Số 12.2007 (317) ngày 30/03/2007

 QUỐC HỘI


Sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính
(SMS: 20911)
- Ngày 08/3/2007, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 31/2007/PL-UBTVQH11.
Pháp lệnh này bãi bỏ các quy định về quản chế hành chính của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì chấm dứt việc áp dụng biện pháp quản chế hành chính; trường hợp đang xem xét áp dụng biện pháp quản chế hành chính thì chấm dứt việc xem xét; trường hợp đã ra quyết định mà chưa thi hành thì huỷ bỏ quyết định đó; trường hợp quyết định đang được thi hành thì chấm dứt việc thi hành.
 

 CHÍNH PHỦ


Chế độ tài chính đối với doanh nghiệp hoạt động bảo hiểm
(SMS: 202537)
- Ngày 27/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2007/NĐ-CP quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Theo đó, mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định như sau: kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ: 300 tỷ đồng; nhân thọ: 600 tỷ đồng; môi giới bảo hiểm: 04 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải luôn duy trì mức vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định và phải được bổ sung tương xứng với nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, doanh nghiệp phải sử dụng một phần vốn điều lệ đã góp để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Tiền ký quỹ được hưởng lãi theo thoả thuận với ngân hàng nơi ký quỹ. Mức tiền ký quỹ của doanh nghiệp bằng 2% vốn pháp định...
Khoản tiền dùng để bồi thường bảo hiểm thường xuyên trong kỳ đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ không thấp hơn 25% tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và được gửi tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam; đối với nhân thọ là 5%...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách phát triển thị trường bảo hiểm
(SMS: 202528)
- Ngày 27/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Theo đó, tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, hoạt động môi giới bảo hiểm tại Việt Nam phải được Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm...
Các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài hoặc liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài muốn được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cần phải được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép và phải đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cần có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ USD (hoặc đã hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm gần nhất) và không vi phạm các quy định pháp luật trong vòng 3 năm liền kề gần nhất...
Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, trong thời hạn 30 ngày, doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải công khai những thông tin về doanh nghiệp như: tên, địa chỉ trụ sở chính, Chi nhánh, Văn phòng đại diện; nội dung, phạm vi và thời gian hoạt động; họ tên người đại diện pháp luật của doanh nghiệp; số Giấy phép và ngày cấp Giấy phép thành lập và hoạt động; các nghiệp vụ bảo hiểm, nghiệp vụ môi giới bảo hiểm được phép kinh doanh trên các báo hàng ngày của Trung ương và địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong 5 số báo liên tiếp.
Mọi thay đổi trong nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm này đều phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính.
Nhà nước tạo lập môi trường pháp lý kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành bảo hiểm và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện để Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tăng cường vai trò tự quản trong lĩnh vực bảo hiểm; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh vì quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về sĩ quan, hạ sĩ quan
(SMS: 202535)
- Ngày 26/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân.
Theo đó, sĩ quan được xét kéo dài tuổi phục vụ khi có đủ các điều kiện sau đây: đơn vị trực tiếp sử dụng sĩ quan hoặc đơn vị khác thực sự có nhu cầu; có phẩm chất tốt, sức khoẻ tốt, tự nguyện và có một trong các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ sau: cán bộ nghiên cứu khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư; trình độ tiến sĩ...; Cán bộ đang tham gia vào chương trình, đề tài khoa học cấp Nhà nước; chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực công tác... Việc kéo dài tuổi phục vụ có thể thực hiện một hoặc nhiều lần, mỗi lần không quá 2 năm nhưng thời hạn tối đa không quá 5 năm...
Sĩ quan được kéo dài tuổi phục vụ thì thôi giữ chức vụ quản lý, chỉ huy. Trường hợp đặc biệt, đối với sĩ quan giữ chức vụ do bổ nhiệm có thời hạn và được kéo dài tuổi phục vụ được cấp có thẩm quyền quyết định thì vẫn được giữ chức vụ quản lý, chỉ huy cho đến hết thời hạn bổ nhiệm...
Để bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn trọng yếu, hàng năm Bộ Công an được ưu tiên tuyển chọn công dân là người dân tộc thiểu số hoặc công dân khác có thời gian thường trú từ 10 năm liên tục trở lên ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vào Công an nhân dân.
Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyển ngành được miễn thi tuyển nếu chuyển ngành về cơ quan cũ hoặc chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được sắp xếp làm việc phù hợp chuyên môn nghiệp vụ; được ưu tiên cộng thêm điểm vào kết quả thi tuyển khi thi tuyển công chức...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về cấp bậc hàm của sĩ quan
(SMS: 202534)
- Ngày 26/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2007/NĐ-CP quy định cấp bậc hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng Công an nhân dân.
Theo đó, sĩ quan giữ chức vụ cơ bản ở đơn vị được giao nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt hoặc địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự thì cấp bậc hàm cao nhất có thể cao hơn một bậc so với cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ tương ứng...
Sĩ quan đủ tiêu chuẩn, đến thời hạn xét thăng cấp bậc hàm nhưng đã có cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ đang đảm nhiệm thì được xét nâng lương...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xây dựng ngầm đô thị
(SMS: 202525)
- Theo Nghị định số 41/2007/NĐ-CP ban hành ngày 22/3/2007, Chính phủ quy định: các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình được hỗ trợ và tạo điều kiện ưu đãi như sau: miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất; Được hỗ trợ một phần kinh phí bồi thường giải phóng không gian ngầm, mặt bằng có liên quan đến công trình ngầm; Được sử dụng các nguồn tài chính ưu đãi...
Đối với không gian ngầm đô thị: phải ở chiều sâu và có khoảng cách theo chiều ngang không làm ảnh hưởng đến sự an toàn, công tác quản lý, khai thác và sử dụng của các công trình lân cận, công trình bên trên cũng như các công trình đã được xác định hoặc dự kiến sẽ có trong quy hoạch xây dựng; không được vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc ranh giới thửa đất đã được xác định. Khi có nhu cầu xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc ranh giới thửa đất đã được xác định (trừ phần đấu nối kỹ thuật của hệ thống đường dây, đường ống ngầm) thì phải được UBND cấp tỉnh cho phép;...
Đối với việc quy hoạch xây dựng các đô thị mới, các đường phố xây dựng mới tại các đô thị cũ phải quy hoạch hệ thống tuynel, hào kỹ thuật để từng bước hạ ngầm các công trình đường dây, đường ống kỹ thuật.
Trước khi thi công xây dựng công trình ngầm, chủ đầu tư phải tiến hành thăm dò, xác định các công trình ngầm hiện có trong khu vực để có biện pháp xử lý phù hợp. Riêng việc quan trắc địa kỹ thuật phải được thực hiện theo quy định trong suốt quá trình thi công và khai thác sử dụng công trình ngầm.
Khi công trình hoàn thành, phải thực hiện chế độ bảo trì thường xuyên và bảo trì định kỳ, chú ý kiểm tra nghiêm ngặt hệ thống đấu nối công trình, các thiết bị kiểm soát thông gió, chiếu sáng và phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.
Chủ đầu tư xây dựng công trình ngầm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xâm phạm các quyền hợp pháp của các chủ sở hữu liền kề và bên trên. Nếu có sử dụng hè, đường hoặc không gian công cộng thì phải thỏa thuận với cơ quan quản lý có liên quan về vị trí, thời gian sử dụng và các phương án bảo đảm về an toàn, vệ sinh môi trường, giao thông thông suốt trong quá trình thi công...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định đối với các hoạt động về dầu khí
(SMS: 202527)
- Ngày 21/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg về việc thu dọn các công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí.
Theo đó, việc thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ lòng đất, khôi phục trạng thái môi trường sinh thái, an toàn giao thông và các nguồn lợi khác của biển...
Tổ chức, cá nhân phải thu dọn, đưa vào bờ khối thượng tầng và các thiết bị đi kèm của các công trình cố định để tái sử dụng hoặc thải đúng nơi quy định. Các chất thải, vật thải trước khi thải phải được xử lý theo quy định...
Khối chân đế của các công trình biển cố định và thiết bị đi kèm phải được thu dọn để tái sử dụng hoặc thải đúng nơi quy định. Cọc, ống, kết cấu đóng xuống đáy biển phải được cắt sâu dưới mặt đáy biển tự nhiên sao cho không có phần nào nhô lên gây cản trở các hoạt động giao thông, đánh bắt thuỷ sản và các hoạt động khác...
Trong thời hạn 09 tháng, kể từ khi việc thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện kết thúc, tổ chức, cá nhân phải tổ chức quan trắc môi trường, lập Báo cáo quan trắc, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo quan trắc phải đánh giá được những tác động đã xảy ra qua quá trình thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện...
Trong thời hạn 01 năm, kể từ thời điểm khai thác dòng dầu, khí đầu tiên, tổ chức, cá nhân phải lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN TỊCH


