Số 11.2010 (469) ngày 23/03/2010

 

CHÍNH PHỦ


Chuyển công ty nhà nước thành công ty TNHH (SMS: 25/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, đó là Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010. Theo Nghị định này, đối tượng chuyển đổi là: công ty nhà nước độc lập; công ty nhà nước là công ty mẹ tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ trong tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổng công ty thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con; công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước; đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc tổng công ty nhà nước, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh.
Cũng theo Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ hoặc một tổ chức chuyên trách được Chính phủ phân công thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty TNHH một thành viên được chuyển đổi từ công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước quy mô lớn, quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập do các bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập. Các cơ quan quản lý nhà nước không được phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực phân công phụ trách.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/5/2010 và thay thế Nghị định số 95/2006/NĐ-CP ngày 08/9/2006 về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên.

Triển khai thực hiện Luật Cơ quan đại diện (SMS: 367/CT-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 367/CT-TTg ngày 19/3/2010 về việc triển khai thực hiện Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Luật Cơ quan đại diện). Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quý II năm 2010 phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính khác liên quan đến công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với cơ quan, văn phòng đại diện thuộc bộ, ngành ở nước ngoài và việc phân bổ, sử dụng, quản lý kinh phí dành cho cơ quan, văn phòng đại diện thuộc bộ, ngành; kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quy định trái với Luật Cơ quan đại diện.
Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao trong quý II/2010 chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hoàn thành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về cơ quan đại diện do Bộ Ngoại giao ban hành, văn bản liên tịch giữa Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành và văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Ngoại giao trình cơ quan có thẩm quyền ban hành để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tuyển dụng và quản lý công chức (SMS: 24/2010/ND-CP) - Từ ngày 01/5/2010, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức được thực hiện theo Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ. Theo Nghị định này, việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế của cơ quan sử dụng công chức. Cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm xác định, mô tả vị trí việc làm, báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng công chức. Các đối tượng  được ưu tiên trong tuyển dụng công chức bao gồm: anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được cộng 30 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển; người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con anh hùng lực lượng vũ trang, con anh hùng lao động được cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi hoặc xét tuyển; người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ được cộng 10 điểm vào tổng số điểm thi hoặc xét tuyển.
Người đăng ký dự tuyển công chức được miễn thi một số môn trong kỳ thi tuyển công chức như sau: miễn thi môn ngoại ngữ trong trường hợp môn nghiệp vụ chuyên ngành không phải là ngoại ngữ nếu có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ hoặc có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài, tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam; miễn thi môn tin học văn phòng trong trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2010.

Tiêu chuẩn xe ô tô của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài (SMS: 30/2010/QD-TTg) - Ngày 15/3/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 30/2010/QĐ-TTg ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại phục vụ công tác của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, việc trang bị phương tiện đi lại phục vụ công tác của cơ quan đại diện và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài phải theo tiêu chuẩn, định mức, mức giá tại Quy định này, phù hợp với điều kiện công tác tại mỗi nước, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Các chức danh đại sứ hoặc đại biện, trưởng phái đoàn Việt Nam tại các tổ chức quốc tế được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô phục vụ công tác với mức giá tối đa không quá 65.000 USD/xe; đối với chức danh tổng lãnh sự được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô phục vụ công tác với mức giá tối đa không quá 60.000 USD/xe. Trường hợp do yêu cầu phục vụ hoạt động ngoại giao của Nhà nước Việt Nam tại một số quốc gia, địa bàn trọng điểm mà quan hệ đối ngoại cần phải trang bị xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh nói trên với mức giá mua xe cao hơn thì Bộ Ngoại giao quyết định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.
Phương tiện đi lại phục vụ công tác của cơ quan đại diện và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài khi sử dụng phải mua bảo hiểm theo quy định của nước sở tại. Nghiêm cấm việc cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng không đúng quy định hoặc sử dụng không đúng mục đích phương tiện đi lại được giao. Trường hợp cần thiết phải mua xe mới thay thế xe cũ trước thời hạn theo quy định, cơ quan đại diện báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài báo cáo bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan khác ở trung ương và chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/4/2010.

