Số 11.2005 (214) ngày 25/03/2005

 CHÍNH PHỦ


Quản lý tài chính
(SMS: 200595 - Không gửi qua fax)
- Ngày 23/3/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2005/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Quỹ hỗ trợ phát triển, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, Quỹ hỗ trợ phát triển được quyền thay đổi cơ cấu vốn, tài sản trong phạm vi hệ thống của Quỹ theo quy định để phục vụ cho việc phát triển hoạt động của hệ thống Quỹ.
Quỹ được trích lập quỹ dự phòng rủi ro vào chi phí hoạt động nghiệp vụ để bù đắp những tổn thất, thiệt hại do nguyên nhân khách quan trong quá trình cho các dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, các dự án được bảo lãnh tín dụng đầu tư từ Quỹ. Mức trích hàng năm tối đa bằng 0,2% trên dư nợ bình quân cho vay đầu tư, nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng đầu tư...
Phí quản lý hàng năm của Quỹ hỗ trợ phát triển được xác định bằng 30% trên số thu nợ lãi cho vay. Tỷ lệ trích phí này được ổn định trong 3 năm...


Thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông
(SMS: 200590)
- Ngày 23/3/2005, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 58/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Theo đó, Tập đoàn sẽ hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con. Bộ máy quản lý của Tập đoàn bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc...
Hội đồng quản trị Tập đoàn có nhiều nhất 9 thành viên, gồm Chủ tịch Tập đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn, Trưởng ban kiểm soát Tập đoàn, Tổng GĐ Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, các Tổng giám đốc các Tổng công ty Viễn thông I, II, III, và có thể có một, hai chuyên gia. Thành viên hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông...
Lộ trình hình thành Tập đoàn sẽ được tiến hành như sau: quý II đến quý IV năm 2005: thành lập Tập đoàn, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, các Tổng công ty Viễn thông I, II, III và các công ty do tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; Cổ phần hoá các doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp để hình thành các công ty con, công ty liên kết...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


An ninh trật tự nơi công cộng
(SMS: 200593 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ban hành ngày 21/3/2005 quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, Chính phủ qui định: việc tập trung đông người nơi công cộng phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động (tổ chức hoặc người tổ chức các hoạt động đó phải gửi bản đăng ký đến UBND cấp có thẩm quyền, trong đó nêu rõ nội dung, mục đích việc tập trung đông người, ngày giờ diễn ra hoạt động, địa điểm tập trung, đường đi, số người dự kiến tham gia) và phải thực hiện đúng nội dung đăng ký...
Việc tập trung đông người trái qui định pháp luật ở lòng đường, vỉa hè, trụ sở cơ quan, tổ chức, tại khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, HĐND... cũng như các trường hợp tập trung mà không được phép của UBND cấp có thẩm quyền sẽ bị nghiêm cấm hoàn toàn...
Đối với trường hợp tập trung đông người trái với qui định của pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo, các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải thuyết phục công dân tự giải tán, hướng dẫn thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo...
Những trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi nhũng nhiễu, dung túng, bao che, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại để xảy ra tình trạng tập trung đông người trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn về Công báo
(SMS: 200594 - Không gửi qua fax)
- Ngày 21/3/2005, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 04/2005/TT-VPCP hướng dẫn thực hiện Nghị định số 104/2004/NĐ-CP về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hoạt động của Công báo ở Trung ương.
Văn phòng Chính phủ hướng dẫn như sau: trong trường hợp cần thiết, có thể đăng lại trên Công báo nguyên văn các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã có hiệu lực cùng với văn bản sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật đó để việc áp dụng pháp luật được
thuận lợi...
Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch đều phải ghi rõ tại điều khoản quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản là: "văn bản này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo".

Các bản dịch Công báo ra tiếng nước ngoài được đăng trên ấn phẩm bản dịch Công báo chỉ có giá trị tham khảo...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế
(SMS: 200592 - Không gửi qua fax)
- Ngày 18/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2005/NĐ-CP quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, hình thức cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân áp dụng như sau: tỷ lệ khấu trừ tiền lương, trợ cấp hưu trí hoặc mất sức đối với cá nhân không quá 30% trên tổng số tiền lương, trợ cấp hàng tháng của cá nhân đó. Đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người đó (nhưng không quá 50% tổng số thu nhập)...
Việc cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản thực hiện như sau: phải được thông báo cho cá nhân, tổ chức bị kê biên tài sản, UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn hoặc cơ quan nơi người đó công tác trước khi tiến hành cưỡng chế kê biên 5 ngày, trừ trường hợp việc thông báo sẽ gây trở ngại cho việc tiến hành kê biên...
Cơ quan được giao chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm bảo đảm trật tự trong quá trình cưỡng chế. Trường hợp nếu thấy cần thiết phải có lực lượng Cảnh sát nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành cưỡng chế thì phải có văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan Công an cùng cấp 5 ngày trước khi thực hiện thực hiện cưỡng chế để bố trí lực lượng...


Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
(SMS: 200589 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ban hành ngày 17/3/2005, Chính phủ quy định: không áp dụng hình thức kỷ luật "Buộc thôi việc" đối với CBCC nữ khi đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. CBCC sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước bị áp dụng hình thức kỷ luật "Buộc thôi việc"...
Trong thời gian đang bị xem xét kỷ luật, cán bộ, công chức có thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý ra quyết định tạm đình chỉ công tác nếu xét thấy cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xác minh hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày. Trường hợp đặc biệt do có nhiều tình tiết phức tạp cần được làm rõ thì có thể kéo dài nhưng không được quá 3 tháng...
Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, CBCC được hưởng 50% tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị xem
xét, nếu không bị xử lý kỷ luật thì được truy lĩnh phần tiền lương và phụ cấp (nếu có) còn lại trong thời gian tạm đình chỉ công tác, thời gian tạm đình chỉ công tác được tính vào thời gian để nâng bậc lương...
Trường hợp CBCC vi phạm kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì việc tổ chức và chủ trì họp kiểm điểm do lãnh đạo cấp trên trực tiếp thực hiện...
Sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật, nếu CBCC không tái phạm hoặc không có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước (SMS: 200591 - Không gửi qua fax) - Theo Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ban hành ngày 17/3/2005, Chính phủ quy định: mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải trái phép vào tầng chứa nước; Khai thác nước dưới đất trong vùng cấm khai thác...
Hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép sau đây: khoan thăm dò nước dưới đất với công trình gồm 1 giếng khoan, chiều sâu dưới 50 mét; Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy dưới 50 kW; Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng dưới 3.000 m3/ngày đêm... có thể bị phạt từ 200 đến 500.000 đồng...
Phạt tiền từ 100 đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi tiếp tục thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước khi giấy phép đã quá hạn từ 30 đến dưới 60 ngày...
Phạt tiền từ 9 đến 11 triệu đồng đối với hành vi xả vào nguồn nước lượng nước thải vượt quá quy định trong giấy phép từ 100 m3/ngày đêm đến dưới 500 m3/ngày đêm...
Phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng đối với các hành vi cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Cổ phần hoá doanh nghiệp
(SMS: 200596)
- Theo Chỉ thị số 04/2005/CT-TTg ra ngày 17/3/2005 về đẩy nhanh vững chắc cổ phần hóa Công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ nhận định: tiến độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, nhiều doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vẫn tiếp tục duy trì 100% vốn nhà nước, tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài doanh nghiệp còn thấp. ở một số nơi, nhận thức về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chưa đầy đủ và thống nhất, vướng mắc trong quá trình thực hiện chưa được tháo gỡ kịp thời. Một số quy định của cơ quan quản lý nhà nước còn chưa phù hợp, thời gian cổ phần hóa một doanh nghiệp còn dài. Khi chuyển thành công ty cổ phần, chưa quan tâm đúng mức đến đổi mới phương thức quản trị và điều hành doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của một số công ty cổ phần chưa cao. Số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán còn rất ít...
Do đó, khi xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước cho năm 2005 và những năm tiếp theo, cần chú trọng xây dựng lộ trình cổ phần hóa các Tổng công ty nhà nước, trừ những Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng hoặc chưa tiến hành cổ phần hóa được. Những Tổng công ty đã thực hiện cổ phần hóa đa số các doanh nghiệp thành viên thì tiến hành cổ phần hóa toàn bộ Tổng công ty. Những Tổng công ty có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trước mắt chưa cổ phần hóa toàn bộ Tổng công ty, nhưng phải tiến hành cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp thành viên và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con để công ty mẹ thực sự làm chủ vốn nhà nước ở công ty con. Sau khi hoạt động ổn định sẽ xem xét, tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ một cách vững chắc...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản
(SMS: 200597)
- Ngày 16/3/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2005/TT-BTC quy định  chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.
Theo đó, lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản như sau: Khảo sát: 1.000.000 đồng/1giấy phép; Thăm dò và Chế biến: 2.000.000 đồng; Khai thác: 4.000.000 đồng; Khai thác tận thu: 500.000 đồng...
Trường hợp gia hạn giấy phép, cấp lại giấy phép khi chuyển nhượng, thừa kế thì người được gia hạn giấy phép, người được chuyển nhượng, thừa kế phải nộp lệ phí tính bằng 50% mức lệ phí tương ứng ở các mức thu nêu trên...
Cơ quan thu lệ phí được trích để lại 40% tổng số tiền lệ phí thực thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để chi phí cho việc thu lệ phí...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.