Số 13.2005 (216) ngày 08/04/2005

 CHÍNH PHỦ


Khám chữa bệnh bắt buộc
(SMS: 200628 - Không gửi qua fax)
- Ngày 05/4/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2005/NĐ-CP quy định việc đưa người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.
Theo đó, những đối tượng sau đây bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh: người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi trở lên bị bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma tuý; Người bán dâm từ đủ 16 đến 55 tuổi bị bắt quả tang thực hiện hành vi bán dâm hoặc người bán dâm có tính chất thường xuyên...
Thời hạn lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm không được quá 15 ngày...
Người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh chưa bị coi là bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh...
Thời hạn xem xét quyết định việc đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh không quá 12 giờ, trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ; đối với vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ...
Người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh được sắp xếp ở trong các phòng tập thể. Tùy lứa tuổi, tính chất, mức độ vi phạm, giới tính và sức khoẻ mà sắp xếp chỗ ở cho phù hợp. Phòng ở phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, hợp vệ sinh môi trường. Diện tích nằm tối thiểu cho mỗi người là 2,5 m2. Người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh được nằm riêng giường hoặc sàn nằm, có chiếu, chăn, màn...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý vốn cho vay
(SMS: 200629 - Không gửi qua fax)
- Ngày 05/4/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo đó, điều kiện được vay vốn như sau: Phải có dự án vay vốn khả thi, phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; Dự án phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án; Có tài sản thế chấp, cầm cố (đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh); Phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi vay vốn thực hiện dự án (đôi với hộ gia đình)...

Cơ sở sản xuất, kinh doanh được
vay tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án; Hộ gia đình: tối đa không quá 20 triệu đồng...
Lãi suất cho vay là 0,5%/tháng; riêng các đối tượng vay vốn là người tàn tật là 0,35%/tháng. Khi lãi suất thị trường thay đổi từ 15% trở lên có thể điều chỉnh lãi suất cho vay...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý các hoạt động về khoáng sản
(SMS: 200627)
- Ngày 05/4/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 10/2005/CT-TTg về tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản.
Thủ tướng chỉ thị cần tổ chức kiểm tra hiện trạng khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn; đình chỉ ngay các hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản trái quy định của pháp luật; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong khai thác, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản; kể cả tước quyền sử dụng giấy phép theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản; thu hồi ngay các giấy phép khai thác tận thu khoáng sản được cấp không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cấp giấy phép khai thác chế biến khoáng sản trái quy định...
Tạm dừng ký kết mới các hợp đồng xuất khẩu khoáng sản rắn dưới dạng nguyên liệu thô cho đến khi có quy định mới...
Tạm dừng việc phê duyệt và cấp giấy phép khai thác tận thu đối với các khoáng sản kim loại, kể cả vàng, bạc, đá quý, trừ trường hợp khai thác tận thu ở các bãi thải, khai thác lại ở các mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ để thanh lý...


Xử lý nợ bị rủi ro
(SMS: 17984 - Không gửi qua fax)
- Ngày 04/4/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy chế này quy đinh 2 biện pháp xử lý nợ bị rủi ro là Miễn, giảm tiền vay và Xoá nợ.
Điều kiện miễn lãi tiền vay: khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa trả được nợ cho Ngân hàng nhưng vẫn còn khả năng trả nợ; Mức độ rủi ro thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng do các nguyên nhân nêu trên từ 80 đến 100% so với tổng số vốn thực hiện của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng...
Mức độ rủi ro thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng do các nguyên nhân nêu trên từ 40% đến dưới 80% so với tổng số vốn thực hiện của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng... được giảm lãi tiền vay. Số tiền giảm lãi của cho mỗi khách hàng không vượt quá 50% số lãi tiền vay tính trên thời gian cho vay trong hạn...
Trong đơn xin miễn, giảm lãi tiền vay của khách hàng nêu rõ nguyên nhân gây thiệt hại; mức độ thiệt hại về vốn và tài sản; khả năng trả nợ; số tiền lãi còn phải trả Ngân hàng; số tiền lãi xin miễn, giảm lãi...

