Số 10.2013 (621) ngày 19/03/2013

 

SỐ 10 (621) - THÁNG 03/2013

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

1

694/QĐ-TCHQ

Quyết định 694/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan về việc ban hành quy trình thanh tra thuế trong lĩnh vực hải quan

 

* Tiến hành khảo sát trước khi ra quyết định thanh tra thuế

Trang 2

2

27/2013/TT-BTC

Thông tư 27/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam

 

* Tăng phí tham quan Bảo tàng văn hóa các dân tộc lên 20.000 đồng

Trang 2

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

Y TẾ - SỨC KHỎE

 

3

07/2013/TT-NHNN

Thông tư 07/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng

 

* Buộc sáp nhập ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt nếu thiếu vốn pháp định

Trang 3

4

06/2013/TT-NHNN

Thông tư 06/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước...

 

* Phải đặt cọc khi giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước

Trang 3

XÂY DỰNG

 

XÂY DỰNG

 

5

02/2013/TT-BXD

Thông tư 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội..

 

* Cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại chưa thi công

Trang 3

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

6

08/2013/TT-BYT

Thông tư 08/2013/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế

 

* Cấm quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh

Trang 4

GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ

 

GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ

 

7

895/CT-BGDĐT

Chỉ thị 895/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2013 - 2015...

 

* Phát triển Trung tâm tư vấn việc làm miễn phí cho sinh viên

Trang 4

8

09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV

Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ về chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định 60/2011/QĐ -TTg...

 

* Hỗ trợ ăn trưa 120.000 đồng/tháng cho trẻ mẫu giáo vùng đặc biệt khó khăn

Trang 4

9

25/2013/TTLT-BTC-BGDĐT

Thông tư liên tịch 25/2013/TTLT-BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Thông tư liên tịch 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp...

 

* Tăng lệ phí tuyển sinh cao đẳng, đại học

Trang 5

10

07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC

Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập

 

* Chỉ thanh toán lương dạy thêm ở đơn vị thiếu giáo viên

Trang 5

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

11

449/QĐ-TTg

Quyết định 449/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020

 

* Xây dựng Học viện Dân tộc đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số

Trang 5

CƠ CẤU TỔ CHỨC

 

CƠ CẤU TỔ CHỨC

 

12

22/2013/NĐ-CP

Nghị định 22/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp

 

* Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp

Trang 6

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 02/2013, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS 02/2013 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

 

Ü Thuế-Phí-Lệ phí:

TIẾN HÀNH KHẢO SÁT TRƯỚC KHI RA QUYẾT ĐỊNH THANH TRA THUẾ

Ngày 14/03/2013, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký Quyết định số 694/QĐ-TCHQ ban hành quy trình thanh tra thuế trong lĩnh vực hải quan, trong đó đáng chú ý là quy định về việc khảo sát, nắm tình hình để quyết định nội dung thanh tra.

Theo văn bản này, trước khi ra quyết định thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan Hải quan căn cứ vào yêu cầu của cuộc thanh tra để quyết định việc khảo sát, nắm tình hình đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là người nộp thuế được thanh tra.

Nếu có cơ sở cho rằng người nộp thuế khai chưa đủ hoặc chưa đúng các yếu tố làm căn cứ tính thuế thì có thể yêu cầu người nộp thuế giải thích, chứng minh việc tính thuế, khai thuế trước khi ra quyết định thanh tra thuế. Cụ thể, đơn vị thực hiện thanh tra thuế hoặc cơ quan Hải quan thông báo cho người nộp thuế về việc nộp thiếu tiền vào ngân sách Nhà nước, hành vi vi phạm pháp hoặc những vấn đề chưa rõ và đề nghị người nộp thuế giải thích, chứng minh việc tính thuế, khai thuế.

 

Trường hợp người nộp thuế chấp nhận ý kiến theo thông báo thì cơ quan Hải quan có thẩm quyền ra quyết định ấn định thuế để người nộp thuế thực hiện ngay việc nộp số tiền thuế còn thiếu; trường hợp đơn vị thanh tra thuế không chấp nhận ý kiến của người nộp thuế thì chuyển cấp có thẩm quyền ra quyết định ấn định thuế, xử lý vi phạm (nếu có đủ căn cứ ấn định thuế) hoặc đề nghị lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục để tiến hành thanh tra thuế (nếu chưa đủ căn cứ để ấn định thuế)…

Ngoài ra, Quyết định cũng chỉ rõ, thời hạn thanh tra thuế tối đa là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra. Nếu nội dung thanh tra nhiều, phức tạp cần phải gia hạn thời gian thanh tra thì trước khi hết thời hạn thanh tra ghi trong quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có văn bản đề nghị người ra quyết định gia hạn thời gian thanh tra.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 


TĂNG PHÍ THAM QUAN BẢO TÀNG
VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC LÊN 20.000 ĐỒNG

Ngày 12/03/2013, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 27/2013/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Theo đó, kể từ ngày 25/04/2013, Bộ Tài chính quyết định nâng mức phí tham quan bảo tàng, cụ thể: Đối với người lớn là 20.000 đồng/lượt (so với quy định trước đây là 5.000 đồng/lượt); với sinh viên, học sinh (học viên) trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề là 15.000 đồng/lượt; trẻ em (từ 06 - 16 tuổi), học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông là 10.000 đồng/lượt (so với trước đây là 2.000 đồng/lượt).

