Số 09.2009 (416) ngày 06/03/2009

 CHÍNH PHỦ


Ưu đãi đầu tư khu kinh tế cửa khẩu (SMS: 532098) - Theo Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 02/03/2009, các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) và khu phi thuế quan (KPTQ) sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ ngày 01/05/2009.
Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng. Đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quy mô lớn, có vai trò then chốt thì được phát hành trái phiếu công trình.
Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình dịch vụ tiện ích, công cộng cần thiết của KKTCK sẽ được đưa vào danh sách dự án kêu gọi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt
Nam ở nước ngoài được đầu tư trực tiếp vào KKTCK, kể cả việc áp dụng các hình thức BOT, BT, BTO.
Riêng đối với các KKTCK gồm: Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), An Giang (An Giang), Mộc Bài (Tây Ninh), Bờ Y (Kon Tum), Đồng Đăng-Lạng Sơn (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Đồng Tháp (Đồng Tháp), ngoài các hình thức huy động vốn ở trên còn được huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các DN có chức năng xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật trong KKTCK; được áp dụng hình thức tín dụng đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng và huy động mọi nguồn vốn đầu tư dưới các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Khi hết thời gian được miễn tiền thuê đất, các nhà đầu tư vào các khu kinh tế trên còn được áp dụng mức giá thuê đất, thuê mặt nước bằng 30% giá áp dụng tại huyện có mức giá thuê đất, thuê mặt nước thấp nhất trong địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào KKTCK còn nhận được nhiều ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các chính sách tài chính khác. Cụ thể, DN thành lập mới từ dự án đầu tư vào KKTCK được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; được miễn thuế thu nhập DN 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo tính từ năm đầu tiên DN có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư. Đối với người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại KKTCK, nếu có thu nhập từ việc làm tại KKTCK thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân thì được giảm 50% số thuế phải nộp…
Ngoài ra, dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư còn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước; dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư thì được miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các dự án khác sẽ được miễn tiền thuê đất 11 năm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01/05/2009.

Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng (SMS: 532040) - Ngày 27/02/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2009/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Trong hoạt động xây dựng, chủ đầu tư có các hành vi như tự thực hiện khảo sát xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực, không thực hiện giám sát khảo sát xây dựng hoặc không tổ chức nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.
Các chủ đầu tư vi phạm về trật tự xây dựng gồm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, tổ chức thi công xây dựng sai thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt; xây dựng sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn Giấy phép xây dựng... sau khi có quyết định đình chỉ thi công của cấp có thẩm quyền mà chủ đầu tư vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm, sẽ bị xử phạt từ 300 đến 500 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).
Trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, hành vi bán, cho thuê mua bất động sản thuộc diện phải qua Sàn giao dịch bất động sản mà không thông qua Sàn giao dịch; kinh doanh các bất động sản không đủ điều kiện hoặc không được phép đưa vào kinh doanh ...bị phạt từ 60 đến 70 triệu đồng.
Trong quản lý phát triển nhà ở và công sở, các chủ đầu tư không dành quỹ đất trong dự án phát triển nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, không đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật theo đúng dự án đã được phê duyệt... sẽ bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Trường hợp cho thuê nhà từ 06 tháng trở lên hoặc ủy quyền quản lý nhà ở mà không thực hiện công chứng hợp đồng, sẽ bị phạt từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng.
Các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị thu hồi, tước quyền sử dụng Giấy phép xây dựng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề.
Ngoài việc áp dụng các hình thức phạt tiền, phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, một số hành vi vi phạm còn phải được công bố trên Trang tin điện tử của Bộ Xây dựng và của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2009.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Điều chỉnh thuế nhập khẩu sữa (SMS: 532114) - Ngày 03/03/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 39/2009/TT-BTC về việc sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu đãi.
Theo đó, thực hiện điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số nhóm mặt hàng sữa thuộc nhóm 04.01 và 04.02.
Cụ thể, các loại sữa và kem, chưa cô đặc, chưa pha thêm đường hoặc chất ngọt khác thuộc nhóm 04.01 có mức thuế chung là 15% (so với mức 5% hiện nay).
Đối với các loại sữa và kem, cô đặc hoặc đã pha thêm đường hoặc chất ngọt khác như: dạng bột, hạt hoặc các thể rắn khác có hàm lượng chất béo không quá 1,5% tính theo trọng lượng... có mức thuế phổ biến từ 3 - 7%.
Thuế suất thuế nhập khẩu các loại sữa và kem thuộc nhóm mã HS 0402.91.00.00 điều chỉnh tăng lên mức 10% (so với mức 3% hiện nay). Đối với loại sữa tươi khác thuộc mã HS 0402.99.00.00 tăng lên mức 20% thay cho mức 7% hiện nay.
Riêng mặt hàng sữa bột vẫn giữa nguyên mức thuế suất cũ.
Thông tư này có hiệu lực và áp dụng cho các Tờ khai Hải quan hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày
09/03/2009.

