Số 12.2011 (521) ngày 22/03/2011

 

SỐ 12 (521) - THÁNG 3/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

CHÍNH PHỦ

 

1

18/2011/NĐ-CP

Nghị định 18/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/03/2010 của Chính phủ…

 

* Có con riêng vẫn được sinh thêm 1 - 2 con

Trang 2

2

18/2011/QĐ-TTg

Quyết định 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 

* Tặng quà 400.000đ/năm cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trang 2

3

17/2011/QĐ-TTg

Quyết định 17/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ

 

* Có 6 loại tin báo bão và 3 loại tin báo lũ 

Trang 2

4

369/QĐ-TTg

Quyết định 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm…

 

* Hỗ trợ 425 tỷ đồng cho sự nghiệp văn học nghệ thuật, báo chí 

Trang 3

5

365/CT-TTg

Chỉ thị 365/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

 

* Kiên quyết phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Trang 3

BỘ TÀI CHÍNH

 

 

 

6

36/2011/TT-BTC

Thông tư 36/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh…

 

* Quà biếu dưới 5 triệu không phải làm thủ tục xét miễn thuế 

Trang 3

7

35/2011/TT-BTC

Thông tư 35/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ viễn thông

 

* Nộp thuế GTGT 2% trên doanh thu dịch vụ viễn thông cước trả sau 

Trang 4

8

32/2011/TT-BTC

Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

 

* Từ 01/5, chính thức được sử dụng hóa đơn điện tử 

Trang 4

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

 

 

 

9

01/2011/TT-BKHCN

Thông tư 01/2011/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của Tổ chức Khoa học và Công nghệ…

 

* Buộc cấp lại Giấy chứng nhận hoạt động KH&CN có vốn nước ngoài

Trang 4

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

 

 

10

10/2011/TT-BNNPTNT

Thông tư 10/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 24/2010/TT-BNNPTNT…

 

* Thêm 328 loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam 

Trang 5

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 02/2011, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS02/2011 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

CÓ CON RIÊNG VẪN ĐƯỢC SINH THÊM 1 - 2 CON 

Ngày 17/3/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2011/NĐ-CP, sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số.

Theo đó, các trường hợp không vi phạm quy định sinh 1 hoặc 2 con được mở rộng hơn. Cụ thể, đối với những cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ) được phép sinh 1 hoặc 2 con nếu 1 trong 2 người đã có con riêng (con đẻ); sinh 1 con
 

 

hoặc 2 con trở lên trong 1 lần sinh, nếu cả 2 người đã có con riêng (con đẻ), quy định này không áp dụng cho trường hợp 2 người đã từng có 2 con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

Như vậy, với việc sửa đổi, bổ sung quy định này, các cặp vợ chồng đã từng có con riêng sẽ không bị giới hạn số lần sinh tối đa là 1 như quy định trước đây.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực từ ngày 12/5/2011.

TẶNG QUÀ 400.000Đ/NĂM CHO NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG
ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Ngày 18/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (sau đây gọi là người có uy tín).

Người có uy tín là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú vùng dân tộc thiểu số; được nhân dân nơi cư trú bầu chọn là người gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú; được chính quyền xã xác nhận là người có nhiều công lao, đóng góp xây dựng và bảo vệ địa phương nơi cư trú.

Chính sách với người có uy tín được cụ thể bằng việc hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, cung cấp thông tin và bồi dưỡng kiến thức, trong đó, người có uy tín được cấp ủy, chính quyền địa phương thăm hỏi, tặng quà dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số; thăm hỏi hỗ trợ vật chất khi ốm đau, mức chi tối đa

 

không quá 400.000 đồng/người/năm.

Ngoài ra, hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn, thân nhân chết do hậu quả thiên tai được cấp ủy, chính quyền các cấp đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng đối với cơ quan Trung ương; không quá 1 triệu đồng đối với cơ quan cấp tỉnh và không quá 500.000 đồng đối với cơ quan cấp huyện.

Cũng theo Quyết định này, người có uy tín tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương mà bị thương hoặc hi sinh, được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận là thương binh hoặc liệt sỹ và được hưởng chế độ ưu đãi đối với ngưới có công với cách mạng theo quy định của pháp luật hiện hành…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/5/2011.

CÓ 6 LOẠI TIN BÁO BÃO VÀ 3 LOẠI TIN BÁO LŨ

Theo Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quyết định số 17/2011/QĐ-TTg ngày 14/3/2011, sẽ có 6 loại tin báo bão và 3 loại tin báo lũ. 