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng quy định giảm 50% mức phí tham quan với các đối
 

 

tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa theo Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/08/2003; người cao tuổi và người khuyết tật nặng...

Riêng với trẻ em dưới 6 tuổi và người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/04/2012 không phải nộp phí.

Sau khi trích 90% số tiền phí thu được để trang trải cho việc thu phí, cơ quan thu phí phải nộp số tiền còn lại vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/04/2013; bãi bỏ Quyết định số 34/2007/QĐ-BTC ngày 15/05/2007.
 

Ü Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

BUỘC SÁP NHẬP NGÂN HÀNG BỊ KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT
NẾU THIẾU VỐN PHÁP ĐỊNH

Ngày 14/03/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ra Thông tư số 07/2013/TT-NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Theo Thông tư này, căn cứ kết quả thanh tra, giám sát của NHNN và theo đề nghị của Cơ quan Thanh tra, giám sát, NHNN chi nhánh tỉnh nơi tổ chức tín dụng (TCTD) đặt trụ sở chính hoặc Ban kiểm soát đặc biệt, Thống đốc NHNN có quyền quyết định việc đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện; đồng thời yêu cầu chủ sở hữu của TCTD được kiểm soát đặc biệt triển khai việc tăng vốn điều lệ (đảm bảo giá trị thực không thấp hơn vốn pháp định) hoặc xây dựng, trình NHNN phê duyệt, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tổ chức.

Trường hợp TCTD không có khả năng hoặc không thể thực hiện được việc tăng vốn điều lệ theo yêu cầu trong thời hạn xác định thì bắt buộc phải sáp nhập, hợp

 

nhất, mua lại với các tổ chức khác, tránh gây mất an toàn hệ thống.

NHNN cũng quy định thông tin về việc kiểm soát đặc biệt phải được công bố công khai qua một số hình thức như: đăng trên báo Trung ương hoặc địa phương nơi đặt trụ sở chính của TCTD ít nhất 03 số liên tiếp; họp báo; đăng trên website của TCTD hoặc của NHNN và công bố tại Đại hội đồng cổ đông. Thời điểm, nội dung và hình thức công bố sẽ do Thống đốc NHNN quyết định; riêng với TCTD là quỹ tín dụng nhân dân, thẩm quyền thuộc về Giám đốc NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở của TCTD đó...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/04/2013; thay thế cho Thông tư số 08/2010/TT-NHNN ngày 22/03/2010 và Quyết định số 92/2001/QĐ-NHNN ngày 08/02/2001.
 


PHẢI ĐẶT CỌC KHI GIAO DỊCH VÀNG MIẾNG
VỚI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Đây là quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/03/2013 về việc hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN.

Theo đó, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đăng ký thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng đến NHNN. Sau khi được NHNN chấp thuận giao dịch và quyết định hình thức giao dịch (trực tiếp hoặc qua đấu thầu), tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp đó phải thực hiện đặt cọc nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ xác nhận và thực hiện giao dịch với NHNN. Tỷ lệ đặt cọc, giá tham chiếu và khối lượng tham chiếu do NHNN thông báo trước mỗi lần tổ chức mua, bán.

Sở Giao dịch (NHNN) là cơ quan đại diện cho NHNN thực hiện các giao dịch với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp; trong thời hạn 30 phút, từ thời điểm thông báo khối
 

 

lượng, giá mua, bán hoặc kết quả đấu thầu, người đại diện giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phải ký xác nhận giao dịch mua, bán với NHNN.

NHNN sẽ không hoàn trả tiền đặt cọc và thông báo bằng văn bản cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong trường hợp tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được mua, bán vàng miếng với NHNN vi phạm nghĩa vụ ký xác nhận giao dịch hoặc nghĩa vụ thời hạn thanh toán, trừ trường hợp NHNN ngừng mua, bán hoặc hủy đấu thầu...

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ, trường hợp bị hủy quan hệ giao dịch với NHNN, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó không được thiết lập lại quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN trong thời hạn 01 năm kể từ ngày giao dịch bị hủy.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/032013.

 

Ü Xây dựng:

CHO PHÉP CHUYỂN ĐỔI NHÀ Ở THƯƠNG MẠI CHƯA THI CÔNG

Ngày 08/03/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BXD hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm ở xã hội hoặc công trình dịch vụ.

