Số 13.2009 (420) ngày 03/04/2009

 CHÍNH PHỦ


Điều kiện thành lập, hoạt động của kiểm toán độc lập (SMS: 532437) - Ngày 30/03/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập.
Theo quy định mới tại Nghị định này thì doanh nghiệp kiểm toán chỉ được thành lập khi có ít nhất 3 người có Chứng chỉ kiểm toán viên, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc nếu là thành viên công ty TNHH, công ty hợp danh thì phải sở hữu ít nhất là 10% vốn điều lệ công ty. Giám đốc  hoặc Tổng Giám đốc doanh nghiệp kiểm toán phải có thời gian công tác thực tế về kiểm toán đủ 3 năm trở lên... So với điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán theo quy định hiện hành là doanh nghiệp kiểm toán được thành lập khi có ít nhất 3 kiểm toán viên có Chứng chỉ hành nghề kiểm toán, trong đó ít nhất 1 trong những người quản lý doanh nghiệp kiểm toán phải có Chứng chỉ hành nghề.
Cũng theo quy định hiện tại cho phép tồn tại cả mô hình doanh nghiệp kiểm toán hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, còn theo quy định mới của Nghị định 30/2009/NĐ-CP doanh nghiệp kiểm toán được thành lập và hoạt động theo 3 hình thức: Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Nghị định mới cũng quy định rõ trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp kiểm toán phải thường xuyên đảm bảo có ít nhất 3 kiểm toán viên hành nghề ký hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian với doanh nghiệp. Sau 6 tháng liên tục không đảm bảo điều kiện này doanh nghiệp kiểm toán  thì phải ngừng cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Các doanh nghiệp kiểm toán TNHH 1 thành viên có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập và hoạt động trước khi có Nghị định này vẫn được phép hoạt động bình thường đến khi hết hạn theo Giấy phép đầu tư.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Phụ cấp ưu đãi nghề thống kê (SMS: 532440) - Kể từ ngày 01/04/2009, theo quy định tại Quyết định số 45/2009/QĐ-TTg của Thủ  tướng Chính phủ ban hành ngày 27/03/2009, cán bộ, công chức làm công tác thống kê (kể cả Tổng cục trưởng) sẽ được áp dụng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Mức phụ cấp ưu đãi này bằng 10% - 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Cụ thể mức phụ cấp đối với cán bộ, công chức  xếp lương theo các ngạch Thống kê viên như sau: Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Thống kê viên cao cấp được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Mức phụ cấp này đối với Thống kê viên chính là 15%; đối với Thống kê viên và Thống kê viên trình độ cao đẳng là 20%; còn đối với thống kê viên trung cấp là 25%.
Quyết định này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Đăng ký, mua, bán tàu biển (SMS: 532431) - Ngày 26/03/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2009/NĐ-CP về đăng ký và mua, bán tàu biển.
Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan đăng ký tàu biển quốc gia, còn cơ quan đăng ký tàu biển khu vực là Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định. 
Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực có thẩm quyền cấp 5 loại giấy chứng nhận (GCN) sau: GCN đăng ký tàu biển Việt Nam, GCN tạm ngừng hoặc xóa đăng ký tàu biển Việt Nam, GCN đăng ký có thời hạn tàu biển Việt Nam và GCN đăng ký tàu biển Việt Nam đang đóng. Chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký tàu biển khu vực có trách nhiệm cấp các loại GCN trên. Trường hợp không cấp thì phải thông báo bằng văn bản cho chủ tàu.
Trường hợp đăng ký lần đầu tại Việt Nam, tàu biển đã qua sử dụng nếu là tàu khách thì không quá 10 tuổi còn các loại tàu biển khác không quá 15 tuổi; trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định, nhưng không quá 5 tuổi đối với mỗi loại tàu nêu trên (tuổi tàu được tính từ năm đóng tàu).
Tàu biển Việt
Nam được đăng ký thế chấp tại cơ quan đăng ký tàu biển khu vực mà tàu biển đó đăng ký. Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực phải ghi vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam việc đăng ký thế chấp hoặc xóa đăng ký thế chấp ngay khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và trong vòng 3 ngày làm việc phải cấp GCN đăng ký thế chấp hoặc GCN xóa đăng ký thế chấp tàu.