Cụ thể, 06 loại tin báo bão gồm: tin bão gần Biển Đông, tin bão trên Biển Đông, tin bão gần bờ, tin bão khẩn cấp, tin bão trên đất liền và tin cuối cùng về cơn bão (theo quy định trước đây, chỉ có 05 loại tin báo bão là: tin bão xa, tin bão trên Biển Đông, tin bão gần bờ, tin bão khẩn cấp, tin cuối cùng về bão).

Trong đó, tin bão gần Biển Đông được phát khi bão hoạt động ngoài Biển Đông và có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong 48 giờ tới. Tin bão khẩn cấp được phát khi vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta từ 300-500 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta trong 48 giờ tới, hoặc vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền nước ta dưới 300 km.

Cũng theo Quy chế này, có 03 loại tin báo lũ là: tin cảnh báo lũ, tin lũ và tin lũ khẩn cấp (theo quy định trước đây, chỉ có 2 loại tin báo lũ là thông báo lũ và thông báo lũ khẩn cấp). 

 

Trong đó, tin cảnh báo lũ được phát khi phát hiện mưa to hoặc rất to có khả năng gây lũ; hoặc khi xuất hiện lũ bất thường. Tin lũ được phát khi mực nước trong sông đạt mức báo động II và còn tiếp tục lên, hoặc khi mực nước trong sông đã xuống, nhưng vẫn còn cao hơn mức báo động II. Khi mực nước trong sông đạt mức báo động III và còn tiếp tục lên, hoặc khi mực nước trong sông đã xuống, nhưng vẫn còn cao hơn mức báo động III thì phát tin lũ khẩn cấp.

Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, tin bão trên biển Đông, tin bão gần bờ, tin bão khẩn cấp, tin bão trên đất liền mỗi ngày ra 8 bản tin chính vào 3 giờ 30, 5 giờ 30, 9 giờ 30, 11 giờ 30, 14 giờ 30, 17 giờ 30, 21 giờ 30 và 23 giờ 30.

Thủ tướng yêu cầu Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam khi nhận được tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, tin bão gần Biển Đông,... phải tổ chức phát tin theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/5/2011 và thay thế Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006.

HỖ TRỢ 425 TỶ ĐỒNG CHO SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
NGHỆ THUẬT, BÁO CHÍ

Ngày 14/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật (VHNT), báo chí ở Trung ương và các Hội VHNT địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT, báo chí ở Trung ương, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương và Hội Nhà báo Việt Nam với tổng kinh phí dự kiến là 425 tỷ đồng.

Mục tiêu của toàn bộ Đề án nhằm hỗ trợ hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực, văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ

 

dân gian, văn nghệ dân tộc thiểu số, báo chí ở Trung ương và các Hội VHNT ở địa phương; hỗ trợ sáng tạo để có những tác phẩm, công trình có chất lượng cao, có chất lượng cao nhưng chưa được đầu tư; hỗ trợ tác phẩm chất lượng cao ở địa phương tập trung vào các đề tài lớn.

Thủ tướng cũng giao Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam làm đầu mối tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm ở Trung ương và địa phương; làm đầu mối phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các quy định về hỗ trợ ở Trung ương và địa phương theo các quy chế, quy định hiện hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

KIÊN QUYẾT PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM

Ngày 14/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 365/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong đó nhấn mạnh nguyên nhân chính để dịch bệnh xảy ra trong thời gian gần đây trên diện rộng, kéo dài là do chủ quan, lơ là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ý thức chấp hành của người chăn nuôi trong phòng chống dịch.

Vì vậy, để khống chế, dập tắt ngay dịch bệnh lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, kiên quyết không để dịch lây lan rộng, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt tại các địa phương đang có dịch; phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và tới tận thôn, bản.

Việc tiêu hủy hoặc giết mổ gia cầm phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ và thực hiện theo quy định của cơ quan chuyên môn; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.

 

Đối với các địa phương chưa có dịch phải chủ động và kiên quyết chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng dịch thường xuyên theo quy định. Khi phát hiện có bệnh dịch phải công bố công khai, đồng thời bao vây ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm mắc bệnh ra ngoài vùng dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan.

Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành lập ngay các đoàn đi kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các địa phương và báo cáo kịp thời kết quả phòng, chống dịch; hướng dẫn và bổ sung các biện pháp phòng chống dịch cụ thể đối với từng loại bệnh. 

Bộ NN&PTNT cũng có trách nhiệm chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xuất dự trữ quốc gia vắc xin lở mồm, long móng, thuốc sát trùng để hỗ trợ ngay cho các địa phương phòng, chống dịch khẩn cấp và bổ sung đủ cơ số theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia... 