Giảm thuế suất nhập khẩu linh kiện ôtô (SMS: 532113) - Từ ngày 09/03/2009, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các linh kiện, phụ tùng ô tô trong Biểu thuế nhập khẩu đãi được điều chỉnh giảm từ 2 - 5%. Đây là quy định mới tại Thông tư số 38/2009/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 27/02/2009.
Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu nhóm 84.08, động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén (diesel hoặc bán diesel), loại dùng cho xe vận tải hàng hoá khác và xe chở người từ 16 chỗ trở lên được điều chỉnh hạ từ 22% xuống còn 20%.
Động cơ đốt trong kiểu piston chuyển động tịnh tiến hoặc kiểu piston chuyển động quay tròn, đốt cháy bằng tia lửa điện loại dùng cho xe vận tải hàng hoá có tổng trọng lượng có tải trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn, đã lắp ráp hoàn chỉnh; loại dùng cho xe vận tải hàng hoá khác và xe chở người từ 16 chỗ trở lên, chưa lắp ráp hoàn chỉnh được điều chỉnh từ 20% xuống 15%.
Thuế nhập khẩu các bộ phận chỉ dùng hoặc chủ yếu dùng cho các loại động cơ thuộc nhóm 84.09 giảm 5%, từ 20% xuống 15%.
Thông tư này có hiệu lực thi hành và áp dụng cho các Tờ khai Hải quan hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày
09/03/2009.

Không thu phí C/O với hàng xuất khẩu (SMS: 532050) - Bộ Tài chính đã ra quyết định không thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) với các mẫu A, D, E, S, AK, giấy chứng nhận quy trình Kimberley và các loại C/O khác đối với các sản phẩm xuất khẩu. Đây là tinh thần nêu tại Thông tư số 37/2009/TT-BTC ra ngày 26/02/2009 của Bộ Tài chính.Theo quy định trước đây, mức thu phí khi cấp mới C/O là 50.000 đồng/giấy; phí cấp lại C/O là 10.000 đồng/giấy.
Thông tư này được áp dụng cho việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá đối với các sản phẩm xuất khẩu kể từ ngày 01/03/2009.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn (SMS: 532094) - Ngày 03/03/2009, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 1436/NHNN-CSTT, hướng dẫn một số điểm về thực hiện hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn theo Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Công văn này bổ sung một số đối tượng được hỗ trợ lãi suất vay vốn. Cụ thể, khách hàng vay vốn ngân hàng theo phương thức lưu vụ của ngân hàng đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng xen canh trồng lúa với các cây trồng ngắn hạn khác mà khoản vay đó sử dụng để sản xuất các mùa vụ trong năm 2009; khoản cho vay bằng nguồn vốn được tài trợ, ủy thác; khoản cho vay phát sinh trong ngày 01/02 và 02/02/2009; khoản vay được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; khoản cho vay để mua hàng hóa, chi phí sản xuất - kinh doanh được thanh toán theo phương thức trả chậm nếu hàng hóa hoặc sản phẩm đó chưa được tiêu thụ; khoản cho vay mà khách hàng vay chậm trả lãi tiền vay nhưng nợ vay gốc chưa chuyển sang nợ quá hạn; các khoản cho vay để thực hiện các phương án sản xuất - kinh doanh ở trong nước, kể cả thực hiện ở khu chế xuất và khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ nước ta.
Ngoài ra, khi chứng minh mục đích sử dụng vốn vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho doanh nghiệp chứng minh bằng bảng kê xuất - nhập hàng hóa có xác nhận chứng từ của bên liên quan nếu không có hóa đơn mua bán hàng hóa theo quy định của Bộ Tài chính.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định những trường hợp không được hỗ trợ lãi suất vay như: khách hàng vay thanh toán hàng nhập khẩu tiêu dùng bằng USD, vay VND để mua USD trả cho nước ngoài với mục đích nhập khẩu không phải hàng tiêu dùng, các công ty thế chấp sổ tiết kiệm cho ngân hàng với sổ tiết kiệm đó mở từ ngày 01/02 trở về sau thì không được tính hỗ trợ lãi suất trên khoản vay đảm bảo sổ tiết kiệm đó.  

