Số 13.2007 (318) ngày 06/04/2007

 CHÍNH PHỦ


Triển khai thi hành Luật Cư trú
(SMS: 202547)
- Theo Chỉ thị số 07/2007/CT-TTg ra ngày 29/3/2007, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: công an các địa phương bố trí đủ cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác đăng ký, quản lý cư trú; chấn chỉnh tác phong làm việc, tiếp dân, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ làm công tác đăng ký, quản lý cư trú các cấp có thái độ, lời nói, cử chỉ thiếu nghiêm túc hoặc sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; cải tiến phương pháp làm việc, bảo đảm công tác quản lý cư trú với trình tự, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú đơn giản, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú theo quy định...
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có thái độ, lời nói, cử chỉ thiếu nghiêm túc hoặc sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
(SMS: 202541)
- Theo Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ra ngày 28/3/2007, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rau quả, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, thuỷ sản; kiểm soát chặt chẽ rau quả, thịt, thuỷ sản nhập khẩu qua biên giới, tại các vùng sản xuất nguyên liệu, các chợ bán thực phẩm, nguyên liệu chế biến thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên việc chế biến và sử dụng thực phẩm tại khu công nghiệp và khu chế xuất, các trường học, các chợ, siêu thị, các khu du lịch, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và dịch vụ thức ăn đường phố...
Tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý thật nghiêm các vi phạm pháp luật; khắc phục ngay tình trạng buông lỏng quản lý, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong đơn vị mình, trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, tái diễn do buông lỏng quản lý, không tuân thủ pháp luật, thì phải cách chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật...

Tăng đầu tư về ngân sách, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng được yêu cầu cơ bản kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung ương đến cơ sở.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phòng, chống tham nhũng
(SMS: 20938)
- Ngày 27/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2007/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
Chính phủ yêu cầu: không quá 30 ngày, phải có kết quả trả lời đối với yêu cầu xác minh dấu hiệu tham nhũng của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND...
Đối với cơ quan thông tin, báo chí khi nhận được kiến nghị, phản ánh, tin bài của công dân về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hoặc thông qua nghề nghiệp của mình phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì có quyền thu thập thông tin, tài liệu để làm rõ vụ việc và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan. Cơ quan báo chí có quyền đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động PCTN nhưng tuyệt đối phải trung thực và khách quan. Trường hợp có căn cứ cho rằng kiến nghị, phản ánh, tin, bài tố cáo tham nhũng của công dân là không có cơ sở thì cơ quan báo chí thông báo cho công dân về việc không đưa tin và nêu rõ lý do...
Cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ từ chối tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên. Trong quá trình tác nghiệp, khi có căn cứ cho rằng việc thông tin về tham nhũng có thể nguy hại đến tính mạng và sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của mình, nhà báo có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ mình...
Các doanh nghiệp nên áp dụng các biện pháp PCTN thông qua việc cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nghiêm cấm đưa hối lộ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền dưới mọi hình thức. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng thì doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng đó...
Công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải nêu rõ họ tên, địa chỉ và nội dung tố cáo cùng các thông tin, tài liệu mà mình thu thập được. Khi nhận được thông báo kết quả giải quyết vụ việc tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì Ban thanh tra nhân dân, tổ chức mà công dân là thành viên có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho công dân đã có ý kiến phản ánh biết...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn kê khai, xác minh sự minh bạch về tài sản, thu nhập
(SMS: 20940)
- Ngày 26/3/2007, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 556/2007/TT-TTCP hướng dẫn việc kê khai, xác minh và công khai kết luận xác minh tài sản, thu nhập phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và bầu, phê chuẩn các chức danh tại Quốc hội, HĐND.
Thông tư này hướng dẫn: chỉ kê khai nếu tổng giá trị của mỗi loại tài sản từ 50 triệu đồng trở lên. Ví dụ: có 3 xe máy, nếu tổng giá trị của 3 xe máy từ 50 triệu đồng trở lên thì phải kê khai, nếu tổng giá trị của 3 xe máy dưới 50 triệu đồng thì không phải kê khai...
Kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập thực hiện như sau: nếu nội dung kê khai tài sản, thu nhập phù hợp với kết quả xác minh thì bản kết luận chỉ ghi: "nội dung kê khai phù hợp với kết quả xác minh" (không ghi các thông tin về tài sản, thu nhập của người được xác minh); nếu nội dung kê khai tài sản, thu nhập không phù hợp với kết quả xác minh thì bản kết luận phải ghi rõ loại tài sản, thu nhập nào có sự chênh lệch, phần chênh lệch cụ thể giữa bản kê khai tài sản, thu nhập và kết quả xác minh; đối với những tài sản, thu nhập đã được kê khai phù hợp với kết quả xác minh thì không nêu tại bản kết luận...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/3/2007.
 