QUÀ BIẾU DƯỚI 5 TRIỆU KHÔNG PHẢI LÀM THỦ TỤC XÉT MIỄN THUẾ

Ngày 16/3/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 36/2011/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ. 

Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được làm thủ tục hải quan tại các địa điểm làm thủ tục hải quan do Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện. Phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh được làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu do Chi cục Hải quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Cầu Treo, Lao Bảo và Mộc Bài thực hiện.

Hàng hóa nhập khẩu được phân thành 3 luồng để kiểm tra hải quan, trong đó luồng 1 (màu xanh) bao gồm hàng hóa nhập khẩu là tài liệu, chứng từ thương mại…; luồng 2 (màu vàng) là hàng hóa phải nộp thuế có giá khai báo đến 20 triệu đồng; luồng 3 (màu đỏ) bao gồm hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục quản lý chuyên ngành, nhập khẩu có điều kiện, giá trị khai báo trên 20 triệu đồng. 

 

Doanh nghiệp thay mặt chủ hàng trực tiếp làm thủ tục hải quan cho từng chuyến hàng được vận chuyển đến địa điểm làm thủ tục hải quan, việc khai hải quan bao gồm cả phân luồng hàng hóa theo quy định nêu trên. 

Riêng hàng quà biếu tặng, hàng mẫu gửi cho tổ chức, thương nhân tại Việt Nam có giá trị tính thuế dưới 05 triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 50 ngàn đồng không phải làm thủ tục xét miễn thuế, thực hiện khai hải quan và kiểm tra hải quan theo quy định đối với hàng hóa không phải nộp thuế. 

Cũng theo Thông tư này, hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa phải nộp thuế, hàng hóa thuộc danh mục quản lý chuyên ngành, hàng hóa xuất khẩu có điều kiện, mặt hàng thuộc diện kiểm tra trọng điểm theo quy định thì thực hiện kiểm tra thực tế bằng thiết bị máy soi hàng… 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/4/2011, bãi bỏ Quyết định số 93/2008/QĐ-BTC ngày 29/10/2008 của Bộ Tài chính.

NỘP THUẾ GTGT 2% TRÊN DOANH THU DỊCH VỤ
VIỄN THÔNG CƯỚC TRẢ SAU

Ngày 15/3/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 35/2011/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ viễn thông (DVVT).

Trong đó, cơ sở kinh doanh DVVT có kinh doanh DVVT cước trả sau khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính và thành lập chi nhánh hạch toán phụ thuộc nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì thực hiện khai, nộp thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính (hoặc cả tại cơ quan thuế địa phương nơi đóng trụ sở chính và nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc).

Số thuế GTGT phải nộp tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc được xác định theo tỷ lệ 2% trên doanh thu chưa có thuế GTGT (áp dụng đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau chịu thuế GTGT 10%). 

Cũng theo Thông tư này thì hàng tháng, sau khi hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông, cơ sở kinh doanh DVVT lập hóa đơn GTGT và thực hiện khai nộp thuế GTGT theo quy định. Thời hạn hoàn thành việc đối soát 

 

thực hiện theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh DVVT nhưng chậm nhất không quá 02 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.

Trường hợp các cơ sở kinh doanh DVVT hoàn thành đối soát chậm dẫn đến lập hóa đơn GTGT cung cấp dịch vụ kết nối viễn thông sau thời hạn trên thì doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế; thời điểm tính phạt chậm nộp thuế GTGT kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cước dịch vụ kết nối viễn thông phải hoàn thành việc đối soát.

Đối với hàng hóa và dịch vụ do cơ sở kinh doanh DVVT mua để đầu tư cho toàn hệ thống viễn thông thì cơ sở kinh doanh thực hiện phân bổ số thuế GTGT cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc kinh doanh dịch vụ viễn thông nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ để khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT tại cơ quan thuế địa phương quản lý trực tiếp đơn vị hạch toán phụ thuộc…  

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2011.
 

TỪ 01/5, CHÍNH THỨC ĐƯỢC SỬ DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ

Ngày 14/3/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.  

Theo quy định trong Thông tư này, hóa đơn điện tử được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hóa dịch vụ và được lưu giữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Hóa đơn đã lập dưới dạng giấy nhưng được xử lý, truyền hoặc lưu giữ bằng phương tiện điện tử không phải là hóa đơn điện tử.

Hóa đơn điện tử chỉ có giá trị pháp lý khi thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện là: Có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong hóa đơn; và thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết. 

