Số 10.2011 (519) ngày 08/03/2011

 

SỐ 10 (519) - THÁNG 3/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

CHÍNH PHỦ

 

1

14/2011/QĐ-TTg

Quyết định 14/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước

 

* Ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước

Trang 2

2

13/NQ-CP

Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2011

 

* Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Trang 2

3

332/QĐ-TTg

Quyết định 332/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020

 

* Ngành nuôi trồng thủy sản thu hút 3,5 triệu lao động 

Trang 2

4

316/QĐ-TTg

Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/06/2008 của Bộ Chính trị…

 

* Cấp 100% kinh phí thực hiện, phổ biến tác phẩm nghệ thuật 

Trang 3

5

315/QĐ-TTg

Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013

 

* Thủ tướng quyết định thí điểm mô hình bảo hiểm nông nghiệp 

Trang 3

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

 

 

 

6

02/2011/TT-NHNN

Thông tư 02/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam

 

* Trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ là 14%/năm 

Trang 4

7

01/CT-NHNN

Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội

 

* Giảm tỷ trọng cho vay bất động sản và chứng khoán 

Trang 4

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

 

8

11/2011/TT-BGDĐT

Thông tư 11/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy…

 

* Bổ sung 02 đối tượng được ưu tiên xét tuyển năm 2011 

Trang 4

9

10/2011/TT-BGDĐT

Thông tư 10/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ

 

* Luận văn thạc sĩ chỉ chiếm 20% thời lượng đào tạo 

Trang 5

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG 

 

 

 

10

07/2011/TT-BTTTT

Thông tư 07/2011/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp Giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình

 

* Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình có hiệu lực trong 10 năm 

Trang 5

 
Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 02/2011, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS02/2011 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

BAN HÀNH TIÊU CHÍ, DANH MỤC PHÂN LOẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/3/2011 ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực quan trọng như: doanh nghiệp phục vụ quốc phòng, an ninh và các doanh nghiệp đóng tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa kết hợp kinh tế với quốc phòng; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị; các cảng hàng không; cảng biển loại I; bưu chính công ích; báo chí, xuất bản; xổ số kiến thiết; phát thanh, truyền hình;...

Điểm đáng chú ý là Quyết định mở rộng đối tượng doanh nghiệp (so với quy định trước đây) mà trong đó Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp thành viên có vai trò chủ yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, nắm giữ các bí quyết kinh doanh, công nghệ mà tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thiết phải nắm giữ 100% vốn để thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh được giao.

Cũng theo Quyết định này, những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần thuộc 03 nhóm chính là:

 

Những doanh nghiệp tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích (như chiếu sáng đô thị; đo đạc bản đồ; thoát nước đô thị; vệ sinh môi trường...); Những doanh nghiệp bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; Những doanh nghiệp có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường (hoạt động trong các lĩnh vực như: sản xuất điện quy mô lớn từ 500 MW trở lên (quy định cũ: 100 MW); sản xuất gang, thép có công suất trên 500.000 tấn/năm (quy định trước đây là 300.000 tấn/năm); tài chính, tín dụng, bảo hiểm...)

Đối với những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, nhưng không thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần theo Quyết định này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng quyết định thành lập, căn cứ tình hình thực tế để tiếp tục phân loại, bán phần vốn nhà nước tại các công ty này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2011 và thay thế quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
 

TẬP TRUNG KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Tìm mọi giải pháp đưa người lao động tại Li-bi về nước; Khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Luật là các nội dung chính trong Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 04/3/2011 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2011.

Nghị quyết nhấn mạnh: Chính phủ đã chủ động nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá thời gian qua để ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên điều kiện tiềm lực kinh tế của đất nước còn hạn chế, cũng như việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, đã làm giá cả trong nước tăng, gây nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội.

 

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, kiên quyết tạo chuyển biến tích cực về cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này.

Trong đó, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục liên hệ và phối hợp với các nước sở tại, các tổ chức quốc tế, các chủ sử dụng lao động để bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam đang ở tại Li-bi và các nước thứ ba, tìm mọi giải pháp sớm nhất đưa người lao động Việt Nam làm việc tại Li-bi về nước an toàn… 
 

NGÀNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN THU HÚT 3,5 TRIỆU LAO ĐỘNG

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03/3/2011, phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 với mục tiêu nâng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,5 triệu tấn, trên diện tích 1,2 triệu ha; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5 - 5,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3,5 triệu người.

