Số 10.2006 (264) ngày 17/03/2006

 CHÍNH PHỦ


Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong ngành cơ yếu
(SMS: 201486)
- Theo Quyết định số 57/2006/QĐ-TTg ban hành ngày 13/3/2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định: các nhiệm vụ sau đây trong ngành cơ yếu thuộc nhiệm vụ quốc phòng, an ninh: Tư vấn, thiết kế, xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin cho các cơ quan, đơn vị; thiết kế, xây dựng công trình hạ tầng an ninh mật mã; xuất, nhập khẩu trang thiết bị nghiệp vụ chuyên ngành mật mã; hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mật mã...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tăng cường cán bộ vùng sâu, vùng xa
(SMS: 201485)
- Ngày 13/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng quyết định: thực hiện việc tăng cường có thời hạn (từ 3 đến 5 năm) đối với cán bộ, công chức ở cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện (trừ các tỉnh Tây Nguyên đã có quyết định riêng) về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp cơ sở thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng ở địa phương...
Tiêu chuẩn, cán bộ, công chức tăng cường như sau: Có trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ; nói, hiểu được tiếng dân tộc và phong tục tập quán của đồng bào tại địa phương; có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng; Tuổi tối đa không quá 45...
Quyền lợi của cán bộ, công chức tăng cường: Hỗ trợ ban đầu tối thiểu 01 triệu đồng/người; Trợ cấp thêm hàng tháng bằng 50% mức lương và phụ cấp (nếu có) hiện hưởng, trợ cấp này được nhận cùng kỳ lương hàng tháng và không trích để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Được giữ nguyên lương, phụ cấp trách nhiệm, các quyền lợi khác (nếu có) và biên chế ở cơ quan, đơn vị cử đi. Trường hợp địa bàn đến công tác có phụ cấp khu vực cao hơn thì được hưởng mức phụ cấp này; hết thời hạn tăng cường, trong vòng 03 tháng đơn vị cũ có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp; Trong thời gian tăng cường nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được ưu tiên xét dự thi nâng ngạch, nâng bậc lương trước thời hạn (tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định) và xem xét, bổ nhiệm vào chức danh thích hợp...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy chế làm việc của cơ quan địa phương
(SMS: 19308)
- Ngày 08/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm phát hành các văn bản của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh trong thời gian không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được ký; bảo đảm đúng địa chỉ, đúng thủ tục. Ngoài ra, các văn bản của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành có liên quan trực tiếp đến giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của công dân phải được thông báo hoặc niêm yết công khai tại trụ sở các cơ quan có liên quan giải quyết...
Tất cả các công văn, tờ trình của UBND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phải được vào sổ văn thư của Văn phòng UBND. Việc phát, chuyển công văn, tờ trình phải có ý kiến của lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh trước khi chuyển đến địa chỉ xử lý theo thẩm quyền...
Chủ tịch UBND tỉnh phải có lịch tiếp công dân và tuỳ theo yêu cầu của công việc, Chủ tịch UBND bố trí số lần tiếp dân trong tháng. Chủ tịch UBND tỉnh có thể uỷ nhiệm cho Phó Chủ tịch tiếp công dân nhưng ít nhất mỗi quý, Chủ tịch UBND phải bố trí thời gian để trực tiếp tiếp công dân một buổi...

Ngoài việc quy trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, gây thiệt hại lớn, những vụ việc khiếu kiện tồn đọng kéo dài, vượt cấp thuộc phạm vi địa phương, Chủ tịch UBND phải định kỳ tổ chức họp với các Phó Chủ tịch và Thủ trưởng các cơ quan liên quan để giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng.