Trường hợp người bán lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán có trách nhiệm thông báo cho người mua về định

 

dạng hóa đơn điện tử, cách thức truyền nhận hóa đơn điện tử.

Để được khởi tạo hóa đơn điện tử, doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng các điều kiện như: Đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế với cơ quan thuế hoặc trong hoạt động ngân hàng; Có đội ngũ người thực thi đủ trình độ, khả năng tương xứng với yêu cầu khởi tạo, lập và sử dụng hóa đơn điện tử; Có chữ ký điện tử; Có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán… 

Doanh nghiệp trước khi khởi tạo hóa đơn điện tử phải ra quyết định áp dụng hóa đơn điện tử, trước khi sử dụng hóa đơn điện tử thì phải lập Thông báo phát hành hóa đơn điện tử gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp… 

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/5/2011; ngoài các nội dung hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này, các nội dung khác được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010.

BUỘC CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN HOẠT ĐỘNG KH&CN
CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BKHCN ngày 16/3/2011 hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam. 

Theo đó, tổ chức KH&CN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định số 80/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 (Nghị định 80), trong đó: Điều lệ hoạt động của tổ chức phải có đầy đủ các nội dung cơ bản, lĩnh vực hoạt động được ghi rõ ràng, cụ thể, phù hợp với quy định…  

Đối với trường hợp tổ chức KH&CN liên doanh giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài, số vốn của phía nước ngoài phải chiếm ít nhất 10% tổng số vốn đăng ký hoạt động của tổ chức và không được thấp hơn 100 triệu đồng. 

Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam được thành lập khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Tổ chức KH&CN nước ngoài được pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đó thành lập công nhận hợp pháp; Đã hoạt động từ 01 năm trở lên (đối với trường hợp thành lập văn phòng đại diện), hoặc 05 năm trở lên (đối với trường hợp thành lập chi nhánh), kể

 

từ khi được thành lập… 

Cũng theo Thông tư này, Văn phòng Đăng ký hoạt động KH&CN có trách nhiệm thực hiện rà soát các Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN đã cấp trước ngày 30/4/2011 và thông báo bằng văn bản cho tổ chức KH&CN có vốn của nước ngoài để đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN theo quy định. 

Thông báo của Bộ KH&CN gửi tổ chức KH&CN tối đa 03 lần, mỗi lần cách nhau 30 ngày; nếu quá thời hạn này mà tổ chức KH&CN có vốn của nước ngoài không thực hiện thủ tục đăng ký cấp lại, Bộ trưởng Bộ KH&CN làm thủ tục huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN theo quy định. 

Các văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp Giấy phép thành lập vẫn được tiếp tục hoạt động theo đúng nội dung quy định trong Giấy phép. 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 30/4/2011; bãi bỏ quy định về thành lập tổ chức KH&CN có vốn của nước ngoài tại điểm a, khoản 2, Điều 1 Thông tư số 02/2010/TT-BKHCN ngày 18/3/2010.
 

THÊM 328 LOẠI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐƯỢC
SỬ DỤNG TẠI VIỆT NAM

Ngày 11/3/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 10/2011/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 24/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 và Thông tư 46/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam. 

Thông tư sửa đổi tên tổ chức xin đăng ký, sửa đổi tên thuốc, dạng thuốc, đối tượng phòng trừ, cách ghi hàm lượng; Đăng ký chính thức 7 trường hợp (gồm 05 loại thuốc trừ sâu, 01 loại thuốc trừ bệnh, 01 loại thuốc trừ cỏ) và Đăng ký bổ sung 328 trường hợp (gồm 164 loại thuốc trừ sâu, 116 loại thuốc trừ bệnh, 26 loại thuốc trừ cỏ, 13 loại thuốc điều hòa sinh trưởng, 08 loại thuốc trừ ốc, 01 loại thuốc trừ chuột) vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. 
 

 

07 loại thuốc đăng ký chính thức là các thuốc để diệt bọ xít trên vải của Lionchem Co., Ltd, Công ty TNHH An Nông; Thán thư trên vải của Lionchem Co., Ltd; Nhện đỏ trên cam do Công ty TNHH Alfa xin đăng ký; sâu cuốn lá lúa của Công ty TNHH TM - SX Ngọc Yến; sâu vẽ bùa trên cam của Sundat (S) PTe Ltd và thuốc diệt cỏ trên sân golf do VPĐD Công ty Syngenta Asia Pacific Pte Ltd tại Đồng Nai xin đăng ký. 

Việc xuất khẩu, nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật theo Thông tư này được thực hiện theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2011.

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.