Số 11.2007 (316) ngày 23/03/2007

 CHÍNH PHỦ


Quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông
(SMS: 202516)
- Theo Quyết định số 39/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 21/3/2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định: doanh nghiệp bưu chính viễn thông (DNBCVT) không được lợi dụng các thời điểm bất thường để tăng giá, ép giá...
Nguyên tắc quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông là bình đẳng, không phân biệt giữa các đối tượng sử dụng dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp mới tham gia thị trường; bảo đảm hoạt động bưu chính, viễn thông công ích...
DNBCVT có quyền quyết định giá cước các dịch vụ bưu chính, viễn thông do doanh nghiệp cung cấp theo đúng khung hoặc giới hạn giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, trừ những dịch vụ thuộc danh mục do nhà nước quy định giá cước. DNBCVT có trách nhiệm chấp hành và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo các quy định về bình ổn giá, niêm yết, thông báo giá theo đúng quy định của Pháp lệnh giá và thu cước của người sử dụng dịch vụ, thanh toán giá cước với các doanh nghiệp khác theo đúng mức giá cước và trên cơ sở hợp đồng đã ký...
Ngoài ra, DNBCVT không được lạm dụng vị thế, liên kết để định giá, áp đặt giá dịch vụ, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, của các doanh nghiệp khác cũng như không được tăng hoặc giảm giá giả tạo trái các quy định về khuyến mại dịch vụ...
Đối với thông tin khẩn cấp phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phục vụ các nhiệm vụ chính trị đặc biệt theo tình trạng khẩn cấp được miễn giảm giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông. Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất với Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định mức giảm, miễn cụ thể...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tiêu chí, phân loại doanh nghiêp
(SMS: 202515)
- Ngày 20/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Theo đó, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực: Sản xuất, cung ứng vật liệu nổ; hóa chất độc; chất phóng xạ; sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, trang bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh; trang thiết bị, tài liệu kỹ thuật và cung ứng dịch vụ bảo mật thông tin bằng kỹ thuật nghiệp vụ mật mã; truyền tải hệ thống điện quốc gia; sản xuất điện quy mô lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; quản lý, khai thác đường sắt quốc gia, đô thị; các cảng hàng không; cảng biển có quy mô lớn; điều hành bay; điều hành vận tải đường sắt quốc gia, đô thị; bảo đảm an toàn hàng hải; bưu chính công ích; phát thanh, truyền hình; xổ số kiến thiết; xuất bản, báo chí; in, đúc tiền; sản xuất thuốc lá điếu; quản lý...
Những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần gồm: doanh nghiệp tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; chiếu sáng đô thị; điều tra về tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên; sản xuất, lưu giữ giống cây trồng, vật nuôi và tinh đông; sản xuất vắc-xin phòng bệnh; doanh nghiệp có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường hoạt động trong các ngành, lĩnh vực: sản xuất điện có công suất từ 100 MW trở lên; khai thác khoáng sản; khai thác, chế biến dầu mỏ và khí tự nhiên; đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải đường không; cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông; sản xuất gang, thép có công suất trên 300.000 tấn/năm; sản xuất xi măng lò quay có công suất thiết kế trên 1,5 triệu tấn/năm; sản xuất bia trên 100 triệu lít/năm; khai thác, lọc và cung cấp nước sạch mạng cấp I, cấp II; vận tải đường biển quốc tế; vận tải đường sắt, đường không; kinh doanh tiền tệ, bảo hiểm...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư chứng khoán
(SMS: 202513)
- Ngày 20/3/2007, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 51/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu: tăng cường sử dụng các biện pháp kinh tế để điều chỉnh thị trường, đảm bảo có hiệu quả nhằm thúc đẩy thị trường, không để đổ vỡ. Nghiên cứu sớm trình Chính phủ chính sách thuế áp dụng đối với lợi tức thu được từ việc chuyển lợi tức ra nước ngoài trong hoạt động đầu tư chứng khoán. Việc áp dụng các biện pháp hành chính để can thiệp thị trường cần được xây dựng thành quy phạm pháp luật, công bố công khai cho các nhà đầu tư biết và chỉ áp dụng trong trường hợp thực sự cần thiết nhằm bảo vệ an ninh tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính, UBCKNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán. Trong quá trình quản lý thị trường chứng khoán cần lưu ý: phải kiểm soát bằng được luồng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua các biện pháp: đăng ký, lưu ký tập trung, đầu tư ủy thác qua công ty quản lóy quỹ, kiểm soát ngoại hối, thuế thu nhập...; Tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán, ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ và các biểu hiện tiêu cực trong việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp niêm yết chính thức phải là những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, tài chính lành mạnh, được kiểm toán và có quản trị công ty tốt; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động của các Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ, Công ty niêm yết và các quỹ đầu tư chứng khoán để đảm bảo các hoạt động này đúng pháp luật, công khai, minh bạch...