 LIÊN BỘ: Y TẾ - TÀI CHÍNH


Thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện
(SMS: 202563)
- Theo Thông tư số 06/2007/TTLT-BYT-BTC ban hành ngày 30/3/2007, Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn: khung mức đóng BHYT tự nguyện được quy định theo khu vực và theo nhóm đối tượng như sau: Thành viên hộ gia đình khu vực thành thị là từ 160.000 - 320.000 đồng/người/năm, nông thôn: 120.000 - 240.000 đồng; Học sinh, sinh viên thành thị: 60.000 - 120.000 đồng, nông thôn 50.000 - 100.000.
Giảm mức đóng BHYT tự nguyện đối với hộ gia đình có đông thành viên tham gia: Hộ gia đình có từ 03 thành viên trở lên tham gia BHYT tự nguyện thì thành viên thứ ba được giảm 10% mức đóng theo quy định; từ thành viên thứ tư trở đi, mỗi thành viên được giảm 20%...
Người bệnh có thẻ BHYT có thời gian tham gia liên tục đủ 36 tháng, từ tháng thứ 37 trở đi, khi sử dụng các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế nhưng được phép lưu hành tại Việt Nam thì được cơ quan BHXH thanh toán 50% chi phí của các thuốc này...
Trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn, được cơ quan BHXH thanh toán 80% chi phí nhưng không quá 20 triệu đồng cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó; phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Hướng dẫn Quy chế tài chính của công ty TNHH một thành viên
(SMS: 202562)
- Ngày 27/3/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2007/TT-BTC hướng dẫn quy chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đó, trong quá trình kinh doanh, chủ sở hữu công ty có quyền quyết định điều chỉnh tăng vốn điều lệ. Khi tăng vốn điều lệ, công ty phải điều chỉnh kịp thời trong bảng cân đối kế toán và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Nguồn bổ sung vốn điều lệ bao gồm: Chủ sở hữu đầu tư thêm (nếu có); Lợi nhuận sau thuế của công ty; Các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác, công ty phải đăng ký chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thành viên mới cam kết góp vốn vào công ty; Công ty TNHH một thành viên không được giảm vốn điều lệ...
Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; Trường hợp chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty...
Ngoài số vốn do chủ sở hữu đầu tư, công ty được quyền huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ kinh doanh theo nguyên tắc không được làm thay đổi hình thức sở hữu công ty.
Công ty được sử dụng vốn và tài sản để đầu tư ra ngoài công và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu hoạt động của công ty. Việc đầu tư ra ngoài công ty được thực hiện theo các hình thức: thành lập công ty con; mua cổ phần hoặc góp vốn vào công ty khác; góp vốn để thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty liên doanh, công ty liên kết; góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới hoặc các hình thức đầu tư khác...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Xe taxi tham gia chở khách phải là xe từ 4 - 8 chỗ ngồi, kể cả lái xe; phải có phù hiệu xe taxi do Sở GTVT hoặc Sở GTCC cấp; trên nóc xe phải có hộp đèn có chữ taxi; hai bên thành xe ghi tên hãng, điện thoại, logo của doanh nghiệp, số thứ tự của xe. Đồng hồ tính tiền phải lắp ở vị trí để khách quan sát dễ dàng và phải được kiểm định thường xuyên...
Các doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách công cộng bằng taxi bắt buộc phải có bãi đỗ xe riêng; phải có giấy chứng nhận cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đăng ký màu sơn xe riêng...
Lái xe taxi phải có chứng chỉ hành nghề do hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cấp; khi làm nhiệm vụ phải mặc đồng phục, đeo biển tên, mang theo giấy chứng nhận tập huấn lái xe taxi...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về vận tải khách bằng ôtô
(SMS: 202555)
- Ngày 26/3/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-BGTVT ban hành "Quy định vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô".
Theo đó, điều kiện chung đối với kinh doanh vận tải khách bằng ô tô là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê vị trí đỗ xe tối thiểu là 3 năm với diện tích phù hợp cho 1/3 số lượng xe của doanh nghiệp...
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khai thác vận tải khách theo hợp đồng phải ghi tên và số điện thoại của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân hoặc hai bên cánh cửa xe; bố trí nhân viên phục vụ trên xe đối với những xe từ 30 chỗ ngồi trở lên, nhân viên phục vụ trên xe là những người đã có hợp đồng lao động với doanh nghiệp, hộ kinh doanh...
Doanh nghiệp tổ chức chuyến xe chất lượng cao phải đăng ký với cơ quan quản lý tuyến về chất lượng phương tiện và các dịch vụ phục vụ khách trên suốt hành trình để theo dõi trong quá trình thực hiện...
Xe ô tô khách đăng ký ở nước ngoài không được khai thác vận tải khách theo hình thức hợp đồng trên lãnh thổ Việt Nam...
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách có trụ sở hoặc trụ sở chi nhánh tại địa phương hai đầu tuyến được đăng ký tổ chức khai thác thử trên tuyến vận tải khách cố định mới mở. Thời hạn khai thác thử tối đa là 180 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý tuyến công bố mở tuyến vận tải khách cố định mới. Trong thời hạn khai thác thử, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục khai thác phải có đề nghị công bố tuyến gửi về cơ quan quản lý tuyến; chậm nhất 05 ngày làm việc từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý tuyến có văn bản công bố tuyến...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ Y TẾ


Kiểm tra vệ sinh thực phẩm nhập khẩu
(SMS: 202542)
- Ngày 29/3/2007, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 23/2007/QĐ-BYT về việc ban hành "Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu".
Theo đó, chủ hàng phải đăng ký kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm cơ quan kiểm tra trong thời gian ít nhất 5 ngày trước khi hàng về đến cảng (cửa khẩu).
Chủ hàng thường xuyên tập kết hàng ở một địa điểm xa trụ sở của cơ quan kiểm tra thì có thể đề nghị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tạm thời chỉ định cơ quan kỹ thuật cùng đóng trên địa bàn với điểm tập kết hàng thực hiện việc kiểm tra, kiểm nghiệm thực tế lô hàng để kết luận và cấp thông báo kết quả kiểm tra trước khi đề nghị Bộ Y tế chỉ định chính thức bằng văn bản.
Giấy xác nhận lô hàng đạt yêu cầu nhập khẩu được cấp: không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày lấy được mẫu đăng ký kiểm tra cộng với thời gian cần thử nghiệm theo quy định của phương pháp thử đang tiến hành, đối với các thực phẩm thuộc diện phải kiểm tra theo phương thức kiểm tra chặt; không quá 02 ngày làm việc đối với thực phẩm thuộc phương thức kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm nhẹ...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.