Số 10.2010 (468) ngày 16/03/2010

 

CHÍNH PHỦ


Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở nước ngoài (SMS: 23/2010/ND-CP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 23/2010/NĐ-CP ngày 12/3/2010 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Theo Nghị định này, trình tự, thủ tục về đầu tư, mua sắm, trang bị, bán, điều chuyển, thanh lý và tiêu hủy tài sản nhà nước của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của các văn bản: Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ nước sở tại, pháp luật của nước sở tại và pháp luật Việt Nam. Định kỳ hàng năm, cơ quan Việt Nam ở nước ngoài báo cáo tình hình quản lý, sử dụng, xử lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với các tài sản nhà nước là: trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở; xe ô tô các loại; các tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán (quy ngoại tệ) từ 30.000 USD trở lên/01 đơn vị tài sản. Trường hợp để xảy ra vi phạm các quy định về quản lý tài sản nhà nước, thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và các cá nhân có liên quan bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Cũng theo Nghị định này, tài sản nhà nước là trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất được bán trong trường hợp cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ quyết định bán các loại tài sản nói trên có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 10 triệu USD trở lên theo đề nghị của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan chủ quản và Bộ trưởng Bộ Tài chính; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan chủ quản quyết định bán tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 10 triệu USD sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/4/2010; những nội dung quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam (SMS: 343/QD-TTg) - Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2010. Đề án này gồm 4 tiểu Đề án do 4 cơ quan chủ trì là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đối tượng của Đề án này là các báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, công đoàn các cấp, đội ngũ quản lý và giáo viên của ngành giáo dục, đội ngũ quản lý, phóng viên của cơ quan truyền thông chuyên viết và thực hiện chương trình về mảng đề tài phụ nữ của ngành thông tin và truyền thông, cán bộ nghiệp vụ văn hóa và cán bộ nếp sống, văn hóa và gia đình cơ sở của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, phụ nữ Việt Nam nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục bao gồm các giá trị đạo đức truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được xây dựng, giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn phát triển của đất nước; tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: có lòng yêu nước, có sức khỏe, có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu. Phấn đấu đến hết năm 2015, trên 70% phụ nữ và trên 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, nữ công chức, nữ viên chức, nữ công nhân được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Thay đổi cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế (SMS: 22/2010/ND-CP) - Từ ngày 01/5/2010, Cục Y tế dự phòng và Môi trường thuộc Bộ Y tế sẽ được tách thành 02 cơ quan là Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý môi trường y tế theo Nghị định số 22/2010/NĐ-CP ngày 09/3/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Y tế có 23 tổ chức trực thuộc, trong đó có 19 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 04 tổ chức là các đơn vị sự nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2010.

Quản lý biên chế công chức (SMS: 21/2010/ND-CP) - Nghị định về quản lý biên chế công chức đã được Chính phủ ban hành ngày 08/3/2010. Đó là Nghị định số 21/2010/NĐ-CP áp dụng cho: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước; tòa án nhân dân; viện kiểm sát nhân dân; các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; các cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Theo Nghị định này, quản lý biên chế công chức bao gồm các nội dung: xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về biên chế công chức, hướng dẫn xác định biên chế công chức và quản lý biên chế công chức; lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm, điều chỉnh biên chế công chức; quyết định biên chế công chức, phân bổ, sử dụng biên chế công chức; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý biên chế công chức; thống kê, tổng hợp và báo cáo về biên chế công chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức, biên chế công chức dự phòng, biên chế công chức làm việc ở nước ngoài của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý biên chế công chức được giao đối với các cơ quan nói trên; giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý biên chế công chức thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp  luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2010. Bãi bỏ những quy định về biên chế công chức tại Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 của Chính phủ về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước.