Khuyến khích đầu tư cảng cá, bến cá (SMS: 346/QD-TTg) - Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010. Phạm vi của quy hoạch này gồm 28 tỉnh, thành phố ven biển có cảng cá, bến cá dọc ven biển và tại các đảo. Thực hiện quy hoạch này, Nhà nước sẽ tăng cường và tập trung vốn để đầu tư xây dựng, nhất là các cảng cá loại I, quy mô cấp vùng, tại các đảo có vị trí quan trọng, gần ngư trường trọng điểm và có khả năng kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá và các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh của cảng cá, bến cá; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc đầu tư và quản lý các cảng cá, bến cá. Trước mắt, đối với các cảng cá, bến cá mới được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước, có chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp tham gia quản lý, đầu tư xây dựng hoặc thuê lại cơ sở hạ tầng trên cảng cá để sản xuất kinh doanh, gắn với quản lý các cảng cá, bến cá.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cảng cá, bến cá đến năm 2020 là 8.000 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn: ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương, vốn của các thành phần kinh tế trong nước, vốn đầu tư, tài trợ từ nước ngoài. Nguồn ngân sách trung ương dùng để đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu của cảng cá loại I, được bố trí theo kế hoạch 5 năm, hàng năm, theo chương trình mục tiêu và trên cơ sở các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Hoạt động của Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (SMS: 33/2010/TT-BTC) - Theo Thông tư số 33/2010/TT-BTC ngày 11/3/2010 của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (gọi tắt là Công ty mua bán nợ) là pháp nhân thuộc sở hữu Nhà nước, được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty nhà nước. Vốn điều lệ của Công ty này là 2.000 tỷ đồng được hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp, vốn tự bổ sung từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác, các nguồn vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được cấp có thẩm quyền giao. Bộ Tài chính là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với Công ty mua, bán nợ theo quy định của pháp luật; Bộ Tài chính uỷ quyền cho Hội đồng quản trị Công ty thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty mua, bán nợ theo quy định tại Thông tư này.
Công ty này có nhiệm vụ mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các chủ nợ và chủ tài sản (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ). Đối tượng mua nợ và tài sản tồn đọng là doanh nghiệp có tài sản tồn đọng và chủ nợ có nhu cầu bán các khoản nợ phải thu; trong đó tập trung ưu tiên sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư để mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng đối với khách nợ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gắn với việc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu. Việc mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các đối tượng khác ngoài doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải đảm bảo khả năng thu hồi và có hiệu quả theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc mua nợ và tài sản tồn đọng được thực hiện dưới các hình thức: thoả thuận trực tiếp với chủ nợ, chủ tài sản; tham gia đấu thầu, đấu giá mua nợ và tài sản tồn đọng và thực hiện mua theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 199/2003/QĐ-BTC ngày 05/12/2003 và Quyết định số 50/2007/QĐ-BTC ngày 21/6/2007 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 199/2003/QĐ-BTC ngày 05/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành điều lệ tạm thời về tổ chức và hoạt động của Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp.
 

 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Kiểm tra giá điện tại các địa điểm cho thuê nhà (SMS: 11/CT-BCT) - Trước hiện tượng một số chủ nhà cho thuê đã lợi dụng quy định điều chỉnh giá điện nhằm thu lợi bất hợp pháp, ảnh hưởng tới quyền lợi của sinh viên và người lao động thuê nhà, đi ngược lại chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho các đối tượng nghèo, khó khăn khi điều chỉnh giá điện, nhằm đảm bảo cho người thuê nhà để ở được trực tiếp áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang theo đúng quy định, ngày 15/3/2010 Bộ trưởng Bộ Công thương đã có Chỉ thị số 11/CT-BCT yêu cầu sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các công ty điện lực thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về chính sách hỗ trợ giá điện của Nhà nước cho đối tượng là người thuê nhà, yêu cầu người thuê nhà nếu gặp khó khăn do phải trả tiền điện với giá cao hơn so với quy định cần làm đơn đề nghị gửi sở công thương để được giải quyết.
Các công ty điện lực có trách nhiệm lập kế hoạch và giao nhiệm vụ cho lực lượng kiểm tra viên điện lực của đơn vị kiểm tra việc thực hiện giá điện tại các địa điểm cho thuê nhà để ở, căn cứ vào nội dung hợp đồng mua bán điện đã ký và biên bản thỏa thuận định mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang; trường hợp phát hiện vi phạm, kiểm tra viên điện lực lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, gửi sở công thương để xử phạt theo quy định của pháp luật; niêm yết công khai tại các trụ sở, các điểm giao dịch khách hàng quy định, thủ tục và phương pháp tính định mức sử dụng điện cho người thuê nhà; khẩn trương thực hiện những thủ tục cần thiết để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện cho hộ cho thuê nhà theo quy định.
 

