Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (SMS: 503511) - Theo Nghị quyết số 08/2008/NQ-CP ra ngày 31/3/2008, Chính phủ yêu cầu: tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động và linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, kiềm chế lạm phát và góp phần duy trì tăng trưởng của nền kinh tế. Phấn đấu tăng thu, thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tăng cường tiết kiệm điện, xăng dầu; cắt giảm các hạng mục, công trình đầu tư chưa bức thiết; tập trung vốn cho các công trình hiệu quả. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa thật thiết yếu. Các ngành, các cấp, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ triển khai các biện pháp quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại trên mọi địa bàn… Cac cơ quan truyền thông cần bảo đảm khách quan, trung thực khi đưa tin, bài, tạo sự đồng thuận để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhằm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, phát triển ổn định…
Quản lý xuất nhập khẩu (SMS: 503529) - Ngày 31/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công văn số 481/TTg-KTTH về việc tăng cường các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và bảo đảm cân đối, quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu. Thủ tướng chỉ đạo: các tổ chức sản xuất, lưu thông phân phối thuộc ngành quản lý bảo đảm cung cấp đủ và không gián đoạn các mặt hàng: điện năng, than, xăng dầu, xi măng, phân bón, sắt thép xây dựng, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm thiết yếu. Thực hiện nghiêm việc chưa tăng giá đến hết tháng 6 năm 2008 các mặt hàng: xăng dầu, điện năng, than, thép, xi măng, giấy các loại, phân bón, thuốc chữa bệnh, nước sạch, học phí, viện phí, giá các loại vận chuyển đường không, đường sắt, vận chuyển xe buýt công cộng… Bộ Công Thương chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều phối lượng gạo xuất khẩu ở mức 4 triệu tấn cho cả năm 2008; rà soát số lượng gạo của các hợp đồng đã ký đến hết quý I năm 2008 để có biện pháp giảm mạnh hoặc ngừng giao dịch ký hợp đồng mới trong quý II năm 2008; chưa áp dụng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng lúa, gạo. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 năm 2008 việc đánh thuế dầu thô xuất khẩu; điều chỉnh thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng than đá và một số khoáng sản khác. Thực hiện rà soát, phân loại kỹ hơn các nhóm hàng, nhất là hai nhóm hàng cần kiểm soát và cần hạn chế. Trong đó, nhất thiết cần điều tiết hạn chế nhập khẩu các mặt hàng: ôtô nguyên chiếc và bộ linh kiện lắp ráp xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi; các loại hàng điện tử, điện lạnh; xe gắn máy hai, ba bánh nguyên chiếc, bộ linh kiện lắp ráp xe gắn máy hai, ba bánh, xe đạp điện và bộ linh kiện lắp ráp xe đạp điện; một số loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ và các mặt hàng khác theo phân loại chi tiết… Việc hạn chế nhập khẩu nhóm hàng trên được điều tiết bằng các biện pháp tăng thuế suất thuế nhập khẩu, hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vay ngoại tệ nhập khẩu, sử dụng hàng rào kỹ thuật hoặc áp dụng kết hợp các biện pháp trên, tùy từng nhóm mặt hàng…
Quản lý phương tiện bay (SMS: 503508) - Ngày 28/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thực hiện thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (TB&PTBSN) chỉ được cấp phép sau khi đã có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an… Nghiêm cấm việc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay hoặc tổ chức bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định, vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia; mang, chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay; phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại; lắp các thiết bị thực hiện quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép; treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay và không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay… Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý điều hành, giám sát bay đối với TB&PTBSN nhưng không cất cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng đồng thời Bộ Quốc phòng cũng thiết lập sân bay, khu vực hoạt động bay, khu vực bay thử nghiệm cho TB&PTBSN, bảo đảm đủ điều kiện bay, không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và an toàn hàng không. Trung tâm Quản lý điều hành bay Quốc gia, các Trung tâm Quản lý điều hành bay khu vực thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân là cơ quan quản lý điều hành chung các hoạt động của TB&PTBSN trong vùng trời Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Phát triển nghệ thuật biểu diễn (SMS: 503512) - Ngày 28/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010. Quy hoạch đề ra 5 nhóm giải pháp chính. Trong đó giải pháp hàng đầu là tổ chức mạng lưới các đoàn nghệ thuật biểu diễn theo hướng xã hội hóa hoạt động biểu diễn. Cụ thể, các đơn vị nghệ thuật trung ương trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục duy trì các hình thức công lập các đoàn nghệ thuật truyền thống và tiêu biểu như: tuồng, chèo, cải lương, xiếc, ca múa nhạc dân tộc, giao hưởng, múa cổ điển châu Âu (ballet), múa rối, nhạc vũ kịch. Các đơn vị nghệ thuật ở địa phương giảm bớt số đoàn bằng việc chuyển đổi thành đoàn nghệ thuật ngoài công lập hoặc sáp nhập, chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống, tiêu biểu của địa phương. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia dưới mọi hình thức để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian, dân tộc và các hình thức phục vụ cho biểu diễn nghệ thuật. Bên cạnh đó, sớm tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giảng dạy trong các trường văn hóa nghệ thuật; bồi dưỡng nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức như tập trung, trao đổi nghiệp vụ trong và ngoài nước, mời chuyên gia, ... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thực hiện Luật Phá sản (SMS: 503461) - Theo Công văn số 1977/VPCP-XDPL của Văn phòng Chính phủ ra ngày 27/3/2008, Thủ tướng chỉ đạo: các cơ quan là đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý công ty nhà nước và phá sản doanh nghiệp, kiên quyết cho phá sản đối với những doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản, không can thiệp trái pháp luật vào thủ tục giải quyết phá sản. UBND các cấp thực hiện đúng các quy định về thủ tục hành chính quy định trong các luật chuyên ngành có liên quan đến thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ thực hiện thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp; đồng thời, thực hiện việc đánh giá thực tiễn thi hành Luật phá sản và có báo cáo đầy đủ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2008, bao gồm cả những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp.
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (SMS: 503432) - Ngày 26/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2008/QĐ-TTg ban hành Quy chế quy định hoạt động, một số chính sách và tổ chức quản lý Nhà nước đối với Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (KKTCKLC). Theo đó, tổ chức, cá nhân khi đầu tư, kinh doanh tại KKTCKLC được sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng và các dịch vụ chung... theo giá thỏa thuận với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng. Được phép thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất tại các tổ chức tín dụng của Việt Nam và quốc tế hoạt động tại Việt Nam… Tất cả các dự án đầu tư trong KKTCKLC được hưởng các ưu đãi tối đa áp dụng đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Các dự án đầu tư trong Khu Thương mại-Công nghiệp thuộc KKTCKLC được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi dự án đầu tư đi vào hoạt động; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được lắp ráp, tái chế, tiêu thụ trong Khu Thương mại-Công nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu từ nước ngoài và từ nội địa vào Khu Thương mại-Công nghiệp (trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi). KKTCKLC cho phép phương tiện cơ giới đường bộ ra, vào để vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa KKTCKLC với Trung Quốc. Phương tiện vận tải đường bộ của Trung Quốc vào, ra KKTCKLC nếu không có giấy phép liên vận quốc tế thì phải làm thủ tục kê khai tạm nhập, tái xuất. Trường hợp ra, vào trong cùng một ngày chỉ cần xác nhận của Hải quan tại trạm kiểm soát cửa khẩu. Người nước ngoài , người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài và các thành viên của gia đình họ muốn vào tìm hiểu thị trường... tại KKTCKLC sẽ được cấp thị thực xuất, nhập cảnh có giá trị nhiều lần… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|