Quy định cụ thể về sinh con thứ ba (SMS: 20/2010/ND-CP) - Ngày 08/3/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số. Theo đó, có 7 trường hợp sinh con thứ ba mà không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con, đó là các trường hợp: cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên; cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên; cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận; cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện đang còn sống; phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Theo Nghị định này, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định kỳ 5 năm công bố tên dân tộc có số dân dưới 10 ngàn người, tên dân tộc có tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết (dân tộc có nguy cơ suy giảm dân số); giao Bộ Y tế ban hành danh mục dị tật, bệnh hiểm nghèo để xác định đối tượng theo quy định nói trên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/4/2010. Bãi bỏ những quy định trái với quy định của Nghị định này.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng
(SMS: 31/2010/TT-BTC) - Ngày 09/3/2010, Bộ Tài chính có Thông tư số 31/2010/TT-BTC sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng qui định tại Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính về việc qui định mức thuế suất của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế thành mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới qui định tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể, mặt hàng “loại khác” (mã số 7227.90.00.90) của nhóm hàng các dạng thanh và que thép hợp kim khác được cán nóng dạng cuộn không đều, thuế suất giảm từ 5% xuống còn 0%; bổ sung mặt hàng “loại khác” (mã số 8503.00.19.00) thuộc nhóm 85.03 “các bộ phận chỉ dùng hoặc chủ yếu dùng cho các loại động cơ điện và máy phát điện thuộc nhóm 85.01 hoặc 85.02” với thuế suất 5%; mặt  hàng xe ô tô có dung tích xi lanh từ 2.500 cc trở lên (mã số 8703.23.94.00) thuế suất giảm từ 83% xuống còn 80%.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
 

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Quy chế học viên vừa học vừa làm (SMS: 09/2010/TT-BGDDT) - Ngày 10/3/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 09/2010/TT-BGDĐT ban hành Quy chế học viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hình thức vừa làm vừa học. Quy chế này quy định quyền và nghĩa vụ của học viên hình thức vừa làm vừa học; nội dung công tác học viên; hệ thống tổ chức quản lý; khen thưởng và kỷ luật và áp dụng đối với học viên các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hình thức vừa làm vừa học (gọi chung là nhà trường), tổ chức và cá nhân có liên quan. Nội dung của công tác học viên gồm công tác tổ chức hành chính, công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động học tập và rèn luyện của học viên và việc phối hợp giữa nhà trường và cơ quan, đơn vị cử người đi học.
Theo Thông tư này, mục đích của công tác học viên là nhằm tạo môi trường học tập, rèn luyện tốt cho học viên; nâng cao tính chủ động, khai thác kinh nghiệm của học viên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường. Công tác học viên được thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ trong các công việc có liên quan đến học viên; bảo đảm các điều kiện để học viên thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quá trình học tập, rèn luyện, đồng thời phát huy sự chủ động, tự giác, tự học của học viên trong việc tổ chức và thực hiện kế hoạch học tập, rèn luyện cá nhân.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/4/2010.
 

 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Mẫu hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn (SMS: 06/2010/TT-BKH) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 06/2010/TT-BKH ngày 09/3/2010 quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn. Đối tượng áp dụng Thông tư này là tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn của các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu khi thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước và quốc tế để lựa chọn nhà thầu tư vấn là tổ chức. Đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn thuộc các dự án sử dụng vốn ODA, nếu được nhà tài trợ chấp thuận thì áp dụng theo mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư này hoặc có thể sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo quy định về đấu thầu trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam đã ký kết.
Khi áp dụng mẫu hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn ban hành kèm theo Thông tư này, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ mời thầu căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu mà đưa ra các yêu cầu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự canh tranh không bình đẳng. Trong mẫu hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư này, những chữ in nghiêng là nội dung mang tính hướng dẫn, minh họa và sẽ được người sử dụng cụ thể hóa căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu; trường hợp sửa đổi, bổ sung vào phần in đứng của mẫu này thì tổ chức, cá nhân lập hồ sơ mời thầu phải giải trình bằng văn bản và đảm bảo không trái với các quy định của pháp luật về đấu thầu, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung sửa đổi, bổ sung.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2010 và thay thế Quyết định số 1048/2008/QĐ-BKH ngày 11/8/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành mẫu hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn.
 

 

TỔNG CUC HẢI QUAN


Sửa đổi, bổ sung quy trình thủ tục hải quan (SMS: 437/QD-TCHQ) - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa ký Quyết định số 437/QĐ-TCHQ ngày 09/3/2010 sửa đổi, bổ sung quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trên Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ, cụ thể: ban hành Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra hải quan (đã được sửa đổi, bổ sung); thay thế lệnh hình thức, mức độ kiểm tra hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ nói trên.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2010.