành Nghị định số 106/2004/NĐ-CP, về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Theo đó, mức vốn cho vay đối với từng dự án do Quỹ Hỗ trợ phát triển quyết định, tối đa bằng 70% tổng số vốn đầu tư của dự án; thời hạn cho vay tối đa không quá 12 năm, đối với một số dự án đặc thù như trồng rừng tối đa không quá 15 năm; lãi suất cho vay đầu tư được xác định tương đương 70% lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước...

Khi lãi suất thị trường có sự biến động từ 15% trở lên, nhà nước sẽ có sự điều chỉnh lãi suất cho vay. Số lần điều chỉnh lãi suất mỗi năm tối đa 2 lần...

Khi khoản nợ quá hạn phải trả, lãi suất nợ quá hạn bằng 50% lãi suất cho vay trong hạn ghi trong hợp đồng tín dụng...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

Kiểm toán độc lập - Theo Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ban hành ngày 30/3/2004, Chính phủ quy định: đơn vị được kiểm toán có quyền chọn doanh nghiệp kiểm toán và chọn kiểm toán viên có đủ điều kiện hành nghề hợp pháp tại Việt Nam để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...

Kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán được quyền tham gia các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán.

Nhà nước khuyến khích tất cả các doanh nghiệp và tổ chức thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm hoặc báo cáo quyết toán dự án đầu tư trước khi nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc trước khi công khai tài chính.

Tại một thời điểm nhất định, kiểm toán viên chỉ được đăng ký hành nghề ở một doanh nghiệp kiểm toán. Trường hợp kiểm toán viên đã đăng ký hành nghề kiểm toán nhưng trên thực tế không hành nghề hoặc đồng thời hành nghề ở doanh nghiệp kiểm toán khác thì sẽ bị xóa tên trong danh sách đăng ký hành nghề kiểm toán...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/4/2004.

 

 BỘ TÀI CHÍNH

 

Lãi suất trái phiếu - Theo Quyết định số 29/2004/QĐ-BTC ban hành ngày 05/4/2004, về mức lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ đợt II (năm 2004) để đầu tư một số công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng của đất nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: lãi suất trái phiếu Chính phủ phát hành bằng tiền Việt Nam, kỳ hạn 5 năm là 8,5%/năm; đô la Mỹ là 3,5%/năm...

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05/4/12004.

 

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ngày 06/4/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ra Chỉ thị số 04/2004/CT-BTC, về việc tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành tài chính.

Trước thực trạng trong ngành tài chính vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số lĩnh vực như: chi tiêu hành chính vượt định mức, chi trang bị điện thoại, thanh toán cước phí điện thoại, mua sắm tài sản không đúng tiêu chuẩn..., Bộ trưởng chỉ thị: thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương triển khai ngay việc rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính  hiện hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, định mức sử dụng tài sản cho phù hợp với tình hình và yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài chính trong giai đoạn hiện nay...

Giao cho Ban Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Pháp lệnh chống tham nhũng, các cấp uỷ Đảng, Ban Thanh tra Nhân dân và các tổ chức quần chúng Công đoàn, Nữ công, Thanh niên cơ quan thuộc ngành Tài chính kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện...