Số 13.2010 (471) ngày 06/04/2010

 

CHÍNH PHỦ


Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3/2010 (SMS: 17/NQ-CP) - Ngày 02/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2010. Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trong Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thực hiện đúng tiến độ cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong giai đoạn 2 của Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực thuế, đất đai, hải quan, xây dựng cơ bản, cấp phép đầu tư…Chính phủ cũng đã thảo luận và cho ý kiến về việc quy định địa bàn ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế đối với đơn vị hành chính mới thành lập do thực hiện quy định của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình; giao Bộ Tài chính chủ trì, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, dự thảo nghị định của Chính phủ về địa bàn ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế đối với đơn vị hành chính mới thành lập do Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan của Quốc hội tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, các đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo hướng luật sửa đổi phải phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm được vai trò quản lý, giám sát của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, giải quyết được những vướng mắc, hạn chế và những quy định thiếu chặt chẽ trong luật hiện hành nhằm thực hiện tốt hơn chính sách tiền tệ, bảo đảm hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng.

Quy chế tổ chức Ngày Việt Nam ở nước ngoài (SMS: 33/2010/QD-TTg) - Quy chế này vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 33/2010/QĐ-TTg ngày 02/4/2010. Quy chế này quy định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hoạt động trong năm, tháng, tuần hoặc ngày Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài) ở cấp quốc gia nhân dịp các sự kiện quan trọng như: kỷ niệm năm chẵn, năm tròn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước; chuyến thăm chính thức của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam; chào mừng các sự kiện quốc tế quan trọng có sự tham gia, đóng góp của Việt Nam và các sự kiện khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, bền vững và tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân các nước với Việt Nam; đồng thời vận động, thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế, trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, thương mại, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ khác. Kinh phí tổ chức Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện từ các nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành, nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2010.

Tăng cường quản lý cơ sở hạ tầng viễn thông (SMS: 422/CT-TTg) - Để phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông bền vững, hiệu quả, ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, đồng thời giữ sạch đẹp cảnh quan môi trường, nhất là ở tại các đô thị, ngày 02/4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 422/CT-TTg về việc tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông. Theo Chỉ thị này, các công trình viễn thông công cộng được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển; các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được ưu tiên đặt tại các nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường hợp tác sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là cột ăng ten, nhà trạm, cống bể cáp trên nguyên tắc đàm phán cùng có lợi; ban hành quy định về việc sử dụng chung hạ tầng viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông để đảm bảo yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị. Các doanh nghiệp viễn thông cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xây dựng hạ tầng viễn thông, đặc biệt là mạng ngoại vi và cột ăng ten; tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đặc biệt là cống bể cáp, cột ăng ten, cột dây thông tin để sử dụng chung cho nhiều doanh nghiệp theo quy hoạch và chính sách xã hội hóa về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của địa phương.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bãi bỏ Nghị định về nhiệm vụ của văn phòng UBND cấp tỉnh (SMS: 16/NQ-CP) - Ngày 31/3/2010, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 16/NQ-CP bãi bỏ Nghị định số 136/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Quản lý hoạt động khai thác thủy sản (SMS: 33/2010/ND-CP) - Quy định mới về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển được thực hiện theo Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ. Theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải tuân theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của UBND cấp tỉnh về danh mục các loài thủy sản bị cấm khai thác, các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng tại các vùng biển hoặc từng tuyến khai thác, khu vực bị cấm khai thác và khu vực bị cấm khai thác có thời hạn, chủng loại, kích cỡ tối thiểu các loài thủy sản được phép khai thác.
Nghị định cũng quy định về điều kiện hoạt động đối với các tàu cá. Cụ thể, tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng; tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả; tàu lắp máy có công suất máy chính từ dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ, không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả; các tàu làm nghề lưới vây cá nổi nhỏ, nghề khai thác nhuyễn thể không bị giới hạn công suất khi hoạt động khai thác trong vùng biển ven bờ và vùng lộng. Ngoài ra, Nghị định còn có các quy định về điều kiện khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam; thủ tục và trình tự cấp giấy tờ có liên quan cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam và cấp lại giấy tờ sau khi khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam về.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2010 và thay thế Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.

Điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ thông tin truyền thông (SMS: 420/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 420/QĐ-TTg ngày 31/3/2010 tiến hành điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn toàn quốc năm 2010. Thời điểm điều tra từ 0h00 ngày 01/6/2010; thời gian thu thập số liệu là 30 ngày, bắt đầu từ ngày 01/6/2010 đến ngày 30/6/2010. Thời kỳ thu thập số liệu điều tra tính đến hết ngày 31/5/2010. Kinh phí cho cuộc điều tra do ngân sách trung ương đảm bảo.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm ban hành phương án điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn toàn quốc năm 2010; tổ chức triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện phương án điều tra thống kê; tổng hợp, phân tích kết quả điều tra thống kê báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố kết quả điều tra thống kê theo quy định hiện hành. Các doanh nghiệp viễn thông, internet, các đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương có trách nhiệm báo cáo số liệu điều tra kịp thời, chính xác theo phương án điều tra thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Hoạt động của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam (SMS: 32/2010/ND-CP) - Ngày 30/3/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2010/NĐ-CP về quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam. Theo Nghị định này, tàu cá nước ngoài chỉ được hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam khi có giấy phép hoạt động thủy sản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Giấy phép hoạt động thủy sản (giấy phép) được cấp cho từng tàu cá; một chủ tàu cá có thể xin cấp giấy phép cho nhiều tàu cá. Thời hạn của giấy phép được cấp không quá 12 tháng đối với hoạt động khai thác thủy sản, không quá 24 tháng đối với các hoạt động thủy sản khác; giấy phép được gia hạn không quá 3 lần, thời gian gia hạn mỗi lẫn không quá 12 tháng.
Ít nhất 07 ngày trước khi đưa tàu cá vào Việt Nam, chủ tàu cá nước ngoài phải thông báo bằng văn bản (fax, email hoặc gửi văn bản trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) cho Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam biết; khi đến Việt Nam phải làm thủ tục nhập cảnh theo quy định. Chủ tàu cá phải mang theo trên tàu cá các giấy tờ (bản chính) sau đây: giấy phép hoạt động thủy sản, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện, sổ danh bạ thuyền viên và hộ chiếu của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá. Khi tàu cá nước ngoài kết thúc hoạt động và rời khỏi vùng biển Việt Nam, chủ tàu cá phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo giấy phép đầu tư đã được cấp, dự án đã được phê duyệt, hợp đồng đã được ký kết (trừ trường hợp hợp đồng có thỏa thuận riêng) và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam; trong trường hợp tàu cá nước ngoài ngừng hoạt động khi giấy phép vẫn còn hiệu lực thì chủ tàu cá phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép biết trước ít nhất 07 ngày làm việc.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2010 và thay thế Nghị định số 191/2004/NĐ-CP ngày 18/11/2004 của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam.

 

 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Hướng dẫn lập hồ sơ khoản viện trợ nước ngoài (SMS: 07/2010/TT-BKH) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 30/3/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Theo đó, hồ sơ khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) hợp lệ gồm có: văn bản đề nghị trình phê duyệt của cơ quan phê duyệt khoản viện trợ PCPNN đối với các khoản viện trợ PCPNN thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc của cơ quan chủ quản hoặc chủ khoản viện trợ PCPNN (trong trường hợp cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý) đối với các khoản viện trợ PCPNN thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan phê duyệt khoản viện trợ PCPNN; văn bản của bên tài trợ thống nhất với nội dung khoản viện trợ PCPNN và thông báo hoặc cam kết xem xét tài trợ cho khoản viện trợ PCPNN đó; dự thảo văn kiện chương trình, dự án, danh mục các khoản viện trợ phi dự án (bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) và dự thảo Thỏa thuận viện trợ PCPNN cụ thể; bản sao giấy đăng ký hoạt động và/hoặc bản sao giấy tờ hợp pháp về tư cách pháp nhân của bên tài trợ (các bản sao cần được hợp pháp hóa lãnh sự). Đối với khoản viện trợ phi dự án là các phương tiện đã qua sử dụng thì ngoài các tài liệu nói trên, hồ sơ cần có thêm: bản đăng ký hoặc giấy chứng nhận sở hữu phương tiện của bên tài trợ; giấy chứng nhận đăng kiểm của cơ quan có thẩm quyền của nước bên tài trợ; văn bản giám định phương tiện vận tải còn hơn 80% so với giá trị sử dụng mới do tổ chức giám định có thẩm quyền của nước bên tài trợ xác nhận.
Hồ sơ khoản viện trợ được lập thành 08 bộ tài liệu đối với các khoản viện trợ PCPNN thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có ít nhất 01 bộ tài liệu gốc. Đối với các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan phê duyệt khoản viện trợ PCPNN, số bộ hồ sơ (kể cả bộ hồ sơ gốc) cho việc thẩm định khoản viện trợ PCPNN do cơ quan phê duyệt khoản viện trợ PCPNN tự quyết định. Thời hạn thẩm định đối với các khoản viện trợ PCPNN là không quá 20 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 04/2001/TT-BKH ngày 05/6/2001 về hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN ban hành kèm theo Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ.
 

 

LIÊN BỘ


Phối hợp công tác giữa Chính phủ, TANDTC và VKSNDTC (SMS: 15/NQLT/CP-TANDTC-VKSNDTC) - Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa có Nghị quyết liên tịch số 15/NQLT/CP-TANDTC-VKSNDTC ngày 31/3/2010 ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đối tượng áp dụng Quy chế này là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các nội dung phối hợp bao gồm: trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong công tác xây dựng pháp luật; trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin; trong công tác đào tạo cán bộ; trong công tác hợp tác quốc tế; trong việc bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân; giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao trong việc giải quyết các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật; giữa Chính phủ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, giải quyết các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật.
Việc phối hợp giữa các cơ quan nói trên được thực hiện theo nguyên tắc: trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật; chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ; bảo đảm chế độ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2010.