Cho vay bằng cầm cố giấy tờ có giá (SMS: 532142) - Ngày 02/03/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2009/TT-NHNN quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét và quyết định thực hiện cho vay cầm cố đối với các ngân hàng khi có đủ các điều kiện sau: Là các ngân hàng thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng (hoặc các tổ chức tín dụng không phải là ngân hàng khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép) và không bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; Có giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn cầm cố theo quy định tại Thông tư này; Có hồ sơ đề nghị vay cầm cố tại Ngân hàng Nhà nước theo đúng quy định; Không có dư nợ quá hạn tại Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm xin vay; Có cam kết về sử dụng tiền vay cầm cố đúng mục đích và trả nợ (gốc và lãi) cho Ngân hàng Nhà nước đúng thời gian quy định.
Ngân hàng Nhà nước cho vay cầm cố đối với các ngân hàng tối đa là 01 năm (365 ngày). Thời hạn cho vay cầm cố tính cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết. Trường hợp ngày trả nợ trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết thì thời hạn cho vay được kéo dài đến ngày làm việc tiếp theo.
Lãi suất cho vay cầm cố đối với các ngân hàng là lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước áp dụng khi thực hiện cho vay cầm cố đối với các ngân hàng tại thời điểm giải ngân khoản vay và duy trì trong suốt thời hạn cho vay. Trường hợp dư nợ vay cầm cố bị chuyển sang nợ quá hạn thì ngân hàng phải chịu lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay ghi trên hợp đồng tín dụng.
Hồ sơ đề nghị vay cầm cố bao gồm: Giấy đề nghị vay cầm cố tại Ngân hàng Nhà nước; Bảng kê các giấy tờ có giá đề nghị cầm cố để vay vốn tại Ngân hàng Nhà nước có xác nhận của tổ chức phát hành, đại lý phát hành hoặc tổ chức lưu ký; Một số chỉ tiêu về nguồn vốn và sử dụng vốn của ngân hàng; Tình hình giao dịch của ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước; Bảng tính toán nhu cầu vay vốn VND từ Ngân hàng Nhà nước; Bảng cân đối kế toán của ngân hàng tại thời điểm gần nhất. Các bảng kê và giấy đề nghị trong hồ sơ đề nghị vay cầm cố được làm theo mẫu tại các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

 

 BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Hướng dẫn lập danh mục dự án chỉ định thầu (SMS: 532079) - Ngày 27/02/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 1235/BKH-QLĐT, hướng dẫn việc lập danh mục các dự án cần chỉ định thầu theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 229/TTg-KTN.
Theo đó, Danh mục dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng cần chỉ định thầu của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước theo quy định tại khoản 2 văn bản số 229/TTg-KTN phải có đủ các điều kiện sau đây: Dự án có ít nhất một gói thầu đáp ứng một trong các tiêu chí đề nghị chỉ định thầu quy định tại Mục II Công văn này và có giá đề nghị/đơn vị tính không được cao hơn giá gói thầu tương tự đã thực hiện trước đó (thuộc Bộ, ngành, địa phương liên quan); tổng giá trị các gói thầu được chỉ định thầu trong danh mục dự án không vượt quá 20% tổng vốn Nhà nước cho xây dựng cơ bản trong năm kế hoạch của Bộ, ngành và địa phương (trừ các gói thầu được phép chỉ định thầu theo quy định tại các điểm a, b, d, đ Khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu và các khoản từ khoản 1 đến khoản 6 Điều 40 Nghị định 58/2008/NĐ-CP).
Các dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh của công văn này bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế; Dự án có thời gian từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành từ 3 năm trở lên; Dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố hoặc địa bàn lân cận đã có công trình tương tự được tổ chức đấu thầu và có từ 3 nhà thầu trở lên mua hồ sơ mời thầu.
Tiêu chí đối với gói thầu cấp bách đề nghị chỉ định thầu được qui định như sau: Gói thầu giải phóng mặt bằng, di dời các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình dân sinh phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, y tế và giáo dục đã có đầy đủ điều kiện (về thủ tục đầu tư, về vốn, dự toán được duyệt, ngoài ra đối với gói thầu xây lắp phải có thiết kế kỹ thuật được duyệt) để khởi công và hoàn thành đến hết Quý I năm 2010; gói thầu nếu không triển khai ngay sẽ đe dọa và gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cộng đồng dân cư trên địa bàn (VD: gói thầu mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác dập dịch); gói thầu nếu không thực hiện ngay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các gói thầu tiếp theo trong dự án; gói thầu cấp bách nhằm phát huy hiệu quả của các công trình hiện hữu; các gói thầu thuộc dự án sản xuất nguyên liệu, vật liệu để thay thế vật tư thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu cho các dự án an ninh, an toàn năng lượng.

Công văn này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 LIÊN BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI - TÀI CHÍNH


Hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động mất việc làm (SMS: 532134) - Nhằm kịp thời triển khai các quy định để người lao động mất việc làm được hưởng trợ cấp mất việc trong tháng 3/2009, ngày 27/02/2009, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.
Theo hướng dẫn tại Thông tư này, số lao động phải giảm của doanh nghiệp quy định tại Quyết định 30/2009/QĐ-TTg (từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên) là số lao động trong danh sách trả lương của doanh nghiệp phải giảm trong năm 2009, bao gồm: số lao động là người Việt nam đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên. Thời điểm tính số lao động phải giảm là thời điểm doanh nghiệp lập phương án sắp xếp lao động.
Các nguồn của doanh nghiệp được sử dụng hết mà vẫn không đủ để thanh toán tiền lương, đóng BHXH và tiền trợ cấp mất việc, thôi việc, được Thông tư hướng dẫn gồm: Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm, các khoản tiền lương phải trả cho người lao động kể cả Quỹ dự phòng tiền lương, các nguồn đã trích để đóng BHXH nhưng chưa đóng cho cơ quan BHXH.
Để được vay hỗ trợ thanh toán cho người lao động, doanh nghiệp thực hiện trình tự, thủ tục theo hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và kèm theo văn bản xác nhận về phương án sắp xếp lao động của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, văn bản xác nhận của Sở Tài chính về việc kê khai sử dụng các nguồn chi trả nêu trên.
Đối với người lao động bị mất việc làm trong năm 2009, để được vay vốn để tự tạo việc làm hoặc học nghề cần có hồ sơ theo quy định hiện hành và kèm theo bản sao hợp đồng lao động, bản sao thanh lý hợp đồng lao động. Riêng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn phải kèm theo bản sao Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc bản sao hợp đồng cá nhân và xác nhận của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người lao động đăng ký hợp đồng cá nhân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.