Số 10.2007 (315) ngày 16/03/2007

 CHÍNH PHỦ


Minh bạch tài sản, thu nhập
(SMS: 202482)
- Theo Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ban hành ngày 09/3/2007, Chính phủ quy định: kể từ ngày 09/3/2007, cán bộ từ cấp phó phòng công ty nhà nước sẽ phải kê khai nhà đất, tài khoản ở nước ngoài, đá quý, ô tô, sổ tiết kiệm, trái phiếu (trị giá từ 50 triệu đồng) của vợ, chồng và con chưa thành niên. Việc kê khai tài sản phải hoàn thành chậm nhất là 31/12 hằng năm. Người bị kết luận là không trung thực sẽ bị kỷ luật từ khiển trách đến hạ ngạch. Quyết định kỷ luật được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan nơi người đó làm việc...
Bên cạnh đó, người có nghĩa vụ kê khai còn bao gồm: đại biểu Quốc hội, HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND. Cán bộ từ cấp phó chủ tịch xã; phó công an phường, thanh tra viên, cán bộ địa chính - xây dựng phường... cũng phải kê khai tài sản. Với khối quân đội, diện kê khai sẽ bắt đầu từ tiểu đoàn phó hoặc phó chỉ huy quân sự cấp huyện... Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND bị kết luận kê khai không trung thực sẽ bị xóa tên khỏi danh sách bầu cử trong 1 nhiệm kỳ. Đối với người dự kiến phê chuẩn, bổ nhiệm, mức xử lý với sai phạm trên là không phê chuẩn, bổ nhiệm trong thời hạn 1 năm.
Bản kê khai tài sản, thu nhập được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ và chỉ được khai thác, sử dụng trong các trường hợp: bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật cán bộ; phục vụ trong việc thẩm tra, xác minh, kết luận về hành vi tham nhũng. Khi người kê khai nghỉ hưu, thôi việc thì bản kê khai sẽ được lưu giữ cùng với hồ sơ cán bộ...
Việc xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện khi có kết luận của cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra về trách nhiệm của cán bộ liên quan đến hành vi tham nhũng hoặc khi có tố cáo, phản ánh nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để xác minh sự không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai...
Tố cáo, phản ánh về tài sản, thu nhập ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND chỉ được coi là căn cứ yêu cầu xác minh tài sản nếu gửi đến Hội đồng bầu cử, Ủy ban MTTQ chậm nhất là 30 ngày trước ngày hiệp thương lần cuối về danh sách ứng cử. Kê khai gian dối sẽ bị xóa tên khỏi danh sách bầu...
Nghiêm cấm các hành vi tẩu tán tài sản dưới mọi hình thức nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập; cản trở việc xác minh tài sản, thu nhập; khai thác, sử dụng trái pháp luật bản kê khai tài sản, thu nhập; lợi dụng việc quản lý, khai thác bản kê khai tài sản, thu nhập để gây mất đoàn kết nội bộ hoặc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác...
Cấm lợi dụng việc xác minh tài sản, thu nhập để gây khó khăn, cản trở hoạt động bình thường của người được xác minh; xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của người được xác minh; gây mất đoàn kết nội bộ hoặc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác...