Trong đó, cá tra đạt sản lượng khoảng 1,5 đến 2 triệu tấn, tăng trưởng trung bình là 4,8%/năm; tôm nước lợ đạt 700.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 5,67%; tôm càng xanh đạt 60.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 11,6%; nhuyễn thể đạt 400.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 16%; cá biển là 200.000 tấn, tăng trưởng trung bình là 14,9%...

Nhiệm vụ từ nay đến năm 2020 đặt ra với ngành thủy sản là phải tập trung sản xuất giống, phấn đấu 100% giống các đối tượng nuôi chủ lực là giống chất lượng cao, sạch bệnh. Đồng thời, mở rộng diện tích nuôi thâm canh, kết hợp với tăng năng suất, sản lượng các vùng hiện có; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và áp dụng công nghệ nuôi thủy sản lồng, bè vùng ven biển, đảo và hồ chứa.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu cần nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông, ngư dân thành lập và tổ chức các mô hình kinh tế hợp tác nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến mua trữ thủy sản nguyên liệu, đảm bảo ổn định giá và lợi nhuận cho người nuôi.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn để thực hiện Đề án khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 10%, vốn vay tín dụng đầu tư 10%, vốn vay thương mại 50% và vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân là 30%.

Ưu tiên đầu tư cho 06 dự án và nhóm dự án trong ngành, đáng chú ý là: nhóm dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhóm dự án đầu tư phát triển hệ thống giống thủy sản, nhóm dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống, phòng trị dịch bệnh và cải tạo môi trường nuôi trồng...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/3/2011.

CẤP 100% KINH PHÍ THỰC HIỆN, PHỔ BIẾN TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 phê duyệt Đề án “Xây dựng và rà soát các chế độ chính sách đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật (VHNT) và văn nghệ sĩ; chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm VHNT; chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động VHNT” để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. 

Mục tiêu của Đề án nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phát hiện và khẳng định những giá trị mới làm phong phú và đa dạng đời sống văn hóa, văn nghệ; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Để thực hiện việc xây dựng chính sách và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tài trợ, đặt hàng và khuyến khích sáng tác VHNT, Đề án tập trung vào nhóm các giải pháp về tài trợ; đặt hàng, cùng với việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách về tiền lương, phụ cấp, BHXH, nhà ở, bảo vệ quyền tác giả… 

Cụ thể, tác phẩm, công trình VHNT đặt hàng được ngân sách cấp 100% kinh phí để thực hiện và phổ biến tác phẩm.

 

Khuyến khích đối với văn nghệ sĩ sáng tác trong lĩnh vực VHNT thông qua việc quy định các chế độ nhuận bút, lương, thưởng và phụ cấp hợp lý (mức phụ cấp đối với Nghệ sĩ Nhân dân bằng 100% lương tối thiểu; Nghệ sĩ Ưu tú bằng 2/3 mức lương tối thiểu).

Tăng cường cơ sở vật chất như nhà hát, rạp chiếu phim, nhà xuất bản, khu triển lãm, trung tâm văn hóa nghệ thuật; kiện toàn cơ cấu tổ chức của Hội VHNT; có chính sách bảo hộ quyền tác giả hiệu quả… 

Được biết, chính sách tài trợ, đặt hàng của Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã góp phần kích thích sự sáng tạo của văn, nghệ sĩ, neo giữ và quy tụ các văn nghệ sĩ vào một mục tiêu sáng tạo chung, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần vào công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước. 

Riêng trong giai đoạn 2006 - 2010, đã tổ chức được 1660 Trại sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm VHNT; 1080 lớp tấp huấn; 1240 hội thảo; 1120 lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm VHNT; hỗ trợ công bố 4670 tác phẩm; tổ chức được 1215 đoàn và 14660 tác giả đi thâm nhập sáng tác…
 

THỦ TƯỚNG QUYẾT ĐỊNH THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

Ngày 01/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013 với mục đích hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Theo đó, giai đoạn 2011-2013 sẽ thực hiện thí điểm BHNN đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; thực hiện bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; thực hiện bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau. 

Người tham gia thí điểm sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp;

 

xuất nông nghiệp; hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. 

Tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ phải là một trong những đối tượng quy định ở trên; có quyền lợi được bảo hiểm; tham gia thí điểm, đóng phí bảo hiểm phần trách nhiệm của mình và thực hiện sản xuất, canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng, phòng dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Cũng theo Quyết định này, các rủi ro được bảo hiểm bao gồm: Thiên tai (bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá…); Dịch bệnh (dịch cúm, dịch tai xanh, bệnh lở mồm, long móng, bệnh thủy sản, dịch rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá…). Việc bồi thường bảo hiểm được thực hiện theo quy định hiện hành hoặc bồi thường dựa trên chỉ số thời tiết, dịch bệnh, sản lượng có liên quan với thiệt hại.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và áp dụng từ ngày 01/7/2011 đến hết năm 2013.
 

TRẦN LÃI SUẤT HUY ĐỘNG VỐN VNĐ LÀ 14%/NĂM

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, ngày 03/3/2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng VNĐ của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng VNĐ (lãi suất tiền gửi, lãi suất chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu) của các tổ chức và cá nhân bao gồm cả các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm. Riêng các Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở ấn định lãi suất huy động vốn bằng VNĐ không vượt quá 14,5%.

Mức lãi suất huy động vốn tối đa này áp dụng cho phương thức trả lãi cuối kỳ; đối với các phương thức trả lãi khác, phải được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ tương ứng với mức huy động vốn tối đa.

 

Cũng theo Thông tư, tổ chức tín dụng có trách nhiệm niêm yết công khai lãi suất huy động vốn bằng VNĐ tại các địa điểm huy động vốn theo quy định. Nghiêm cấm việc thực hiện khuyến mại huy động vốn bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác không đúng với quy định của pháp luật và Thông tư này.

Được biết, mới đây một số ngân hàng thương mại đang cố tình nâng mức lãi suất huy động bằng VNĐ lên đến 17 - 18%/năm, trước thông tin đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra ngay tình hình huy động vốn bằng VNĐ thực tế của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo ý kiến của Thống đốc, việc tùy tiện tăng lãi suất huy động lên cao sẽ gây xáo trộn thị trường, không lành mạnh, vi phạm Luật Ngân hàng và sẽ bị xử lý nghiêm...
 

GIẢM TỶ TRỌNG CHO VAY BẤT ĐỘNG SẢN VÀ CHỨNG KHOÁN

Ngày 01/03/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó, mục tiêu năm 2011 là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng dưới 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15%-16%; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý.

Các tổ chức tín dụng được yêu cầu phải xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20%, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô khác của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thực hiện đúng quy định của pháp luật về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng.

Giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010,

 

nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%.

Về phần mình, Thống đốc chỉ đạo các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng, kết hợp chặt chẽ với thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng; sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ để giảm nhu cầu vay; áp dụng biện pháp giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng; theo dõi và dự báo sát tình hình biến động giá vàng quốc tế, cung - cầu trong nước, chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu vàng, điều tiết và ổn định giá vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do…

BỔ SUNG 02 ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ƯU TIÊN XÉT TUYỂN NĂM 2011

Ngày 28/02/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 11/2011/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010.

Thông tư bổ sung thêm 02 đối tượng được ưu tiên xét tuyển là người khuyết tật và người nước ngoài. Theo đó, thí sinh là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày thì Hiệu trưởng căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học.

Đối với thí sinh là người nước ngoài có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì Hiệu trưởng căn cứ kết quả học tập trung học phổ thông, kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét quyết định cho vào học. 

Thông tư cũng yêu cầu cán bộ coi thi các môn thi trắc nghiệm phải có trách nhiệm nhận túi đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), hồ sơ thi liên quan mang về phòng thi; kí tên vào giấy nháp và phiếu TLTN; phát phiếu TLTN và giấy nháp,  

 

hướng dẫn thí sinh điền vào các mục từ 1 đến 9 trên phiếu TLTN… 

Cán bộ coi thi phát đề thi cho thí sinh sao cho 2 thí sinh ngồi cạnh nhau (theo cả hàng ngang và hàng dọc) không có cùng mã đề thi. Khi phát đề thi, yêu cầu thí sinh để đề thi dưới phiếu TLTN và không được xem đề thi; chỉ khi nào thí sinh cuối cùng nhận được đề thi thì cho phép thí sinh lật đề thi lên và ghi, tô mã đề thi vào phiếu TLTN, ghi mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi. 