Việc mua, bán tàu biển giữa các tổ chức, cá nhân Việt
Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế với ít nhất 3 người chào hàng. Việc mua, bán tàu biển giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam được thực hiện bằng hình thức đấu giá hoặc chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế.
Đối với dự án đóng mới tàu biển sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên (gọi là dự án sử dụng vốn nhà nước) thì được thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh với ít nhất 3 nhà máy đóng tàu hoặc đại diện của nhà máy đóng tàu. Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển không sử dụng vốn nhà nước hoặc sử dụng dưới 30% vốn nhà nước (gọi là dự án không sử dụng vốn nhà nước), hình thức mua, bán và đóng mới tàu biển do các tổ chức, cá nhân quyết định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2009.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Quy định mới về lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực (SMS: 532475) - Ngày 30/03/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 66/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam.
Theo đó, lệ phí cấp mới hộ chiếu, cấp giấy phép xuất cảnh đối với công dân Việt Nam là 200.000 đồng; cấp giấy thông hành, giấy xác nhận yếu tố nhân sự 100.000 đồng; cấp công hàm xin thị thực nhập cảnh nước đến 10.000 đồng; cấp công hàm xin thị thực quá cảnh nước thứ ba 5.000 đồng... Trường hợp bổ sung, sửa đổi nội dung của hộ chiếu, giấy thông hành, cơ quan chức năng sẽ thu 25% mức thu tương ứng cùng loại. Trẻ em đi cùng thân nhân có hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu thu bằng 25% mức thu tương ứng cùng loại.
Mức thu đối với người nước ngoài và người Việt
Nam định cư ở nước ngoài tính theo USD. Cụ thể, lệ phí cấp thị thực có giá trị một lần 25 USD; Cấp thị thực có giá trị nhiều lần dưới 6 tháng 50 USD, từ 6 tháng trở lên 75 USD; Cấp thẻ tạm trú có giá trị đến 1 năm 60 USD, giá trị trên 1 năm đến 2 năm 80 USD, giá trị trên 2 năm đến 3 năm 100 USD; Cấp thẻ thường trú 100 USD…
Trường hợp người Việt Nam và người nước ngoài đã nộp lệ phí cấp hộ chiếu, giấy tờ có liên quan nhưng không đủ điều kiện được cấp những giấy tờ này, cơ quan thu lệ phí sẽ hoàn trả số tiền lệ phí đã thực nộp khi có thông báo không đủ điều kiện được cấp. Tiền lệ phí không được hoàn trả lại nếu đương sự từ chối không nhận kết quả xử lý hồ sơ.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Bổ sung quy định mới về thuế thu nhập cá nhân (SMS: 532465) - Ngày 27/03/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 62/2009/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Thông tư này có nhiều điểm mới về giảm trừ gia cảnh; đầu tư vốn; cổ phiếu (CP) thưởng; cho thuê nhà, tài sản; các loại thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế…
Cụ thể, bổ sung thêm đối tượng được miễn trừ gia cảnh khi nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là mẹ kế và bố dượng. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân có mẹ kế, bố dượng ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật nhưng bị tàn tật không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng thì được tính giảm trừ người phụ thuộc.
Người trong độ tuổi lao động được tính là người phụ thuộc phải thoả mãn đồng thời các điều kiện sau: Bị tàn tật không có khả năng lao động; Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng.
Người ngoài độ tuổi lao động được tính là người phụ thuộc phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng.
Đối với người phụ thuộc là ông bà nội; ông bà ngoại; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột; cháu ruột và các cá nhân khác còn phải thoả mãn thêm điều kiện là người không nơi nương tựa mà người đối tượng nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng.
Tại Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết về việc giảm thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN theo phương pháp khoán có tạm nghỉ kinh doanh. Trường hợp trong năm khoán thuế, cá nhân kinh doanh có nghỉ liên tục từ trọn 01 tháng (từ ngày mùng 1 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó) trở lên thì được giảm 1/3 số thuế phải nộp quý; tương tự nếu nghỉ liên tục trọn 2 tháng trở lên thì được giảm 2/3 số thuế phải nộp quý, nếu nghỉ trọn quý thì được giảm tất cả số thuế phải nộp quý.
Đối với cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn, cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc nhận cổ phiếu thưởng chưa phải nộp thuế TNCN khi nhận cổ phiếu, khi chuyển nhượng số cổ phiếu này, cá nhân phải nộp thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán và thu nhập từ đầu tư vốn. Trường hợp giá thực tế chuyển nhượng cổ phiếu thấp hơn mệnh giá thì không phải nộp thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán...
