Số 11.2008 (367) ngày 21/03/2008

 CHÍNH PHỦ


Văn phòng Chính phủ
(SMS: 503293)
- Ngày 19/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ (VPCP).
Theo đó, VPCP có chức năng tham mưu tổng hợp, giúp Chính phủ tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ; tham mưu tổng hợp, giúp Thủ tướng (bao gồm các Phó Thủ tướng) lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; bảo đảm thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng…
Cán bộ, công chức VPCP phải là những người có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, am hiểu về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, theo dõi; được áp dụng chế độ, chính sách đãi ngộ theo quy định của pháp luật… Các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện để cán bộ, công chức được thuyên chuyển công tác về VPCP.
VPCP có trách nhiệm cung cấp thông tin cho công chúng về các hoạt động chủ yếu, những quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng, những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội nổi bật mà dư luận quan tâm theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ bồi dưỡng lực lượng chống tội phạm
(SMS: 503287)
- Ngày 18/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 41/2008/QĐ-TTg quy định chế độ bồi dưỡng đối với lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Theo đó, áp dụng mức bồi dưỡng mới 500.000 đồng/người/tháng đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy (mức bồi dưỡng cũ là 200.000 đồng); Cán bộ, chiến sĩ phục vụ trực tiếp công tác này được hưởng mức 400.000 đồng/người/tháng (trước đây: 150.000 đồng)…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hỗ trợ đồng bào thiểu số và nghèo
(SMS: 503286)
- Ngày 18/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-TTg về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân.
Theo đó, hỗ trợ như cấp bằng tiền tương đương 5 lít dầu hỏa/năm cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới; điều chỉnh mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo từ 80.000 đồng/người/năm lên 130.000 đồng/người/năm; đồng thời, hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế đối với thành viên thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện…
Ngư dân mua mới, đóng mới tàu có công suất từ 90CV trở lên, máy mới 100%... được hỗ trợ 70 triệu đồng/tàu/năm. Đối với tàu đánh bắt hải sản có công suất máy từ 40CV trở lên hoặc tàu dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác hải sản, hỗ trợ ngư dân thay máy tàu sang loại máy mới tiêu hao ít nhiên liệu hơn với mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/máy/năm (đối với máy tàu có công suất từ 40CV đến dưới 90CV) và 18 triệu đồng/máy/năm (đối với máy tàu có công suất từ 90CV trở lên). Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ 30% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên làm việc theo hợp đồng lao động trên các tàu cá có công suất máy từ 40CV trở lên và tàu dịch vụ…
Ngư dân là chủ sở hữu tàu đánh bắt hải sản hoặc tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản có đủ các điều kiện sẽ được hỗ trợ cho 1 chuyến đi đánh bắt hải sản là 8 triệu đồng, 3 lần/năm (đối với tàu có công suất máy từ 90CV trở lên); 5 triệu đồng, 4 lần/năm (đối với tàu có công suất máy từ 40CV đến dưới 90CV) và 3 triệu đồng, 5 lần/năm (đối với tàu có công suất máy dưới 40CV)…
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 18/3/2008.


