Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực Internet (SMS: 532348) - Ngày 20/03/2009, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Nghị định nêu rõ, các hành vi vi phạm quy định về giấy phép, thiết lập mạng Internet dùng riêng, cung cấp dịch vụ Internet, sử dụng dịch vụ Internet, đại lý Internet, sử dụng, đăng ký, cung cấp tên miền tên miền Internet, trang thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, trò chơi trực tuyến... đều bị xử phạt hành chính. Mức phạt hành chính trong lĩnh vực Internet tối đa là 70 triệu đồng. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài hình thức cảnh cáo, phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc thu hồi tên miền, địa chỉ Internet, số hiệu mạng... Người nước ngoài vi phạm thậm chí có thể bị trục xuất. Các vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ Internet như: ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Interrnet mà không thông báo cho người sử dụng biết trước (trừ trường hợp bất khả kháng), từ chối cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng phân biệt đối xử với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Interrnet... mức xử phạt là từ 5 đến 10 triệu đồng. Trường hợp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến mà chưa có xác nhận hợp lệ của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Mức phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không thực hiện ngăn chặn và loại bỏ thông tin vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định. Nếu cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến hoặc làm đại lý cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam khi chưa được phép hoặc để người sử dụng cung cấp các nội dung trong trò chơi và trên diễn đàn của trò chơi những nội dung vi phạm các điều bị cấm sẽ bị phạt từ 30 triệu đến 50 triệu đồng. Với đại lý Internet, sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng nếu không bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, hệ thống thiết bị Internet không bảo đảm an ninh thông tin, mở cửa cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngoài giờ quy định... Vi phạm các quy định về thiết lập mạng Internet dùng riêng, chẳng hạn như kết nối trực tiếp các mạng Internet dùng riêng, mức phạt cao nhất tới 20 triệu đồng. Nghị định cũng quy định chi tiết việc xử phạt đối với các vi phạm về giấy phép; sử dụng, đăng ký, cung cấp tên miền Internet; tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ Internet; giá cước, phí, lệ phí; trang thông tin điện tử; an ninh thông tin. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/05/2009.
Triển khai thi hành Pháp lệnh Công an xã (SMS: 532366) - Để triển khai có hiệu quả Pháp lệnh Công an xã có hiệu lực từ ngày 01/07/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh tại Quyết định số 367/QĐ-TTg ra ngày 20/03/2009. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương tổ chức quán triệt nội dung Pháp lệnh Công an xã tới toàn thể cán bộ chiến sĩ công an nhân dân; tổ chức tập huấn chuyên sâu về Pháp lệnh Công an xã, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng công an xã... Bộ Công an chủ trì, sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã; ban hành thông tư quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết thi hành nghị định và pháp lệnh này. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng công an xã. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương tuyên truyền rộng rãi Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp tiến hành kiểm tra, rà soát các văn bản QPPL và các văn bản khác thuộc lĩnh vực quản lý liên quan đến công an xã để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những nội dung trái với Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh... Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức (SMS: 532335) - Ngày 20/03/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 365/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức. Theo Kế hoạch được phê duyệt này, các Bộ, ngành và địa phương tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, thống kê những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để phù hợp với Luật Cán bộ, công chức (CBCC). Để triển khai Luật CBCC, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật CBCC. Cụ thể, tổ chức các hội nghị nhằm truyên truyền, phổ biến Luật CBCC và các văn bản quy định chi tiết Luật CBCC; mở các lớp tập huấn về những điểm mới và văn bản quy định chi tiết Luật CBCC. Từ nay đến tháng 5/2009, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền đã ban hành cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ khi thực hiện Luật CBCC; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ khi thực hiện Luật CBCC trong tháng 6/2009. Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng 12 nghị định quy định chi tiết Luật CBCC như: Nghị định quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với công chức; Nghị định quy định những người là công chức trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định quy định việc áp dụng Luật CBCC đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác trong các doanh nghiệp nhà nước; người được Nhà nước cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước... Xây dựng đề án thí điểm tổ chức thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; đề án về phương pháp xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức; cơ chế chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng. Bộ Nội vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai Luật CBCC… Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện (SMS: 532338) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2009/NĐ-CP ngày 19/03/2009 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01/04/2004 quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp. Theo đó, đối với huyện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND có dân số dưới 150.000 người hoặc diện tích dưới 1.000 km2 và huyện có dưới 30 đơn vị hành chính cấp xã thì UBND huyện sẽ có 7 thành viên gồm 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 3 Ủy viên. Đối với huyện có dân số từ 150.000 người hoặc có diện tích từ 1.000km2 trở lên và huyện có hơn 30 đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND thì số lượng thành viên UBND, gồm 9 thành viên (1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 5 Ủy viên). Căn cứ vào năng lực cán bộ, địa bàn quản lý và điều kiện thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND huyện phân công nhiệm vụ đối với từng Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2009 đến khi kết thúc việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. |
Điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi sắt thép (SMS: 532398) - Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và thép xây dựng trong nước trước tình hình biến động giá thế giới đối với mặt hàng này ngày càng giảm, nhiều nước bán hạ giá để đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước khác, ngày 25/03/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58/2009/TT-BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng sắt thép trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu như sau: Phôi thép (thuộc nhóm 7207) tăng từ 5% lên 8%; Thép cuộn cán nguội (thuộc nhóm 7209) tăng từ 7% lên 8%; Sơn phủ màu (thuộc nhóm 7210) tăng thêm từ 1% đến 2% tương ứng; Thép xây dựng (thuộc các nhóm 7213, 7214, 7215) tăng từ 12% lên 15%; Dây thép cacbon (thuộc mã 7217.10.10.00 và 7217.10.29.00) tăng từ 8% và 5% lên 10%;Ống thép hàn (thuộc mã 7306.30.90.90) tăng từ 8% lên 10%. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng cho các Tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 01/04/2009.
Quy định về bình ổn giá xăng dầu (SMS: 532380) - Ngày 23/03/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2009/TT-BTC quy định về cơ chế hình thành, sử dụng và quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo quy định tại Thông tư này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được tính toán dựa trên nguyên tắc giá nhập khẩu tại thị trường Singapore (giá Platt’s Singapore) cộng thêm các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế, phí... Trong đó, phí đối với mỗi lít xăng, dầu hỏa, diezel tối đa là 600 đồng/lít, mazut 400 đồng/kg cộng thêm lợi nhuận tối đa 300 đồng/lít (kg) và một khoản tiền trích cho Quỹ bình ổn giá khoảng 500 đồng/lít. Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao hơn, hoặc xuống thấp hơn, doanh nghiệp được phép trích khoản chi phí cao hơn mức quy định, hoặc tạm thời chưa trích cho phù hợp với tình hình thị trường. Tổng mức trích, lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được cộng dồn từ mức trích quy định trên của tổng khối lượng xăng dầu thực tế đã bán trong tháng, trong năm. Doanh nghiệp không được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm giá bán xăng, dầu. Khi giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới (giá Platt’s Singapore) bình quân của tháng giảm, làm cho giá vốn do doanh nghiệp tính giảm hơn giá bán trong nước hiện hành tối đa đến 500 đồng/lít (kg) của từng loại xăng, dầu, doanh nghiệp giữ ổn định giá bán hiện hành. Sau thời gian này, nếu giá vốn giảm vượt trên 500 đồng/lít (kg) so với giá bán trong nước hiện hành, doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá bán tính từ mốc giá vốn giảm vượt trên 500 đồng/lít (kg). Khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới (giá Platts Singapore) bình quân của tháng tăng, làm giá vốn do doanh nghiệp tính tăng cao hơn giá xăng dầu bán trong nước, các doanh nghiệp giữ ổn định giá bán; khoản chênh lệch lỗ phát sinh sẽ được bù đắp từ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Sau thời gian giữ ổn định giá bán trên, nếu giá thị trường thế giới vẫn giữ ở mức thấp, hoặc ổn định, làm cho giá vốn ngang bằng hoặc thấp hơn giá bán hiện hành tối đa 500 đồng/lít (kg), doanh nghiệp tiếp tục giữ ổn định giá bán trong nước. Nếu giá thị trường thế giới tiếp tục tăng cao hơn, làm cho giá vốn doanh nghiệp cao hơn so với giá bán hiện hành của từng loại xăng dầu, doanh nghiệp được quyền tăng giá bán nhưng tối đa từng lần không vượt quá 500 đồng/lít (kg). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Lập quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài (SMS: 532328) - Ngày 18/03/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 54/2009/TT-BTC hướng dẫn lập, sử dụng và quản lý quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài. Theo đó, Chính phủ giao các cơ quan chức năng thành lập Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài. Quỹ tích lũy duy trì mức dự trữ tối thiểu bằng ngoại tệ dựa trên biến động nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ trong từng năm. Mức dự trữ tối thiểu được tính bằng 50% tổng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm của các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. Nguồn thu của quỹ tích lũy từ các khoản thu hồi vốn cho vay lại bao gồm: gốc, lãi cho vay lại từ nguồn vốn ODA và các khoản vay nước ngoài khác của Chính phủ; phí vay phải trả nước ngoài (phí bảo hiểm, phí cam kết, phí quản lý...) trong trường hợp ngân sách Nhà nước trả cho nước ngoài theo các hiệp định vay; các khoản thu phí bảo lãnh và các khoản thu hồi nợ theo quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; lãi tiền gửi và các khoản thu khác từ sử dụng vốn nhàn rỗi của quỹ tích lũy. Quỹ tích lũy sẽ được sử dụng để hoàn trả ngân sách Nhà nước các khoản mà ngân sách đã ứng thanh toán trả nợ nước ngoài cho các khoản vay về cho vay lại và ứng trả thay các dự án vay có bảo lãnh Chính phủ. Phần chênh lệch giữa thu và chi của Quỹ là nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, sau khi đã đạt mức dự trữ tối thiểu của Quỹ tích lũy có thể được dùng cho các mục đích theo thứ tự ưu tiên sau đây: Tạm ứng cho Ngân sách Nhà nước; Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam vay có kỳ hạn tối đa không quá 3 năm; Sử dụng dịch vụ Quản lý tài sản của các Ngân hàng thương mại lớn, các tổ chức tài chính trong nước có uy tín và các Ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; Sử dụng vào các mục đích cơ cấu lại nợ, hỗ trợ các dự án cho vay lại hoặc vay có bảo lãnh chính phủ gặp khó khăn tạm thời để đảm bảo khả năng trả nợ theo các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các khoản vốn nhàn rỗi của Quỹ tích lũy trong khi chưa sử dụng cho các mục đích nêu trên sẽ được gửi có kỳ hạn tại các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính của Việt Nam trên cơ sở chào lãi suất cạnh tranh với mục tiêu đảm bảo tính thanh khoản, tính an toàn và hiệu quả cho Quỹ tích lũy. Quy trình gửi tiền được thực hiện theo Phụ lục 1 đính kèm Thông tư này. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. |
Hướng dẫn triển khai thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện (SMS: 532346) - Nhằm hướng dẫn cụ thể các quy định liên quan đến chủ trương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, ngày 19/03/2009, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 02/2009/TT-BNV. Theo đó, chế độ, chính sách đối với cán bộ trong quá trình thực hiện thí điểm được thực hiện như sau: Các đại biểu HĐND huyện, quận, phường nhiệm kỳ 2004 - 2009 tại nơi thí điểm không tổ chức HĐND kết thúc nhiệm vụ đại biểu HĐND ở các đơn vị đó kể từ ngày 25/04/2009. Chế độ, chính sách đối với các đại biểu HĐND khi hết nhiệm kỳ hoạt động theo quy định tại Nghị quyết 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/04/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân và các văn bản hiện hành quy định chế độ, chính sách đối với đại biểu Hội đồng nhân dân. Đối với người giữ các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, quận; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phường nhiệm kỳ 2004 - 2009 được xem xét, bố trí vị trí công tác phù hợp, có xem xét đến việc bổ nhiệm vào các chức danh của UBND cùng cấp. Trường hợp người giữ các chức danh nêu trên được bổ nhiệm giữ chức lãnh đạo khác, nếu có mức phụ cấp chức vụ mới thấp hơn mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo mới; từ tháng 7 trở đi hưởng mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo mới. Trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo nêu trên, được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo; từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Nếu thôi giữ chức danh để nghỉ hưu theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2009.
|