Xử lý vi phạm lĩnh vực chứng khoán
(SMS: 202481)
- Ngày 08/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo đó, những hành vi vi phạm quy định về hoạt động chào bán CK ra công chúng như; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật; sử dụng thông tin ngoài Bản cáo bạch để thăm dò thị trường trước khi được phép chào bán CK ra công chúng; phân phối, phát hành khối lượng CK tối thiểu theo quy định... sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng. Phạt tiền từ 1% đến 5% tổng số tiền đã huy động trái pháp luật đối với tổ chức phát hành hoặc Giám đốc, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng của tổ chức phát hành. Phạt tiền từ 01 đến 05 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức phát hành chào bán CK ra công chúng khi chưa có Giấy chứng nhận chào bán CK ra công chúng và sẽ kèm theo các hình phạt bổ xung như; đình chỉ việc bán CK trong vòng 45 ngày, thu hồi Giấy chứng nhận chào bán CK ra công chúng... và phải có các biện pháp khắc phục hậu quả đã gây ra...
Những hành vi vi phạm về công ty đại chúng: không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN trong thời hạn 90 ngày, không đăng ký, lưu ký CK tập trung tại Trung tâm lưu ký CK, Vi phạm chế độ hạch toán kế toán áp dụng đối với công ty đại chúng sẽ bị phạt từ 05 đến 20 triệu đồng. Nếu công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch CK không công khai thông tin khi mua lại cổ phiếu của mình trước 7 ngày hoặc thông tin không đầy đủ về việc mua lại cổ phiếu sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng...
Về hành vi vi phạm niêm yết CK, sẽ phạt tiền từ 20 đến 70 triệu đồng khi hồ sơ niêm yết tại Sở Giao dịch CK có những thông tin sai lệch, gây hiểu lầm hoặc tổ chức niêm yết không chấp hành các quy định về thời gian, nội dung và phương tiện công bố thông tin về việc niêm yết.
Các tổ chức khai trương hoạt động trong lĩnh vực CK trong khi chưa có giấy phép, giấy phép không còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền đến 20 triệu đồng hoặc tịch thu giấy phép hoạt động và toàn bộ khoản thu nhập trái pháp luật...
Hành vi vi phạm quy định về giao dịch nội bộ trong giao dịch CK như sử dụng, tiết lộ thông tin nội bộ để mua, bán CK; hành vi thao túng thị trường CK bằng cách thông đồng trong giao dịch nhằm tạo ra cung cầu giả tạo sẽ bị phạt tiền đến 70 triệu đồng...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng
(SMS: 202480)
- Theo Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ban hành ngày 08/3/2007, Chính phủ quy định: các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử hoặc giao dịch theo phương thức truyền thống. Trường hợp sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó phải có chữ ký điện tử (bao gồm chữ ký số và các loại chữ ký điện tử khác) theo quy định...
Để được cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, các tổ chức phải được cung cấp dịch vụ ngân hàng theo quy định của pháp luật; có địa điểm, mạng truyền thông, thiết bị truyền thông, các phương tiện điện tử bảo đảm tính toàn vẹn và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu khai thác, kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ chứng từ điện tử; có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật công nghệ, nghiệp vụ ngân hàng...
Các quy định về định dạng chứng từ điện tử: phải phân biệt, nhận biết và truy cập được đến từng chứng từ điện tử; xác định chi tiết vị trí, đặc điểm, kiểu, độ dài và các ràng buộc nghiệp vụ đối với từng yếu tố trên chứng từ điện tử; bảo đảm việc truyền, nhận, xử lý, bảo quản, lưu trữ chứng từ một cách tự động trên các phương tiện điện tử. Việc lưu trữ chứng từ điện tử phải đảm bảo tính an toàn bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi, sai lệch trong suốt thời gian lưu trữ; lưu trữ đúng và đủ thời hạn đối với từng loại chứng từ theo quy định và in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu. Trường hợp chứng từ điện tử đang trong thời gian hiệu lực bị huỷ phải được ghi ký hiệu riêng thể hiện chứng từ điện tử đó đã bị huỷ; nguyên nhân, lý do huỷ và phải được lưu trữ riêng bằng phương tiện điện tử để theo dõi. Các chứng từ đã hết thời hạn lưu trữ theo quy định, nếu không có chỉ định nào khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được tiêu huỷ. Việc tiêu huỷ chứng từ điện tử không được làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các thông điệp dữ liệu chưa được tiêu huỷ và hoạt động bình thường của hệ thống thông tin...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách hỗ trợ di dân
(SMS: 202483)
- Ngày 05/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010.
Theo đó, thời gian thực hiện là từ năm 2007 đến 2010, hoàn thành cơ bản việc định canh, định cư cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư trên phạm vi cả nước; 70% số điểm định canh, định cư tập trung có đủ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phù hợp với quy hoạch chung, bao gồm: đường giao thông, điện, thủy lợi nhỏ, lớp học, nhà mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng và một số công trình thiết yếu khác; 100 % số hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư được tổ chức định canh, định cư theo quy hoạch, có nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... theo quy định; trên 70% số hộ được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tại các điểm định canh, định cư không còn hộ đói, mỗi năm giảm 2 - 3% số hội nghèo...
Đối với điểm định canh, định cư xen ghép, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho ngân sách xã với mức 20 triệu đồng/hộ, để sử dụng vào việc bồi thường đất ở, sản xuất cho hộ dân sở tại bị thu hồi giao cho hội định canh, định cư theo chế độ quy định, phần còn lại sử dụng để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã; hỗ trợ kinh phí áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới đưa vào sản xuất 3 năm đầu, mỗi năm 30 triệu đồng/thôn, bản (điểm định canh, định cư tập trung)...
Đối với hộ du canh, du cư thực hiện định canh, định cư sẽ được hỗ trợ trực tiếp bình quân 15 triệu đồng/hộ định canh, định cư để làm nhà ở, phát triển sản xuất, mua lương thực 6 tháng đầu tính từ khi đến điểm định canh, định cư, nước sinh hoạt; mức hỗ trợ cụ thể cho từng hộ và từng mục đích do UBND tỉnh quy định...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hộ trợ vay vốn đồng bào dân tộc
(SMS: 20844)
- Ngày 05/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Theo đó, để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vượt qua đói nghèo, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn không quá 05 triệu đồng/hộ và không phải dùng tài sản bảo đảm, được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn, với lãi xuất 0%...
Để được vay vốn sản xuất, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc tiểu số) phải là các hộ sống ở các xã (phường, thị trấn) thuộc vùng khó khăn, có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 60.000đồng/tháng; tổng giá trị tài sản của hộ không quá 03 triệu đồng; có phương hướng sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất. Ngoài ra, các hộ này phải có nơi cư trú hợp pháp, có trong danh sách do UBND xã lập và được UBND huyện phê duyệt; có phương án sử dụng vốn vay vào sản xuất kinh doanh được chính quyền cùng các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, bản xác nhận hoặc hỗ trợ gia đình lập...
Việc xem xét hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được thực hiện trên cơ sở bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng ở cơ sở và được lập danh sách theo từng xã; hằng năm danh sách này được rà soát để bổ sung và đưa ra khỏi danh sách những hộ không còn thuộc đối tượng...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chính sách tín dụng
(SMS: 20858)
- Ngày 05/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.
Theo đó, trong một số trường hợp cụ thể thì mức vốn vay có thể trên 30 triệu đồng, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh để quyết định mức cho vay cụ thể, tối đa không vượt quá 100 triệu đồng. Người vay vốn phải có dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được UBND xã nơi thực hiện dự án hoặc phương án kinh doanh xác nhận. Người vay vốn phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và cư trú hợp pháp tại nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh. Mục đích sử dụng vốn vay chủ yếu là mua sắm vật tư, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất, xây dựng mới nhà xưởng sản xuất, góp vốn thực hiện các dự án hoặc phương án hợp tác sản xuất, kinh doanh, giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng...
Thời hạn cho vay của từng dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định, phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của người vay vốn, chủ yếu là xác định theo theo các loại cho vay: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Người vay vốn đến 30 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, người vay vốn từ trên 30 triệu phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Lãi suất cho vay bằng 0,9%/tháng...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Bồi thường trong vận chuyển hàng không
(SMS: 202477)
- Ngày 27/02/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT Theo đó, trường hợp do lỗi của hãng hàng không, hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được đi hoặc chuyến bay bị hủy thì người vận chuyển phải bồi thường cho hành khách với các chuyến bay nội địa từ 100.000 - 300.000 đồng, với các chuyến bay quốc tế từ 25 - 150 USD.
Cụ thể, mức bồi thường cho các chuyến bay nội địa là 100.000 đồng cho chặng bay có độ dài dưới 500 km, 200.000 đồng: có độ dài 500 - 1.000 km, 300.000 đồng: trên 1.000 km. Với chuyến bay quốc tế, mức bồi thường cao nhất cho chặng bay có độ dài trên 5.000 km là 150 USD. Ngoài ra, các mức khác như 25 USD được áp dụng cho chặng bay có độ dài dưới 1.000 km, 50 USD cho độ dài 1.000 - 2.500 km và 80 USD cho độ dài 2.500 - 5.000 km...
Các hãng hàng không được quyền xem xét và quy định lại mức bồi thường nhưng không được thấp hơn các mức trên. Đồng thời, các hãng hàng không cũng được từ chối bồi thường đối với các trường hợp liên quan đến sức khỏe hành khách; hành khách không tuân thủ nghĩa vụ, điều lệ; có hành vi làm mất trật tự công cộng, uy hiếp an toàn bay, say rượu, tự nguyện bỏ xác nhận chỗ... Hãng hàng không được miễn bồi thường chậm hủy chuyến vì lý do bất khả kháng như điều kiện thời tiết, nguy cơ an ninh, sự cố kỹ thuật...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Thanh toán tìên mặt
(SMS: 202478)
- Ngày 07/3/2007, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2007/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Điều 4 và Điều 7 Nghị định số 161/2006/NĐ-CP quy định về thanh toán bằng tiền mặt.
Theo đó, mức phí rút tiền mặt mà các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền thu từ 0% đến 0,05% số tiền mặt giao dịch, việc rút tiền từ các máy rút tiền tự động không bị giới hạn bởi mức phí này.
Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước khi chi trả cho người thụ hưởng có tài khoản tiền gửi thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Kho bạc Nhà nước với mức tiền trên 30 triệu đồng cho cùng một mục đích thanh toán phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả; với mức chi trả từ 30 triệu đồng trở xuống thì được sử dụng tiền mặt để chi trả.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC THUẾ