Theo quy định tại Thông tư này, việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ chỉ được tiến hành với những dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa triển khai thi công xây dựng hoặc được triển khai thi công nhưng cơ cấu căn hộ hoặc mục đích sử dụng nhà ở thương mại không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, việc điều chỉnh này cũng chỉ được thực hiện đối với các hạng mục công trình xây dựng và căn hộ mà chủ đầu tư chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng; trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản
 

 

của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng.

Riêng các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có quy mô từ 500 căn hộ trở lên thì trước khi UBND cấp tỉnh ra quyết định cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

Khi thực hiện chuyển đổi, các dự án đã nộp tiền sử dụng đất sẽ được Nhà nước hoàn trả lại số tiền đã nộp hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước trên cơ sở tính toán lại tiền sử dụng đất của dự án sau khi điều chỉnh.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/04/2013 đến hết ngày 31/12/2014.

 

Ü Y tế-Sức khỏe:

CẤM QUẢNG CÁO THỰC PHẨM
CÓ TÁC DỤNG NHƯ THUỐC CHỮA BỆNH

Đây là nội dung được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BYT ngày 13/03/2013 hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Tại Thông tư này, Bộ Y tế nghiêm cấm các hành vi quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng; thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố quy chuẩn; hay quảng cáo dưới hình thức bằng bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh... Theo đó, đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng, nội dung quảng cáo trên các phương tiện đại chúng, tờ rơi, poster phải có dòng chữ hoặc lời đọc “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”... 
 

 

Đồng thời, Bộ cũng quy định phải đăng ký nội dung khi tiến hành quảng cáo các loại thực phẩm như: Thực phẩm chức năng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên; nước khoáng đóng chai; phụ gia thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói chứa thực phẩm...

Cục An toàn thực phẩm chịu trách nhiệm tổ chức việc cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các loại thực phẩm chức năng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm cho các sản phẩm như nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/04/2013.
 

Ü Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM
TƯ VẤN VIỆC LÀM MIỄN PHÍ CHO SINH VIÊN

thị số 895/CT-BGDĐT về việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2013 - 2015.

Theo đó, nhằm giảm tỉ lệ sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học củng cố và phát triển Trung tâm tư vấn sinh viên và quan hệ với doanh nghiệp để giúp đỡ sinh viên lựa chọn ngành nghề, giới thiệu miễn phí việc làm cho sinh viên và nắm bắt thông tin phản hồi từ doanh nghiệp về nhu cầu đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Đồng thời, các cơ sở đào tạo này phải mở ngành đào tạo, xác định quy mô đào tạo dựa theo nhu cầu phát triển nhân lực của ngành, địa phương, khả năng cung

 

ứng nhân lực trên địa bàn hoặc vùng lân cận, theo điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và theo ý kiến tư vấn của Hội đồng phát triển nhân lực địa phương, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đăng theo ngành đào tạo…

Riêng các trường cao đẳng, đại học sư phạm, ngoài những nhiệm vụ trên, cần phải đổi mới căn bản nội dung chương trình đào tạo, chương trình bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa ở giáo dục phổ thông vào năm 2015; nghiên cứu hình thành các trung tâm biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về nội dung, phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên tại địa phương hoặc cho cả vùng…
 


HỖ TRỢ ĂN TRƯA 120.000 ĐỒNG/THÁNG
CHO TRẺ MẪU GIÁO VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Ngày 11/03/2013, Liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Bộ Nội vụ đã ký Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV của về việc hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011.

Theo Thông tư này, các đối tượng trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo các quy định hiện hành; hoặc có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo; hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế sẽ được hỗ trợ ăn trưa 120.000 đồng/tháng/trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ mẫu giáo 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 cũng được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng/trẻ. Trẻ mẫu giáo dân tộc ít người từ 3 - 5 tuổi thuộc hộ nghèo được hỗ

 

trợ bằng 30% mức lương tối thiểu chung/tháng/trẻ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/11/2012.

Nguyên tắc hỗ trợ cho các đối tượng trên là: Mỗi trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ tối đa trong 3 năm học; năm học được hưởng là năm học mà trẻ đạt đến 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi theo giấy khai sinh. Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được cấp cho cơ sở giáo dục mầm non hoặc trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ theo số tháng thực học, tối đa 9 tháng/năm học và thực hiện 2 lần trong năm: lần 1 chi trả đủ 04 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 2 chi trả đủ 05 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/04/2013 và thay thế Thông tư số 05/2003/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 24/02/2003.

 


TĂNG LỆ PHÍ TUYỂN SINH CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC

Ngày 08/03/2013, Liên bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo đã ký Thông tư liên tịch số 25/2013/TTLT-BTC-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 11/02/2010 quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp.