Phát triển kinh tế địa phương
(SMS: 503285)
- Ngày 14/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP quy định về thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT), khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK).
Theo đó, đối với KCN có quy mô diện tích từ 500 ha trở lên và có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng-kinh doanh kết cấu hạ tầng hoặc KCN có vị trí cạnh các tuyến quốc lộ, gần các khu vực quốc phòng, khu bảo tồn di tích lịch sử... thì phải xin hướng dẫn lập quy hoạch chung từ Bộ Xây dựng hoặc phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan về quy hoạch chi tiết KCN trước khi UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Để phát triển KCN cần hội tụ đủ 4 điều kiện: Có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các KCN; Có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; Có khả năng cung cấp và đáp ứng nhu cầu về lao động; Đảm bảo phù hợp với bố trí quốc phòng và các yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
KKT nhất định phải có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế khu vực; có quy mô diện tích từ 10.000 ha trở lên và đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp của KKT; có khả năng phát huy tiềm năng tại chỗ và tạo ảnh hưởng phát triển lan tỏa đến các khu vực xung quanh.
KKTCK phải nằm ở vị trí kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia; giao lưu thuận tiện với các nước láng giềng qua cửa khẩu biên giới đất liền của nước bạn; KKTCK phải đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp như: hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, du lịch...
KKT và KKTCK nhất thiết không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên; không gây ảnh hưởng xấu và làm tổn hại đến di sản văn hóa vật thể... và phải có điều kiện đảm bảo yêu cầu về môi trường, môi sinh và phát triển bền vững…
Nhà nước cũng có chính sách giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại KKT…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đấu thầu, đặt hàng theo yêu cầu của Nhà nước
(SMS: 503269)
- Ngày 14/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
Theo đó, các tổ chức trong nước và nước ngoài, cá nhân, nếu hội đủ các điều kiện, có thể tham gia cung cấp một số dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN được đấu thầu khi đáp ứng được các điều kiện nhất định, trong đó có điều kiện tổng trị giá của dịch vụ phải từ 500 triệu đồng trở lên.
Nhà cung cấp dịch vụ tham gia dự thầu phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành, nghề phù hợp, có chức năng cung ứng các dịch vụ phù hợp với dịch vụ sự nghiệp công tham gia đấu thầu, có tình hình tài chính lành mạnh và không trong quá trình giải thể.
Ngoài ra, nhà cung cấp phải nộp tiền bảo lãnh theo yêu cầu của cơ quan tổ chức đấu thầu cũng như đáp ứng yêu cầu nêu trong thông báo mời thầu hoặc thư mời thầu của bên mời thầu. Đối với nhà cung cấp là tổ chức, đơn vị trong nước và nước ngoài, một trong những điều kiện tham gia dự thầu là có tư cách pháp nhân.
Thời gian thẩm định trong đấu thầu tối đa là 20 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Đối với những dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN nếu không đủ điều kiện để đấu thầu hoặc chỉ có một nhà cung cấp duy nhất không thể thực hiện đấu thầu; các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được bố trí kinh phí từ NSNN được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đặt hàng.
Có 23 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN được thực hiện đấu thầu, đặt hàng như dịch vụ đào tạo cử nhân, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; đào tạo lưu học sinh tại Việt Nam; sáng tác, biên soạn sách báo, tạp chí và các ấn phẩm văn hóa phục vụ nhiệm vụ của Nhà nước; huấn luyện thi đấu thành tích cao do Nhà nước đặt hàng; tổ chức lễ khai mạc, bế mạc phục vụ các ngày lễ lớn của Nhà nước, tổ chức các đại hội thể thao, văn hóa; đo đạc đất đai để phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Đối với các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN chưa đủ điều kiện thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng thì Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công trực thuộc thực hiện theo quy định hiện hành…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tăng cường thực hiện công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động
(SMS: 503262)
- Theo Chỉ thị số 10/2008/CT-TTg ra ngày 14/3/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động trên các công trình trọng điểm, các khu công nghiệp tập trung, các cơ sở khai thác khoáng sản, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng...; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động…
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp với các Bộ, các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động của các cơ sở sản xuất trên địa bàn địa phương đặc biệt là trong việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khí, ga... trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, trang trại, mỏ khai thác khoáng sản, xây dựng...; Kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; kịp thời đình chỉ hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đình chỉ tước quyền sử dụng giấy phép hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề của cơ sở vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và an toàn về cháy, nổ...
Người sử dụng lao động, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tăng cường tự kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh ngay việc thực hiện pháp luật lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động; bố trí đủ cán bộ làm công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động. Tổ chức tốt việc huấn luyện an toàn lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động…
Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tăng cường quản lý kinh doanh thép
(SMS: 503268)
- Theo Công văn số 1609/VPCP-KTTH ngày 14/3/2008, Văn phòng Chính phủ yêu cầu: cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường thép, chống hàng giả, hàng nhái để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; ngăn chặn triệt để việc xuất lậu quặng sắt qua biên giới…
Đẩy mạnh sản xuất phôi và thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước. Tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý giá bán, công khai giá bán trong toàn hệ thống phân phối của mình. Thực hiện những giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần kiềm chế việc tăng giá thép. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sản xuất phôi thép…
Các Bộ, ngành liên quan rà soát và sớm xây dựng quy định tiêu chuẩn thép phế liệu nhập khẩu theo hướng tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu, bảo đảm quy định về môi trường theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về kinh doanh nhập khẩu phế liệu…

Bộ Tài chính xem xét đề xuất việc sử dụng các công cụ điều tiết như thuế, dự trữ quốc gia,... một cách tích cực hơn trong việc kiểm soát và kiềm chế tăng giá thép, nhất là trong điều kiện nền kinh tế của ta còn phụ thuộc lớn vào thị trường phôi thép thế giới; Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích việc sản xuất phôi thép trong nước, nhất là việc sản xuất phôi từ quặng sắt, trình Thủ tướng phê duyệt…
 