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho các khoản thu nhập phát sinh từ ngày
01/01/2009.

Miễn thuế thu nhập cá nhân Việt Nam làm tại văn phòng Liên Hợp Quốc (SMS: 532434) - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 572009/TT-BTC, ngày 24/03/2009, hướng dẫn thủ tục miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người Việt Nam làm việc tại các văn phòng đại diện của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam.
Theo đó, những cá nhân được tuyển dụng làm việc theo hợp đồng tại văn phòng của LHQ tại Việt
Nam được miễn thuế TNCN.
Cụ thể, thu nhập từ tiền lương và thù lao mà nhân viên nhận được do văn phòng đại diện của các tổ chức LHQ trả sẽ được miễn thuế TNCN. Nếu có thu nhập từ các nguồn khác, nhân viên vẫn phải nộp thuế theo quy định hiện hành.
Văn phòng đại diện của các tổ chức LHQ tại Việt Nam có trách nhiệm nộp danh sách nhân viên đủ điều kiện miễn thuế tới Cục Thuế tỉnh, thành phố, nơi văn phòng đóng trụ sở chậm nhất là ngày 30/05/2009.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
 

 BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Hướng dẫn hoạt động cơ sở bảo trợ xã hội (SMS: 532435) - Ngày 30/03/2009, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.
Theo hướng dẫn tại Thông tư này, các cá nhân, gia đình có vấn đề xã hội là những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không tự bảo đảm được các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe, học tập; những đối tượng gặp các tình huống căng thẳng, khủng hoảng tinh thần, khó khăn trong giao tiếp với những người xung quanh; các gia đình có mâu thuẫn, bất hòa trong nội bộ, có nguy cơ tan vỡ hoặc không duy trì được cuộc sống bình thường cho các thành viên của mình.
Việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội được quy định cụ thể như sau: Về dinh dưỡng, cơ sở bảo đảm chất lượng các bữa ăn hàng ngày cho đối tượng nuôi dưỡng. Ngoài chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Cơ sở huy động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và tổ chức lao động tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống cho đối tượng; Về chăm sóc sức khỏe, cơ sở có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết, điều trị và mở sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng và hàng năm cho từng đối tượng. Đối với Cơ sở có nhiệm vụ phục hồi chức năng thì phải có cán bộ và trang thiết bị phục hồi chức năng cho đối tượng; Về học văn hóa, học nghề, cơ sở bảo đảm cho trẻ em đang nuôi dưỡng được học văn hóa trong các trường phổ thông công lập, dân lập hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc tại Cơ sở; việc học nghề thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP; Về thông tin và vui chơi giải trí, cơ sở tổ chức hoạt động dạy hát, dạy nhạc hoặc tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí hàng tuần; trang bị tủ sách, phòng đọc; cung cấp sách, báo, tạp chí, đài, ti vi để đáp ứng nhu cầu về giải trí và thông tin cho các đối tượng sống trong Cơ sở. Đối với những người có khả năng hoạt động, ít nhất trong mỗi ngày có một giờ để tham gia các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe và độ tuổi.
Tại Thông tư còn có các quy định cụ thể liên quan đến Quy trình tiếp nhận các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quy chế hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng (SMS: 532474) - Ngày 30/03/2009, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ký Quyết định số 673/QĐ-NHNN ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác để tổ chức, thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Tổ công tác được thành lập với nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh theo Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 02/2009/TT-NHNN và Thông tư 04/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Nội dung hoạt động cụ thể của Tổ công tác gồm: Tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các biện pháp tổ chức thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; Nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung những quy định của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hỗ trợ lãi suất, giải quyết kịp thời các vấn đề về cơ chế hỗ trợ lãi suất; Nghiên cứu, thảo luận và đưa ra ý kiến đối với các vấn đề liên quan đến cơ chế hỗ trợ lãi suất, làm cơ sở cho việc giải đáp các vướng mắc của ngân hàng thương mại, khách hàng vay và xử lý các vấn đề liên quan theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền; Yêu cầu các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, các ngân hàng thương mại, khách hang vay và các bên có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất; Kiểm tra giám sát tình hình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất; Tham dự các cuộc họp, hội thảo liên quan đến cơ chế hỗ trợ lãi suất.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.