Theo đó, Liên bộ quyết định tăng đồng loạt mức thu phí dự thi, dự tuyển các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục - đào tạo (GDĐT) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cụ thể: mức phí đối với thí sinh thuộc diện xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là 30.000 đồng/hồ sơ (quy định cũ đối với ĐH, CĐ là 15.000 đồng/hồ sơ); phí đăng ký dự thi là 60.000 đồng/hồ sơ (tăng 10.000 đồng so với trước đây); phí sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu là 120.000 đồng/hồ sơ (tăng 20.000 đồng so với trước đây); phí dự thi văn hóa là 45.000 đồng/hồ sơ (tăng

 

15.000 đồng); dự thi năng khiếu là 300.000 đồng/hồ sơ (tăng 100.000 đồng)...

Ngoài ra, việc phân phối số tiền phí đăng ký dự thi, dự tuyển cũng được điều chỉnh, cụ thể như sau: Đối với số tiền do các Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp thu được trích nộp cho Bộ GDĐT với mức 6.000 đồng/hồ sơ đăng ký dự thi; 4.000 đồng/hồ sơ đăng ký xét tuyển; trích lại cho Sở GDĐT 7.000 đồng/hồ sơ dự thi; 6.500 đồng/hồ sơ xét tuyển; số tiền còn lại chuyển cho cơ sở nơi thí sinh đăng ký...; với số tiền do cơ sở GDĐT trực tiếp thu cũng phải trích nộp cho Bộ GDĐT với mức tương tự...

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2013 và áp dụng cho các kỳ tuyển sinh từ năm 2013.

 


CHỈ THANH TOÁN LƯƠNG DẠY THÊM Ở ĐƠN VỊ THIẾU GIÁO VIÊN

Đây là một trong các nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm được Liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Nội vụ - Tài chính tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/03/2013 về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo đó, Liên bộ quy định chỉ thanh toán tiền lương dạy  thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng giáo viên do cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc trường hợp khi có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra mà phải bố trí giáo viên khác dạy thay.

Liên bộ cũng quy định định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/năm học đối với giáo viên phổ thông; định mức giờ giảng dạy/năm học đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giờ giảng/năm học đối với giáo
 

 

viên, giảng viên dạy nghề; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ... được gọi chung là định mức giờ dạy/năm. Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ không được quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thông tư này, tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có). Trong đó, tiền lương 01 giờ dạy thêm bằng 150% lần tiền lương 01 giờ dạy thông thường.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/04/2013 và thay thế Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 09/09/2008.

 

Ü Chính sách kinh tế-xã hội:

XÂY DỰNG HỌC VIỆN DÂN TỘC
 ĐÀO TẠO CÁN BỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ

Ngày 12/03/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra tại chiến lược này là xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Theo đó, cần sắp xếp lại mục tiêu đào tạo hệ thống các trường đại học, trường dạy nghề ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số; đặc biệt là nghiên cứu xây dựng Học viện Dân tộc chuyên đào tạo đội ngũ trí thức, cán bộ vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ưu tiên giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp…

Về phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo đồng bào vùng dân tộc thiểu số, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ
 

 

trọng các ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; phát triển vùng chuyên canh ngô hàng hóa cung cấp cho sản xuất thức ăn gia súc trong nước, phát triển hoa, rau công nghệ cao, phát triển kinh tế trang trại để chăn nuôi trâu, bò, lợn tập trung ở một số vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc…

Mục tiêu hướng tới khi thực hiện các nhiệm vụ nêu trên là tỷ lệ lao động trong độ tuổi người dân tộc thiểu số qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đạt trên 50%; 100% cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, trong đó 70% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên; bình quân hàng năm giảm 4% hộ nghèo…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Ü Cơ cấu tổ chức:

BỔ SUNG CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BỘ TƯ PHÁP

Ngày 13/03/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Tại Nghị định này, Chính phủ bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ mới của Bộ Tư pháp; trong đó, đáng chú ý là chức năng pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Cụ thể, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp điển của các cơ quan thực hiện pháp điển; thẩm định các đề mục trong Bộ pháp điển; cập nhật, loại bỏ các quy phạm pháp luật, đề mục mới trong Bộ pháp điển; xây dựng Trang thông tin điện tử pháp điển…

Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn có chức năng trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, được thể hiện qua các hoạt động như: Theo dõi chung và báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong việc thực
 

 

hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bổ sung thêm 03 đơn vị mới vào cơ cấu của Bộ Tư pháp, nâng tổng số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp là 27 đơn vị. 03 đơn vị mới bao gồm: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Trung tâm Lý lịch tư pháp.

Trong cơ cấu của Bộ, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Hợp tác quốc tế được tổ chức 04 Phòng; Vụ Dân sự - kinh tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính được thành lập 05 phòng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2013; thay thế Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/08/2008 của Chính phủ.

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.