 LIÊN BỘ: KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - NGOẠI GIAO


Xúc tiến đầu tư
(SMS: 503290)
- Ngày 17/3/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BKH-BNG hướng dẫn triển khai Bộ phận Xúc tiến đầu tư nước ngoài tại một số địa bàn trọng điểm.
Bộ phận này sẽ chủ động tìm kiếm cơ hội, tiếp xúc và vận động các nhà đầu tư của nước sở tại vào Việt Nam; giới thiệu tình hình, khả năng và nhu cầu hợp tác đầu tư của Việt Nam với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nước sở tại; giới thiệu, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp nước sở tại có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam; phối hợp thẩm tra các nhà đầu tư của nước sở tại đầu tư tại Việt Nam khi được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu; tham gia hội thảo, hội nghị, diễn đàn, sự kiện về hợp tác đầu tư tại nước sở tại; tham gia đàm phán, theo dõi đôn đốc việc thực hiện Điều ước quốc tế về hợp tác đầu tư khi được phân công…
Cán bộ xúc tiến đầu tư được cử đi làm việc tại các Cơ quan đại diện phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam và không có vợ, chồng hoặc bố, mẹ là người nước ngoài; Có trình độ lý luận từ sơ cấp trở lên; có lập trường chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức tốt; Thông thạo ngoại ngữ nước sở tại hoặc thông thạo ít nhất một ngoại ngữ thông dụng trên thế giới có thể sử dụng rộng rãi tại nước sở tại; Có trình độ chuyên môn, nắm vững luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài của Việt Nam; có kinh nghiệm về quản lý và xúc tiến đầu tư nước ngoài…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ CÔNG THƯƠNG


Phát triển các ngành công nghiệp
(SMS: 503309)
- Ngày 14/3/2008, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2008/TT-BCT hướng dẫn một số nội dung tại Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg về phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển.
Theo đó, các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp (CN) ưu tiên, ngành CN mũi nhọn có doanh thu từ các sản phẩm CN ưu tiên, CN mũi nhọn tối thiểu bằng 50% tổng doanh thu sản xuất CN của doanh nghiệp được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm miễn phí và hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho các ngành CN này…
Cụ thể, đối với các dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CN ưu tiên, CN mũi nhọn không nằm trong kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước sẽ được hỗ trợ có thu hồi dưới 50% vốn…
Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CN ưu tiên, CN mũi nhọn thuộc hướng khoa học và công nghệ ưu tiên của Nhà nước được hỗ trợ không thu hồi không quá 30% kinh phí…
Mỗi doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm của quốc gia và của địa phương được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền thuê 1 gian hàng hoặc 1 lô đất với tổng số tiền không quá 30 triệu đồng. Khi tham gia các hội chợ, triển lãm xuất khẩu trong nước, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% chi phí cấu thành gian hàng và 100% chi phí tuyên truyền quảng bá…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: NỘI VỤ - TÀI CHÍNH


Phụ cấp trách nhiệm
(SMS: 503308)
- Ngày 13/3/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 19/2008/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống tham nhũng.
Theo đó
,
thành viên, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc biên chế hoạt động chuyên trách Ban Chỉ đạo ở Trung ương, ở cấp tỉnh được áp dụng phụ cấp trách nhiệm mức 20% mức lương hiện hưởng nếu chức vụ là Bộ trưởng và tương đương trở lên, chuyên gia cao cấp, CBCCVC xếp ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương; Mức 25%: CBCCVC xếp ngạch chuyên viên chính và tương đương; Mức 30%: xếp ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống...
Thành viên Ban Chỉ đạo ở Trung ương không thuộc biên chế của Văn phòng Ban Chỉ đạo ở Trung ương được áp dụng phụ cấp trách nhiệm 1,0 theo hệ số so với mức lương tối thiểu chung; ở cấp tỉnh là 0,8...
Các trường hợp được biệt phái, trưng tập có thời hạn nếu đang xếp hệ số lương từ 7,30 trở lên thì áp dụng chế độ thù lao theo mức phụ cấp trách nhiệm của chuyên viên cao cấp; từ 6,00 đến dưới 7,30: mức phụ cấp trách nhiệm của chuyên viên chính; dưới 6,00: mức phụ cấp trách nhiệm của chuyên viên...

Thông tư liê
n tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.