Hướng dẫn thực hiện thuế thu nhập cá nhân
(SMS: 305292)
- Ngày 06/3/2007, Tổng cục Thuế đã ra Công văn số 937/TCT-TNCN về việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2006.
Tổng cục Thuế hướng dẫn: đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, khi nghỉ hưu được công ty mẹ ở nước ngoài chi trả tiền trợ cấp hưu trí thì khoản trợ cấp này là thu nhập chịu thuế TNCN nhưng chỉ tính cho phần thu nhập tương ứng với thời gian công tác tại Việt Nam...
Đối với người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam nhưng chưa xác định được là đối tượng cư trú hay không cư trú tại Việt Nam, có thu nhập thêm ngoài nơi làm việc chính (ví dụ như người nước ngoài làm việc tại một Văn phòng Đại diện nhưng có thu nhập từ tiền nhuận bút, giảng dạy  v.v.) thì cơ quan chi trả thu nhập khi chi trả từng lần từ 500.000 đồng/lần trở lên phải khấu trừ 10% thuế TNCN và cấp Chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân đó. Cuối năm hoặc trước khi rời khỏi Việt Nam, cá nhân phải kê khai quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế để xác định số thuế phải nộp theo quy định...

Đối với các cá nhân làm đại lý thu tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại không có đăng ký kinh doanh cũng thực hiện khấu trừ thuế và quyết toán thuế tương tự như các đại lý bán hàng đa cấp...