Khi dự thi các môn trắc nghiệm, thí sinh phải làm bài thi trên phiếu TLTN được in sẵn theo quy định; bài làm phải có hai chữ kí của hai cán bộ coi thi. Trên phiếu TLTN chỉ được viết một thứ mực, không phải là mực đỏ; các ô số báo danh, mã đề thi, trả lời chỉ được tô bằng bút chì đen. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình lựa chọn… 

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/04/2011; bãi bỏ điểm i khoản 1 Điều 5 và điểm e khoản 3 Điều 35 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010; các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.

LUẬN VĂN THẠC SĨ CHỈ CHIẾM 20% THỜI LƯỢNG ĐÀO TẠO

Ngày 28/02/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT quy định về đào tạo trình độ thạc sĩ, áp dụng đối với các cơ sở đào tạo đã được giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ, các tổ chức và cá nhân tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ. 

Theo đó, đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện từ 01 đến 02 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học, trong đó, các ngành đào tạo đại học có thời gian từ 05 năm trở lên thì thời gian đào tạo thạc sĩ tối thiểu là 01 năm; đối với các ngành đào tạo đại học có thời gian từ 4,5 năm trở xuống thì thời gian đào tạo thạc sĩ là từ 1,5 đến 02 năm học. 

Ch­ương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải đảm bảo cho học viên được bổ sung và nâng cao những kiến thức đã học; tăng cường kiến thức liên ngành; có đủ năng lực thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Trong những trường hợp cần thiết, phần kiến thức ở trình độ đại học được nhắc lại nhưng không quá 5% thời lượng quy định cho mỗi học phần. 

 

 

Các học phần chiếm khoảng 80% thời lượng chương trình đào tạo, bao gồm: phần kiến thức chung (học phần Triết học và học phần ngoại ngữ), phần kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành. Luận văn chiếm khoảng 20% thời lượng chương trình đào tạo. 

Việc thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức từ 1 đến 2 lần/năm; các môn thi tuyển gồm: môn ngoại ngữ, môn cơ bản, môn cơ sở của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo. 

Người dự thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ phải đảm bảo đã tốt nghiệp đại học đúng ngành hoặc phù hợp hoặc gần với ngành đăng ký dự thi. Bên cạnh đó, tùy theo yêu cầu của từng ngành, chuyên ngành đào tạo, Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể về thâm niên công tác chuyên môn cho từng ngành hoặc chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo… 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2011 và thay thế Quyết định số 45/2008/QĐ-BGDĐT ngày 05/08/2008, Thông tư số 08/2009/TT-BGDĐT ngày 21/04/2009.

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH CÓ HIỆU LỰC TRONG 10 NĂM

Ngày 01/3/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Thông tư số 07/2011/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp Giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động phát thanh, Giấy phép hoạt động truyền hình, Giấy phép sản xuất kênh chương trình quảng bá; Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp Giấy phép sản xuất chương trình đặc biệt theo quy định.

Tổ chức được cấp Giấy phép hoạt động phát thanh, Giấy phép hoạt động truyền hình phải có hoạt động phù hợp với quy hoạch phát triển phát thanh truyền hình, đáp ứng các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính và có đủ các điều kiện về nhân sự. Trong đó, các chức danh lãnh đạo, quản lý phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị cao cấp, có nghiệp vụ quản lý báo chí và phải có Thẻ nhà báo đang còn hiệu lực.

Đồng thời, phải xác định rõ tên gọi của tổ chức dự kiến được cấp Giấy phép hoạt

 

động phát thanh, Giấy phép hoạt động truyền hình; mục đích hoạt động báo chí; tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, ngôn ngữ thể hiện của kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá đầu tiên gắn với sự ra đời của tổ chức đó.  

Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình có hiệu lực 10 năm kể từ ngày ký; riêng Giấy phép sản xuất chương trình đặc biệt, chương trình phụ được ghi trực tiếp trong Giấy phép được cấp, nhưng không vượt quá hiệu lực của Giấy phép sản xuất kênh chương trình quảng bá của tổ chức được cấp phép.

Sau 90 ngày kể từ ngày Giấy phép có hiệu lực mà tổ chức được cấp phép không hoạt động theo nội dung quy định trong giấy phép thì giấy phép được cấp không còn giá trị…  

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2011; các tổ chức đang hoạt động phát thanh, truyền hình trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này thì chậm nhất đến ngày 01/5/2012 phải làm thủ tục đề nghị cấp lại Giấy phép.
 

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.