Số 09.2008 (365) ngày 07/03/2008

 CHÍNH PHỦ


Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2008
(SMS: 503088)
- Theo Nghị quyết số 06/2008/NQ-CP ra ngày 03/3/2008, Chính phủ yêu cầu: kiểm soát chặt chẽ kinh tế vĩ mô để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, áp dụng chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất chủ động, linh hoạt và thận trọng; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng, thị trường chứng khoán để bảo đảm an toàn hệ thống. Kiểm soát thị trường, giá cả, thực hiện cơ chế điều tiết giá vật tư thiết yếu theo cơ chế thị trường và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng do tăng giá; Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xẩy ra thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chống lạm phát, tránh việc đưa tin thiếu khách quan gây phân tán và tạo áp lực tăng giá…
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản. Các Bộ, Ngành, địa phương khẩn trương rà soát các công trình đầu tư xây dựng, kiên quyết dừng các dự án kém hiệu quả, không đủ thủ tục, chưa rõ nguồn vốn. Tháo gỡ khó khăn về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế. Tháo gỡ vướng mắc về huy động, giải ngân ODA, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và vốn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài…
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, đề án theo đúng kế hoạch. Trước hết, cần tập trung ưu tiên xây dựng các đề án, cơ chế chính sách phục vụ sự chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đầu tư; chủ động đề xuất, kiến nghị với Chính phủ các biện pháp giải quyết những khó khăn, diễn biến bất thường về kinh tế-xã hội…


Thông tấn xã Việt Nam
(SMS: 503096)
- Ngày 03/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Theo đó, TTXVN có 21 nhiệm vụ, quyền hạn, trong có những nhiệm vụ chuyên môn nổi bật như: thống nhất phát văn kiện, thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước; được phép công bố những quan điểm chính thống của Nhà nước về các vấn đề thời sự, chỉnh hướng những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, cải chính những thông tin sai lệch. Khi cần thiết ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc; thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực thông tấn, báo chí…
TTXVN có 5 đơn vị giúp việc cho Tổng Giám đốc và được Tổng Giám đốc quyết định thành lập theo yêu cầu công tác; 7 đơn vị biên tập và 20 đơn vị là các cơ quan đại diện, phân xã, báo, tạp chí, bản tin chuyên đề và các tổ chức sự nghiệp khác.
TTXVN có không quá 04 Phó Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc TTXVN do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm. Tổng Giám đốc sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc và bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu và không quá 03 cấp phó của người đứng đầu các tổ chức trực thuộc…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Giám sát tài chính
(SMS: 503102)
- Ngày 03/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg thành lập Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia (GSTCQG).
Theo đó, Uỷ ban GSTCQG sẽ là đầu mối điều phối hoạt động giám sát chuyên ngành; giám sát chung thị trường tài chính và việc chấp hành các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động giám sát của các cơ quan thanh tra-giám sát chuyên ngành trong 3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Ngoài ra, Uỷ ban sẽ giám sát điều kiện cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động trong 3 lĩnh vực này.
Uỷ ban sẽ tiến hành phân tích, dự báo, cảnh báo mức độ an toàn hệ thống tài chính-ngân hàng và nguy cơ rủi ro đối với thị trường tài chính quốc gia; thiết lập cơ sở dữ liệu, tổng hợp, xử lý và cung cấp các thông tin về thị trường tài chính quốc gia báo cáo Thủ tướng.
Đối với các  tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc không thực hiện đầy đủ các điều kiện trong hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, Uỷ ban có quyền kiến nghị với các cơ quan thanh tra-giám sát chuyên ngành và cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm…
Uỷ ban GSTCQG là cơ quan có tư cách pháp nhân, được bố trí biên chế hành chính chuyên trách, kinh phí hoạt động được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Văn phòng Chính phủ.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008
(SMS : 503084)
- Theo Công văn số 319/TTg-KTTH ra ngày 03/3/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: cải thiện môi trường đầu tư để huy động đủ vốn đáp ứng cho yêu cầu tăng trưởng; đồng thời, phải đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư công; xem xét lại những công trình, dự án đọng vốn quá lâu, thiết kế ban đầu không còn phù hợp nữa hoặc công trình đầu tư kém hiệu quả; đình hoãn hoặc dãn những công trình chưa thật cần thiết…
Tiếp tục thực hiện mua ngoại tệ cho các nhà đầu tư, tính toán xem xét thứ tự ưu tiên việc mua ngoại tệ cho các đối tượng. Nghiên cứu triển khai phát hành Trái phiếu Chính phủ trong nước bằng đồng tiền Việt Nam, bằng ngoại tệ để hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, hút bớt tiền nhàn rỗi về, giảm áp lực lạm phát và tăng dự trữ quốc gia hoặc đầu tư ra nước ngoài…
Tiếp tục điều hành tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam với đồng Đô la Mỹ nói riêng và các loại ngoại tệ nói chung theo hướng căn cứ vào cung cầu trên thị trường, với biên độ giao động ± 2%...

Các giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng phải tiếp tục tạo điều kiện phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Cần áp dụng các giải pháp chống đầu cơ bất động sản thông qua việc kiểm soát tín dụng, chính sách thuế, kết hợp với những biện pháp hành chính cần thiết. Các Bộ, ngành và địa phương liên quan cần điều chỉnh quy hoạch, rà soát các danh mục đầu tư, dự án... để tăng cường nguồn cung bất động sản, tạo sự cân bằng và phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.
 