Cơ quan tiến hành xác minh tài sản
(SMS: 20912)
- Ngày 22/3/2007, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 527/2007/TTLT-TTCP-BNV-UBKTTW hướng dẫn việc xác định cơ quan, đơn vị tiến hành xác minh tài sản, thu nhập và việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu, phê chuẩn các chức danh tại Quốc hội.
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị tiến hành xác minh tài sản, thu nhập và người được xác minh tài sản, thu nhập phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu, phê chuẩn các chức danh tại Quốc hội...
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 22/3/2007.


Cấp phép hoạt động quảng cáo
(SMS: 202538) - Ngày 28/02/2007, Bộ Văn hoá-Thông tin, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BVHTT-BYT-BNN-BXD về việc hướng dẫn thủ tục cấp phép thực hiện quảng cáo một cửa liên thông áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài xin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam.
Thông tư liên tịch này hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục, quy trình cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, pano, băng rôn, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Văn hoá-Thông tin...
Các tổ chức và cá nhân chỉ phải nộp hồ sơ tại Sở Văn hóa-Thông tin, các thủ tục liên quan đến Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều do Sở Văn hóa-Thông tin thực hiện. Cụ thể, trong thời hạn 02 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ xin cấp phép quảng cáo của các tổ chức và cá nhân, Sở Văn hoá-Thông tin sẽ tiến hành phân loại hồ sơ và gửi đến các đơn vị có liên quan. Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được các giấy tờ trên, các đơn vị này sẽ có văn bản trả lời cho Sở Văn hoá-Thông tin chấp thuận hoặc không chấp thuận cấp giấy phép hoặc các văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung với lý do cụ thể. Sau khi nhận được các văn bản thoả thuận từ các cơ quan này, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Sở Văn hoá-Thông tin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo. Như vậy, thời gian cấp phép thực hiện quảng cáo rút xuống chỉ còn 15 ngày làm việc kể từ ngày Sở Văn hoá-Thông tin nhận được hồ sơ hợp lệ từ các tổ chức và cá nhân...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.