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát cho được các hoạt động của các Ngân hàng thương mại có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là kiểm soát đối với việc sử dụng nguồn vốn ngân hàng để đầu tư chứng khóan cũng như hoạt động cho vay cầm cố...; đồng thờidự báo về khả năng biến động lãi suất, tỷ giá, lạm phát và đề xuất các biện pháp thuộc chính sách tiền tệ để điều hành tỷ giá linh hoạt không để lạm phát, không để đồng Việt Nam tăng giá hoặc giảm giá bất thường ngoài phạm vi kiểm soát...


Xác định trị giá hải quan
(SMS: 202514)
- Ngày 16/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2007/NĐ-CP quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, để tính toán chính xác trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu (HHNK) có 06 phương pháp chính: xác định theo trị giá giao dịch của HHNK, xác định theo trị giá giao dịch của HHNK giống hệt, xác định theo trị giá giao dịch của HHNK tương tự, xác định theo trị giá khấu trừ, theo trị giá tính toán và phương pháp suy luận xác định tính thuế.
Phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán được xác định bằng tổng số tiền mà người mua đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán, trực tiếp hay gián tiếp cho người bán để mua HHNK như: giá mua ghi trên hóa đơn thương mại, tiền trả trước, đặt cọc, vận chuyển... Mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và bán được coi là không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch khi kết quả kiểm tra giao dịch mua bán HHNK cho thấy giao dịch này được tiến hành như với những người mua không có quan hệ đặc biệt hoặc trị giá giao dịch xấp xỉ với một trong những trị giá của lô hàng được xuất khẩu đến Việt Nam cùng ngày hoặc trong vòng 60 ngày trước hoặc sau ngày xuất khẩu lô hàng đang được xác định trị giá thuế.
Đối với phương pháp xác định trị giá thuế theo trị giá giao dịch của HHNK giống hệt (hoặc tương tự) thì lô hàng nhập khẩu giống hệt (hoặc tương tự) được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong vòng 60 ngày trước hoậc sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang được xác định tính giá trị thuế. Lô hàng nhập khẩu giống hệt (hoặc tương tự) phải có cùng khoảng cách và phương thức vận chuyển hoặc đã được điều chỉnh về cùng khoảng cách, phương thức vận chuyển giống như lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế...
Nếu HHNK vào Việt Nam mà không xác định được trị giá tính thuế theo các phương pháp trên thì trị giá tính thuế là trị giá khấu trừ. Trị giá khấu trừ được xác định căn cứ vào giá bán của HHNK, HHNK giống hệt, HHNK tương tự trên thị trường Việt Nam trừ đi các chi phí hợp lý phát sinh sau khi nhập khẩu. Nếu HHNK vào Việt Nam không thể tính theo trị giá khấu trừ thì được áp dụng phương pháp xác định trị giá thuế theo giá trị tính toán. Việc xác định trị giá tính toán phải dựa trên các số liệu của nhà sản xuất cung cấp phù hợp với nguyên tắc kế toán của nước sản xuất hàng hóa...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định đối với cá nhân hoạt động thương mại
(SMS: 20886)
- Ngày 16/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Theo đó, cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ pháp luật về thuế, giá, phí và lệ phí liên quan đến hàng hóa, dịch vụ kinh doanh. Trường hợp kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, cá nhân hoạt động thương mại phải bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với việc kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ này. Nghiêm cấm cá nhân hoạt động thương mại gian lận trong cân, đong, đo đếm và cung cấp các thông tin sai lệch, dối trá hoặc thông tin dễ gây hiểu lầm về chất lượng của hàng hóa, dịch vụ hoặc bản chất của hoạt động thương mại mà mình thực hiện...
Nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh khác; khu vực có cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; khu vực thuộc vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ...; khu vực thuộc cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân ga, bến tàu, bến xe, bến phà..; khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; nơi tạm dừng, đỗ của phương tiện giao thông đang tham gia lưu thông; phần đường bộ ra vào khu chung cư, khu tập thể, ngõ hẻm, vỉa hè, lòng đường, lề đường của đô thị, đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ; các tuyến đường, khu vực có biển cấm cá nhân thực hiện hoạt động thương mại...
Khi kinh doanh lưu động, cá nhân hoạt động thương mại phải đặt, để các phương tiện di chuyển, thiết bị, dụng cụ bán hàng và hàng hóa ngăn nắp, trật tự; phải có dụng cụ đựng rác và chất thải  phù hợp. Nghiêm cấm: cá nhân hoạt động thương mại thực hiện các hành vi đeo bám, nài ép, gây phiền hà cho khách; rao bán rong, rao làm dịch vụ lưu động gây ồn tại nơi công cộng và ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau; in, vẽ, viết lên tường, treo cờ, băng rôn, pa nô, áp phích, biển hiệu trái quy định pháp luật, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng xấu đến mỹ quan chung; đổ chất thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, làm cản trở lưu thông, gâu bất tiện cho cộng đồng...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Điều lệ công ty niêm yết chứng khoán
(SMS: 202510)
- Ngày 19/3/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán/Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.
Điều lệ quy định: cổ phần phổ thông phải được ưu tiên chào bán cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của họ trong Công ty, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông quy định khác. Công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần, trong thông báo phải nêu rõ số cổ phần được chào bán và thời hạn đăng ký mua phù hợp (tối thiểu 20 ngày làm việc) để cổ đông có thể đăng ký mua. Số cổ phần cổ đông không đăng ký mua hết sẽ do Hội đồng quản trị của Công ty quyết định. Hội đồng quản trị có thể phân phối số cổ phần đó cho các đối tượng theo các điều kiện và cách thức mà Hội đồng quản trị thấy là phù hợp, nhưng không được bán số cổ phần đó theo các điều kiện thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông hiện hữu, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông chấp thuận khác hoặc trong trường hợp cổ phần được bán qua Sở Giao dịch Chứng khoán/Trung tâm Giao dịch Chứng khoán...
Chứng chỉ cổ phiếu phải có dấu của Công ty và chữ ký của đại diện theo pháp luật của Công ty. Chứng chỉ cổ phiếu phải ghi rõ số lượng và loại cổ phiếu mà cổ đông nắm giữ, họ và tên người nắm giữ (nếu là cổ phiếu ghi danh) và các thông tin khác theo quy định. Mỗi chứng chỉ cổ phiếu ghi danh chỉ đại diện cho một loại cổ phần...
Trường hợp chỉ chuyển nhượng một số cổ phần ghi danh trong một chứng chỉ cổ phiếu ghi danh, chứng chỉ cũ sẽ bị huỷ bỏ và chứng chỉ mới ghi nhận số cổ phần còn lại sẽ được cấp miễn phí...
Cổ phần bị thu hồi sẽ trở thành tài sản của Công ty. Hội đồng quản trị có thể trực tiếp hoặc ủy quyền bán, tái phân phối hoặc giải quyết cho người đã sở hữu cổ phần bị thu hồi hoặc các đối tượng khác theo những điều kiện và cách thức mà Hội đồng quản trị thấy là phù hợp...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Mẫu bản cáo bạch trong Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán
(SMS: 202509)
- Ngày 13/3/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 13/2007/QĐ-BTC ban hành Mẫu bản cáo bạch trong Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng và Hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán.