 BỘ CÔNG THƯƠNG


Tiêu chuẩn Giám đốc Sở Công Thương
(SMS: 503101)
- Theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BCT ban hành ngày 03/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, quy định: người được bổ nhiệm Giám đốc Sở Công Thương phải có trình độ đại học trở lên về các ngành kỹ thuật công nghiệp, kinh tế hoặc quản lý kinh tế, thương mại. Có thời gian công tác trong ngành công nghiệp hoặc thương mại từ 5 năm trở lên. Khuyến khích bổ nhiệm những cán bộ trẻ tuổi có trình độ ngoại ngữ và trình độ tin học tốt. Thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm…
Người được bổ nhiệm phải có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển về công nghiệp và thương mại trên địa bàn. Có năng lực quản lý, điều hành các hoạt động của Sở, nắm vững các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh. Có khả năng hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống và phát triển thương mại của địa phương…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TƯ PHÁP


Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý
(SMS: 503083)
- Ngày 28/02/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 03/2008/QĐ-BTP ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý.
Theo đó, Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý là hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý cộng đồng, được lập ra để người được trợ giúp pháp lý và những người có hoàn cảnh đặc biệt khác ở địa phương tham gia sinh hoạt, trao đổi những vướng mắc pháp luật của họ với nhau nhằm tăng cường khả năng tự giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết vướng mắc thông qua tư vấn pháp luật, giúp đỡ kiến thức pháp luật để hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
Nghiêm cấm các hình thức lợi dụng sinh hoạt Câu lạc bộ để kích động, gây chia rẽ đoàn kết cộng đồng, các hành vi gây rối làm mất trật tự công cộng và các hành vi khác làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương được thông tin về nội dung các đợt sinh hoạt Câu lạc bộ để đến tham dự sinh hoạt nếu có nhu cầu. Những người thuộc diện cận nghèo, người có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn hoặc thuộc trường hợp cô đơn, không nơi nương tựa hoặc người có vướng mắc pháp luật mà chưa có điều kiện được hướng dẫn, giải đáp thì cũng được tham dự sinh hoạt Câu lạc bộ…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Trung tâm Trợ giúp pháp lý
(SMS : 503082)
- Ngày 28/02/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 02/2008/QĐ-BTP ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước.
Theo đó, Trung tâm có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật…
Trung tâm chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.

Trung tâm làm việc theo chế độ của đơn vị sự nghiệp, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của viên chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Người thực hiện trợ giúp pháp lý chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước Giám đốc Trung tâm, Trưởng phòng hoặc Trưởng Chi nhánh về toàn bộ nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý do mình thực hiện. Giám đốc Trung tâm, Trưởng phòng, Trưởng Chi nhánh
không được can thiệp hoặc gây áp lực vì mục đích cá nhân, tư lợi đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Kiểm định an toàn lao động
(SMS: 503063)
- Ngày 27/02/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Theo đó, khi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu kiểm định, phải thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện/fax/thư điện tử đến đơn vị kiểm định. Ngoài ra, phải cung cấp các tài liệu kỹ thuật liên quan đến đối tượng kiểm định, cử người đại diện chứng kiến quá trình kiểm định; khắc phục các hiện tượng không bảo đảm an toàn liên quan đến công việc kiểm định và tạo điều kiện cho đơn vị kiểm định thực hiện công việc.
Đơn vị kiểm định thực hiện việc kiểm định đối tượng theo đúng quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đối với các loại máy, thiết bị chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thì căn cứ vào các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kiểm định quốc tế hoặc của các nước đã được Việt Nam thừa nhận để thực hiện việc kiểm định.
Trong quá trình kiểm định, nếu đơn vị kiểm định phát hiện đối tượng có nguy cơ dẫn đến sự cố, tai nạn lao động thì phải ngừng việc kiểm định, báo cho cơ sở biết để có biện pháp khắc phục.
Các đối tượng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký trước khi Thông tư này có hiệu lực vẫn còn giá trị, trừ một số trường hợp phải đăng ký lại như chuyển đổi sở hữu đối tượng; chuyển vị trí lắp đặt đối tượng; sau khi cải tạo, sửa chữa làm thay đổi kết cấu chịu lực, thông số kỹ thuật của đối tượng đã đăng ký.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


Giám định viên sở hữu công nghiệp
(SMS: 503056)
- Ngày 25/02/2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp (SHCN) và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định về quyền SHCN.
Theo đó, cá nhân được cấp Thẻ giám định viên chỉ được
lựa chọn 1 trong 2 hình thức: hoạt động độc lập hoặc hoạt động trong một tổ chức giám định
SHCN. Trường hợp cá nhân chọn hình thức hoạt động dưới danh nghĩa của tổ chức giám định SHCN thì giám định viên phải được ghi nhận vào Danh sách giám định viên thuộc tổ chức giám định SHCN…
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên, Giấy chứng nhận tổ chức giám định; lập và công bố Danh sách giám định viên SHCN; tổ chức giám định SHCN…
Thẻ giám định viên hay Giấy chứng nhận tổ chức giám định sẽ bị thu hồi nếu có chứng cứ khẳng định Thẻ giám định viên hay Giấy chứng nhận được cấp trái với quy định của pháp luật, người được cấp Thẻ hay tổ chức giám định không đáp ứng được các điều kiện quy định, hoặc từ bỏ hoạt động giám định...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.