Cấp trên không làm thay công việc của cấp dưới, tập thể không làm thay công việc của cá nhân và ngược lại. Thủ trưởng cơ quan được giao công việc phải chịu trách nhiệm về tiến độ và kết quả công việc được phân công. Trong quá trình xử lý công việc, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm thông báo cho nhau những vấn đề quan trọng được mình giải quyết, vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực của Phó Chủ tịch khác...
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, khi tổ chức hội nghị có nhu cầu mời lãnh đạo của nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, phải báo cáo xin ý kiến và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung, thành phần, thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phòng, chống tệ nạn mại dâm
(SMS: 201483)
- Ngày 08/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2006 - 2010.
Mục tiêu của chương trình nhằm: xóa bỏ mại dâm trẻ em, ngăn chặn tệ nạn mại dâm trong học sinh, sinh viên; ngăn chặn, giảm dần hoạt động mại dâm có tổ chức, mại dâm ở địa bàn công cộng, mại dâm có tính bóc lột, trọng tâm là ở các đô thị, các điểm kinh doanh dịch vụ văn hoá, thương mại, du lịch, ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp; phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời không để phát sinh tệ nạn mại dâm ở những địa bàn chưa nghiêm trọng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc...
Xây dựng xã, phường lành mạnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 70% xã, phường, thị trấn ở khu vực đô thị không có tệ nạn mại dâm; 80% xã, phường, thị trấn ở khu vực miền núi, nông thôn không có tệ nạn mại dâm...
Quy hoạch các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm tại các địa phương. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh, sử dụng lao động; gắn phòng, chống tệ nạn mại dâm ở các cơ sở này với việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, lưu hành văn hóa phẩm đồi trụy, hành vi khiêu dâm, kích dục, sử dụng thuốc lắc, tiêm chích ma túy. Đối với các hành vi chứa mại dâm, tổ chức, môi giới, bảo kê mại dâm cần tăng cường áp dụng các hình phạt bổ sung, đặc biệt là hình phạt về kinh tế với mức tối đa...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Thẩm định giá
(SMS: 201484)
- Theo Thông tư số 17/2006/TT-BTC ban hành ngày 13/3/2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP, Bộ Tài chính hướng dẫn: đối với tài sản nhà nước có giá trị theo sổ kế toán hoặc giá dự toán từ 30 tỷ đồng trở lên; hoặc gói thầu dịch vụ thẩm định giá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên phải thực hiện hình thức đấu thầu cung cấp dịch vụ thẩm định giá. Nếu dưới 30 tỷ đồng hoặc dưới 100 triệu đồng thì có thể tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu cung cấp dịch vụ thẩm định giá...
Doanh nghiệp thẩm định giá chỉ được tham dự một đơn dự thầu trong một lần đấu thầu với tư cách dự thầu là đơn phương hay liên doanh dự thầu. Trường hợp doanh nghiệp đứng tên dự thầu thì các chi nhánh trực thuộc không được tham dự với tư cách là nhà thầu độc lập trong cùng một đợt đấu thầu.
Trong quá trình hoạt động thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá phải thường xuyên đảm bảo có đủ điều kiện về thành lập và hoạt động. Trường hợp sau 3 tháng liên tục doanh nghiệp thẩm định giá không đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định này thì phải ngừng hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng dịch vụ thẩm định giá phải cung cấp theo hợp đồng đã ký (nếu có) trong thời gian này...
Trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá thì phải lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp tính vào chi phí kinh doanh với mức trích hàng năm từ 0,5% đến 1% trên doanh thu dịch vụ thẩm định giá (doanh thu không có thuế giá trị gia tăng) tùy theo khả năng tài chính của doanh nghiệp. Khi Quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp có số dư cuối năm tài chính tương đương 10% doanh thu dịch vụ thẩm định giá trong năm tài chính thì không tiếp tục trích quỹ dự phòng nữa.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể  từ  ngày đăng Công báo.


Điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu
(SMS: 19303)
- Theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BTC ban hành ngày 03/3/2006 về việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng linh kiện, phụ tùng sản phẩm điện, điện lạnh gia dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: mặt hàng máy nén sử dụng trong các thiết bị đông lạnh có công suất trên 21 kW/h, dung tích công tác trên một chu kỳ từ 220 cm3 trở lên dùng cho máy điều hoà không khí áp dụng mức mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% (quy định trước đây là 30%)...
Máy điều hòa không khí, gồm có một quạt chạy bằng mô tơ và các bộ phận làm thay đổi nhiệt độ và độ ẩm kể cả các loại máy không điều chỉnh độ ẩm một cách riêng biệt loại sử dụng cho ngư­ời, trong xe có động cơ: 30% (trước đây: 50%)...
Máy giặt gia đình hoặc trong hiệu giặt, kể cả máy giặt có chức năng sấy khô có sức chứa không quá và từ 10kg vải khô một lần giặt tự động hoàn toàn: 40% (trước đây: 50%)...
Quyết đinh này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Lộ trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu
(SMS: 19299)
- Ngày 28/02/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 09/2006/QĐ-BTC về việc ban hành Danh mục hàng hoá và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN giai đoạn 2006 - 2013.
Theo đó, từ nay đến 2013 gần 10.000 dòng thuế nhập khẩu sẽ có mức thuế suất nhập khẩu 0-5%. Đa số các loại sản phẩm này đều đã được giảm thuế xuống 0-5% từ đầu năm 2006. Một số sản phẩm lúa gạo và thực phẩm đang chịu mức thuế cao 50% cũng sẽ nhanh chóng giảm xuống 5%...
Đáng chú ý, thuế suất nhập khẩu các loại xe tải van, xe bán tải pick-up và các loại xe tương tự ở dạng nguyên chiếc và dạng CKD cũng sẽ chỉ có mức thuế suất nhập khẩu 20% trong hai năm 2006-2007, giảm xuống 10% vào năm 2008 và đến năm 2009 sẽ hạ xuống mức thuế suất chung là 5%.
Thuế suất đối với toàn bộ các sản phẩm sẽ tiếp tục được xóa bỏ vào năm 2010 đối với 6 nước sáng lập và 2015 đối với 4 nước thành viên bao gồm Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia... Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi này, các loại hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước ASEAN với tỉ lệ xuất xứ ASEAN trong các sản phẩm  phải đạt 40%...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ Y TẾ


Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
(SMS: 201682)
- Ngày 09/3/2006, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT về việc ban hành "Quy chế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao".
Bộ Y tế quy định: người chế biến, kinh doanh thịt và sản phẩm từ thịt, trứng và sản phẩm từ trứng, kem,... phải xin phép và có giấy chứng nhận đủ điều kiện của Bộ Y tế. Ngoài các thực phẩm trên, các hộ kinh doanh nước đá, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường, phụ gia, sữa đậu nành, rau, củ quả tươi sống ăn ngay... cũng phải xin phép...
Thực phẩm có nguy cơ cao bao gồm 10 nhóm sau: Thịt và các sản phẩm từ thịt; Sữa và các sản phẩm từ sữa; Trứng và các sản phẩm chế biến từ trứng; Thuỷ sản tươi sống và đã qua chế biến; Các loại kem, nước đá, nước khoáng thiên nhiên; Thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm; Thức ăn, đồ uống chế biến để ăn ngay; Thực phẩm đông lạnh; Sữa đậu nành và sản phẩm chế biến từ đậu nành; Các loại rau, củ, quả tươi sống ăn ngay.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nguy cơ cao, không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; các hộ gia đình, cá nhân sản xuất thực phẩm bao gói đơn giản, kinh doanh hàng tươi sống, không bao gói; các quán ăn, các quầy bán thực phẩm chế biến sẵn để ăn ngay trong ngày và các chợ, khu du lịch, các lễ hội, hội nghị do xã tổ chức và quản lý; các trường tiểu học, mầm non không thuộc diện quản lý của cấp trên sẽ do UBND xã, phường, thị trấn cấp giấy chứng nhận...
Việc cấp phép sẽ hoàn thành trong vòng 15 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Phụ cấp ngành kiểm lâm
(SMS: 201487)
- Ngày 07/3/2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 14/2006/TT-BNN hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo ngành kiểm lâm địa phương.
Theo đó, chế độ phụ cấp được quy định như sau: Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chi cục loại I là 0,8, loại II là 0,7; Phó Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm loại I: 0,6, loại II: 0,7; Trưởng phòng, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động thuộc Chi Cục Kiểm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt phúc kiểm lâm sản lâm loại I và loại II: 0,4; Trạm trưởng Trạm kiểm lâm loại I và loại II: 0,25...
Chi cục loại I là Chi cục có số điểm đạt từ 85 đến 100 điểm: chỉ tiêu diện tích có rừng
³ 150.000 ha được 60 điểm; < 150.000 ha: 50 điểm; Số đầu mối quản lý như Hạt kiểm lâm, Hạt phúc kiểm lâm sản, Đội kiểm lâm cơ động: ³ 9 đầu mối được 20 điểm, < 9 đầu mối: 15 điểm; Số lao động: ³ 150 người được 20 điểm, < 150 người: 15 điểm...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.