Ban hành kèm theo Quyết định này bao gồm: Mẫu Bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng; Mẫu Bản cáo bạch chào bán trái phiếu ra công chúng; Mẫu bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu, trái phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán; Mẫu bản cáo bạch chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ra công chúng và niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán; Mẫu bản cáo bạch chào bán cổ phiếu công ty đầu tư chứng khoán ra công chúng và niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy chế quản trị công ty niêm yết chứng khoán
(SMS: 202508)
- Ngày 13/3/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán/Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.
Theo đó, công ty niêm yết không được hạn chế cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông, đồng thời phải tạo điều kiện cho cổ đông thực hiện việc uỷ quyền đại diện tham gia Đại hội đồng cổ đông khi cổ đông có yêu cầu...
Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho cổ đông sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau. Trường hợp công ty có các loại cổ phần ưu đãi, các quyền và nghĩa vụ gắn liền với các loại cổ phần ưu đãi phải được công bố đầy đủ cho cổ đông và phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua...
Hội đồng quản trị của công ty xây dựng một cơ chế liên lạc thường xuyên với các cổ đông lớn. Cổ đông lớn không được lợi dụng ưu thế của mình gây tổn hại đến các quyền và lợi ích của công ty và của các cổ đông khác...
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ đến dưới 10% số cổ phần có quyền biểu quyết trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng được đề cử một thành viên; từ 10% đến dưới 30% được đề cử hai thành viên; từ 30% đến dưới 50% được đề cử ba thành viên; từ 50% đến dưới 65% được đề cử bốn thành viên và nếu từ 65% trở lên được đề cử đủ số ứng viên...
Thành phần Hội đồng quản trị bao gồm: số lượng thành viên Hội đồng quản trị ít nhất là 05 người và nhiều nhất là mười 11 người, trong đó khoảng một phần ba tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập không điều hành...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn việc mua, bán lại cổ phiếu
(SMS: 202512)
- Ngày 13/3/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 18/2007/TT-BTC hướng dẫn việc mua, bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng.
Theo đó, công ty không được thực hiện việc mua lại cổ phiếu của chính mình trong các trường hợp đang kinh doanh thua lỗ hoặc đang có nợ quá hạn, đang trong quá trình chào bán cổ phiếu để huy động thêm vốn.
Các công ty không được mua cổ phần của người quản lý công ty và một số người có quan hệ gia đình, người sở hữu cổ phần có hạn chế chuyển nhượng, cổ đông có cổ phần chi phối trừ trường hợp Nhà nước thực hiện bán bớt cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu...
Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình để làm cổ phiếu quỹ phải có nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thông qua đối với trường hợp mua lại trên 10% nhưng không quá 30% tổng số cổ phần đã phát hành. Hoặc nghị quyết của hội đồng quản trị thông qua đối với trường hợp mua lại không quá 10% tổng số cổ phần đã phát hành trong mỗi 12 tháng...
Trường hợp công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình dẫn đến số lượng cổ phiếu quỹ đạt tới 25% trở lên trong tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty thì phải thực hiện chào mua công khai theo quy định của Luật Chứng khoán.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng
(SMS: 202511)
- Theo Thông tư số 17/2007/TT-BTC ban hành ngày 13/3/2007, Bộ Tài chính hướng dẫn: tổ chức phát hành hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành phải báo cáo kết quả đợt chào bán cổ phiếu, trái phiếu cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, kèm theo bản xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản phong toả về số tiền thu được trong đợt chào bán...
Bản cáo bạch phải bao gồm các nội dung sau: Thông tin tóm tắt về tổ chức phát hành bao gồm mô hình tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh, tài sản, tình hình tài chính, Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc và cơ cấu cổ đông (nếu có); Thông tin về đợt chào bán và chứng khoán chào bán bao gồm điều kiện chào bán, các yếu tố rủi ro, dự kiến kế hoạch lợi nhuận và cổ tức của năm gần nhất sau khi phát hành chứng khoán, phương án phát hành và phương án sử dụng tiền thu được từ đợt chào bán; Báo cáo tài chính của tổ chức phát hành trong hai năm gần nhất...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.