Hồ sơ xoá nợ cho khách hàng phải phản ánh rõ nguyên nhân dẫn đến rủi ro không trả được nợ; mức độ thiệt hại về vốn và tài sản; khả năng trả nợ; số tiền gốc và lãi đang còn nợ Ngân hàng; số tiền gốc và lãi xin xoá nợ...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ em
(SMS: 200633 - Không gửi qua fax) - Ngày 06/4/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26/2005/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.
Theo đó, trường hợp các cơ sở y tế công lập có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh sử dụng dịch vụ và kỹ thuật cao mà gia đình bệnh nhân có nhu cầu sử dụng thì cơ sở y tế công lập được thu của gia đình bệnh nhân khoản chênh lệch giữa chi phí dịch vụ và kỹ thuật cao theo yêu cầu và mức thanh toán viện phí hiện hành. Khoản chênh lệch này các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân phối sử dụng như các khoản thu viện phí...
Các chứng từ liên quan đến việc chi tiêu kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi tại các cơ sở y tế công lập được lưu riêng để phục vụ cho công tác tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi được thuận lợi. Các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí này đúng mục đích, đúng đối tượng và bảo đảm tính chính xác, hợp pháp của chứng từ quyết toán...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý tài chính
(SMS: 200632 - Không gửi qua fax) - Ngày 01/4/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện qui chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo quyết định số 180/2002/QĐ-TTg.
Theo đó, Ngân hàng được cấp vốn điều lệ khi thành lập là 5000 tỷ đồng. Việc huy động các nguồn vốn trong nước với lãi suất thị trường để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách phải đảm bảo nguyên tắc chỉ huy động khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc huy động với lãi suất thấp...
Việc đầu tư, mua sắm vào tài sản cố định theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có và phải chấp hành đầy đủ các qui định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng...
Ngân hàng được hạch toán vào chi phí khoản dự phòng rủi ro về tỷ giá đối với những khoản vốn huy động nước ngoài theo qui định của Chính phủ để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Việc trích lập khoản dự phòng rủi ro về tỷ giá chỉ được thực hiện khi tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá cao hơn tỷ giá đang hạch toán tại sổ sách kế toán...
Mức trích lập Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng hàng năm được tính bằng 0,02% trên số dư nợ bình quân năm...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Chi phí đầu tư xây dựng
(SMS: 200613 - Không gửi qua fax) - Ngày 01/4/2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2005/TT-BXD hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình.
Theo Thông tư này, việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình phải đảm bảo mục tiêu và hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng, đồng thời phải đơn giản, rõ ràng và dễ thực hiện. Khi lập chi phí đầu tư  xây dựng công trình phải đảm bảo tính đúng, đủ, hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường. Đối với dự án có sử dụng ngoại tệ thì phần ngoại tệ được ghi theo đúng nguyên tệ trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán, quyết toán công trình làm cơ sở cho việc quy đổi vốn đầu tư và là cơ sở để tính tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán xây dựng công trình theo nội tệ...
Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư được tính theo khối lượng phải đền bù, tái định cư của dự án và các quy định hiện hành của Nhà nước về giá đền bù và tái định cư tại địa phương nơi xây dựng công trình, chi phí thuê đất thời gian xây dựng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật (nếu có)... Chi phí quản lý dự án và chi phí khác được tính theo các quy định hiện hành hoặc có thể ước tính bằng 10%
¸ 15% của tổng chí phí xây dựng và thiết bị...
Chi phí xây dựng nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công được khoán trong dự toán và tính bằng 2% giá trị dự toán chi phí xây dựng đối với công trình mới khởi công ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, công trình đi theo tuyến ngoài đô thị và vùng dân cư (Đường dây tải điện và trạm biến thế, đường dây thông tin bưu địên, đường giao thông, hệ thống đường ống, cấp thoát nước, kênh, đê đập) và bằng 1% đối với các công trình khác...
Khi điều chỉnh dự án không làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư và không vượt tổng mức đầu tư trong dự án đã phê duyệt thì Chủ đầu tư được phép tự điều chỉnh dự án. Trường hợp điều chỉnh dự án làm thay đổi thiết kế cơ sở hoặc vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt thì Chủ đầu tư phải trình Người quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Những nội dung thay đổi phải được thẩm định lại...

Thông tư này áp dụng thống nhất trong cả nước và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC THUẾ


Xử lý vướng mắc về thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
(SMS: 200630)
- Theo Công văn số 1010/TCT/TNCN ra ngày 04/4/2005 về việc xử lý vướng mắc trong quyết toán thuế và thoái trả thuế TNCN năm 2004, Tổng cục Thuế hướng dẫn: trường hợp cá nhân lập hồ sơ thoái trả thuế năm 2004, có thu nhập chịu thuế phát sinh năm 2004 đã khấu trừ thuế nhưng đầu năm 2005 cơ quan chi trả thu nhập mới cấp biên lai, chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân hoặc trường hợp cá nhân có thu nhập phát sinh cuối năm 2004 nhưng thời điểm nộp thuế vào NSNN qua Kho bạc vào tháng 1/2005, nếu trên biên lai, chứng từ, giấy nộp tiền vào NSNN ghi rõ là khấu trừ thuế, nộp thuế của khoản thu nhập phát sinh của năm 2004 thì các chứng từ này cũng được làm căn cứ xét thoái trả thuế năm 2004 cho cá nhân...
Đối với đối tượng nộp thuế là người Việt Nam trong năm quyết toán thuế vừa có thời gian làm việc và có thu nhập tại Việt Nam đồng thời vừa có thời gian công tác, làm việc và có thu nhập ở nước ngoài thì khi lập tờ khai quyết toán thuế phải bổ sung bảng kê chi tiết về số ngày làm việc tại nước ngoài (căn cứ theo thời gian xuất, nhập cảnh ghi trên hộ chiếu của cá nhân)...


Thu tiền sử dụng đất
(SMS: 200631)
- Theo Công văn số 990/TCT/TS ra ngày 04/4/2005, Tổng cục Thuế hướng dẫn: trường hợp tổ chức kinh tế đã thực hiện xong toàn bộ việc đền bù, bồi thường thiệt hại về đất theo đúng quy định cho người có đất bị thu hồi thì tính thu tiền sử dụng đất, quyết toán tiền sử dụng đất trên toàn bộ diện tích đất được giao theo giá đất quy định tại thời điểm đơn vị nộp hồ sơ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Trường hợp đất đã được sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 là đất phi nông nghiệp (UBND phường, xã, thị trấn xác nhận đúng loại đất phi nông nghiệp, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch) và khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phi nông nghiệp (đất ở, đất sản xuất kinh doanh, dịch vụ...) thì không thu tiền sử dụng đất...