 

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH


Thủ tục hoạt động của cơ sở hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình (SMS: 02/2010/TT-BVHTTDL) - Ngày 16/3/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn, chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, hồ sơ đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (cơ sở) gồm có: đơn đăng ký hoạt động (theo mẫu), dự thảo quy chế hoạt động của cơ sở; xác nhận bằng văn bản của UBND xã, phường, thị trấn về địa điểm cơ sở có trụ sở hoạt động đặt trên địa bàn; bản thuyết minh về nguồn lực tài chính; sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan nhà nước quản lý người đứng đầu; danh sách nhân viên tư vấn đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 Thông tư này; danh sách người làm việc tại cơ sở có xác nhận của người đứng đầu và kèm theo bản sao giấy chứng nhận tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình, trong trường hợp người làm việc tại cơ sở chưa có giấy chứng nhận tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình thì trong hồ sơ phải nêu rõ kế hoạch tham gia tập huấn cho những người này. Hồ sơ được lập thành ba bộ: hai bộ nộp cho sở văn hoá, thể thao và du lịch (nếu thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động là của UBND cấp tỉnh), hoặc phòng văn hoá và thông tin (nếu thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động là của UBND cấp huyện), một bộ lưu tại cơ sở.
Nhân viên chăm sóc, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải có phẩm chất đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nhưng đã được xóa án tích; trong quá trình hành nghề phải tuân thủ quy chế hoạt động của cơ sở và các quy định khác của pháp luật; có chứng chỉ chăm sóc hoặc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; có ít nhất 01 năm hoạt động trong một hoặc các lĩnh vực tư vấn về pháp luật, tâm lý, chăm sóc y tế, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. Giám đốc sở văn hoá, thể thao và du lịch có thẩm quyền cấp Thẻ nhân viên chăm sóc và Thẻ nhân viên tư vấn.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/4/2010.
 

 

LIÊN BỘ


Hướng dẫn về quản lý kinh phí hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (SMS: 07/2010/TTLT-BTNMT-BTC-BKHDT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư liên tịch số 07/2010/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, được áp dụng từ niên độ ngân sách năm 2010. Theo Thông tư này, nguồn vốn thực hiện Chương trình gồm vốn ngân sách nhà nước cấp hàng năm, vốn đóng góp của các thành phần kinh tế và các nguồn vốn khác. Việc lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định cụ thể tại Thông tư này.
Hàng năm, các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào các nhiệm vụ, dự án ban hành kèm theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Chương trình của năm báo cáo, xác định nhiệm vụ, kế hoạch triển khai Chương trình năm kế hoạch, lập dự toán nhiệm vụ, dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời tổng hợp vào dự toán năm sau để gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập dự toán kinh phí đối với các dự án, đề án, nhiệm vụ do Bộ thực hiện; tổng hợp, rà soát kinh phí thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương thực hiện, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chức năng của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (SMS: 05/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC) - Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) và huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 15/3/2010 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Tài chính. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng tổ chức thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý biến động về sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng và quản lý hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.
Theo Thông tư này, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn cấp tỉnh đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (trừ trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam), tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài; đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (trừ trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam), tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận trên địa bàn cấp huyện đối với hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, chỉnh lý biến động về đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2010.